Điều này nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng (TCTD) ổn định và giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. Đây cũng chính là nền tảng để có thể giảm lãi suất đầu vào, tạo điều kiện giảm thêm lãi suất cho vay.
Tiếp tục điều chỉnh lãi suất huy động
Theo Báo cáo thị trường tài chính tiền tệ tuần cuối tháng 5/2020 của Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research), lãi suất tiền gửi tại một số ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) lớn được điều chỉnh giảm 0,6 - 0,7%/năm so với đầu năm ở kỳ hạn dưới 12 tháng và trên 12 tháng có mức giảm từ 0,65 - 1%/năm. Mức giảm lãi suất của các NHTM nhỏ thấp hơn chỉ khoảng 0,2 - 0,4%. Tuy nhiên theo nhận định của SSI, do các ngân hàng nhỏ bị khống chế mức tăng trưởng tín dụng nên khả năng hấp thụ lượng tiền gửi cũng hạn chế, vì thế các nhà băng này có thể cũng sẽ điều chỉnh giảm tiếp lãi suất trong thời gian tới.
Ngay trong ngày đầu tháng 6/2020, thị trường ghi nhận nhiều NHTM tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Chẳng hạn như VietinBank điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm ở nhiều kỳ hạn: kỳ hạn 6-9 tháng giảm 0,2% còn 4,9%; kỳ hạn dài từ 12 - 36 tháng và trên 36 tháng đều được áp chung mức lãi suất 6,5%/năm. So với tháng 5, lãi suất tiền gửi tại các kỳ hạn này giảm từ 0,1 - 0,3%. Còn theo biểu lãi suất mới nhất đầu tháng 6 của Vietcombank, lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1 - 36 tháng dao động từ 4%/năm đến 6,6%/năm.
Với khối NHTMCP, VPBank vừa công bố điều chỉnh lãi suất huy động, áp dụng từ ngày 1/6/2020. Đối với các khoản tiền gửi tại quầy, lãi suất kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng chỉ còn 3,8% - 4%/năm; tiền gửi 3 tháng đến dưới 6 tháng lãi suất từ 3,85% - 4,1%/năm. Ở kỳ hạn 6 tháng trở lên, lãi suất là 6,4% - 7,2%/năm. So với biểu lãi suất cũ thì lãi suất mới của VPBank giảm 0,1 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn.
Techcombank cũng vừa giảm lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng về 5,2%/năm. Eximbank điều chỉnh giảm lãi suất ở các kỳ hạn 6 tháng còn 5,6%/năm, 12 tháng còn 7,2%/năm. SCB điều chỉnh lãi suất của hầu hết các kỳ hạn dưới 12 tháng…
Theo các chuyên gia ngân hàng, động thái giảm lãi suất của các ngân hàng cho thấy, việc cắt giảm lãi suất của NHNN đang lan tỏa đến thị trường. Trước đó, hôm 13/5, NHNN đã có các quyết định điều chỉnh giảm một loạt các mức lãi suất điều hành, trong đó có việc giảm trần lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng. Đây là lần cắt giảm lãi suất thứ hai của NHNN chỉ trong vòng 2 tháng.
Theo một chuyên gia ngân hàng, việc hạ lãi suất điều hành của NHNN đã giúp các TCTD giảm bớt chi phí vốn, qua đó có thêm cơ hội giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đáng chú ý có chút khác biệt trong hai lần điều chỉnh lãi suất điều hành của NHNN. Ở lần điều chỉnh đầu tiên vào tháng 3 là nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19. Song trong lần điều chỉnh lãi suất điều hành tháng 5 vừa qua, sau khi dịch đã tương đối được kiểm soát, mục đích nhìn thấy rõ là để kích thích tăng trưởng kinh tế thông qua kích thích đầu tư, giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh với chi phí vốn thấp hơn.
Giảm lãi vay trung, dài hạn cần độ trễ
Từ trung tuần tháng 5/2020, NHNN đã tổ chức nhiều Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố. Ghi nhận tại một số hội nghị, nhiều doanh nghiệp có kiến nghị và mong muốn lãi vay tiếp tục giảm thêm, nhất là với lãi vay trung và dài hạn.
Theo chuyên gia, lãi suất huy động và cho vay ngắn hạn đã giảm, nhưng để lan toả tới lãi suất dài hạn cần phải có thời gian. Bởi hiện các ngân hàng đã và đang triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp hơn từ 0,5% - 2% so với thời kỳ trước dịch để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những khó khăn do dịch bệnh gây ra cũng như phục hồi sau dịch. Trong khi để giảm được lãi suất, các ngân hàng đã phải tiết giảm tối đa chi phí hoạt động; thậm chí nhiều ngân hàng còn cắt giảm cả lương, thưởng của cán bộ quản lý.
“NIM của hệ thống ngân hàng đã bị thu hẹp đáng kể do lãi suất cho vay giảm nhanh hơn lãi suất huy động trong thời gian qua”, vị chuyên gia ngân hàng trên cho biết và nói thêm rằng, trong bối cảnh đó điều kiện tiên quyết để giảm thêm lãi suất cho vay là phải giảm được lãi suất huy động.
Tuy nhiên theo quan sát của phóng viên, hiện mặt bằng lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng đã được kéo giảm theo quy định của NHNN. Thế nhưng với các kỳ hạn trên 6 tháng, lãi suất huy động nhìn chung chưa giảm nhiều. Nguyên nhân một phần cũng bởi áp lực lạm phát hiện vẫn là rất lớn.
Theo Tổng cục Thống kê, mặc dù CPI tháng 5/2020 giảm nhẹ 0,03% so với tháng trước, song CPI bình quân thì 5 tháng đầu năm 2020 vẫn tăng 4,39% so với cùng kỳ năm 2019, là mức tăng cao nhất của CPI bình quân trong vòng 3 năm trở lại đây. Mặc dù vậy, theo TS. Nguyễn Đức Độ - Học viện Tài chính, lạm phát hiện tại nếu so sánh với cùng kỳ năm 2019 chỉ ở mức 2,4% nên lạm phát trung bình các tháng sau sẽ có xu hướng giảm dần, do đó có cơ sở cho áp lực đến mục tiêu kiểm soát lạm phát mức 4% của Việt Nam năm nay cũng sẽ được giảm bớt. Lạm phát giảm sẽ tạo điều kiện để các ngân hàng kéo giảm lãi suất huy động, từ đó giảm tiếp lãi suất cho vay.
Hơn thế, theo TS. Châu Đình Linh - Đại học Ngân hàng TP.HCM, hiện NHNN vẫn còn dư địa để có thể giảm tiếp lãi suất điều hành. Tuy nhiên “quan trọng là phải đo lường phản ứng của NHTM đối với phía đầu ra của lãi suất cho vay với doanh nghiệp, cá nhân, tới nền kinh tế như thế nào, có tác động tích cực tới đâu thì từ đó NHNN sẽ điều chỉnh chính sách của mình phù hợp hơn và có dư địa để tiếp tục can thiệp khi cần thiết”.
Chưa kể hiện mặt bằng lãi suất tại Việt Nam đã thấp hơn nhiều so với những năm trước và đang ở mức tương đương hoặc thấp hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực. Một báo cáo của IMF vào tháng 1/2020 ghi nhận mặt bằng lãi suất cho vay bình quân của Việt Nam đang ở mức 7,7% ở cả kỳ hạn ngắn, trung và dài hạn. Mức lãi suất cho vay này thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Indonesia 10,01%; Mông Cổ 16,81%; Bangladesh 9,62%; Ấn Độ là 9,4%; Myanmar là 16%...
NHNN cũng cho biết sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá… chủ động, linh hoạt, phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường, mục tiêu chính sách tiền tệ để góp phần kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện cho các TCTD ổn định và giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. Đây cũng chính là nền tảng để có thể giảm lãi suất đầu vào, tạo điều kiện giảm thêm lãi suất cho vay.