Báo cáo ngành xi măng vừa được công bố bởi Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho hay, giá xi măng tăng nhẹ trong năm 2021, chủ yếu đến từ áp lực giá nguyên liệu năng lượng đầu vào, cụ thể là than đã tăng mạnh từ đầu năm, gây áp lực tăng giá bán cho xi măng.
Tuy nhiên, theo nhóm nghiên cứu, giá xi măng tại các miền có sự tăng giá khác biệt do nhu cầu xi măng tại miền Bắc và miền Nam suy giảm mạnh bởi giãn cách xã hội, khiến cho các hoạt động xây dựng tạm ngừng hoặc chậm lại. Điều này khiến cho giá xi măng khó tăng mặc cho áp lực tăng giá từ nguyên liệu đầu vào. Tại miền Nam, giá than đã tăng 144% kể từ đầu năm, nhưng giá xi măng tăng chỉ khoảng 3%.
Tương quan giá nguyên liệu và giá điện với giá xi măng.
Đối với thị trường trong nước, những tín hiệu hồi phục của thị trường xây dựng sau giãn cách đã tác động khá lớn tới hoạt động sản xuất xi măng. Theo đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 mà tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 2021 thấp hơn trong 9 tháng đầu năm, tuy nhiên, kế hoạch vốn giải ngân đầu tư công năm 2020 - 2021 đang ở mức cao so với trung bình 3 năm trước đó. "Vậy nên, sau khi mở cửa lại nền kinh tế trong quý IV/2021 sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu xi măng", báo cáo nêu.
Bên cạnh đó, áp lực cạnh tranh sẽ gia tăng khi các nhà máy mới đi vào hoạt động trong năm 2021 - 2022 (+7,8 triệu tấn) khiến cho tình trạng dư thừa công suất tiếp tục gia tăng, làm tình hình cạnh tranh giá bán sẽ tiếp tục diễn ra, đặc biệt là tại thị trường miền Bắc và miền Trung. Trong ngắn hạn, VCBS cho rằng, giá bán sẽ chịu áp lực lớn trong quý IV/2021 do lượng hàng tồn kho lớn gây ra bởi sản lượng tiêu thụ giảm sâu (-50% so với cùng kỳ) trong quý III/2021.
Có thể thấy, giá thành sản xuất vẫn duy trì mức cao khi giá than nhập khẩu vẫn giữ ở mức 154 USD/tấn, cao hơn 90% so với cùng kỳ, chịu ảnh hưởng lớn từ thị trường năng lượng thế giới. Bên cạnh đó, giá than trong nước hiện tại đang thấp hơn so với thế giới với khoảng 100 USD/tấn, tuy nhiên, đã điều chỉnh tăng 9 - 12% so với cùng kỳ từ tháng 8/2021.
Giải ngân vốn đầu tư công chậm đã phần nào tác động đến hoạt động sản xuất xi măng trong 9 tháng đầu năm 2021.
Dự báo sang năm 2022 thì giá than trong nước có thể điều chỉnh tăng do chi phí sản xuất khai thác than hầm lò cao hơn, gây thêm áp lực cho giá thành sản xuất xi măng trong nước. Cũng theo báo cáo của VCBS, sản lượng tiêu thụ nội địa sẽ tăng trưởng trở lại trong năm 2022, tuy nhiên biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp sản xuất gặp áp lực lớn để duy trì như hiện nay do cạnh tranh lớn cùng áp lực từ giá đầu vào.
Đối với thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc, do hoạt dộng sản xuất xi măng sử dụng nhiều than/ phát thải carbon và thải ra rất nhiều bụi gây tác động xấu đến môi trường, trong khi, Trung Quốc đang hướng tới cắt giảm carbon trong kế hoạch 5 năm của mình khiến cho quốc gia này có động thái cắt giảm sản xuất xi măng. Đồng thời, quý I/2022 cũng là thời điểm Thế vận hội Mùa đông 2022 tại Bắc Kinh diễn ra, điều này sẽ giúp cắt giảm sản lượng sản xuất các nhà máy xi măng hơn nữa.
Song song đó, thị trường bất động sản Trung Quốc đang chững lại do quốc gia này tiến hành siết dần thị trường bất động sản với chính sách “3 lằn ranh đỏ” đã làm hạn chế khả năng vay nợ và đảo nợ của các nhà phát triển bất động sản. Cùng với đó là sự kiện Evergrande cũng làm nguội bớt thị trường bất động sản tại đây.
Ngoài ra, tại Việt Nam, Bộ Tài chính đang đề xuất Chính phủ tăng mức thuế suất xuất khẩu với mặt hàng clinker từ 5% lên 10% nhằm hạn chế xuất khẩu sản phẩm dùng nhiều nguyên liệu, nhiên liệu và tài nguyên khoáng sản không tái tạo.
Từ những yếu tố trên có thể thấy, sản lượng xuất khẩu xi măng của Việt Nam sang Trung Quốc dự báo sẽ suy giảm do sự suy yếu thị trường bất động sản tại thị trường này, đi kèm với thuế suất xuất khẩu tăng lên./.