Kinh tế tăng, bán lẻ tăng
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 11 tháng đầu năm 2019 xuất khẩu của nước ta đạt 241,7 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2018, đạt chỉ tiêu 7 - 8% của Quốc hội giao; kim ngạch nhập khẩu đạt 230,7 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2018.
Dự báo của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2021 – 2025, tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ đạt khoảng 7%/năm, kinh tế vĩ mô về cơ bản ổn định, lạm phát ở mức 3,5 - 4,5%/năm. Tăng trưởng kinh tế rất tốt, vượt ngưỡng 500 tỷ USD.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, đây là con số rất ấn tượng, cho thấy sự tăng trưởng và phát triển bền vững của thương mại quốc tế trong cơ cấu kinh tế Việt Nam.
“Phải khẳng định, con số 500 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều quả thực là con số ấn tượng, giúp Việt Nam lọt Top 30 quốc gia có tăng trưởng xuất nhập khẩu tốt trên thế giới. Nếu xét về tăng trưởng cả giai đoạn lên đến 13% thì Việt Nam thuộc Top đầu thế giới duy trì tăng trưởng cao, bền vững. Đáng chú ý, không chỉ quy mô thương mại hai chiều đạt mức cao mà chất lượng tăng trưởng cũng ngày càng được cải thiện”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Các yếu tố trên đều cho thấy một năm lạc quan của ngành bán lẻ sắp diễn ra, vì nền kinh tế tăng trưởng ở tốc độ cao, trong khi tăng trưởng xuất nhập khẩu cũng tăng mạnh góp phần khiến cho thu nhập của người dân tốt lên, kéo theo tiêu dùng tăng.
Chưa kể, ở góc độ vĩ mô, chiến tranh thương mại Trung – Mỹ được hòa hoãn, giúp cho nguồn cung trên toàn thế giới cũng tăng, trong đó có Việt Nam. Yếu tố rủi ro giảm đi thì tiêu dùng sẽ tăng lên.
Dự báo thị trường bán lẻ
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, nhìn chung ngành bán lẻ hiện đại tiếp tục xu hướng tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Tuy nhiên, quá trình phát triển của ngành sẽ có sự phân hóa trong hoạt động của các doanh nghiệp. Cụ thể, dưới sức ép cạnh tranh thì các doanh nghiệp có chi phí hoạt động ở mức cao hơn trung bình ngành sẽ dần “tụt lại” phía sau trong khi các doanh nghiệp có mặt bằng chi phí hoạt động thấp sẽ ngày càng lấn lướt. Thị trường bán lẻ hiện đại đang có sự đan xen thị phần sẽ dần hình thành các doanh nghiệp lớn mang tính chi phối, dẫn dắt thị trường.
Cơ hội tham gia vào thị trường bán lẻ rất lớn nhưng sự bão hòa ngắn hạn sẽ xảy ra cục bộ do số lượng cửa hàng mở mới đang quá nhiều tại một số địa phương trong khi sức mua của người tiêu dùng chưa thể tăng tương ứng. Ngành bán lẻ hiện đại vấp phải sự cạnh tranh với mô hình chợ truyền thống và tiệm tạp hóa truyền thống. Mặc dù vậy, tình hình hoạt động của ngành bán lẻ hiện đại được đánh giá tương đối khả quan trong tương lai với bối cảnh kinh tế vĩ mô Việt Nam đang ngày càng tích cực.
Theo ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, các chuyên gia quốc tế và trong nước hầu hết đều có chung một nhận định, tương lai của bán lẻ Việt Nam rất sáng sủa và có nhiều tiềm năng bởi dân số đông, sức mua ngày càng tăng, giới trẻ chiếm đa số, thị trường nông thôn còn trống vắng những hệ thống bán lẻ hiện đại. Trong tương lai, khi thu nhập bình quân đầu người hàng năm ở nước ta tăng thì chắc chắn sức mua ở khu vực bán lẻ sẽ ngày càng tăng cao. Thị trường bán lẻ trong một số năm tới theo dự báo sẽ tăng trưởng bình quân hàng năm ở mức 2 con số.
Những thành tựu mới của công nghiệp 4.0 và công nghệ thông tin sẽ giúp cho thị trường bán lẻ tăng trưởng nhanh hơn, chất lượng hơn và giảm chi phí hơn. Bán lẻ Việt với định hướng xuyên suốt là lấy khách hàng làm trung tâm, là nhân tố quyết định cho sự tồn tại của mỗi thương hiệu bán lẻ. Người tiêu dùng sẽ luôn luôn đặt niềm tin thực sự vào những doanh nghiệp bán lẻ chân chính, làm ăn tử tế, có văn hóa phục vụ văn minh, có thương hiệu, được xây dựng một cách bền vững.
Cũng theo ông Vũ Vinh Phú, các doanh nghiệp bán lẻ cần phải thấm nhuần ý nghĩa của nền kinh tế chia sẻ, giữ vững mối quan hệ bình đẳng cùng có lợi với khách hàng mua và khách hàng bán để phát triển một cách bền vững. Doanh nghiệp cần coi trọng yếu tố con người trong việc phát triển. Coi con người là một trong những thành tố quan trọng nhất cho doanh nghiệp, cán bộ công nhân viên được làm việc trong môi trường cạnh tranh lành mạnh, được tôn trọng và được tự do suy nghĩ sáng tạo ở mỗi vị trí được phân công.
Mặc dù trong quá trình phát triển đi lên, các doanh nghiệp bán lẻ nội địa còn gặp một số khó khăn nhất định, song tương lai thuộc về các doanh nghiệp chấp nhận đi cùng nhau để đi đến đích nhanh hơn và hiệu quả hơn. Ngành bán lẻ trong quá trình phát triển ngoài sự nỗ lực chủ quan của ngành thì cần có những chính sách hỗ trợ của Nhà nước và các bộ ngành địa phương sở tại.
“Nếu làm được những vấn đề đã nêu ở trên thì tương lai của ngành bán lẻ trong các năm tới sẽ rất sáng sủa, góp phần quan trọng thúc đẩy sản xuất trong nước, tự tin làm chủ hệ thống phân phối nội địa, hỗ trợ tiêu thụ hàng Việt trên sân nhà. Đồng thời chấp nhận vừa hợp tác, vừa cạnh tranh một cách công khai bình đẳng với các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài và phục vụ tốt cộng đồng gần 100 triệu dân Việt Nam”, ông Phú nhấn mạnh.