Aa

Dự báo thị trường bất động sản 2020: Vùng ven bổ trợ cho nguồn cung hao hụt

An An
An An pvhongvu@gmail.com
Thứ Năm, 05/12/2019 - 16:30

Nguồn cung bất động sản năm 2019 - 2020 được dự báo tiếp tục khan hiếm, đặc biệt là tại các vùng nội đô thành phố lớn. Tuy nhiên, để bổ sung nguồn cung cho thị trường, vùng ven sẽ trở nên sôi động.

Vùng ven - cơ hội cho người ít vốn

Thị trường bất động sản 2019 ghi nhận thanh khoản bất động sản tại TP.HCM sụt giảm, tuy nhiên, giá nhà đất nhiều khu vực tại TP.HCM vẫn tăng do nguồn cung sụt giảm. Trong khi đó, giao dịch bất động sản nhiều khu vực lân cận TP.HCM vẫn diễn ra khá sôi động. Như tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Thuận, Cần Thơ, Long An… Nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn bắt đầu đầu tư vào các dự án lớn, trong đó có những khu đô thị mới đẳng cấp được hình thành, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Tại Hội thảo “Cơ hội đầu tư bất động sản vùng lân cận TP.HCM năm 2020” tổ chức sáng 5/12, TS. Sử Ngọc Khương, chuyên gia đầu tư tài chính phân tích, hiện nay tốc độ hoá tại TP.HCM rất cao, dù vậy quỹ đất tại TP.HCM không hẳn đã cạn kiệt nếu nhìn về hướng Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn. Tuy nhiên, những khu vực này vẫn chưa có sự phát triển của hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, giá cả đất đai cũng đã tăng khá cao, vượt quá khả năng của phần lớn người dân.

TS. Sử Ngọc Khương, chuyên gia đầu tư tài chính

Do đó, các thị trường vùng ven có quỹ đất rộng và giá cả thấp hơn nhưng đang có sự phát triển mạnh mẽ của cơ sở hạ tầng sẽ là điểm đến của các nhà đầu tư, người mua có nhu cầu ở. Thực tế, đã có rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước sở hữu quỹ đất lên đến hàng trăm hecta tại các thị trường vùng ven với dự kiến triển khai dự án trong các năm tới.

TS. Khương nhấn mạnh: “Với những nhà đầu tư vốn mỏng, việc mua những khu đất có diện tích nhỏ tại vùng ven là hướng đầu tư khôn ngoan. Bởi bất động sản có diện tích nhỏ hiện có giá bán thấp nên luôn có tính thanh khoản rất cao do nhu cầu lớn. Việc đô thị hóa cùng với tốc độ phát triển kinh tế ngày càng mạnh tại các địa phương phụ cận TP.HCM giúp giá trị của bất động sản tại các khu vực này được duy trì. 

Bên cạnh nhu cầu ở, bất động sản tại đây còn có thể mang lại nguồn thu từ cho thuê làm kho xưởng hay xây phòng trọ cho thuê. Với số vốn vài trăm triệu đồng, chọn mua đất tại các thị trường vùng ven có thể mang về khoản lợi nhuận lên đến vài tỷ đồng nếu nhà đầu tư chấp nhận chờ đợi 3 - 5 năm”.

Tuy nhiên, ngoài những lợi thế, đầu tư bất động sản vùng phụ cận vẫn có nhiều vấn đề cần lưu ý. Theo các chuyên gia, trước khi xuống tiền, nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ quy hoạch, hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông để có cái nhìn toàn diện nhất. Bởi giá trị bất động sản bên cạnh hạ tầng kỹ thuật còn phải có sự phát triển của hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện, hạ tầng kinh tế mới đủ sức thu hút người dân về sinh sống. Nếu chỉ ăn theo hạ tầng, nhất là các dự án hạ tầng lớn sẽ rất rủi ro, bởi đây là các dự án phải triển khai trong nhiều năm, cần tầm nhìn dài hạn. Những bài học ở các "đô thị ma" lân cận TP.HCM là minh chứng.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn bắt đầu đầu tư vào các dự án tại Vũng Tàu. (Ảnh minh hoạ)

Cùng quan điểm, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Trưởng bộ phận tiếp thị dự án nhà ở CBRE cho biết: "Thị trường vùng ven năm vừa qua chịu hệ lụy lớn của những dự án "ma", đặc biệt là tâm lý bất an của nhà đầu tư. Do đó, trong năm tới, việc phát triển dự án thành hay bại phụ thuộc rất nhiều vào niềm tin của người mua. Bên cạnh các yêu cầu về vị trí và hạ tầng, xu hướng mua tập trung nhiều hơn vào pháp lý, uy tín và chất lượng dự án".

Cũng theo ông Kiệt, khu vực vùng ven đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư nhỏ lẻ, bởi đây là thị trường có nhiều sản phẩm sôi động, nhất là trong bối cảnh thị trường TP.HCM đang gặp nhiều khó khăn về nguồn cung, khan hiếm sản phẩm.

Giá bán nhà tại khu vực trung tâm tăng cao, thách thức về áp lực lãi vay, đầu tư cho thuê không còn hấp dẫn vì hiệu suất sinh lời giảm mạnh giai đoạn 2018 - 2019.

Tại TP.HCM, trong quý III/2019 có dự án ở phân khúc tầm trung tại quận 9 được chào bán với số lượng 10.000 căn. Nhìn chung, thị trường khá khó khăn, nhưng hầu hết dự án chào bán mới thành công khoảng 70 - 80%, đặc biệt là phân khúc tầm trung. Ở phân khúc hạng sang, tỷ lệ biến động giá so với các phân khúc khác dự kiến còn tăng. Tuy nhiên với mức giá hiện nay, nhiều nhà đầu tư khó chen chân nên xu hướng tìm kiếm về vùng ven là tất yếu.

Ông Kiệt cũng cho hay, Đồng Nai, Bình Dương hay Long An đang là những thị trường quyết định nguồn cung lớn trong năm 2020. Trong đó, sản phẩm nhà phố sẽ được ưa chuộng, nhất là các dự án có chủ đầu tư uy tín và pháp lý rõ ràng.

6 yếu tố thị trường cần lưu ý trong dài hạn

Cũng chia sẻ tại Hội thảo, TS. Võ Trí Thành, Nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế Trung ương cho hay: “Thời gian qua, thị trường bất động sản trầm lắng nguồn cung, rõ nhất ở TP.HCM và Hà Nội, lượng giao dịch cũng giảm so với cùng kỳ. Tuy nhiên, bất động sản đang có tiềm năng tương đối tốt khi tầng lớp trung lưu tăng cao, cách sống của giới trẻ khiến nhu cầu gia tăng các loại hình bất động sản. 

Năm 2020, tôi cho rằng thị trường khó có đột biến về nguồn cung và giao dịch, tất nhiên tùy phân khúc. Nguồn cung nội đô TP.HCM và Hà Nội vẫn khan hiếm trong năm 2020. Mặt khác, sắp tới vùng ven có thể sẽ trở thành một quận, chẳng hạn như Đông Anh (Hà Nội). Từ đó khái niệm vùng ven hay nội đô sẽ thay đổi”.

TS. Võ Trí Thành

TS. Võ Trí Thành cũng cho rằng, có sáu yếu tố liên quan đến bất động sản cần lưu ý trong trung dài hạn. Đầu tiên, pháp lý liên quan đến bất động sản có quá nhiều luật. Gần như tất cả các luật cần sửa đổi để hoàn thiện, còn chồng chéo, xung khắc và những vấn đề này sẽ còn kéo dài. Tuy nhiên, vẫn có những điểm hy vọng tích cực dù chưa lớn, ví dụ như pháp lý với condotel cũng đang được bàn thảo.

Yếu tố thứ hai là tốc độ đô thị hóa. Việt Nam mới có 35% đô thị. Như vậy, xu thế đô thị hóa trong thời gian tới sẽ rất mạnh. Trong xu thế này, Hà Nội, TP.HCM, thậm chí Đà Nẵng đứng trước nhiều áp lực về hạ tầng giao thông đi cùng biến đổi khí hậu. Do đó, cần lan tỏa ra các tỉnh lân cận và vùng ven. Lan tỏa này gắn theo câu chuyện dòng người di cư, nhu cầu lao động…

Yếu tố thứ ba, là hạ tầng bức tranh vẽ nên rất đẹp nhưng tốc độ triển khai còn bất định nên đây vẫn còn là dấu hỏi. Năm nay giải ngân đầu tư công chậm nhưng thu ngân sách khá, hy vọng sẽ đẩy nhanh được giải ngân đầu tư công trong thời gian tới.

Yếu tố thứ tư, về đất đai từ quyền sở hữu chuyển nhượng, đấu thầu còn là câu chuyện dài, ví dụ như câu chuyện đất công ở TP.HCM và tăng giá đất liên quan đến thuế, đến đầu ra cho bất động sản.

Yếu tố thứ năm là vốn và tiền. FDI là điểm tốt không chỉ đầu tư trực tiếp mà M&A cũng tốt nhờ chuyển hướng chiến lược và chuyển hướng đầu tư của nhiều nước. Chính sách tiền tệ tốt, tỷ giá tốt, lãi suất giảm có thể còn cần thời gian để lan tỏa đến nền kinh tế nhưng đây là tín hiệu tốt. Thời gian tới Bộ Tài chính sẽ sửa Nghị định 20. Đây cũng là tín hiệu tích cực. Thông tư 22 liên quan đến tiền huy động vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn xuống 40% từ đầu năm tới, cho các năm tiếp theo các tỷ lệ này sẽ giảm dần.

Tín dụng bất động sản hiện nay thu hẹp chưa nhiều, 9 tháng đầu năm tín dụng cho bất động sản tăng 16%, tổng tín dụng cho vay liên quan bất động sản, nhà đầu tư và người tiêu dùng gần 20% trên tổng dư nợ tín dụng. Trong đó cho vay kinh doanh bất động sản năm nay còn lại 32%.

Yếu tố thứ sáu là lòng tin của khách hàng. Tranh chấp giữa chủ dự án - khách hàng (quỹ bảo trì - quản lý) gia tăng, “vỡ trận” cam kết lợi nhuận tại dự án Cocobay. Bên cạnh đó là cơn sốt đất nền ở một số địa phương, dự án “ma” và sự chậm trễ vào cuộc của chính quyền.

Cuối cùng, ông Thành lưu ý, việc tiếp cận thông tin để nhìn ra xu thế, tận dụng lợi thế, linh hoạt trong xử lý, biết kết nối và quan tâm quản trị rủi ro đó là những “từ khóa” mà doanh nghiệp và người mua cần lưu ý.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top