Aa

Bất động sản châu Á - Thái Bình Dương 2022: Nhiều lực đẩy cho những bứt phá mạnh mẽ

Tuệ Minh
Tuệ Minh Tueminhreatimes@gmail.com
Thứ Tư, 16/02/2022 - 06:09

Những ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 dường như không ngăn cản được sức hút của thị trường bất động sản khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Năm 2022, thị trường này tiếp tục ghi nhận nhiều cơ hội tích cực.

Thu hút 177 tỷ USD trong năm 2021

Những ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 dường như không ngăn cản được sức hút của thị trường bất động sản khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bởi theo dữ liệu và phân tích được công bố trên báo cáo của JLL trong năm 2021, thị trường này vẫn ghi nhận 177 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp. Đặc biệt là giai đoạn cuối của năm, các khoản đầu tư đã tăng 32% so với quý trước, tăng 26% theo năm. Trong đó, Úc, Trung Quốc và Nhật Bản là những thị trường phục hồi và có mức tăng mạnh mẽ nhất.

Cụ thể, Úc là quốc gia thu hút đầu tư lớn nhất trong khu vực với số tiền 35 tỷ USD vào năm 2021, cao hơn 170% so với năm trước. Hoạt động của thị trường này được thúc đẩy bởi sự gia tăng đầu tư các giao dịch nền tảng logistics. Đầu tư vào lĩnh vực này đã đạt mức cao kỷ lục là 9,3 tỷ USD trong năm ngoái, bao gồm cả thương vụ ESR và GIC mua danh mục Milestone từ Blackstone với giá 3,8 tỷ AUD (tương đương 2,7 tỷ USD).

Các khoản đầu tư vào văn phòng và bán lẻ cũng tăng trở lại, được thể hiện qua các giao dịch ký kết của tòa tháp khu phố Melbourne và việc mua lại 50% của LINK REIT đối với ba tài sản bán lẻ ở Sydney.

bđs
Khối lượng giao dịch bất động sản tại các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2021 so với năm 2020 và 2019 (Nguồn: JLL)

Tại Trung Quốc, giao dịch năm 2021 tăng 21%, đạt 39 tỷ USD nhờ hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ, logistics và trung tâm dữ liệu. Việc niêm yết 13 quỹ ủy thác đầu tư bất động sản thí điểm (REITs) đã được các nhà đầu tư đón nhận tích cực và thể hiện một bước tiến nữa trong thị trường bất động sản tại quốc gia này.

Nhận định về thị trường bất động sản châu Á - Thái Bình Dương 2021, ông Stuart Crow, Giám đốc điều hành Thị trường vốn châu Á - Thái Bình Dương, JLL cho biết: “Sự phục hồi của bất động sản châu Á - Thái Bình Dương được củng cố vững chắc vào năm 2021 khi các nhà đầu tư đổ thêm vốn vào hoạt động và thể hiện sự tin tưởng lâu dài của họ vào lĩnh vực bất động sản bằng cách đa dạng hóa đầu tư trên các khu vực và lĩnh vực”.

Cụ thể, năm 2021 các khoản đầu tư vào logistics cũng đạt 48 tỷ USD, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước và tăng gấp đôi phân bổ kể từ năm 2019. Sự quan tâm của nhà đầu tư vào các giao dịch lớn hơn 300 triệu USD cũng được tăng cường. 

Về thị trường văn phòng, toàn khu vực tiếp tục có dấu hiệu phục hồi khi các nhà đầu tư triển khai thêm 74 tỷ USD - tăng 17% so với năm 2020. Điều này đảm bảo đây vẫn là loại tài sản bất động sản có tính thanh khoản cao nhất thị trường châu Á - Thái Bình Dương. 

Về thị trường bán lẻ, sự phục hồi trong chi tiêu của người tiêu dùng cũng đã tạo ra sự quan tâm mới đối với tài sản bán lẻ trong khu vực vào năm 2021. Giao dịch bán lẻ tăng 67% so với cùng kỳ năm 2020, dẫn đến 36 tỷ USD giao dịch, do thói quen tiêu dùng và lợi suất hấp dẫn đã truyền cảm hứng cho nhà đầu tư.

Về thị trường khách sạn, sự trở lại dần dần của du lịch xuyên biên giới và các nhà đầu tư có cái nhìn dài hạn hơn đối với lĩnh vực này đã khiến số vốn đổ vào giao dịch khách sạn đạt 8,5 tỷ USD, tăng trưởng 39% so với cùng kỳ năm 2020. Theo ước tính của JLL, 4 quốc gia gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc đã chiếm 82% tổng lượng giao dịch khách sạn.

Năm 2022 đầy lạc quan

2021 là năm của đại dịch hoành hành, song thị trường bất động sản khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn ghi nhận nhiều tăng trưởng và chỉ số tích cực. Vì vậy, khi bước sang năm 2022, nhiều chuyên gia dự báo thị trường này sẽ bứt tốc hơn nữa và sẽ là một năm đạt được nhiều kỷ lục. 

Cụ thể, theo bà Regina Lim, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Thị trường vốn châu Á - Thái Bình Dương JLL, với lượng vốn và nhu cầu ngày càng mở rộng, dự đoán các khoản đầu tư vào thị trường bất động sản châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng 15%, lên mức kỷ lục mới hơn 200 tỷ USD trong năm 2022.

“Các nhà đầu tư muốn tiếp xúc nhiều hơn với bất động sản châu Á - Thái Bình Dương để tận dụng lợi nhuận hấp dẫn từ khu vực này và sẵn sàng di chuyển lên mức rủi ro để đa dạng hóa danh mục đầu tư... Chúng tôi kỳ vọng vào đà tăng năm 2022 và vẫn kiên định với quan điểm rằng khối lượng đầu tư sẽ vượt mốc 200 triệu USD trong năm nay”, bà Regina Lim chia sẻ.

bđs
Ảnh minh hoạ

Báo cáo Triển vọng châu Á - Thái Bình Dương năm 2022 được công bố mới đây bởi công ty tư vấn dịch vụ bất động sản toàn cầu Knight Frank cũng chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng đến phục hồi kinh tế khu vực cũng như xu hướng phát triển của các phân khúc bất động sản.

Bà Christine Li, Giám đốc nghiên cứu của Knight Frank châu Á - Thái Bình Dương phân tích, 3 yếu tố chính ảnh hưởng đến kinh tế khu vực năm 2022 bao gồm: Sự trở lại quỹ đạo tăng trưởng khi thế giới chuyển sang giai đoạn đặc hữu của dịch bệnh, sự giữ nguyên cấu trúc kinh tế và khả năng tăng lãi suất để bình ổn thị trường khu vực. 

Cụ thể, châu Á - Thái Bình Dương được dự đoán sẽ đạt mức tăng trưởng kinh tế khu vực lên 6% trong năm nay và duy trì vị thế là khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. 

Năm 2022, Nhật Bản, Úc và Đông Nam Á sẽ là những quốc gia và khu vực được dự báo có sự bứt phá về thị trường và kinh tế mạnh mẽ nhất sau thời gian dài đóng cửa vì dịch bệnh.

Đối với yếu tố giữ nguyên cấu trúc kinh tế, theo phân tích của Knight Frank, mặc dù sự phát triển và lan rộng của các chủng virus như Delta hay Omicron sẽ làm giảm tính chính xác của những dự báo tăng trưởng, nhưng châu Á - Thái Bình Dương vẫn sẽ là khu vực thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đây là động lực giúp củng cố cấu trúc kinh tế và hồi sinh dòng vốn. 

Trung Quốc vẫn sẽ là điểm đến đầu tư hấp dẫn, trong khi đó Đông Nam Á sẽ là khu vực được hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu thời kỳ hậu đại dịch. 

Ngoài ra, khu vực châu Á còn được đánh giá là vẫn có lợi thế khi phương Tây thắt chặt tiền tệ do lạm phát, bởi đã có nguồn dự trữ tiền tệ tích lũy đáng kể. Kết hợp với các chiến dịch tiêm chủng và nhanh chóng chuyển sang giai đoạn đặc hữu của dịch bệnh, thị trường bất động sản châu Á - Thái Bình Dương sẽ có nhiều cơ hội để phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022. 

Đây chính là những yếu tố quan trọng tạo điều kiện cho thị trường bất động sản châu Á - Thái Bình Dương được tăng tốc mạnh mẽ trong thời gian tới./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top