Liên quan đến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tại Kỳ họp bất thường thứ 5, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật, nhất là công tác quy hoạch bảo đảm chất lượng, là công cụ định hướng của Nhà nước nhằm phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong mỗi thời kỳ.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu: "Khẩn trương đề xuất các quy định về mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất như yêu cầu tại Nghị quyết số 18 để điều tiết chênh lệch địa tô có được do quy hoạch của Nhà nước; đồng thời, nâng cao chất lượng công tác thẩm định dự án đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư".
Bên cạnh đó, các chính sách về đất đai còn cần phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; Phòng, tránh tình trạng các tổ chức, cá nhân gom đất, gây cản trở khả năng tiếp cận đất đai của những nhà đầu tư khác có cùng năng lực hoặc tốt hơn để thực hiện dự án đầu tư do lợi thế nghiêng về phía người có quyền sử dụng đất, các nhà đầu tư khác phải liên doanh, hợp tác với tổ chức, cá nhân đang có quyền sử dụng đất để phát triển dự án, hoặc phải thỏa thuận nhận chuyển nhượng lại từ các tổ chức, cá nhân đó.
Khó khăn trong việc đánh thuế
GS.TSKH Đặng Hùng Võ - Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay, ở các quốc gia phát triển mạnh về công nghiệp, đều sử dụng công cụ duy nhất là thuế BĐS để điều chỉnh thị trường, không còn giải pháp khác. Theo đó, đánh thuế nặng các trường hợp đầu cơ BĐS và miễn thuế cho người có nhà đất đủ dùng.
Theo giáo sư, Nghị quyết số 18-NQ/TW năm 2022 nhấn mạnh nhiệm vụ ban hành sắc thuế BĐS Việt Nam với nội dung cụ thể, chủ yếu gồm: Rà soát và xây dựng chính sách, pháp luật về thuế sử dụng đất theo thông lệ quốc tế, phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam và tạo lộ trình hợp lý; đánh thuế cao vào người có nhiều đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm đưa đất vào sử dụng, bỏ đất hoang; ưu đãi thuế đối với lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng và người dân tại các địa phương thực hiện nhiệm vụ an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ rừng tự nhiên.
Nhưng cũng theo giáo sư Võ, khó khăn lớn nhất trong việc đánh thuế bất động sản thứ hai hiện nay là chưa hoàn thiện, minh bạch về dữ liệu về tài sản là BĐS, dẫn đến khó xác định chính xác đối tượng chịu thuế.
Ví dụ về trường hợp đề xuất đánh thuế với tổ chức, cá nhân sở hữu các biệt thự bỏ hoang tại Hà Nội hiện nay, theo giáo sư, còn rất nhiều câu hỏi cần trả lời như: Nếu đánh thuế thì cần tiêu chí nào gọi là biệt thự bỏ hoang? Chủ sở hữu những căn biệt thự này có thể lách luật bằng cách thuê người khác đứng tên, thậm chí đăng ký tạm trú cho họ ở đấy để căn biệt thự không còn bị bỏ hoang. Vậy nếu chỉ theo chính sách đi vào biệt thự bỏ hoang thì chúng ta có làm được hay không?
Ở phía doanh nghiệp BĐS, Tổng giám đốc EZ Property - Ông Phạm Đức Toản cho rằng, thực trạng hiện nay là các "nút thắt" trong pháp luật về đất đai vẫn còn các vấn đề bị tắc, chờ tháo gỡ như việc kê khai tài sản, quản lý thu nhập… Việt Nam chủ yếu vẫn giao dịch bằng tiền mặt, nên người dân có thể lách luật thông qua người đứng hộ tên BĐS để tránh thuế sở hữu nhiều BĐS.
Có nên đánh thuế bất động sản thứ hai?
Về những thách thức trong việc xây dựng, áp dụng quy định về đánh thuế tài sản nói chung và thuế BĐS nói riêng, theo GS. Đặng Hùng Võ, vấn đề cốt lõi là loại bỏ tư duy bảo vệ quyền riêng tư tài sản, thay bằng tư duy minh bạch tài sản, buộc phải giải trình nguồn gốc tài sản, đây là cách duy nhất dẹp bỏ tham nhũng.
Ngoài ra, việc ban hành sắc thuế BĐS không có nghĩa là tăng thuế, mà là xác định mức thuế cao đối với hành vi đầu cơ và mức thuế thấp với đa số người dân có nhà đất đủ dùng.
"Để thực hiện được quy định về đánh thuế tài sản, nhất là thuế bất động sản cần kết hợp với việc hoàn thiện Luật phòng chống tham nhũng, Bộ luật Dân sự và nhiều luật khác có liên quan" - Vị chuyên gia nhận định.
Thực tế, các cơ quan chức năng hiện nay đã đẩy mạnh xây dựng cơ chế pháp lý cho việc đánh thuế tài sản nói chung và bất động sản thứ hai trở lên nói riêng.
Tháng 8/2023, Bộ Tài chính trả lời kiến nghị của cư tri TP. HCM liên quan tới việc đề nghị đánh thuế với các tập thể, cá nhân có quyền sử dụng từ bất động sản thứ hai và đánh thuế cao hơn với các BĐS bỏ trống.
Về cơ bản, hệ thống chính sách, phí, lệ phí hiện nay đối với BĐS đã bao quát khá đủ những khoản thu liên quan tới BĐS phát sinh trong 3 giai đoạn: Xác lập quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản; Sử dụng, khai thác bất động sản; Chuyển nhượng bất động sản.
Trong báo cáo Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan tới việc triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Bộ Tài Chính cho biết có báo cáo về kết quả nghiên cứu, rà soát Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp và đề xuất xây dựng dự án Luật Thuế bất động sản.
Dự kiến đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).
Bộ này cũng đang nghiên cứu xây dựng dự án Luật Thuế BĐS, bao gồm cả nghiên cứu về thuế đối với bất động sản thứ hai, thuế đối với nhà, đất bỏ trống, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội đất nước, phù hợp thông lệ quốc tế, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống chính sách thuế liên quan tới BĐS, đặt trong tổng thể Chiến lược cải cách hệ thống chính sách thuế tới năm 2030.