Aa

Du lịch đã làm thay đổi "bộ mặt" của nhiều vùng nông thôn Việt Nam

Thứ Ba, 10/12/2024 - 15:05

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong tại Hội nghị Quốc tế về Du lịch nông thôn lần thứ nhất, tổ chức tại Quảng Nam vào ngày 10/12/2024.

Hội nghị Quốc tế về Du lịch nông thôn lần thứ nhất là sự kiện mang tính toàn cầu đầu tiên của UN Tourism về du lịch nông thôn, thu hút sự tham dự của hơn 300 đại biểu từ 50 quốc gia trên toàn thế giới, đại diện cho các cơ quan quản lý cấp quốc gia và địa phương các nước thành viên UN Tourism và Việt Nam, các tổ chức quốc tế, cộng đồng du lịch và khu vực tư nhân.

Với mục tiêu xác định thách thức, chia sẻ kinh nghiệm tốt và thúc đẩy hợp tác du lịch nông thôn, Hội nghị đã thảo luận và định hướng các chính sách phát triển du lịch nông thôn bền vững, đảm bảo phân phối công bằng lợi ích du lịch, tạo việc làm, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, hòa nhập xã hội, trao quyền cho cộng đồng địa phương và các nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm phụ nữ, thanh niên và người dân bản địa.

Du lịch đã làm thay đổi "bộ mặt" của nhiều vùng nông thôn Việt Nam- Ảnh 1.

Ông Hồ An Phong, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Báo Nhân Dân)

Hội nghị Quốc tế về Du lịch nông thôn lần thứ nhất do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism) và UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức tại Vinpearl Resort & Golf Nam Hội An.

Theo ông Hồ An Phong, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UN Tourism cũng đã triển khai "Chương trình du lịch vì sự phát triển nông thôn", nhằm đưa du lịch trở thành động lực phát triển và nâng cao phúc lợi cho khu vực nông thôn; thúc đẩy vai trò của du lịch trong việc định giá và bảo vệ các khu vực nông thôn cùng với cảnh quan, hệ thống tri thức, đa dạng sinh học và văn hóa, các giá trị địa phương. Chương trình cũng nhằm mục đích thúc đẩy các phương pháp tiếp cận sáng tạo và biến đổi để phát triển du lịch ở các điểm đến nông thôn, góp phần vào 3 trụ cột bền vững - kinh tế, xã hội và môi trường - phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Cũng theo ông Hồ An Phong, là đất nước nông nghiệp với hơn 70% dân số sống ở khu vực nông thôn, có lợi thế về tài nguyên giàu bản sắc của khu vực nông thôn, trong những năm qua, Việt Nam đã quan tâm phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc sắc, hấp dẫn, có khả năng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, đem lại sự đa dạng trong cung ứng dịch vụ của du lịch Việt Nam, thúc đẩy kết nối tour tuyến, mở rộng không gian đón khách về nông thôn. Ngược lại, du lịch nông thôn cũng là nhân tố quan trọng trong thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp, nông thôn thông qua chuyển đổi sinh kế, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân, hỗ trợ duy trì được các nghề truyền thống, phát triển các sản vật địa phương có giá trị, tạo niềm tin gắn bó với quê hương và thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Du lịch đã làm thay đổi "bộ mặt" của nhiều vùng nông thôn Việt Nam- Ảnh 2.

Du khách đến với Rừng dừa Bảy Mẫu ở TP. Hội An.

"Thực tiễn những năm qua tại Việt Nam cho thấy, du lịch đã đóng góp không nhỏ vào việc làm thay đổi "bộ mặt" của nhiều vùng nông thôn, đưa nhiều vùng nông thôn hạn chế về điều kiện phát triển nhưng trở thành "vùng quê đáng sống". Du lịch nông thôn không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn mà còn bảo tồn các giá trị cảnh quan, sinh thái, môi trường, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp góp phần thu hẹp khoảng cách về thu nhập và thụ hưởng giữa người dân nông thôn và đô thị", ông Hồ An Phong khẳng định.

Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia đang phát triển, khu vực nông thôn của Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức. Mặc dù đã có sự phát triển nhưng đa số các mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn ở vùng sâu, vùng xa của Việt Nam có quy mô nhỏ, lẻ, thiếu tính chuyên nghiệp, gặp khó khăn về hạ tầng giao thông và các điều kiện kinh tế xã hội khác, hạn chế về nguồn lực đầu tư; nguồn nhân lực và khả năng kết nối thị trường... Điều này đặt ra những yêu cầu trong việc định hướng tầm nhìn, tìm kiếm các giải pháp hiệu quả trong việc thực thi các chính sách phát triển du lịch nông thôn ở Việt Nam đảm bảo các mục tiêu đề ra cũng như thích ứng với những vấn đề mang tính toàn cầu.

Từ những năm 2010, du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Quảng Nam đã hình thành, sau đó phát triển mạnh từ năm 2013. Các điểm du lịch phân bố ở hầu hết các địa phương trên toàn tỉnh, hiện nay có 126 điểm tài nguyên du lịch nông nghiệp nông thôn đã được thống kê, trong đó nhiều điểm hoạt động rất hiệu quả như: Làng gốm Thanh Hà, Làng rau Trà Quế, Rừng dừa Bảy Mẫu Cẩm Thanh, Làng mộc Kim Bồng (Hội An), Làng du lịch dựa vào cộng đồng Cơtu (Nam Giang)… Ước tính, trên 30% du khách đến Quảng Nam có trải nghiệm sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn. Nổi trội nhất là điểm du lịch Rừng dừa Bảy Mẫu - Cẩm Thanh, TP. Hội An, thu hút gần 1 triệu lượt khách; Làng rau Trà Quế ước tính thu hút gần 25.000 lượt khách trong năm 2024. Ngày 14/11/2024 tại Colombia, Quảng Nam vui mừng và vinh dự nhận được giải thưởng của Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc công nhận Làng rau Trà Quế thuộc TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam là Làng Du lịch tốt nhất năm 2024.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top