Aa

Thiên đường du lịch Việt vật lộn với "đại hồng thuỷ": Hổng từ khâu nào?

Thứ Bảy, 17/08/2019 - 06:25

Đảo Ngọc Phú Quốc, phố núi Đà Lạt ngập chìm trong biển nước là hệ quả của lỗ hổng quy hoạch xây nhà mà quên xây hạ tầng hay hồi chuông cảnh báo trước những yếu kém trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu?

Tuần vừa qua, dư luận cả nước quan tâm đặc biệt đến câu chuyện người dân Phú Quốc hay Đà Lạt phải vật lộn với mưa lũ và ngập úng - điều chưa bao giờ tưởng tượng có thể xảy ra với hai địa phương du lịch nổi tiếng này.  Nói về trận lụt lịch sử ở Phú Quốc, một số người có chuyên môn lý giải đây là trận mưa lớn và kéo dài nhất trong 100 năm qua ở huyện đảo này.  Đó là điều không lường được của tự nhiên. Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến khác cho rằng, điều này lộ ra những yếu kém về mặt quy hoạch, hay chỉ ra thực trạng Phú Quốc đang bị bê tông hoá mà không xây dựng hạ tầng.  

Bất kể hiện tượng vừa qua ở Đảo Ngọc là thiên tai hay "nhân tai" thì rõ ràng là lời cảnh tỉnh, đã đến lúc cụm từ "phát triển du lịch bền vững" không thể chỉ hô hào khẩu hiệu. Việt Nam phát triển du lịch, bỏ quên hạ tầng, hay nguy hiểm hơn khi quy hoạch, quên luôn công tác nghiên cứu quy luật của tự nhiên để có những biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong khi điều này lại thực sự quan trọng với các đô thị du lịch, nơi thường có những địa hình, vị trí địa lý tương đối đặc thù. 


Số liệu nguồn: WB

Để hiểu rõ về câu chuyện này Cà phê cuối tuần đã có cuộc trao đổi với KTS. Khương Văn Mười, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam.

PV: Những thiên đường du lịch như Phú Quốc, Đà Lạt vừa trải qua trận ngập lụt lịch sử, một nghịch lý với địa lý đảo và cao nguyên ở hai địa phương này. Dưới góc độ chuyên môn, KTS nhìn nhận thế nào về câu chuyện ngập úng ở những địa điểm này?

KTS. Khương Văn Mười: Câu chuyện ngập nước mới đây ở Phú Quốc có thể lý giải như sau, khu bị ngập là thị trấn Dương Đông nằm ở vùng trũng và bị bao quanh bởi các công trình khách sạn, nhà hàng. Vốn dĩ cốt nền của Dương Đông là của một làng chài và khi phát triển thành thị trấn vẫn giữ nguyên địa hình thoát nước tự nhiên cũ. Câu hỏi đặt ra ở đây là những mương thoát nước ngày xưa đã được cải thiện điều chỉnh hay chưa? Tôi được biết quy hoạch chung Phú Quốc thì có, còn khu Dương Đông chưa có quy hoạch chung 1/2000, quy hoạch chi tiết 1/500 cũng chưa chắc đã có. Như vậy là chưa hình thành một thành phố mới có quy hoạch hạ tầng hoàn chỉnh mặc dù trong tương lai khu vực này có thể nằm trong vùng lên đặc khu.

Nguyên nhân ngập úng còn bởi người dân tự cơi nới, xây dựng nhà… cùng với những câu chuyện về đường ống nước tiết diện nhỏ, rác thải chưa xử lý, các khách sạn, resort xây dựng hàng loạt nằm chắn trên biển thì khi mưa, lượng nước tăng nhanh việc thoát nước sẽ không kịp.

Đáng lẽ khi hình thành một khu đô thị hay một khu du lịch, một thành phố du lịch thì các trục đường chính phải làm lại hết, hạ tầng kỹ thuật gồm đường sá, ống thoát nước, cấp nước cũng vậy. Tuy nhiên, tình trạng ở đa số các địa phương du lịch của Việt Nam là khu nhà ở, nghỉ dưỡng làm trước, cắm trước trên "đất vàng", vị trí đẹp trong khi, đường xá, điện, nước, lại làm sau. Như vậy thì bảo sao không ngập?

Tương tự, Đà Lạt nằm ở trên vùng cao cũng bị ngập vì hệ thống thoát nước yếu. Cả khu vực mà ống thoát nước nhỏ xíu lại đòi hỏi phải thoát nước nhanh. Đó là chưa kể, ở Đà Lạt chỗ nào cũng thấy vườn nhà lưới, nhà kính, cản trở thoát nước là đương nhiên.

PV: Thưa ông, từ câu chuyện Đà Lạt, Phú Quốc có thể nói rằng, quy hoạch phát triển ở những khu du lịch này dường như đang có vấn đề? Phải chăng các khu du lịch hiện nay đang thiếu quy hoạch cụ thể, rõ ràng và thêm một yếu tố quan trọng nữa là thiếu tính toán đến việc ứng phó biến đổi khí hậu?

KTS. Khương Văn Mười: Bản quy hoạch tại các khu du lịch hiện nay đều có kiểm soát ứng phó với biến đổi khí hậu. Tức là trên hồ sơ bản vẽ đều có đầy đủ nhưng thực tế lại chưa triển khai. Thực tế có gì thì chúng ta giữ lại dùng chứ không triển khai xây dựng, củng cố để phù hợp với thực tiễn phát triển.

Bởi vấn đề tài chính thuộc về kinh tế đô thị chúng ta còn gặp khó khăn. Chỉ có nhiều tiền mới có thể thay đổi phát triển được hạ tầng, không có tiền thì không thể chỉnh trang, thiết kế, quy hoạch được các khu này một cách tốt nhất.

Đặc biệt, biến đổi khí hậu thực sự ngày càng khốc liệt thì chúng ta phải có ứng xử dài lâu để các khu du lịch khác không xảy ra các trường hợp tương tự Đà Lạt, Phú Quốc. Có nghĩa là bây giờ phải làm hệ thống thoát nước nhanh, nên có giải pháp tăng kích thước ống thoát nước thì mới có thể không xảy ra tình huống ngập úng.

Khi phát triển khu du lịch, các địa phương phải có sự nhìn xa, đồng ý cho xây cao ốc, khách sạn nhưng phải kiểm soát về không gian, không tuỳ tiện chỗ nào cũng cho làm dự án và phải quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đi trước một bước. Ví như cho xây dựng một khách sạn, lượng nước thải ra hàng ngày là bao nhiêu phải nắm được, phải xem hệ thống thoát nước, điện, đường có phù hợp không? Nếu không thì không đồng ý cho làm, không thể cứ làm rồi để lại hậu quả như nhiều nơi hiện nay.

Phát triển khu du lịch cũng không thể tự phát, mạnh ai đó làm. Trong quy hoạch chung có quy định khống chế chiều cao, hệ số xây dựng... quy hoạch sử dụng đất đều có quy định hạ tầng kỹ thuật phải đi trước. Do đó, ai đầu tư gì thì cứ theo quy hoạch mà làm, trách nhiệm của nhà đầu tư, trách nhiệm của nhà nước theo đó thực hiện. Trách nhiệm thực thi quy hoạch, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông du lịch là nhà nước và doanh nghiệp cùng chung tay làm, không thể đổ thừa cho doanh nghiệp mỗi khi có vấn đề về hạ tầng xảy ra.

Theo chỉ số về năng lực cạnh tranh du lịch của WEF từ năm 2013 đến năm 2017 cho thấy, mặc dù Việt Nam đã có những cải thiện lớn về hạ tầng dịch vụ du lịch - chủ yếu thế hiện mức tăng về năng lực lưu trú - nhưng những cải thiện bổ trợ về hạ tầng giao thông, đường hàng không, hạ tầng giao thông đường bộ, hạ tầng y tế và vệ sinh (vệ sinh và nước sạch) vẫn đi sau với khoảng cách đáng kể, thậm chí không đáng kể trong trường hợp vận tải hàng không.

PV: Theo ông, trách nhiệm của giới chuyên gia quy hoạch, chính quyền địa phương, quản lý nhà nước ra sao trong câu chuyện ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là các đô thị du lịch - nơi dễ dàng chịu tác động nhất do những đặc thù về địa hình?

KTS. Khương Văn Mười: Việt Nam bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu nên những cơn mưa có vũ lượng lớn sẽ tiếp tục xuất hiện trong các năm tới. Do vậy, chính quyền phải xác định các giải pháp khắc phục ngay lúc này để giúp cho nước mưa tiêu thoát nhanh hơn. Ở Nhật Bản người ta còn xây cả hệ thống chống lụt dưới lòng đất, còn Việt Nam giờ nếu gặp mưa thì dường như chỗ nào cũng ngập cũng lụt. Cống thì bé, rác thì tuồn xuống rồi cáp quang cáp điện cũng chằng chịt dưới đó.

Do đó, trong tầm nhìn quy hoạch đều phải có giải pháp ứng xử với biến đổi khí hậu, phải có giải pháp cụ thể các khu dân cư mới thế nào, các khu dân cư cũ thì ra sao? Quy hoạch du lịch cũng phải tính đến những yếu tố bất thường có thể xảy đến, tầm nhìn phải dài hơn 20 - 30 năm. Hơn nữa, quy hoạch một khu du lịch, trước hết là đánh giá điều kiện địa hình, khí hậu, môi trường sinh thái của địa phương. Đó là cơ sở cho phép xây dựng bao nhiêu cơ sở lưu trú. Nhưng yếu tố nữa cũng không thể bỏ qua là phải có khảo sát xem số lượng và quy mô dân số địa phương, ước tính quy mô khách du lịch… Khi nắm chắc được cơ sở thì mới có được một quy hoạch bền vững cho khu du lịch.

Như tôi đã nói, phát triển nhiều khách sạn không có gì sai nhưng đầu tiên phải làm hạ tầng kỹ thuật, chỉ có như vậy thì Phú Quốc, Đà Lạt hay bất kì khu du lịch nào đó mới có thể phát triển bền vững.

Điều đó cũng cần phải nhờ các chuyên gia quy hoạch góp ý chuyên môn, quản lý nhà nước phải có trách nhiệm làm nhưng nếu ngân sách hạn hẹp thì nhà nước buộc phải có nhiều cơ chế khuyến khích cho nhà đầu tư tham gia, cũng như phải có những hướng dẫn để tránh xảy ra tiêu cực.

PV: Ông đánh giá như thế nào về mối tương quan giữa hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông và hạ tầng du lịch? 

KTS. Khương Văn Mười: Khái niệm phát triển bền vững là một khái niệm rộng nhưng luôn bao hàm tính ổn định trong thế động, hiệu quả cho cả hiện tại và tương lai. Trong phát triển, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông các khu du lịch lại càng thiết thực bởi nó giúp tăng giá trị du lịch theo thời gian.

Thu hút đầu tư vào du lịch và giữ chân nhà đầu tư, các địa phương phải có cơ sở hạ tầng về điện, đường giao thông trước khi có doanh nghiệp đến. Tuy nhiên, nếu đầu tư hạ tầng xong mà không tìm được nhà đầu tư thì đó lại là sự lãng phí. Do đó, tốt nhất là có thế cân đối các yếu tố này để không có yếu tố nào phải đi trước quá sớm, yếu tố nào phải bỏ lại quá xa.

PV: Vậy là đã đến lúc cần có quy hoạch cụ thể với các yêu cầu khắt khe hơn về yếu tố tác động gây biến đổi cảnh quan, suy giảm hệ số thấm nước, mật độ xây dựng đô thị tại các khu du lịch?

KTS. Khương Văn Mười: Không riêng gì các khu du lịch, mà trong quy hoạch các khu đô thị mới, chúng ta đương nhiên phải quan tâm đến việc quy hoạch các yếu tố chặt chẽ, với nhiều giải pháp đồng bộ. Và đầu tiên vẫn là thực thi đúng các tiêu chuẩn xây dựng công trình, hạ tầng. Bên cạnh đó là linh động các giải pháp phù hợp với từng địa phương.

Có thể, thay vì thiết kế những cống thoát nước mưa lớn hơn để tránh ngập úng, chúng ta cần thu gom nước mưa để tái sử dung hoặc đưa nước mưa trở lại lòng đất tối đa. Các giải pháp đã được triển khai ở nhiều nước là xây dựng các bể chứa nước mưa lớn, các bề mặt nền, bãi đỗ xe mềm để nước có thể thấm xuống đất…

Thay vì làm các bãi rác, nhà máy xử lý rác lớn thì chúng ta xử lý thu gom rác tại nguồn để tái chế. Việc khuyến khích sử dụng vật liệu tái chế, vật liệu cũ, hạn chế sử dụng túi nilon cũng là giải pháp.

Với đường giao thông, thay vì liên tục mở rộng lòng đường, chúng ta cũng cần nghĩ tới giải pháp quy hoạch để phân biệt các hoạt động giao thông, để phân tán cho lượng người tham gia giao thông, tránh ùn tắc. Cơ sở hạ tầng phải nhằm mục tiêu tạo môi trường cảnh quan, sinh thái tốt cho các khu đô thị, thành phố du lịch.

Xin cảm ơn chuyên gia!

PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai, chuyên gia nghiên cứu về quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị, Đại học Xây Dựng: 

PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai

Nhiều vùng ven biển như Nha Trang, thành phố Tuy Hòa hay phố cổ Hội An… sự phát triển của hạ tầng kỹ thuật hiện nay chưa theo kịp với tốc độ phát triển của du lịch. Hiện đang có sự mất cân đối giữa việc đầu tư các hạ tầng kỹ thuật nói chung tại các khu du lịch, khi chưa có một kế hoạch vốn cho xây dựng. Điều này dẫn đến tình trạng, người dân tại các khu du lịch nổi tiếng vẫn phải chịu cảnh thiếu thốn, chật vật khi thiếu đi những hạ tầng thiết yếu, khách du lịch cũng chưa được phục vụ một cách tốt nhất.

Quy hoạch du lịch phải tính đến những yếu tố bất thường có thể xảy đến, tầm nhìn phải 20 - 30 năm. Để có được một quy hoạch bền vững cho khu du lịch thì không nên tiếp cận theo cách thức thông thường, tức là chỉ dựa vào số lượng và quy mô người dân cũng như khách du lịch sẽ đến tại địa phương mình mà cần có cách nhìn, đánh giá xem môi trường sinh thái, điều kiện có đến đâu để chúng ta có được kế hoạch cũng như quy hoạch du lịch thích ứng với điều kiện, hoàn cảnh của địa phương.

TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam: 

Đà Lạt và Phú Quốc là hai ví dụ thực tế cho thấy nhiều khu du lịch chỉ tập trung vào làm các công trình để ở và kinh doanh lấy lãi, còn việc xây dựng các hạ tầng xã hội thì ít được chú trọng. Đó là chưa kể trong quy hoạch xây dựng địa phương đã phê duyệt quá nhiều các dự án, thậm chí không ít dự án xây dựng trái phép. 

TS. Đào Ngọc Nghiêm

Hệ quả là vấn đề kết nối các hạ tầng kỹ thuật như: giao thông, điện, nước... với các khu vực xung quanh chưa tạo nên sự đồng bộ, quá tải mỗi khi vào mùa cao điểm du lịch. Đáng lẽ, trước khi thực hiện một dự án xây dựng mới, bao giờ cũng phải xác định dân số khống chế đi kèm còn khi dự án hoàn tất và đưa vào khai thác sử dụng, việc khống chế dân số là một việc rất khó. 

Phải khẳng định, vấn đề khai thác một cách bền vững tài nguyên thiên nhiên tại các khu du lịch là một vấn đề cần phải chú trọng hơn nữa. Đừng vì phát triển nóng về kinh tế để đạt được chỉ tiêu nhất định mà ảnh hưởng đến vấn đề bền vững của môi trường, điển hình là vấn đề quy hoạch.

Theo đó, khi phát triển khu đô thị hay khu du lịch thì vấn đề dân số, không gian kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật phải được quản lý chặt chẽ. Cụ thể, về dân số phải tính toán dân số tạm trú, dân số ổn định và khách vãng lai. Sức chịu tối đa của hạ tầng kỹ thuật sẽ được tính toán dựa theo dân số được quy đổi từ khách vãng lai, tạm trú. 

Đặc biệt, phải lấy vai trò của con người, của cộng đồng làm trọng tâm để phát triển. Đừng vì lợi ích kinh tế mà chuyển giao bờ biển cho các doanh nghiệp, sẽ rất dễ làm hỏng việc khai thác cảnh quan.

TS. KTS. Ngô Viết Nam Sơn, Chủ tịch NgoViet Architects & Planners: 

TS. KTS Ngô Viết Nam Sơn

Tình hình ngập lụt mấy ngày qua ở 2 thành phố du lịch Đà Lạt và Phú Quốc là hệ quả xuất phát từ công tác quy hoạch chưa bền vững, phát triển đô thị quá tham lam, bê tông hóa bề mặt để tăng diện tích thương mại. Ngoài ra, nhiều kênh rạch, sông hồ cũng bị lấp để kinh doanh.

Tình trạng ngập úng này chính là lời cảnh báo cho sự phát triển nóng, triển thiếu bền vững tại nhiều khu du lịch hiện nay. Nếu không xử lý từ quy hoạch, quản lý đô thị thì những năm tới không chỉ hai thành phố này mà còn nhiều những thành phố khác sẽ còn chịu cảnh ngập nước khi mưa bão kéo dài.

Ở các nước khi xây dựng dự án phải đi kèm báo cáo đánh giá tác động môi trường. Báo cáo này được cơ quan chức năng thuê một bên thứ ba độc lập tính toán chi phí giao thông, nâng cấp hạ tầng, xử lý môi trường, ảnh hưởng không gian sống ở địa phương tăng thêm bao nhiêu vì dự án. Trước khi cấp phép, chính quyền sẽ bàn bạc với chủ đầu tư về khoản đóng góp ngân sách phù hợp dựa trên kết luận của báo cáo.

Nhưng hiện tại, đa số các địa điểm du lịch ở Việt Nam đang bị tác động lớn của các nhà kinh doanh địa ốc để phát triển theo hướng tư duy mét vuông, tức là cứ nhắm vào những chỗ nào có thắng cảnh để xây dựng các nhà cao tầng với mật độ dày. Tình trạng này đang đi rất sai về quản lý, phát triển, vì nhà càng nhiều, thắng cảnh càng trở nên xấu đi, thậm chí đánh mất luôn giá trị tự nhiên và giá trị môi trường vốn có.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top