Du lịch nông nghiệp là xu thế tất yếu!
LTS: Từ nhu cầu thực tế và xu hướng tất yếu phải phát triển du lịch nông nghiệp để khơi dậy nguồn lực đất đai, khai thác đa giá trị không gian cảnh quan, văn hóa nông thôn, hiện đã có chính sách để thúc đẩy loại hình này.
Cụ thể, Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 nêu quan điểm, phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới. Phát triển du lịch nông thôn cần theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị, phù hợp với nhu cầu thị trường trên cơ sở sử dụng hiệu quả, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, làng nghề, các hoạt động nông nghiệp và môi trường sinh thái đặc trưng vùng miền, gắn với chuyển đổi số và đổi mới, sáng tạo.
Mục tiêu đặt ra, đến năm 2025, mỗi tỉnh, thành phấn đấu có ít nhất 01 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương.
Chính sách đã trở thành trợ lực quan trọng trong việc “đánh thức” tiềm năng của du lịch nông nghiệp, nông thôn. Du lịch nông nghiệp, nông thôn đã được triển khai tại nhiều địa phương và đem lại hiệu quả kinh tế du lịch, “khoác áo mới” cho khu vực nông thôn. Nhưng để đạt được những mục tiêu trên còn rất nhiều việc phải làm, trước mắt là thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, coi nông nghiệp là lợi thế cạnh tranh quốc tế. Đồng thời, cần xóa tan được “thành trì” phát triển tự phát, nhỏ lẻ; tháo gỡ các rào cản để thu hút đầu tư vào hạ tầng, bất động sản du lịch nông nghiệp một cách bài bản, có chiến lược.
Thu hút đầu tư hiệu quả, đánh thức tiềm năng và định vị thương hiệu cho du lịch nông nghiệp, nông thôn là bài toán cần đặt ra và tìm lời giải để Việt Nam không bỏ lỡ cơ hội phát huy sức mạnh từ nội lực, gia tăng vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế.
Trên tinh thần nghiên cứu và phản biện, Reatimes triển khai tuyến bài: Đánh thức tiềm năng, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn bền vững, tạo nền tảng cạnh tranh quốc tế.
Chưa bao giờ việc phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn lại được quan tâm nhiều như hiện nay. Nhưng làm thế nào để hoạt động này có thể phát triển bền vững; trở thành thế mạnh của mỗi địa phương; gia tăng sinh kế cho người nông dân; góp phần vào thành công của chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới;... là những câu hỏi cần lời giải đáp, rất sớm.
***************************
“Cuộc cách mạng một cọng rơm” là tựa đề một cuốn sách của nhà khoa học đồng thời là một nông dân Nhật Bản từng trở thành đề tài rất được quan tâm trên các diễn đàn văn học thế giới và Việt Nam khi ra mắt. Tác giả cuốn sách, Masanobu Fukuoka, từng là một nhà khoa học. Suốt giai đoạn đầu sự nghiệp nghiên cứu của mình, ông dành phần lớn thời gian chạy theo một niềm tin, có thể coi như niềm tin chung của nước Nhật trong giai đoạn phấn đấu trở thành cường quốc, rằng những kỹ thuật canh tác của phương Tây với sự hỗ trợ của hóa chất có thể giúp ngành nông nghiệp của nước này nhảy vọt, khiến các nông trại phát triển bền vững và tăng quy mô.
Tuy nhiên, sau thời gian chứng kiến các cánh đồng trở thành nơi thử nghiệm hóa chất nông nghiệp, Masanobu Fukuoka đã dần mất đi niềm tin, ông rơi vào khủng hoảng tinh thần, rút lui khỏi phòng thí nghiệm, trở về quê hương và trở thành một người nông dân thực thụ. Cuốn sách “Cuộc cách mạng một cọng rơm” là thành quả “nghiên cứu khoa học” dựa trên kinh nghiệm thực tiễn của tác giả sau hàng chục năm trời theo đuổi triết lý nông nghiệp tự nhiên. Suốt cả cuộc đời làm nông của mình, ông không cày xới đất đai, không dùng phân hóa học hay phân ủ, không dùng thuốc diệt cỏ, nông trại của ông hoàn toàn không phụ thuộc vào hóa chất. Và như để chứng minh trước sự hoài nghi của hàng triệu người nông dân trên khắp nước Nhật, những người vẫn cần mẫn ngày ngày cải tạo đất đai, diệt sâu trừ cỏ, nông trại của Masanobu Fukuoka có sản lượng vượt trội.
Cuối cùng, trong “Cuộc cách mạng một cọng rơm”, Masanobu Fukuoka đã chiêm nghiệm rằng “Mục đích tối thượng của việc làm nông không phải là trồng cây mà là sự tu dưỡng và hoàn thiện con người. Xã hội càng hiện đại, con người càng trở về với tự nhiên”.
Triết lý của nhà khoa học - nông dân ở nước Nhật xa xôi khiến tôi nhớ đến một nhà khoa học về du lịch nông nghiệp trong nước mà tôi từng có cơ hội tiếp xúc – TS. Ngô Kiều Oanh - Nữ tiến sĩ lội ruộng - được nhiều người nông dân yêu mến. Bà luôn đau đáu với ngành nông nghiệp Việt Nam, với việc giữ gìn và phát huy văn hóa bản địa, các làng nghề nông nghiệp truyền thống và sau này là phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Tìm đến bà trong một ngày đầu hè oi ả, giữa bối cảnh kinh tế du lịch nông nghiệp nông thôn đang được quan tâm phát triển hơn bao giờ hết, tôi lại có cơ hội được lắng nghe những trăn trở, tâm tư và kỳ vọng của TS. Ngô Kiều Oanh.
- Xin chào TS. Ngô Kiều Oanh, vinh hạnh được biết đến TS. từ sau khi mô hình trang trại đồng quê Ba Vì Homestead của TS. được nhận giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam đầu tiên của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đây cũng là mô hình trang trại điển hình kiểu mẫu cho loại hình du lịch nông nghiệp nông thôn. Bà có thể một lần nữa chia sẻ cho độc giả Reatimes được biết hình thức hoạt động của mô hình này?
TS. Ngô Kiều Oanh: Từ năm 2008 đến nay, Trang trại Đồng quê Ba Vì (Hà Nội) đã thực hiện xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp, mô hình thí điểm mang tính gợi mở tại vùng phụ cận chân núi Ba Vì, nơi có địa hình thiên nhiên nông nghiệp đa dạng (rừng, hồ, ao suối, sông ngòi…) Trang trại đã xây dựng các tour du lịch nông nghiệp, đóng góp vào việc bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc có sự giao thoa Kinh, Mường, Dao; không gian cộng đồng nông nghiệp truyền thống và các sản vật gốc thiên nhiên.
Tôi xây dựng mô hình Trang trại Đồng Quê Ba Vì với triết lý dựa trên mối giao hòa giữa tự nhiên, văn hóa và con người ở đô thị với nông thôn, thông qua hoạt động lưu trú, nghỉ dưỡng, thưởng ngoạn danh lam thắng cảnh, cùng lúc trải nghiệm đời sống đồng quê, các hoạt động sản xuất nông nghiệp và cuối cùng là được thưởng thức các đặc sản tươi sạch của vùng đất này.
Trang trại cũng gắn kết chặt chẽ với cộng đồng nông dân của các làng nghề nông nghiệp truyền thống xung quanh trên cơ sở nghiên cứu lịch sử, văn hóa hình thành sản vật trồng trọt và chăn nuôi, để không những có các thông tin thật sự hấp dẫn du khách mà còn trở thành đơn vị quảng bá các sản phẩm nông nghiệp xanh, sạch, an toàn của vùng.
Du khách đến đây sẽ được trực tiếp tham gia vào các hoạt động nông nghiệp mang đậm dấu ấn văn hóa đồng quê Việt Nam dựa vào thiên nhiên như: cấy lúa, úp nơm, bắt cá bằng những nông cụ làm từ tre, được tự tay hái và sao chè khô, trồng và hái các loại rau rừng, thảo dược, cách làm mật ong, cho đà điểu, dê, cừu, thỏ, bò sữa ăn...
- Điều gì làm nên sự khác biệt giữa mô hình của Trang trại Đồng quê Ba Vì với các mô hình trang trại khép kín khác thưa TS?
TS. Ngô Kiều Oanh: Trang trại Đồng quê Ba Vì có mô hình hoạt động gắn với các nông hộ tại địa phương. Chúng tôi không phải là người chủ trang trại, đến mua đất, tự làm vườn ao chuồng để thả cá, nuôi bò, trồng rau tạo ra hoạt động cho du khách chỉ khoanh vùng trong quy mô trang trại. Chúng tôi phát triển các cơ sở nền tảng, cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm và thuyết phục người nông dân bản địa tham gia vào hệ thống của trang trại. Du khách đến đây và được trực tiếp tham gia lao động, sản xuất nông nghiệp cùng với những người nông dân địa phương, trên những thửa ruộng, đồi chè được truyền thừa từ đời này sang đời khác của các gia đình nông dân.
Để làm được điều đó, Ban quản trị trang trại đã đào tạo cho các cán bộ, nhân viên là con em của địa phương, nông hộ liên kết về những kiến thức và kỹ năng du lịch nông nghiệp. Ngoài ra, trang trại cũng xây dựng các quan hệ liên kết trong và ngoài vùng thông qua thị trường du khách, tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp đặc hữu của vùng, như: Thảo dược, sữa, chè, rau sạch…
- Để thuyết phục được những người nông dân vốn chưa từng làm du lịch, cũng chưa có khái niệm về sản xuất nông nghiệp sạch chắc hẳn không phải dễ dàng, thưa bà?
TS. Ngô Kiều Oanh: Khó khăn là rất nhiều. Từ những ngày đầu, tôi đã phải dành nhiều thời gian, công sức đi tìm kiếm các hộ liên kết cùng tham gia với mình. Không phải nông hộ nào họ cũng muốn tham gia cùng mình ngay, hoặc có khi vì những lý do ngoại cảnh khiến các nông hộ đang tham gia chuỗi liên kết lại rút lui dù mình đã đầu tư rất nhiều cả đường đi lối lại, đến công trình phụ, vệ sinh… Hay có khi có những nông hộ đang có loại hình sản xuất nông nghiệp rất phù hợp với thị hiếu của du khách nhưng đường vào lại quá xa, lúc này mình lại phải đầu tư đường sá rồi thuyết phục các hộ dân tham gia cùng. Hướng dẫn cho họ cách đón tiếp khách du lịch, cách làm dịch vụ…
- Khó khăn là vậy nhưng cuối cùng Trang trại Đồng quê Ba Vì đã mang về cho bà và cộng sự những trái ngọt. Xin hỏi TS., điều gì thôi thúc bà lựa chọn du lịch nông nghiệp để tập trung phát triển?
TS. Ngô Kiều Oanh: Bản thân hai từ “du lịch” và “nông nghiệp” đã cho thấy rất rõ thế mạnh của nước ta. Ai cũng có thể nhìn thấy điểm nổi bật nhất của nước ta chính là du lịch và nông nghiệp. Theo số liệu năm 2020, Việt Nam có diện tích đất nông nghiệp chiếm khoảng 80% tổng diện tích, 70% dân số sống ở vùng nông thôn và miền núi. Trên bản đồ kinh tế thế giới, chúng ta được biết đến là một quốc gia nông nghiệp. Chúng ta có sẵn rất nhiều tài nguyên gắn với văn hóa nông nghiệp, văn minh lúa nước, dòng lịch sử ngàn năm, kho tàng về tri thức bản địa rất lớn, hàng ngàn làng nông nghiệp truyền thống về sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, nghề muối và thủ công mỹ nghệ, chế biến…
Trải qua những biến cố như đại dịch vừa qua, cả nhân loại đã nhìn thấy những biến động rất khủng khiếp ở các ngành kinh tế khác, và lúc này mới thấy rằng sản xuất nông nghiệp tạo ra lương thực và không gian thiên nhiên rộng lớn là điều vững chắc nhất, không thể thay thế. Phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ sẽ tạo ra tăng trưởng xanh tốt nhất và phát triển bền vững nhất. Về du lịch, chúng ta sở hữu rất nhiều những đại kỳ quan trong tiểu thiên nhiên. Địa phương nào cũng có những kỳ quan trong một không gian hẹp mà không phải quốc gia nào cũng có được.
Nếu xét về lợi thế, tính đa dạng là lợi thế của nông nghiệp và cả du lịch. Đa dạng sinh học, đa dạng địa hình cảnh quan, đa dạng văn hóa. Tính đa dạng này quyết định sức hấp dẫn của cả nông nghiệp lẫn du lịch, Việt Nam chúng ta đều có hết những điều này. Ta có một hệ sinh thái thiên nhiên đa dạng. Ta có biển, hồ, sông suối, núi cao, vực thẳm. Ta có nền văn minh lúa nước ngàn đời… Đó là những lợi thế sẵn có mà không cần tạo dựng, chỉ cần khai thác, bảo tồn, phát triển, biến nó thành thế mạnh chiến lược để thu hút thế giới đến với Việt Nam.
- Tài nguyên đã có sẵn, vậy cách làm ở đây là gì thưa TS.?
TS. Ngô Kiều Oanh: Tôi vừa phân tích 2 yếu tố, du lịch và nông nghiệp. Rõ ràng để cùng phát triển tốt cả 2 ngành phải có sự phối kết hợp với nhau, ở mỗi giai đoạn, ngành này phải phát huy vai trò đầu kéo cho ngành kia và ngược lại. Công việc của tôi có ý nghĩa là bởi nó có thể kéo 2 ngành lại với nhau, cùng bước, không còn mỗi ngành đi một ngả riêng rẽ như trước đây nữa.
Nhiều quốc gia trên thế giới như Pháp, Ý, Hàn Quốc, Israel, Nhật Bản… họ đã nhìn ra tầm quan trọng của phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn từ rất sớm. Họ đã sớm ban hành những đạo luật, chính sách để hỗ trợ ngành này phát triển mạnh mẽ và bền vững, đã đưa những nông sản của địa phương trở thành một thương hiệu quốc gia được toàn thế giới biết đến. Chúng ta cũng phải đặt mục tiêu như vậy.
Nhưng để làm được điều đó thì cần sự chuẩn bị rất kỹ càng, tạo ra nền tảng, cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, nhưng cũng phải xác định mục tiêu nền tảng đó là gì. Ví dụ, chúng ta xây dựng các vùng nông nghiệp nông thôn trở thành nơi đáng sống không chỉ với người dân bản địa, mà còn với cả người dân thành thị. Phải thu hút được ngoại lực về nông thôn, từ tài chính đến trí tuệ, chất xám… để tạo nên sinh khí mới, từ đó mới có động lực phát triển, có nguồn trí tuệ tập trung để biến nông thôn thành không gian có ích cho tất cả mọi người, không chỉ để ở, để du lịch, mà xa hơn nữa là để sống, làm việc, sáng tạo, tạo ra kinh tế cho mình và đóng góp cho xã hội. Những nông sản từ đó không chỉ phục vụ tại chỗ nữa, mà còn trở thành một dòng sản phẩm tạo ra lợi nhuận, tăng sinh kế cho người nông dân.
- Để làm được những điều này, chắc chắn phải cần một quy hoạch nông thôn rất cụ thể, rõ ràng, thưa TS.?
TS. Ngô Kiều Oanh: Như đã nói ở trên, khi chuẩn bị để đưa các vùng nông nghiệp, nông thôn trở thành điểm du lịch nổi tiếng cũng như trở thành vùng quê đáng sống thu hút người thành thị trở về và khách du lịch ghé thăm thì phải có sự chuẩn bị rất kỹ càng, để không gian nông thôn đó không bị xáo trộn. Phải quy hoạch nông thôn thành 3 không gian: Không gian thương mại dịch vụ, không gian cư trú và không gian sản xuất. Đây là quy tắc cơ bản và mọi quy hoạch phải bám vào 3 không gian đó. Mọi thứ đều diễn ra trên đất thôi, nhưng rõ ràng đã có rất nhiều bài học đau lòng khi các địa phương không có sự chuẩn bị sẵn sàng, để phong trào phát triển du lịch nông nghiệp, xây dựng trang trại diễn ra ồ ạt rồi không đi đến đâu, quây đất để hoang ở đó, dẫn đến lãng phí tiền bạc, lãng phí đất và các nguồn lực khác. Rất xót xa!
Các địa phương hãy tập trung vào 3 không gian này, quy hoạch rõ ràng, có kế hoạch tổng thể, từ đó mới có các chính sách thu hút đầu tư, lôi kéo các nhà đầu tư đến với mình, tập trung phát triển hạ tầng, làm nền tảng vững chắc…
- TS. Nhắc nhiều đến hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, cụ thể là gì thưa TS.?
TS. Ngô Kiều Oanh: Hạ tầng cứng là hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng viễn thông… Hạ tầng mềm chính là yếu tố con người. Các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương, cho đến những người nông dân phải thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức, phải hiểu rõ rằng, mọi định hướng phát triển đều phải dựa trên một nền nông nghiệp phát triển bền vững và những chính sách cởi mở, đột phá để khơi dậy được những tiềm năng vượt trội của nông nghiệp trong phát triển du lịch và ngược lại.
- Vậy lúc này những người nông dân thì sao thưa TS., họ ở đâu trong chuỗi các hành động này?
TS. Ngô Kiều Oanh: Sinh kế của người nông dân là mục tiêu đầu tiên của mọi hoạt động. Chúng ta phải đảm bảo rằng, những người nông dân ấy, với bề dày kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp có thể gia tăng sinh kế từ các hoạt động như du lịch nông nghiệp, nông thôn và có thêm đầu ra cho nông sản. Chúng ta không kéo khách du lịch về một vùng nông thôn và khiến người dân bỏ các hoạt động sản xuất nông nghiệp của mình để chạy theo thị trường du lịch. Như thế không bền vững và hoàn toàn sai.
Trong du lịch nông nghiệp nông thôn có 3 yếu tố cơ bản: Cộng đồng - Bình đẳng - Bền vững.
Thứ nhất, cộng đồng phải tham gia. Nếu một trang trại chỉ có ông chủ thì không đúng bản chất của du lịch nông nghiệp, nông thôn. Nếu chỉ lao vào các trang trại kín thì rất vô nghĩa. Một trang trại đóng vai trò đầu kéo cho một cộng đồng mới đúng bản chất của loại hình này. Thứ hai, bình đẳng là tạo ra giá trị đôi bên cùng có lợi khi doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia khai thác du lịch, nông nghiệp cùng nông dân. Để thuyết phục người nông dân cùng tham gia là một hành trình vất vả nhưng xứng đáng. Chúng tôi đã từng bắt đầu với rất nhiều khó khăn. Có những khu vực còn chưa có đường đi lối lại, lúc này vai trò của doanh nghiệp khi tham gia vào đó là phải đầu tư xây dựng một số cơ sở hạ tầng cơ bản như đường sá, nhà về sinh… đưa khách du lịch đến với người dân. Khách du lịch nhí rất thích đà điểu, nhưng các trang trại đà điểu ở rất sâu. Dù vậy, khi quảng bá và kết nối được, thấy rằng, các gia đình rất muốn cho con trẻ có trải nghiệm mới lạ như vậy nên họ rất sẵn lòng đi vào tận nơi. Khi người nông dân thấy được giá trị tạo ra từ việc thu hút du lịch, họ sẵn sàng tham gia liên kết cùng mình.
Có 2 yếu tố trên mới có yếu tố cuối cùng là Bền vững. Một ông chủ trang trại hay doanh nghiệp không thể làm được tất cả, phải có sự tham gia của cộng đồng và từ đó mới phát triển được những mô hình du lịch nông nghiệp bền vững.
Một dự án của tôi ở Lâm Bình, Tuyên Quang đã minh chứng cho điều đó. Khi chúng tôi tham gia vào dự án bảo tồn phát triển nghề dệt thổ cẩm địa phương, những người dân địa phương đặc biệt là phụ nữ rất phấn khởi, nói không quá là họ “ào ào nhảy vào” cùng chúng tôi, lúc này chúng tôi khai thác được cả kho tàng trí tuệ và văn hóa của họ, đưa nghề dệt Lâm Bình thành một ngành kinh tế dân gian rất giá trị.
Nói như vậy để chứng minh rằng, nếu biết cách khơi dậy, chúng ta sẽ không thiếu những vùng đất du lịch nông nghiệp có cơ hội phát triển mạnh mẽ, không thiếu những sản phẩm nông nghiệp phong phú, đa dạng, đặc sắc, có cơ hội trở thành thương hiệu cho địa phương, cho quốc gia… Đó chính là tính bền vững.
- Như TS. đã trao đổi, chúng ta có một nguồn tài nguyên sẵn có rất đa dạng và phong phú, vậy thì vướng mắc ở đâu khiến thị trường du lịch nông nghiệp nông thôn của Việt Nam vẫn chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng?
TS. Ngô Kiều Oanh: Chính sách đã có rồi, chỉ còn vướng mắc ở tư duy và cách làm thôi. Phải thay đổi tư duy cho tất cả các đối tượng, chủ thể tham gia, song song với đó là cần thêm nhiều nữa những mô hình du lịch nông nghiệp trực quan. Mỗi mô hình phải phù hợp với những đặc thù của vùng miền đó, không phải mô hình của một vùng đất này lại nhân rộng ra với hàng loạt vùng khác không có các điều kiện tương ứng.
Phải hiểu rằng, phát triển du lịch nông nghiệp là xu thế tất yếu trong bối cảnh hiện nay, phải bỏ ngay tư duy phong trào. Phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn không phải là phong trào mà là một xu thế tất yếu chúng ta phải đi theo, phải chuẩn bị kỹ lưỡng mới có thể “chiến đấu” được trong hàng chục, hàng trăm năm tiếp theo. Từ những cách làm hôm nay có những bài học rút kinh nghiệm sau hàng chục năm triển khai thực tiễn và sau đó tiếp tục thay đổi để làm tốt hơn.
Phải đi từ gốc rễ là có lợi ích cho người nông dân, nhưng muốn thành hình được thì vừa phải có chính sách, kế hoạch hành động vừa phải có hậu kiểm rút kinh nghiệm. Lúc này vai trò của Nhà nước phải được thể hiện rõ nhất, xây dựng nền tảng đầu tiên, Nhà nước mà buông lỏng thì không thể thành công được.
Đây cũng là điều tôi trăn trở nhất hiện nay. Chúng ta cần một kế hoạch hành động cụ thể, nếu không có kế hoạch hành động cụ thể từ Trung ương thì các địa phương rất khó làm.
Chỉ khi có một kế hoạch cụ thể từ trên xuống dưới mới xây dựng được các cộng đồng vững chắc, từ đó trở thành nền tảng vững chắc cho một quốc gia. Phải hiểu rõ tư duy đó ta mới có chiến lược bài bản. Người dân không thể tự nghĩ ra, doanh nghiệp hay các địa phương không tự làm được. Chúng ta cũng không thể chỉ nhìn một khía cạnh tách rời là nông nghiệp hay du lịch, đây là câu chuyện chiến lược xuyên suốt của quốc gia.
- Đúng như TS. khẳng định, chúng ta không thể tách rời du lịch hay nông nghiệp mà đây là câu chuyện chung của hai ngành. Nhưng thời gian qua, dù du lịch được kỳ vọng sẽ trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, một động lực quan trọng tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và đóng góp cho sự phát triển của đất nước, nhưng du lịch nông nghiệp vẫn chưa thực sự được chú trọng phát triển một cách tương xứng với tiềm năng?
TS. Ngô Kiều Oanh: Phải khẳng định rằng, mô hình du lịch nông nghiệp là tất yếu và không thể thay thế. Chúng ta đang đứng ở thời điểm vàng, cơ hội vàng với những thuận lợi về chính sách, với xu hướng tìm về thiên nhiên của người dân sau khủng hoảng sức khỏe vừa qua, rồi xu hướng đầu tư vào lĩnh vực này cũng đang tăng cao… Nhưng tại sao vẫn có tình trạng như trên, rằng du lịch nông nghiệp chưa thực sự được chú trọng phát triển, là bởi vì nó cũng chưa phát triển đủ độ để được chú trọng. Có nhiều địa phương hiện nay chỉ tập trung phát triển du lịch biển, bỏ quên hẳn rừng hay các vùng nông nghiệp khác. Trong khi đó, du lịch biển cũng không được phát triển một cách bài bản, đúng nghĩa. Những resort, villa được xây dựng cho khách lưu trú không có tính bản địa, không có các sản phẩm đặc trưng so với các địa phương khác hay các nước khác.
Nguyên nhân do đâu? Do ta chưa có các chiến lược mang tính hệ thống, xuyên suốt, bài bản. Trong khi nếu làm tốt, ta hoàn toàn có thể phát triển nhiều loại hình du lịch đa dạng, như du lịch nghỉ hưu, du lịch y tế, du lịch sức khỏe… không thua kém các nước phát triển khác.
Quay trở lại với du lịch nông nghiệp, hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã vào cuộc, xúc tiến mô hình này ở các địa phương. Ngành du lịch cũng cần vào cuộc mạnh mẽ hơn trong du lịch nông nghiệp, nhưng phải chia vai rất rõ ràng. Ngành nông nghiệp phải chuẩn bị 80%, 20% còn lại là của ngành du lịch. Ngành nông nghiệp, với tinh hoa của mình phải chuẩn bị kỹ càng trước, tạo nên nền tảng, rồi du lịch mới vào, thêm các dịch vụ và phát triển. Trong sự liên kết này, ngành nông nghiệp chịu trách nhiệm tạo ra các sản phẩm tinh hoa cung cấp cho ngành du lịch sử dụng khai thác theo chuẩn du lịch. Ngược lại, chính việc tạo thị trường ngành du lịch sẽ thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuẩn bị nói trên.
Có nhiều địa phương, bởi vì chưa hiểu đúng bản chất lấy nông nghiệp làm nền tảng nên đã có những cách làm sai lầm. Họ giao hết cho ngành du lịch phụ trách việc này và mãi loay hoay, không đi đến đâu. Đó là lý do vì sao tôi đã nói ở trên, ta phải chuyển đổi tư duy và có những hướng dẫn, những tiêu chí tiêu chuẩn rất cụ thể, những mô hình mẫu rất rõ ràng thì mới có thể thành công được.
- Vậy theo TS. Việt Nam có thể cạnh tranh quốc tế bằng du lịch nông nghiệp?
TS. Ngô Kiều Oanh: Hoàn toàn có thể! Với tất cả những điều tôi vừa phân tích, ở thời điểm này, nếu chúng ta tập trung ngay vào nông nghiệp hữu cơ, thì năng lực cạnh tranh quốc tế sẽ là rất lớn. Tôi vừa làm việc với huyện Lục Ngạn, Bắc Giang về việc tổ chức Lễ hội vải thiều. Tại sao chúng ta có một vùng trồng vải rộng lớn như thế, mùa hoa đọng hàng tháng trời dài như thế, mùa quả chín đỏ các quả đồi cũng lâu như thế, mà không thể tổ chức một lễ hội, trong khi ở Nhật Bản, Hàn Quốc, hoa anh đào nở rộ chỉ kéo dài 1 tuần, người ta còn tổ chức được hẳn một Lễ hội quốc gia, thu hút bao nhiêu du khách trong nước và quốc tế. Các vùng nông nghiệp của Việt Nam đẹp như thế tại sao lại không khai thác? Chúng ta phải sớm xác định mục tiêu này và hành động. Cần đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, ngon, sạch, đạt chuẩn quốc tế, từ đó tạo nền tảng cho du lịch nông nghiệp phát triển và bứt phá, sẵn sàng cạnh tranh với các nước trên thế giới. Chúng ta sẽ làm được nếu đủ quyết tâm. Đất nước phải chuyển mình theo hướng đó.
- Xin trân trọng cảm ơn TS.!