Aa

Du lịch Việt Nam và câu chuyện visa

Thứ Tư, 29/03/2023 - 13:06

Để phát triển đất nước nhanh hơn, bền vững hơn, tiến bộ hơn, Nhà nước, doanh nghiệp và người dân đều phải làm tốt phần việc của mình mới có thể thu hút du khách quốc tế đến với Việt Nam.

 

Nhân sự kiện Chính phủ thống nhất đề xuất Quốc hội cấp thị thực điện tử cho tất cả các nước và kéo dài thời gian lưu trú cho du khách quốc tế, xin chia sẻ về vị trí của du lịch Việt Nam.

Sức hấp dẫn du lịch của chúng ta có vượt trội?

Không, chúng ta bình thường. Tính đến năm 2021, theo Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), du lịch Việt Nam xếp thứ 52 trên 117 quốc gia được xếp hạng về chỉ số năng lực phát triển du lịch toàn cầu. Hiểu rõ sức hấp dẫn của ngành du lịch còn ở mức bình thường rất quan trọng để chúng ta biết mình là ai, phải nỗ lực thật sự như thế nào. Biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng. Để phát triển đất nước nhanh hơn, bền vững hơn, tiến bộ hơn, Nhà nước, doanh nghiệp và người dân đều phải làm tốt phần việc của mình mới có thể thu hút du khách quốc tế đến với Việt Nam. Các nước trong khu vực và trên thế giới đều coi trọng du lịch, lấy du lịch làm ngành kinh tế quan trọng. Khi sân chơi có nhiều người chơi, cạnh tranh luôn diễn ra khốc liệt.

TS. Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn CEO

Tại sao du lịch lại được cả thế giới coi trọng?

Nông nghiệp thường chỉ làm được ở nông thôn; công nghiệp, công nghệ thường tập trung ở thành thị nơi có nhiều lao động có trình độ, có tay nghề, có hạ tầng; dịch vụ tài chính, ngân hàng thường tập trung ở các trung tâm thành phố còn du lịch có thể làm ở mọi nơi, 24 giờ về không gian và thời gian.

Du lịch vươn tới sa mạc Sahara, đến rừng nhiệt đới Amazon, đến các rừng quốc gia với muôn loại động vật hoang dã ở Kenya, Uganda, Zimbawe, Namibia hay Nam Phi. Du lịch khám phá các rặng san hô. Du lịch với tới cả những nơi xa xôi và băng giá nhất là Nam cực và Bắc cực. Du lịch phủ khắp địa cầu.

Có lẽ không lâu nữa, du lịch lên tới mặt trăng và cả các vì sao. Kinh tế ban đêm chắp cánh cho du lịch không ngủ. Las Vegas, Bangkok, Pattaya, Majorca, Singapore, Hongkong, Macao, Shanghai, Dubai vô cùng sôi động khi đêm xuống. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tính lan tỏa đến rất nhiều nghành kinh tế khác. Du lịch giúp xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tại chỗ. Du lịch điều tiết dòng tiền từ nơi giàu đến nơi nghèo. Tạo nhiều việc làm giúp xóa đói giảm nghèo.

Toàn dân làm du lịch. Cộng đồng làm du lịch, doanh nghiệp làm du lịch và người dân làm du lịch. Du lịch cộng đồng, du lịch nông trại, du lịch hoang dã đóng vai trò quan trọng để phát triển nông dân, nông thôn và miền núi. Du lịch còn là kênh quảng bá hình ảnh đất nước đi năm châu, bốn biển. Du lịch kết nối thế giới với nhau, gần nhau, hiểu nhau, hợp tác cùng thắng. Du lịch khai thác được mọi lợi thế của con người, thiên nhiên, văn hóa, lịch sử, ẩm thực - những thứ nước nào cũng có với những nét độc đáo riêng. Du lịch mang đến cả “tiếng” và “miếng”.

Thế giới có gì để thu hút du lịch?

Nếu nghiên cứu và/hoặc thực tế đến các quốc gia lớn, nhỏ khắp năm châu lục trên thế giới, có thể khẳng định, xét về tổng thể, nước nào cũng có những điều kiện cơ bản để phát triển du lịch:

(1) Lịch sử đáng tự hào với người dân nước đó: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia có lịch sử rất dài. Châu Âu có La Mã cổ đại. Trung Đông có đế quốc Ba Tư (Persia). Nam Mỹ với Đế chế Maya. Ai Cập cổ đại bắt đầu 3150 TCN. Nam Phi là "cái nôi" của nhân loại (Cradle of Humankind) với phát hiện khảo cổ học về hộp sọ Cậu bé Taung (Taung Child), chủng Australopithecus 2,3 triệu năm tuổi…;

(2) Truyện thần thoại: Hầu hết các nước đều có các câu chuyện truyền thuyết về huyền thoại lập quốc, nguồn gốc của quốc gia, dân tộc. Người Campuchia có huyền thoại lập quốc gắn với Hoàng tử Ấn Độ Preah Thong; Hy Lạp có các vị Thần trên đỉnh Olympia. Ai Cập có Thần Ra, Thần trí tuệ Osiris. Mexico có huyền thoại về những người khổng lồ xây Đại Kim tự tháp Cholula và Thần Quetzalcoatl...;

(3) Tự nhiên: Điều kiện tự nhiên ở mọi quốc gia cơ bản giống nhau, gồm đất, đá, nước, rừng, đồi, đại dương, biển, sông, suối, đồng bằng. Chúng ta có các bãi biển có thể tắm được đẹp hàng đầu thế giới. Đẹp hàng đầu, chứ không phải đẹp số  một trên thế gian.

Rất nhiều nước cũng có biển đẹp vào nhóm hàng đầu. Biển của Maldives như thiên đường. Biển Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines cũng rất tuyệt. Biển Caribe, biển Địa Trung Hải cũng không kém. Biển Hawaii, biển Úc, biển ở Cape Town Nam Phi, biển Tanzania, biển Mauritius đại diện cho châu Phi ở Ấn Độ Dương cũng rất thu hút. Mỹ và Canada chia sẻ thác Niagara. Brazil và Argentina có chung thác Iguazu. Zimbawe và Zambia có chung thác Victoria trên sông Zambezi. Madagascar nổi tiếng với Baobab Avenue 20km với những cây baobab hàng nghìn năm tuổi. Iceland có rất nhiều núi lửa, nước phun, sông băng. Nauy, Thụy Điển, Phần Lan, Nga, Canada có cực quang. Nepal và Tây Tạng có đỉnh Everest cao nhất thế giới. 5 nước Nga, Iran, Turmekistan, Kazakhstan và Azerbaijan cùng chung hồ Caspi lớn nhất thế giới. Peru, Brasil và Colombia có sông Amazon dài nhất trên địa cầu. Mauritius có đất 27 màu vô cùng độc đáo nhờ hoạt động của núi lửa trên 100.000 năm trước, Úc có Twelve Apostles, Nam Phi có Mũi Hảo vọng ( Cape of Good Hope) và rừng quốc gia Kruger, Argentina có Mũi Sừng (Cape of Horn)…;

 

(4) Văn hóa: (i) Dân tộc và ngôn ngữ: Thế giới có trên 200 nước và vùng lãnh thổ nhưng có đến 2.000 dân tộc. Papua New Guinea có tới 850 dân tộc cùng ngôn ngữ thổ dân. Ấn Độ có 400 dân tộc. Nigeria có hơn 250 dân tộc. Tanzania có đến 120 dân tộc anh em và gần ấy ngôn ngữ, văn hóa, ẩm thực khác nhau; (ii) Dùng bằng tay, đũa và dao nĩa là các cách khi ăn của nhân loại; (iii) Điệu nhảy: Lào có điệu nhẩy Apsara, Tây Ban Nha là Flamenco, Argentina là Tango, Brasil là Samba. Ballet có gốc Ý nhưng thịnh hành ở Pháp, Nga, Anh, Mỹ, Bulgary…; (iv) Ngôn ngữ phổ biến: 10 ngôn ngữ phổ biến nhất là tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Hindi, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp, tiếng Ả Rập, tiếng Bengal, tiếng Nga, tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Indonesia. Tiếng Việt đứng thứ 21 về tính phổ biến trong số khoảng 6.809 ngôn ngữ đang sử dụng. Chúng ta có 54 dân tộc với khoảng 90 ngôn ngữ.

(5) Ẩm thực: Loài người đang sống chung trên cùng một hành tinh, chung một giống loài, cùng hít thở không khí, cùng hưởng ánh nắng mặt trời. Gạo, mì, ngô (bắp), khoai, sắn, lợn, gà, bò, cừu, cá, tôm là thực phẩm chính. Brandy, whisky, vang, rum, gin, tequilla, trà, cafe là thức uống chủ đạo. Ẩm thực Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật bản rất, rất đa dạng về màu sắc, mùi và vị. Ẩm thực Pháp với hàng trăm loại vang, sâm-panh, pho mai, bơ, bánh mỳ. Rồi ẩm thực của Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Mexico cũng vô cùng phong phú;

(6) Các công trình nhân tạo: Trung Quốc có Vạn Lý Trường Thành (Great Wall). Mỹ có Tượng Nữ Thần Tự Do (Statue of Liberty) và Cầu Cổng Vàng (Golden Gate Bridge). Panama có kênh đào Panama. Úc có Nhà hát Con Sò (Opera Sydney). Mexico có các Kim Tự Tháp Cholula, Kim tự tháp Mặt Trời & Mặt Trăng Teotihuacan, Đền Chichen Itza (Kukulkan). Peru có Thành phố đã mất của người Inca, Machu Picchu. Brasil có Tượng Chúa Kito Cứu Thế (Statue of Christ Redeemer). Ai Cập có Kim Tự Tháp Giza và Kênh đào Suez. Ấn Độ có Đền Taj Mahal. Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất có Đảo Cây Cọ và Tháp Burj Khalifa ở Dubai. Nhật Bản có Tháp Tokyo Sky Tree và Cầu Akashi Kaikyo. Tây Ban Nha có Đường dẫn nước Segovia. Jordan có Petra, kinh thành của vương quốc Nabataean. Campuchia có Angkor Wat. Ý có Đấu trường La Mã, tháp nghiêng Pisa, Venice. Chile có Đảo Phục Sinh. Hy Lạp có Đền Parthenon thờ thần Athena;

(7) Các di sản được UNESCO công nhận: Tính đến tháng 7/2021, thế giới có 1.153 di sản tại 167 quốc gia. Trung bình mỗi nước có khoảng 8 di sản. Việt Nam có 8; Indonesia có 9; Ý đứng đầu với 58; Trung Quốc có 56; Đức có 51; Tây Ban Nha có 49; Pháp có 4; Ấn Độ có 40; Mexico có 35; Vương Quốc Anh có 34; Nga có 29; Iran có 26.

(8) Hạ tầng lớn: (i) Sân bay: Top 10 sân bay lớn nhất thế giới là King Fahd (Ả Rập Xê Út); Denvor (Colorado, Mỹ); Dallas/ Forth Worth (Texas, Mỹ); Phố Đông (Thượng Hải, Trung Quốc); Charles de Gaulle (Pháp); Madrid Barajas ( TBN); Bangkok (Thái Lan); Chicago O’Hare (Mỹ); Cairo (Ai Cập) và Bắc Kinh (Trung Quốc). Sân bay Changi của Singapore, Dubai không nằm trong top 10; (ii) Express train: Shinkansen của Nhật; Tàu đệm từ Shanghai Maglev của Trung Quốc; Tàu cao tốc AVE của Tây Ban Nha; Tàu tốc hành TGV của Pháp; Tàu ICE của Đức; Tầu EUROSTAR của Anh; Tàu FrecciaRossa của Ý; Tàu nhanh VIA của Canada; (iii) Cảng biển: Cảng Thượng Hải, Singapore, Thiên Tân, Quảng Châu, Ninh Ba-Chu Sơn, Rotterdam, Tô Châu, Thanh Đảo, Busan…;

(9) Các công trình tạo điểm đến cho du lịch: Singapore có tổ hợp khách sạn, mua sắm, casino Marina Bay Sands; Malaysia có Genting; Mỹ, Singapore, Nhật Bản có công viên giải trí Universal; Hongkong, Thượng Hải, Tokyo có Disneyland; Hàn Quốc có Everland; Iceland có tắm khoáng nóng Blue Lagoon; Nauy có công viên tượng khỏa thân Vigeland; Nhiều chục nước có Đua xe công thức 1 (F1) trong đó có Việt Nam…;

(10) Các lễ hội: Lễ hội ném bột màu Holi (Ấn Độ); Lễ hội hóa trang Rio Carnival (Brasil); Lễ hội đèn lồng Mantoro (Nara, Nhật Bản); Lễ hội hóa trang Venice Carnival (Ý); Lễ hội hoa đăng Pingxi Lantern (Đài Loan); Lễ hội Mùa Đông ( Quebec, Canada); Lễ hội Timkat (Ethiopia); Lễ hội đèn lồng (Trung Quốc); Lễ hội chùa Mann Shwe Settaw (Myanma); Lễ hội bia October Fest (Đức); Lễ hội đấu bò tót (Tây Ban Nha); Lễ hội người đồng tính (Gay and Lesbian) ở Úc, Brasil; Lễ hội âm nhạc Glastonbury (Anh); Lễ hội rượu vang (Úc, ý, Đức, Tây Ban Nha), đặc biệt là lễ hội vang Bordeaux của Pháp 2 năm tổ chức một lần và lễ hội vang tươi Beaujolais Nouveau…;

Chính sách visa phổ biến trên thế giới như thế nào?

Thị thực có các loại như sau: (1) Xin visa tại Đại sứ quán/Lãnh sự quán (Embassy visa); (2) Thị thực điện tử (E-visa); (3) Thị thực cấp tại cửa khẩu (on-arrival hay VOA, cấp tại nhà ga hàng không, cảng biển, cửa khẩu biên giới) và (4) Miễn thị thực (free visa).

Châu Âu với thị thực Schengen gồm 26 nước. Du khách có thị thực này đi lại xuyên biên giới như đi trong nội địa. Một khi có thị thực này, du khách được phép đến du lịch ở hầu hết các nước châu Âu còn lại.

Châu Mỹ: Canada cấp visa lên đến 10 năm. Mỹ cấp visa 1 năm và có thể làm thủ tục gia hạn hàng năm. Peru 1 năm. Argentina, Brasil cấp visa 90 ngày. Trừ Cuba, hầu hết các nước Nam Mỹ và Cabibe cho phép du khách vào nước họ nếu có visa Mỹ, visa online hoặc VOA.

Châu Phi: Ngoại trừ Nam Phi phải xin embassy visa, đại đa số các nước châu Phi đều cấp visa online, VOA với chi phí từ 10 - 50 USD. Madagascar thu 10 USD. Đặc biệt nhất là Mauritius cấp VOA mà không thu phí. Đây là một phần lý do quan trọng để đảo quốc nằm ở Đông Phi có dân số 1,3 triệu mà hàng năm đón 1,3 triệu khách quốc tế. Có thể thấy, du lịch mang lại cho đảo quốc này nguồn ngoại tệ chính.

Châu Á: Đài Loan (Trung Quốc) cho phép du khách đến đây nếu có visa còn hiệu lực của Mỹ, Canada, Nhật Bản, Anh, Schengen, châu Âu, Úc và New Zealand. Ngoại trừ Myanma, các nước ASEAN có chính sách thị thực thông thoáng để thu hút du khách.

Mức độ ưu tiên của Việt Nam cho du lịch như thế nào?

Theo Diễn đàn kinh tế thế giới, năm 2019 mức độ ưu tiên của chúng ta cho du lịch xếp 100/140 nước. Trong đó, mức độ ưu tiên của chính phủ cho ngành du lịch xếp 89/140; Chi tiêu của chính phủ cho ngành du lịch 118/140; Mức độ toàn diện về dữ liệu thống kê du lịch hàng năm 112/140; Mức độ kịp thời của thông tin về du lịch hàng tháng/quý là 8/140; Hiệu quả của marketing và phát triển thương hiệu 93/140 và chiến lược thương hiệu quốc gia 101/140. Rõ ràng là rất thấp.

Vậy Việt Nam cần làm gì?

Hiện nay, chúng ta đang nỗ lực để cải thiện các chỉ số cạnh tranh du lịch thông qua việc: (1) Tạo ra môi trường kinh doanh, an toàn và an ninh, y tế và vệ sinh, nguồn nhân lực và thị trường lao động, sự sẵn sàng ICT; (2) Có chính sách ưu tiên cho du lịch, độ mở quốc tế, giá cả cạnh tranh; (3) Đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật như sân bay, bến cảng, đường cao tốc, hạ tầng mặt đất tại cảng, hạ tầng dịch vụ du lịch; (4) Giữ gìn và phát triển các nhân tố tạo cầu du lịch từ nguồn lực tự nhiên, văn hóa; (5) Phát triển du lịch bền vững, bền vững về môi trường, khả năng phục hồi kinh tế xã hội; (6) Triển khai Quỹ phát triển du lịch để tăng cường quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới. Việc Thủ tướng lắng nghe ngành du lịch, Chính phủ đồng thuận trình Quốc hội về chính sách thị thực cởi mở là khởi đầu không thể tuyệt vời hơn. Đây là thông điệp mạnh mẽ nhất cho du lịch từ trước đến nay về thể chế và sự quan tâm của Nhà nước với ngành kinh tế chủ lực.

 

Chính sách visa của Việt Nam nên cải thiện như thế nào?

(1) Ngoài việc mở rộng diện cấp visa online cho tất cả các nước, cần quy định thật rõ thủ tục ngắn gọn, minh bạch, không phiền hà, không sách nhiễu. Tránh tình trạng, xin visa online nhưng phức tạp, mất thời gian và tốn kém hơn xin visa ở cơ quan ngoại giao.

(2) Cần có chính sách cho phép du khách miễn visa đến Việt Nam nếu đã có visa còn hiệu lực như trường hợp của Đài Loan hoặc cho phép những du khách này được cấp VOA.

(3) Cần nghiên cứu mức phí hợp lý. Với một số quốc gia có du khách quốc tế chi tiêu bình quân trên 1.000 USD/người/entry thì cho phép miễn phí thị thực để khuyến khích họ quay lại với Việt Nam;

(4) Cần tăng cường cấp thị thực tại cửa khẩu để thu hút thêm du khách quốc tế vì sự thuận tiện của loại visa này. Hiện thủ tục xin VOA đang bị hạn chế nhóm đối tượng, phải khai form trên website trực tuyến của Bộ Ngoại Giao, phải có thư chấp thuận (Letter of Approval) của Đại sứ quán Việt Nam gần nhất. Như vậy là khá phức tạp. VOA cần cho phép đơn giản như các nước, xét duyệt nhân sự ngay tại cửa khẩu, khách du lịch đến cửa khẩu và khai form, nộp phí thị thực theo quy định là được cấp visa, trừ các trường hợp đặc biệt ảnh hưởng đến an ninh quốc gia;

(5) Cần quy định rõ hơn thời gian gia hạn miễn thị thực nhập cảnh cho công dân các nước đang áp dụng chính sách đơn phương miễn thị thực nhập cảnh lên 5 năm để các cơ quan, doanh nghiệp và các đối tác có thể xây dựng kế hoạch phù hợp nhằm khai thác thị trường hiệu quả.

Case Study: Mauritius và chế độ thị thực thông thoáng: Khi đến Mauritius, chúng tôi được hướng dẫn khai Tờ khai nhập cảnh VOA và Tờ khai y tế. Chỉ mất vài phút là xong. Đến quầy làm thủ tục nhập cảnh, nhân viên nhập cảnh thao tác rất nhanh và đóng dấu entry visa vào hộ chiếu. Chúng tôi chuẩn bị tiền nộp phí visa như các nước khác nhưng nhân viên nhập cảnh cười và nói “no fee”. Ồ. Hay quá! Your country is smart! Thả con săn sắt, bắt con cá rô! Anh ta cười và nói Welcome! (Chào mừng bạn).

Final question: Tại sao phải thu vài chục USD, trong khi mỗi du khách đến thường chi cả nghìn USD nhỉ?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top