Du lịch Việt Nam liên tục phá kỷ lục
Tại báo cáo Chuyên đề đặc biệt: Phát triển du lịch tại Việt Nam công bố mới đây, World Bank đánh giá, ngành du lịch của Việt Nam cần chuyển dịch trọng tâm để phát triển theo hướng bền vững hơn về văn hóa, xã hội và môi trường.
Trong những năm gần đây, lượng khách du lịch tại Việt Nam liên tục phá kỷ lục, bao gồm cả khách trong nước lẫn khách quốc tế. Cụ thể, số khách quốc tế đến Việt Nam tăng gần 4 lần, từ 4,2 triệu lượt năm 2008 lên mức 15,5 triệu năm 2018. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng nhảy vọt trong 3 năm qua, từ mức bình quân khoảng 9% mỗi năm trong giai đoạn 2008 - 2015 lên đến con số 25% giai đoạn 2016 - 2018.
Du lịch trong nước của Việt Nam cũng gia tăng không kém với số lượt khách tăng gấp 4 lần, từ 20,5 triệu năm 2008 lên 80 triệu năm 2018 nhờ sự phát triển nhanh chóng của tầng lớp trung lưu.
Một trong những nguyên nhân khiến lượng khách du lịch tăng mạnh là do sự chuyển dịch sang cơ cấu khách có mức chi thấp hơn, tiếp tục chú trọng vào những sản phẩm du lịch đại chúng, gia tăng du khách vào những điểm đến quen thuộc vốn đã quá tải.
Mặc dù đây là những triển vọng tích cực nhưng World Bank vẫn đưa ra cảnh báo rằng nếu thiếu quan tâm, mô hình tăng trưởng như trên sẽ dẫn tới rủi ro là tác động của ngành đến nền kinh tế giảm dần, tài sản du lịch văn hóa và thiên nhiên bị xuống cấp, sự ủng hộ của cộng đồng địa phương với du lịch bị xói mòn.
Gánh nặng về nguy cơ suy giảm môi trường du lịch
Hơn thế nữa, song hành với sự tăng trưởng vượt bậc về lượng du khách lại là những hệ quả vô cùng nghiêm trọng về môi trường. Báo cáo của World Bank nhận định: “Tăng trưởng nhanh trong ngành du lịch còn có nguy cơ làm trầm trọng hơn những áp lực vốn đã cao về môi trường và những thông lệ chưa đảm bảo bền vững, bởi, các quốc gia Đông Nam Á thuộc nhóm có kết quả kém nhất về bền vững môi trường, nhưng Việt Nam lại còn đứng sau mốc vốn đã thấp của khu vực”.
Theo xếp hạng gần đây về năng lực cạnh tranh ngành du lịch năm 2017 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam có thứ hạng thấp hơn mức bình quân ở Đông Nam Á trong hầu hết mọi nội dung đánh giá về bền vững môi trường, ngoại trừ áp lực ban đầu về nước và tự đánh bắt cả vùng duyên hải.
Đặc biệt, độ tương quan lớn giữa Việt Nam với mức trung bình ở ASEAN nổi bật trong nội dung về ô nhiễm không khí (nghĩa là ô nhiễm hạt nhỏ), xử lý nước thải và mức độ tuân thủ chặt chẽ các quy định môi trường.
“Khi số lượng du khách tiếp tục đổ về ngày càng nhiều, áp lực với ba điểm yếu trên sẽ chỉ tăng lên. Tương tự là những nguy cơ khác về môi trường chưa được thể hiện trong chỉ số của WEF, như mức độ tích lũy chất thải nhựa tại Việt Nam đang ở mức cao nhất thế giới sẽ tác động tới hệ sinh thái biển và đất liền”, World Bank nhấn mạnh.
Điển hình tại Vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), ô nhiễm và hủy hoại sinh vật biển hoang dã do các tàu thuyền du lịch và làng chài trong Vịnh là vấn đề tồn tại lâu nay. Mặc dù chính quyền đã tiến hành những biện pháp quan trọng trong những năm qua, như tái định cư làng chài và thắt chặt quy định về xả thải của tàu thuyền, nhưng World Bank cho hay, rủi ro vẫn tiếp diễn do lưu lượng tàu thuyền lớn và đội tàu cũ kỹ, không chỉ gây ảnh hưởng đối với môi trường địa phương mà còn ảnh hưởng đến trải nghiệm chung của du khách.
Thêm một minh chứng nữa là tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (khu di sản thế giới của UNESCO), tỉnh Quảng Bình, kế hoạch xây dựng đường cáp treo mới dẫn vào hang Sơn Đoòng đã gây lo lắng về nguy cơ gây hại đến rừng xung quanh trong quá trình xây dựng và hệ sinh thái động do cáp treo sẽ làm tăng mạnh khách du lịch.
Ngoài ra, World Bank còn cho rằng tăng trưởng khách du lịch tràn lan cũng đe dọa đến bền vững ở các điểm du lịch văn hóa quan trọng. Điển hình Sa Pa (Lào Cai) là thành phố cửa ngõ để đến với những thửa ruộng mang tính biểu tượng quanh vùng, đỉnh núi Fansipan, làng văn hóa Cát Cát. Tuy nhiên, việc xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng và các công trình du lịch khác đã dẫn đến đẩy mạnh phá rừng, ô nhiễm và ùn tắc giao thông, bắt đầu hủy hoại đặc trưng về vẻ đẹp mộc mạc trước đây của vùng này cũng như chất lượng chung về trải nghiệm của du khách.
Thêm nữa, rủi ro của xu hướng phát triển trên không chỉ giới hạn ở những điểm du lịch văn hóa thuần túy mà tại các thành phố lớn như Hà Nội, các tòa nhà lịch sử và di sản đang dần dần bị thay thế bằng khách sạn hiện đại và công trình thương mại khác để đáp ứng lượng khách tăng lên.
Theo World Bank, nếu không có những nỗ lực bảo tồn di sản mạnh mẽ hơn, sự hấp dẫn về du lịch văn hóa ở những nơi đó đang gặp rủi ro sẽ mất dần để nhường chỗ cho những cơ hội thiên về thị trường du lịch đại chúng nhiều hơn.
Áp lực hạ tầng ngày một gia tăng
Ngoài những nguy cơ về ô nhiễm môi trường, World Bank còn nhấn mạnh rằng, mật độ du khách tăng trưởng mạnh sẽ dẫn đến các vấn đề ùn tắc giao thông, ô nhiễm, đặc biệt ở những điểm đô thị vốn đã đông dân như Hà Nội, Đà Nẵng hay TP.HCM.
Mặc dù tầm quan trọng của quy hoạch dựa trên nhu cầu về các điểm đến du lịch được tính đến, tuân thủ quy hoạch thường vẫn có vấn đề, gây ảnh hưởng đến các mục tiêu và tính bền vững trong phát triển du lịch. Theo đó, nhiều quy hoạch chưa được tuân thủ hoặc chỉnh sửa trong quá trình triển khai thường do lợi ích riêng của doanh nghiệp chứ không phải căn cứ vào các chỉ tiêu.
Điều này đôi khi tạo điều kiện cho những dự án đầu tư gây đe dọa đến tính bền vững của phát triển du lịch. Ví như Đà Nẵng - nơi nhiều thửa đất trước đây được quy hoạch cho mục tiêu đất ở dân cư dần bị chuyển đổi thành khách sạn đặt ra nhu cầu về các dịch vụ cơ bản như điện, nước, rác thải và nước thải lớn hơn rất nhiều so với dự kiến cho đất ở dân cư.
Một ví dụ nữa là sự sinh sôi nảy nở của dịch vụ cáp treo được đầu tư bằng vốn tư nhân trong các vùng du lịch trên cả nước, tạo điều kiện đưa một khối lượng lớn du khách đến những địa điểm chưa nhất thiết đã sẵn sàng cho khối lượng khách như vậy trong các bản quy hoạch du lịch liên quan.
Số lượng khách du lịch tăng trưởng “nóng” dẫn tới tăng trưởng nguồn cung cơ sở lưu trú nhảy vọt, từ đó tạo ra rủi ro quá tải về hạ tầng dịch vụ. Mỗi phòng khách sạn xây mới đều làm tăng nhu cầu về điện, nước, quản lý chất thải và các dịch vụ cơ bản khác. Tuy nhiên, những cải thiện về năng lực cung cấp dịch vụ và hạ tầng thiết yếu khác để hỗ trợ số lượt khách tăng nhanh lại chưa bắt kịp.
Theo chỉ số về năng lực cạnh tranh du lịch của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) từ năm 2013 đến 2017, những cải thiện bổ trợ về hạ tầng giao thông đường hàng không, đường bộ, hạ tầng y tế và vệ sinh vẫn đi sau với khoảng cách đáng kể, thậm chí không đáng kể trong trường hợp vận tải hàng không.
World Bank cho rằng, tại các điểm du lịch hiện đang gặp rủi ro quá tải hoặc đã phá vỡ giới hạn về năng lực, điều quan trọng là phải cân nhắc áp dụng các biện pháp và hệ thống để cải thiện về quản lý luồng khách. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần nâng cao tiêu chuẩn chất lượng, dịch vụ và hạ tầng để đảm bảo bền vững ở những điểm đến, đòi hỏi vừa phải đầu tư cho hạ tầng, vừa phải xây dựng và thực thi hiệu lực tiêu chuẩn chất lượng.
Rõ ràng, năng lực hạ tầng của Việt Nam cần được mở rộng để hỗ trợ cho khối lượng du khách tăng lên, cả về hạ tầng giao thông lẫn hạ tầng dịch vụ cơ bản như vệ sinh và quản lý chất thải nhằm giảm thiểu tác động ngoại ứng tiêu cực về môi trường.
Đầu tư công cho hạ tầng, nếu được tăng lên, cần phải ưu tiên cho những khu vực du lịch hiện đang gặp áp lực về năng lực đáp ứng. Ngoài ra, hướng phát triển các sản phẩm du lịch thân thiện sinh thái hơn cũng có thể làm giảm áp lực về hạ tầng ở những vùng thị trường du lịch đại chúng.