Aa

Dư nợ ngân hàng phân hóa mạnh những tháng cuối năm

Thứ Sáu, 08/12/2023 - 13:40

Để đáp ứng cầu vốn cuối năm, một số nhà băng đề xuất nới room tín dụng, trong khi không ít ngân hàng khó tăng dư nợ.

Thêm dư địa, có dễ cho vay?

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới có văn bản gửi các tổ chức tín dụng thông báo việc nới room tín dụng cho các ngân hàng công khai, minh bạch theo các nguyên tắc và tiêu chí cụ thể.

Theo đó, các tổ chức tín dụng có dư nợ tín dụng đến nay đạt đến 80% chỉ tiêu tín dụng đã được thông báo thì sẽ được chủ động bổ sung hạn mức tăng thêm dựa trên cơ sở xếp hạng năm 2022, đồng thời ưu tiên thêm cho những tổ chức tín dụng tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ và hạ lãi suất cho vay xuống mức thấp trong thời gian qua.

Điều đáng nói là, việc bổ sung hạn mức này là sự chủ động của NHNN, mà các tổ chức tín dụng không cần thiết phải đề nghị hoặc xin bổ sung như mọi năm.

Tại buổi gặp Hội nghị Nhà đầu tư cập nhật kết quả kinh doanh quý III/2023 mới đây, lãnh đạo HDBank cho biết được cấp room tín dụng là 29%. Do được NHNN xếp hạng cao nhất, nên sắp tới, HDBank có thể được bổ sung thêm room tín dụng. Dự kiến năm nay, nếu tận dụng hết room tín dụng, tăng trưởng tín dụng của HDBank có khả năng đạt trên 30%.

LPBank cho biết, ngân hàng này đã sử dụng gần hết room tín dụng của mình và đã làm đơn xin phép NHNN nới hạn mức tín dụng.

Còn theo lãnh đạo VPBank, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này tới nay đã vượt mức 20%, cao hơn so với mức trung bình toàn ngành và gần tiệm cận room được NHNN cấp 24%. Như vậy, nhiều khả năng VPBank phải xin nới thêm room tín dụng.

Thế nhưng, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng, động thái nới room tín dụng của NHNN mang nhiều ý nghĩa tích cực về mặt tâm lý, chứ không giải toả căng thẳng của thị trường, vì năm nay, tăng trưởng tín dụng toàn ngành thấp, nhiều ngân hàng vẫn còn room tín dụng, chứ không giống như năm ngoái. Do đó, tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế năm nay dự báo đạt mức 10 - 12%.

Dư nợ phân hóa giữa các ngân hàng

Kết thúc 3 quý đầu năm, tín dụng ở các ngân hàng có tăng trưởng, song phân hóa rõ rệt giữa các nhà băng. Trong đó, có nhà băng sử dụng gần hết room tín dụng được giao, song cũng có ngân hàng mới đạt 3-4%.

Cụ thể, báo cáo tài chính trong 9 tháng đầu năm nay, một số ngân hàng có mức tăng trưởng tín tương đối cao so với mặt bằng chung toàn ngành (7%). Đó là MSB (tăng 17,1%), MB (tăng 14%), Techcombank (tăng 13,5%), TPBank (11,7%), OCB (11%), SHB (10%)... 

Ngược lại, tại một số ngân hàng quy mô, trong đó có nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, tín dụng tăng tương đối thấp trong 9 tháng đầu năm nay.

Tính đến cuối quý III/2023, tổng tài sản của Techcombank tăng 12% so với đầu năm, lên 781,279 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại NHNN gấp 2,4 lần đầu năm (27,428 tỷ đồng), tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác giảm 10% (còn 63,434 tỷ đồng), cho vay khách hàng tăng 13% (175,605 tỷ đồng).

Tổng tài sản của OCB đạt 216,755 tỷ đồng tính đến cuối tháng 9/2023, tăng 12% so với đầu năm. Đặc biệt, dư nợ thị trường 1 tăng 10,8% so với cuối năm 2022, đạt 136.105 tỷ đồng, thực hiện 92% kế hoạch năm 2023 nhờ tích cực triển khai hàng loạt gói cho vay với lãi suất ưu đãi và thủ tục đơn giản.

Cho vay khách hàng của Vietcombank đến cuối quý III/2023 tăng 3,9% so đầu năm, trong khi số dư tiền gửi có mức tăng trưởng hơn gấp đôi (8,5%).

Tính đến ngày 30/9/2023, cho vay khách hàng của VietinBank tăng 8,7%, đạt hơn 1,38 triệu tỷ đồng, trong khi số dư tiền gửi của Ngân hàng chỉ tăng 4,9%, với 1,31 triệu tỷ đồng.

Ở khối ngân hàng thương mại tư nhân, tín dụng đến cuối tháng 9/2023 của ABBank chỉ tăng 4%; của VietABank tăng 7%; BVBank, Saigonbank tăng 4,3%: Eximbank tăng 4%...

Mặc dù lãi suất có xu hướng giảm trong thời gian qua, nhưng lãi suất cho vay giảm chậm hơn nhiều so với kỳ vọng. Điều này khiến các ngân hàng rơi vào tình trạng dư thừa vốn. Còn tăng trưởng tín dụng năm nay được các chuyên gia tài chính dự báo chỉ có thể đạt 10 - 12% so với mục tiêu ngành ngân hàng đưa ra là 13 - 15%.

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng, việc chủ động nới room tín dụng cho thấy nỗ lực rất lớn của NHNN và tín dụng tháng cuối năm được kỳ vọng tăng nhanh.

Thế nhưng, ông Lực dự báo, tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ chỉ khoảng 11 -12%. Theo ông, mức này là tương đối phù hợp, bởi mục tiêu tăng trưởng 14% đặt ra khi tăng trưởng GDP là 6,5%./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top