Aa

Dù phông nền chung ảm đạm, thị trường BĐS vẫn là “vùng xanh” an toàn

Hà Thương
Hà Thương ngthuongreatimes@gmail.com
Chủ Nhật, 21/11/2021 - 06:00

Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thành trọng điểm khiến khả năng hấp thụ của thị trường BĐS quý III/2021 giảm mạnh, song giới chuyên gia cho rằng, BĐS vẫn sẽ là “vùng xanh” cho nhà đầu tư.

Hơn 80% sàn giao dịch không có doanh thu

Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 ở Việt Nam trong suốt quý III/2021 vừa qua là rất nghiêm trọng; tác động tiêu cực đến nền kinh tế, gây đình trệ, đứt gãy chuỗi hoạt động kinh doanh sản xuất của nhiều ngành, nghề, khiến phông nền chung vô cùng ảm đạm. Lĩnh vực bất động sản cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng.

Hầu hết các dự án bất động sản trên cả nước đều phải dừng thi công vì lệnh giãn cách và đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu và thiết bị. Những dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư cũng không thể triển khai vì cơ quan chính quyền các tỉnh, thành phố phải tập trung chống dịch. Nguồn cung trên thị trường vốn đã thiếu hụt nay lại không có cơ hội để cải thiện.

Hoạt động giao dịch mua - bán bất động sản trên thị trường cũng rất khó khăn vì không thể tiến hành gặp gỡ, trao đổi, giao nhận … trong khi bất động sản là loại hàng hóa đặc biệt phải qua rất nhiều khâu kiểm nghiệm, pháp lý khi phát sinh giao dịch. 

Cụ thể, theo Báo cáo thị trường bất động sản của Bộ Xây dựng, trong quý III/2021 có hơn 80% sàn giao dịch không có doanh thu hoặc doanh thu rất thấp. Quỹ lương ngày một cạn kiệt, buộc nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự hoặc cho tạm nghỉ việc không lương.

Trong đó, có tới 28% đơn vị có nguy cơ giải thể, phá sản, 32% đơn vị đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì và 40% doanh nghiệp còn khả năng chống đỡ, nhưng không cao.

Thực tế cũng cho thấy, mặc dù các doanh nghiệp đã chủ động, linh hoạt, thay đổi phương án kinh doanh để thích ứng, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong bán hàng song với tình hình dịch bệnh phức tạp, các doanh nghiêp nói chung đều không tránh khỏi những khó khăn. 

Bà Nguyễn Thanh Hương
Bà Nguyễn Thanh Hương - CEO Đại Phúc Land.

Chia sẻ về điều này, bà Nguyễn Thanh Hương - CEO Đại Phúc Land bày tỏ: “Ba quý đầu năm 2021, đặc biệt là quý III, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng cùng các ngành phụ trợ liên quan đều gánh chịu quá nhiều thiệt hại.

Trong quý III vừa rồi, hầu hết các dự án của doanh nghiệp địa ốc đều phải trì hoãn, công tác hậu cần làm việc văn phòng cũng phải đóng cửa do Chỉ thị giãn cách xã hội của Chính phủ.

Mức chi gần như không giảm trong khi nguồn thu lại hạn chế khiến không ít doanh nghiệp rơi vào cảnh lao đao. Những doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính mạnh thì khả năng “sinh tồn” chắc chắn vẫn còn, thậm chí đây là thời gian tốt cho nhiều doanh nghiệp tập trung chuẩn bị nguồn cung. Ngược lại, với những doanh nghiệp nhỏ, nguồn vốn yếu, phụ thuộc nhiều vào tín dụng ngân hàng thì việc xoay sở trả lãi vay cũng là một gánh nặng”.

Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhìn nhận: “Doanh nghiệp bất động sản gần như “chết đứng” trong mấy tháng vừa qua do giao dịch đình trệ, toà nhà văn phòng đóng cửa, công trình dừng thi công… Những ảnh hưởng từ dịch bệnh đến hoạt động kinh doanh bất động sản rất nặng nề.

Nếu như năm 2020, các doanh nghiệp vẫn còn bám trụ tốt nhờ vốn tích trữ thì sang năm 2021 đặc biệt là đợt dịch tái bùng phát lần thứ 4, hầu hết doanh nghiệp nào cũng chịu tác động và khốn khó.

Đặc biệt, việc ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại vẫn coi hoạt động đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nên không được hưởng những ưu đãi lãi vay, cấp tín dụng đã cản trở rất lớn đến sự hồi phục của thị trường bất động sản”.

BĐS HCM
Hiện có hơn 80% sàn giao dịch BĐS không có doanh thu hoặc doanh thu rất thấp. (Ảnh minh hoạ)

Tồn kho bất động sản hơn 15.000 căn

Khi giao dịch đình trệ, các hoạt động mua - bán không thể tiến hành, thị trường bất động ghi nhận sản phẩm tồn kho tăng cao. 

Theo Bộ Xây dựng, qua tổng hợp, phân tích số liệu về nguồn cung bất động sản và lượng giao dịch bất động sản tại các báo cáo công bố thông tin về lĩnh vực này của nhiều địa phương cho thấy, số lượng nhà ở đưa ra thị trường còn tồn, chưa giao dịch ước tính khoảng 15.067 căn.

Như vậy, khả năng hấp thụ của thị trường bất động sản trong quý III/2021 giảm so với quý trước rất nhiều. Đặc biệt diễn ra ở những địa phương lớn phải thực hiện giãn cách kéo dài do dịch bệnh diễn biến căng thẳng như TP.Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương,…

Về tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, Bộ Xây dựng dẫn số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, tính đến 30/9/2021 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 682.594 tỷ đồng.

Cụ thể, dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở đạt 168.687 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 24,7%; Dư nợ tín dụng đối với các dự án văn phòng (cao ốc) cho thuê đạt 38.991 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5,7%;  Dư nợ tín dụng đối với các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất đạt 28.326 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4,1%; Dư nợ tín dụng đối với các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng đạt 26.919 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4%; Dư nợ tín dụng đối với các dự án nhà hàng, khách sạn đạt 53.348 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 7,8%;.... trong tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.

ông Lê Hoàng Châu
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM.

“Những doanh nghiệp lớn, giàu tiềm lực tài chính thì không nói nhưng những doanh nghiệp vừa và nhỏ chắc chắn sẽ phải phụ thuộc nhiều vào vốn vay ngân hàng. Nên dư nợ tín dụng cao đối với lĩnh vực bất động sản cũng là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra. 

Vấn đề quan trọng hiện nay là Nhà nước cần có các chính sách tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho doanh nghiệp. Nên tạo điều kiện để doanh nghiệp bất động sản được các ngân hàng quan tâm xem xét tiếp tục cấp tín dụng, đảm bảo dòng tiền. Có như vậy, khi nền kinh tế “mở cửa”, doanh nghiệp bất động sản mới nhanh chóng hồi phục”, Chủ tịch HoREA bày tỏ.

Bất động sản vẫn là “vùng xanh” an toàn

Trước những “tổn thương” lớn đến từ đại dịch Covid-19, nhiều nhà đầu tư lo ngại thị trường bất động sản sẽ khó hồi phục và có nhiều biến động trong thời gian tới. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, bất động sản vẫn sẽ là kênh đầu tư an toàn, thị trường đảm sẽ bảo hồi phục trong ngắn hạn.

Đặc biệt, từ đầu tháng 10/2021, nhiều thành phố lớn và nhiều địa phương trên cả nước hoàn thành cơ bản tiêm vắc-xin cho đối tượng từ 18 tuổi, cùng với việc sàng lọc cách ly người lây nhiễm Covid-19, tạo ra nhiều khu vùng xanh. Các địa phương gỡ dần những biện pháp hạn chế chống dịch đồng thời kích hoạt trở lại các hoạt động sản xuất và phát triển kinh tế trong bối cảnh bình thường mới. Tất cả điều này đã tạo nên tiền đề cho sự trở lại của thị trường bất động sản.

Bộ Xây dựng đánh giá, thị trường bất động sản từ nay đến hết năm 2021 sẽ không có chuyển biến mang tính đột phá, vì nền kinh tế phía Nam vẫn đang gồng mình gánh chịu thiệt hại do dịch bệnh. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt thì thanh khoản bất động sản sẽ tăng trở lại, kéo theo giá cả có thể sẽ tăng nhẹ do nguồn cung còn hạn chế mà nhu cầu nhà ở vẫn cao, giá nguyên vật liệu, nhân công… tăng. 

Ngoài ra, trong tình trạng đại dịch như hiện nay, dòng vốn từ nhiều nhà đầu tư không luân chuyển được vào các kênh sản xuất, tiêu dùng, do đó dòng vốn sẽ có xu hướng rót về bất động sản, vì đây vẫn được đánh giá là kênh đầu tư an toàn, bền vững trong dài hạn.

BĐS Hà Nội
Covid-19 được kiểm soát tốt thì thanh khoản bất động sản sẽ tăng trở lại, kéo theo giá cả có thể sẽ tăng nhẹ. (Ảnh minh hoạ)

Với tâm thế là một doanh nghiệp bước qua mùa dịch, bà Nguyễn Hương, CEO Đại Phúc Land bày tỏ: “Ba quý đầu năm đã kéo mức tăng trưởng của nhiều doanh nghiệp đến “bờ vực”, vì vậy không có lý do gì khi nền kinh tế tái khởi động, doanh nghiệp lại “nằm yên”. Nhìn vào khả năng hồi phục, các doanh nghiệp bất động sản sẽ đạt khoảng 50% trong quý IV/2021. Thời gian để kích hoạt trở lại là khoảng từ 1 - 3 tháng sau đó.

Với các doanh nghiệp tiềm lực, khi bước sang quý IV, họ đều sẵn sàng nguồn cung để bung ra thị trường. Thậm chí, họ sẽ tăng tốc "chạy" để bù lại những “tổn thương” từ quý III vừa qua. Bởi trong quý III, dù các hoạt động giao dịch không được diễn ra nhưng nhu cầu đầu tư bất động sản vẫn còn đó.

Do đó, quý IV là cơ hội thuận lợi để các doanh nghiệp quay trở lại bán hàng, đáp ứng nguồn cung cho các nhà đầu tư". 

Rõ ràng bất động vẫn luôn được đánh giá là thị trường khả quan khi sở hữu nhiều lực đẩy tốt. Vì vậy, khả năng hồi phục cũng như cơ hội đầu tư vào đây là rất lớn. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, tình hình hiện tại khác nhiều so với cùng kỳ năm 2020. Việc kiểm soát dịch bệnh tại thời điểm này đang ở giai đoạn hạn chế từng bước, vẫn còn nhiều nguy cơ lây lan, đòi hỏi việc mở cửa phát triển vẫn phải đề cao thận trọng./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top