Theo tiến trình, hôm nay (17/6), Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Dự thảo Luật Đầu tư sau gần 2 năm soạn thảo và lấy ý kiến.
PV: Trong báo cáo Chồng chéo pháp luật kinh doanh 2019, VCCI đã nhấn mạnh, trong số 25 điểm chồng chéo của hệ thống pháp luật về đầu tư kinh doanh thì có đến 14 điểm chồng chéo liên quan đến Luật Đầu tư. Từ góc nhìn của một người làm nghề luật, theo ông, Dự thảo Luật Đầu tư đã giải quyết vấn đề này như thế nào, còn tình trạng chồng chéo không, thưa ông?
Luật sư Nguyễn Tiến Hòa: Dự thảo Luật Đầu tư vừa qua đã có những ảnh hưởng tích cực khi đưa ra được những quy định mới phù hợp với thực tiễn, đặc biệt tháo gỡ được nhiều vướng mắc, ách tắc về thủ tục đầu tư xây dựng, đất đai... Nếu được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành, Luật Đầu tư được kỳ vọng sẽ góp phần kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng, tạo điều kiện đẩy mạnh phát triển kinh tế đất nước.
Tuy nhiên, tình trạng chồng chéo giữa các luật vẫn đang tồn tại, đây là vấn đề đáng lưu tâm. Thực tế, Luật Đầu tư vẫn được xem là “luật chung” trong pháp luật về đầu tư. Luật này quy định về hồ sơ, trình tự thủ tục của dự án đầu tư, nghĩa là các luật khác không quy định thêm về nội dung này. Điều này được hiểu, hồ sơ, trình tự thủ tục trong dự án đầu tư của phần lớn lĩnh vực khác nhau (thuộc diện phải thực hiện thủ tục đầu tư) phải thực hiện hồ sơ, trình tự, thủ tục tại Luật Đầu tư.
Nhưng, một số luật chuyên ngành lại yêu cầu thêm về tài liệu trong hồ sơ thực hiện thủ tục đầu tư hoặc yêu cầu thực hiện thủ tục đầu tư đối với các loại dự án đầu tư mà theo quy định của Luật Đầu tư không phải thực hiện bất kỳ thủ tục nào.
Hệ lụy của tình trạng này là sự rủi ro của nhà đầu tư và của chính cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.
Đáng nói ở đây, chính các văn bản luật lại có các mâu thuẫn chồng chéo lên nhau khiến cho các doanh nghiệp không biết nên áp dụng văn bản nào để thực hiện. Điều này gây khó khăn, tốn thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp trong quá trình triển khai.
Ngoài ra còn có các điều khoản quy định về đấu thầu hay kinh doanh bất động sản cũng có nhiều các quy định mâu thuẫn lẫn nhau, thách thức các doanh nghiệp và cơ quan quản lý.
PV: Câu chuyện nhà nước quyết định chủ trương đầu tư với vốn của tư nhân cũng là vấn đề tạo nên nhiều tranh cãi. Theo ông, Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi nên giải quyết vấn đề này thế nào?
Luật sư Nguyễn Tiến Hòa: Các dự án thuộc diện phải xin chủ trương đầu tư là các dự án lớn hoặc quan trọng, có ý nghĩa lớn về chính trị, quốc phòng an ninh, kinh tế và văn hóa xã hội. Đối với các loại dự án này, nhà đầu tư phải làm thêm thủ tục xin phê duyệt chủ trương đầu tư trước khi xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như với các dự án khác, vậy nên sẽ mất thêm thời gian và gặp nhiều vướng mắc pháp lý.
Chính vì vậy mà câu chuyện nhà nước có nên quyết định chủ trương đầu tư với vốn của tư nhân không đang là vấn đề gây tranh cãi.
Tuy nhiên, như đã nêu ở trên, những dự án cần xin cấp phép đều là những dự án có ý nghĩa lớn, ảnh hưởng đến nhiều bên và tiềm ẩn nhiều rủi ro gây ảnh hưởng đến vấn đề quốc gia, vậy nên mặc dù vốn là của tư nhân nhưng vẫn cần quyết định chủ trương đầu tư của Chính phủ.
PV: Thời gian gần đây, câu chuyện nhà đầu tư Việt bán mình cho doanh nghiệp nước ngoài đã làm dấy lên lo ngại về việc ngoại hóa doanh nghiệp nội. Vậy, trong câu chuyện này, theo ông, việc quản lý các giao dịch M&A có vốn ngoại nên được điều chỉnh như thế nào để khắc phục những vấn đề trên?
Luật sư Nguyễn Tiến Hòa: Đây là lĩnh vực rắc rối nhất và trở thành khó hiểu đối với các nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài. Nó đi ngược với cả chính sách thu hút FDI nói chung và thông lệ đầu tư quốc tế, theo đó M&A đã và đang là xu thế phổ biến. Quy định hiện hành yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài phải đăng ký để được chấp thuận, tức xin giấy phép con, trước khi tiến hành mua cổ phần của doanh nghiệp trong nước. Điều này được lý giải bởi lý do rà soát các điều kiện mở cửa thị trường trong cam kết hội nhập.
Tuy nhiên, nếu vậy thì nhà đầu tư có thể tự rà soát mà không cần việc làm thay của cả một bộ máy các cơ quan nhà nước.
Hãy làm theo thông lệ các nước khi họ coi M&A là hoạt động thông thường và tự do và chỉ kiểm soát các trường hợp đặc biệt vì lý do an ninh quốc gia và lợi ích công cộng, hoặc nếu có vi phạm luật tự do cạnh tranh và chống độc quyền.
Đề xuất ở đây là việc sửa luật cần tiếp thu cách làm đó, theo nguyên tắc “chọn – bỏ”, chỉ liệt kê các tình huống và điều kiện mà một giao dịch M&A cần phê duyệt để có hiệu lực, bổ sung thêm quyền can thiệp và “veto” của cơ quan nhà nước cao nhất là Thủ tướng Chính phủ hoặc Quốc hội khi phát hiện một giao dịch “có vấn đề”.
PV: Các quy định về danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện cũng là một trong những vấn đề tạo nên nhiều tranh cãi. Nhiều người cho rằng, nên chuyển danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện thành một chương của Luật Đầu tư. Ông nghĩ rằng điều này có cần thiết?
Luật sư Nguyễn Tiến Hòa: Hiện nay việc quy định danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện đang gây tranh cãi và mang lại nhiều ý kiến khác nhau. Có một thực tế đang diễn ra đó là sự chồng chéo giữa các văn bản luật hiện hành, giữa Luật và các văn bản dưới luật. Về danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện hiện nay được quy định trong khoản 1 Điều 8 Dự thảo Luật Đầu tư như sau: “Căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội và yêu cầu quản lý nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ rà soát các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Điều 7 của Luật này theo thủ tục rút gọn”. Tuy nhiên lại có rất nhiều các văn bản dưới luật quy định về các ngành nghề kinh doanh có điều kiện khác nằm ngoài danh mục của Luật Đầu tư. Nó thể hiện việc không thống nhất trong các quy định về vấn đề này.
Thiết nghĩ, việc hạn chế kinh doanh này phải được quy định bởi Luật vì vậy nên quy định chi tiết danh mục trong các phụ lục của Luật Đầu tư và đồng thời tiến hành rà soát các quy định mới, các văn bản khác để thống nhất và cập nhật sao cho phù hợp nhất với tình hình thực tế. Đồng thời việc sửa đổi danh mục này có thể được tiến hành ở bất kỳ kỳ họp nào của Quốc hội, vì thủ tục rất đơn giản, trên cơ sở rà soát lại quy định danh mục ban hành kèm theo để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế, bảo đảm công khai, minh bạch, phù hợp với quy định của Hiến pháp.
Vậy, việc lập danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên được quy định riêng và cụ thể trong các phụ lục và phải tiến hành rà soát và cập nhật để danh mục đảm bảo được các quy tắc và đảm bảo được các quyền tự do của con người, đồng thời vẫn phải phù hợp với tình hình thực tế.
PV: Cuối cùng, ông có đóng góp như thế nào để dự thảo Luật lần này được hoàn thiện hơn?
Luật sư Nguyễn Tiến Hòa: Để Dự thảo có thể đi vào triển khai hiệu quả thì:
Thứ nhất, cần thiết phải rà soát, kiểm tra lại tất cả các văn bản Luật liên quan như Luật Đấu thầu, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng,… để có thể phát hiện những chồng chéo và mâu thuẫn trong các quy định pháp luật. Từ đó mới có thể sửa đổi, bổ sung sao cho đồng nhất với các văn bản pháp luật hiện hành, tránh gây nhầm lẫn, hoang mang cho cả doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thứ hai, cần xem xét lại một số vấn đề thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương của thủ tướng. Thay vào đó có thể phân cấp cho UBND tỉnh giải quyết theo quy hoạch của từng địa phương đã được thủ tướng phê duyệt. Điều này giúp đơn giản hoá các thủ tục, giúp cho doanh nghiệp không bị mất đi những cơ hội đầu tư, kinh doanh và phát triển, mở rộng và thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Thứ ba, siết chặt vấn đề hưởng chính sách ưu đãi là cần thiết để khắc phục các vấn đề còn tồn tại hiện nay. Tuy nhiên cần giảm bớt các thủ tục, đặc biệt là việc phải thực hiện thủ tục hưởng chính sách qua quá nhiều các cơ quan nhà nước gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Bởi các quy định pháp luật, cũng như chủ trương cải cách thủ tục hành chính đã quy định về cơ chế "một cửa tại chỗ".
PV: Trân trọng cảm ơn ông!