Aa

Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi): Điểm mới liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư

Chủ Nhật, 25/08/2019 - 06:15

Trước một số quy định của Luật Đầu tư còn thiếu tính khả thi, minh bạch và hiệu quả, Dự thảo Luật Đầu tư đã có một số sửa đổi, bổ sung quan trọng liên quan đến thủ tục quyết định chủ trương đầu tư.

Bổ sung khái niệm chấp thuận chủ trương đầu tư

Tại điểm b Khoản 1 Điều 1 của Dự thảo đã bổ sung Khoản 15 a Điều 3 Luật Đầu tư khái niệm chấp thuận chủ trương đầu tư.

Theo đó, “Chấp thuận chủ trương đầu tư là văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận đề xuất của nhà đầu tư về mục tiêu, địa điểm, quy mô, tiến độ và các điều kiện khác nhằm bảo đảm việc thực hiện dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội trong từng thời kỳ và làm cơ sở để nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.”

Khái niệm này góp phần làm rõ mục đích, bản chất của việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án. Dự thảo đã thay thế cụm từ “quyết định chủ trương đầu tư” theo quy định của pháp luật hiện hành bằng cụm từ “chấp thuận chủ trương đầu tư”.

Ảnh minh họa.

Sự sửa đổi này là phù hợp với bản chất của hoạt động “chấp thuận chủ trương đầu tư” với ý nghĩa là một loại thủ tục đầu tư, trong đó các cơ quan nhà nước sẽ tiến hành thẩm định những nội dung của dự án, sau đó quyết định về chủ trương là chấp thuận hoặc từ chối bằng văn bản.

Nói cách khác, quyết định chủ trương đầu tư chính là kết quả của thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư.

Thu hẹp phạm vi dự án trình Thủ tướng Chính phủ

Dự thảo đã thu hẹp phạm vi dự án trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư theo hướng loại bỏ dự án có quy mô vốn đầu tư trên 5.000 tỷ.

Điều này là hợp lý vì việc đưa dự án có quy mô vốn đầu tư từ 5.000 tỷ đồng trở lên không phân biệt quy mô, ngành, nghề, điều kiện vào diện Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư là không cần thiết vì trong trường hợp này nhà đầu tư không sử dụng trực tiếp nguồn lực từ Nhà nước.

Dự thảo Luật Đầu tư đã thu hẹp phạm vi dự án trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư theo hướng loại bỏ dự án có quy mô vốn đầu tư trên 5.000 tỷ.

Ngoài ra, Dự thảo còn bổ sung một số loại dự án nhà ở thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng như “Dự án có quy mô sử dụng đất từ 100 ha trở lên; Dự án xây dựng nhà ở có số lượng nhà ở từ 2.500 căn trở lên (bao gồm nhà biệt thự, nhà ở riêng lẻ, căn hộ chung cư) tại khu vực không phải là đô thị; Dự án xây dựng nhà ở có quy mô sử dụng đất từ 50ha trở lên hoặc có quy mô dưới 50ha nhưng có số lượng nhà ở từ 2.500 căn trở lên tại khu vực đô thị” và “Dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư thực hiện tại địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên”. Sự bổ sung này đã tạo sự thống nhất với quy định của pháp luật về nhà ở.

Tương tự, một số dự án nhà ở cũng được bổ sung vào thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh.

Phân cấp thẩm quyền chủ trương chấp thuận đầu tư

Dự thảo có quy định về phân cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư phù hợp với yêu cầu cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư kinh doanh. 

Theo đó, tùy thuộc mục tiêu, tính chất, quy mô của dự án và điều kiện kinh tế, xã hội trong từng thời kỳ, Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho Bộ, ngành, địa phương chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng.

Sự phân cấp này giúp tiết kiệm thời gian, chi phí khi thực hiện các thủ tục về đầu tư. Tương tự, tùy thuộc điều kiện kinh tế, xã hội từng địa phương, UBND cấp tỉnh được phân cấp cho UBND cấp huyện chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư mà nhà đầu tư là các hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đầu thầu và thực hiện ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.

Quy định này đảm bảo sự phù hợp với quy định của Luật Đất đai 2013 về thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, khi UBND cấp huyện là cơ quan có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất đối với hộ gia đình, cá nhân cũng đồng thời là cơ quan chấp thuận chủ trương đầu tư sẽ giúp thủ tục thực hiện dự án đầu tư của hộ gia đình, cá nhân không bị kéo dài như quy định hiện nay.

Những sửa đổi như trên dù rất quan trọng, góp phần đáng kể trong việc giải quyết các vướng mắc trong thực thi pháp luật, giảm bớt thời gian, chi phí cho doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục đầu tư, nhưng nhiều vấn đề liên quan đến thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư chưa được làm rõ.

ThS. Nguyễn Thị Kiều Oanh - ThS. Ngô Gia Hoàng, Khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật TP.HCM

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top