Hôm nay (15/10), Dự thảo Luật Doanh nghiệp được Chính phủ chính thức trình Quốc hội sau gần 2 năm khởi động sửa đổi và soạn thảo. Và một trong những sửa đổi đáng chú ý nhất của Dự thảo Luật lần này chính là câu chuyện pháp lý cho hộ kinh doanh.
Hộ kinh doanh chưa được đối xử bình đẳng
Theo thống kê, hiện nay, Việt Nam có gần 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Các hộ kinh doanh cá thể có đóng góp rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước. Dù chiếm đến hơn 30% GDP nhưng nhiều chuyên gia khẳng định khung khổ chính sách áp dụng đối với chủ thể kinh doanh này hiện còn rất thiếu, chưa có sự bình đẳng so với các doanh nghiệp hoạt động chính thức.
Hộ kinh doanh buôn chuyến phải thực hiện nhiều thủ tục không cần thiết như thông báo với cơ quan thuế, cơ quan quản lý thị trường ở các địa điểm kinh doanh… Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, những bất cập này có thể là cản trở, thông điệp ngược cho tinh thần cải cách của Luật Doanh nghiệp, một đạo luật được cho là có tư tưởng cải cách đầy tiến bộ.
Nhiều chính sách hiện tại khiến cho các hộ kinh doanh cá thể ngần ngại khi cần chuyển đổi lên thành doanh nghiệp. Liên quan đến việc chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể cũng có nhiều văn bản khác nhau như về thuế, về kế toán, về đất đai hay lao động...
Trước những bất cập này, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, đã đến lúc cần đặt câu hỏi là tại sao những đơn vị hộ kinh doanh sử dụng hàng chục, hàng trăm lao động… nhưng không được xem là doanh nghiệp? Họ chính là các doanh nghiệp tư nhân đích thực nhất. Tại sao không thúc đẩy họ áp dụng những tiêu chuẩn quản trị tốt để dần lớn lên thành những doanh nghiệp đủ lớn? Cần phải tháo bỏ các rào cản về thuế, về sổ sách kế toán… để hàng triệu hộ kinh doanh có động lực trở thành một cộng đồng doanh nghiệp tư nhân đủ mạnh.
Giải pháp cần làm trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này là giảm tối đa các điều kiện hoạt động cho nhóm doanh nghiệp chính thức nhỏ và siêu nhỏ, tạo tiền đề để sửa các luật về thuế và kế toán thời gian tới.
Cần tấm áo mới cho hộ kinh doanh
Trong số những tranh cãi về việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này, một luồng ý kiến cho rằng, điều kiện thành lập doanh nghiệp tư nhân và công ty hiện nay gần như bằng 0 và không khác gì với việc thành lập hộ kinh doanh. Đặc biệt, Luật Doanh nghiệp năm 2005 và năm 2014 cho phép thành lập công ty TNHH MTV là cá nhân.
Tuy nhiên, trong số hộ kinh doanh đang hoạt động, luồng ý kiến này cho rằng, chỉ nên chuyển đổi những hộ kinh doanh thuộc phạm vi phải đăng ký. Hiện chỉ có khoảng 1,6 triệu hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, còn lại khoảng 3,6 triệu hộ kinh doanh không đăng ký. Để việc chuyển đổi thuận lợi, cần có lộ trình tăng dần yêu cầu theo mỗi năm để không còn khoảng cách giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp, ít nhất là doanh nghiệp siêu nhỏ.
“Không thể bắt hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp phải sống như doanh nghiệp siêu nhỏ hiện nay, mà phải làm cho các doanh nghiệp siêu nhỏ dễ sống như hộ kinh doanh. Nếu không nâng được chuẩn hộ kinh doanh lên, thì buộc phải hạ chuẩn doanh nghiệp siêu nhỏ xuống”, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật Basico đề xuất.
Một luồng ý kiến khác lại cho rằng, không nên “cưỡng chế”, bắt buộc hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp một cách cứng nhắc, mà cần có chính sách linh hoạt, để tự hộ kinh doanh lựa chọn loại hình, mô hình kinh doanh phù hợp, xuất phát từ nhu cầu thực tế. Thực tế, có không ít hộ kinh doanh đã phá sản, giải thể hoặc quay về hình thức thành lập ban đầu sau khi chuyển thành doanh nghiệp.
Tựu chung lại, những cuộc tranh luận như trên có chung một xuất phát điểm là những bất cập, tồn tại trong công tác quản lý nhà nước đối với hộ kinh doanh.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Luật Doanh nghiệp năm 1999, năm 2005, năm 2014 và các văn bản pháp luật liên quan khác quy định về hộ kinh doanh còn quá sơ sài, nên đương nhiên đã trở thành sự lựa chọn chủ yếu trên thực tế. Việc một người có nhiều công ty là chuyện bình thường, nhưng một người đồng thời duy trì hai chủ thể kinh doanh là công ty và hộ kinh doanh là điều đáng phải suy nghĩ khi sửa Luật Doanh nghiệp.
Thực tế còn tồn tại một bất cập nữa, theo ông Đức, là có những hộ kinh doanh có doanh thu trên 500 triệu đồng/tháng nhưng chỉ phải nộp 1 triệu đồng lệ phí môn bài mỗi năm; trong khi doanh nghiệp siêu nhỏ phải nộp từ 1 - 3 triệu đồng tùy theo vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư...
Để giải quyết vấn đề này, theo Chủ tịch VCCI, chúng ta không thể xóa bỏ hộ kinh doanh, không thể ép buộc hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, mà chỉ có thể khoác tấm áo pháp lý mới cho hộ kinh doanh. Cụ thể, đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp với những quy định pháp lý tối giản nhưng minh bạch, bảo đảm sự bình đẳng của hộ kinh doanh với các loại hình doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
"Đó là cách để góp phần thúc đẩy sự phát triển có hiệu quả của hộ kinh doanh trong nền kinh tế nước ta và cũng là để bảo đảm thực thi một nguyên tắc nền tảng trong Hiến pháp là quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân và tổ chức phải được quy định trong văn bản luật chứ không phải chỉ ở cấp thông tư, nghị định như tình trạng của hộ kinh doanh hiện nay", TS. Vũ Tiến Lộc nói.