Aa

Nhà ở xã hội cho lực lượng vũ trang: Xây dựng bằng vốn đầu tư công sẽ chỉ để cho thuê

Thứ Sáu, 13/10/2023 - 13:30

Đây là nội dung đề nghị chỉnh lý trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa được Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ có liên quan đến hình thức phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân.

Hiện nay, theo báo cáo số liệu trên cả nước thì chỉ có 15 địa phương có loại hình nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước với tổng số 15.841 căn, trong đó 12.162 căn đã cho thuê, 1.380 căn đã cho thuê mua (tại tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu và tỉnh Vĩnh Long), 929 căn đã bán và 750 căn còn trống do chưa có đối tượng thuê, thuê mua hoặc do người thuê hết thời hạn thuê trả lại do không còn nhu cầu, 620 căn của Thành phố Hồ Chí Minh chưa có báo cáo cụ thể về tình hình thuê, thuê mua quỹ nhà này.

Cá biệt như thành phố Đà Nẵng có 10.579 căn nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước, tuy nhiên quỹ nhà này không có trường hợp nào thuê mua mà chỉ cho thuê. Hiện địa phương đã lập Đề án báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép bán 846 căn và đã bán được 616 căn.

Nhà ở xã hội cho lực lượng vũ trang xây dựng bằng vốn đầu tư công sẽ chỉ để cho thuê (Ảnh minh họa: dự án Nhà ở cho cán bộ chiến sỹ Bộ Công An có 04 tòa nhà ở xã hội tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội).

Theo Bộ Xây dựng, việc cho phép hình thức thuê mua sẽ dẫn đến ít đối tượng được thụ hưởng, làm giảm quỹ nhà cho thuê. Đồng thời khi cho phép thuê mua sẽ dẫn đến hình thức sở hữu “da báo”, hình thức này có thể hiểu là trong một dự án hoặc một tòa nhà vừa có sở hữu tư, vừa có sở hữu Nhà nước, dẫn đến việc quản lý, sử dụng, vận hành khó khăn. Ngoài ra, theo kinh nghiệm quốc tế thì hầu hết các nước, trong đó có Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore... khi đầu tư nhà ở xã hội bằng ngân sách Nhà nước thì chỉ để cho thuê.

Do vậy, trong điều kiện nguồn lực ngân sách còn hạn chế như hiện nay, để đảm bảo tính khả thi khi triển khai trên thực tế, đồng thời đảm bảo được công tác quản lý Nhà nước đối với quỹ nhà ở xã hội này, cũng như đảm bảo việc quản lý chặt chẽ việc quản lý, sử dụng tài sản công cũng như chi tiêu vốn đầu tư công, Bộ Xây dựng đề nghị chỉnh lý trong dự thảo quy định về hình thức phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân theo hướng Nhà nước đầu tư xây dựng bằng vốn đầu tư công chỉ để cho thuê (tại Điều 78 và Điều 101 dự thảo Luật). Trường hợp có nhu cầu bán nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước để tái đầu tư xây dựng tại vị trí khác thì sẽ lập Đề án báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời để đảm bảo việc thực thi pháp luật, Bộ Xây dựng cũng kiến nghị bổ sung quy định chuyển tiếp tại khoản 6 Điều 196 dự thảo theo hướng: “i) Việc bán lại nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư xây dựng để cho thuê mua đang thực hiện theo quy định của Luật Nhà ở số 65/2014/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 40/2019/QH14, Luật số 61/2020/QH14, Luật số 62/2020/QH14, Luật 64/2020/QH14, Luật số 03/2022/QH15 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành thì tiếp tục áp dụng theo quy định của văn bản đó”.

Trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), thì nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân là nhà ở xã hội để cho thuê, cho thuê mua, bán cho các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang nhân dân theo quy định.

Hình thức thuê mua nhà ở (quy định tại khoản 22 Điều 2 dự thảo) là việc người thuê mua thanh toán trước cho bên cho thuê mua một tỷ lệ phần trăm nhất định của giá trị nhà ở thuê mua theo thỏa thuận nhưng không quá 50% giá trị nhà ở thuê mua; số tiền còn lại được tính thành tiền thuê nhà để trả hàng tháng cho bên cho thuê mua trong một thời hạn nhất định; sau khi hết thời hạn thuê mua nhà ở và khi đã trả hết số tiền còn lại thì người thuê mua có quyền sở hữu đối với nhà ở đó.

Dự kiến ngày 23/10 tới đây, Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc. Tại kỳ họp lần này, Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) với nhiều nội dung mới, quan trọng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top