Aa

Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn: Chồng chéo, trùng lặp quy hoạch, xử lý thế nào?

Thứ Tư, 28/08/2024 - 06:15

Ngày 27/8, các Đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Trong đó, lo ngại chồng chéo quy hoạch, nhất là ở cấp xã, huyện lại được đưa ra "mổ xẻ". Đồng thời, để hạn chế tối đa bất cập nảy sinh trong thực tiễn, tầm quan trọng của việc lấy ý kiến dân cư cũng được đề cập.

Khi hai quy hoạch cấp xã, huyện "không có gì khác nhau"

Chồng chéo các quy hoạch đang là lo ngại nổi bật đối với dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội) nhận xét, hệ thống các quy hoạch trong dự thảo Luật đã được sàng lọc, nhưng vẫn còn chồng chéo trong nội bộ các quy hoạch trong dự thảo Luật, cũng như giữa các quy hoạch trong dự thảo Luật này với Luật Quy hoạch.

Đơn cử, dự thảo Luật quy định quy hoạch chung của huyện tỷ lệ là 1/5.000 đến 1/25.000; quy hoạch chung của xã tỷ lệ 1/5.000 đến 1/10.000. Nghĩa là, phạm vi của quy hoạch huyện sẽ bao phủ quy hoạch xã, quy hoạch xã thì cũng chỉ chi tiết đến mức như quy hoạch huyện, không có điểm gì khác hơn.

Ngoài ra, dự thảo Luật quy định chi tiết xây dựng trong huyện và xây dựng trong xã, tức là chỗ nào có phần xây dựng thì phải quy định chi tiết đến 1/500 hoặc là 1/2.000. Như vậy, "quy hoạch chi tiết khu vực xây dựng trong huyện cũng phủ trọn quy hoạch chi tiết xây dựng trong xã, không có gì khác nhau. Nếu quy hoạch xã có làm thì cũng chép lại quy hoạch của huyện".

Vì vậy, ông Cường đề nghị, quy hoạch nông thôn chỉ cần tập trung vào quy hoạch huyện, quy hoạch chung của huyện và quy hoạch xây dựng chi tiết trong huyện, trong đó bao phủ toàn bộ quy hoạch xã.

Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn: Chồng chéo, trùng lặp quy hoạch, xử lý thế nào?- Ảnh 1.

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội. (Ảnh: quochoi.vn)

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế) cũng có ý kiến về vấn đề này. Khoản 5 Điều 27 dự thảo Luật quy định "Quy hoạch chung huyện được phê duyệt là cơ sở để xác định, lập dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật khung". Như vậy là chưa rõ và thiếu đồng bộ với các quy định tại khoản 2 của Điều 27. Việc xây dựng quy hoạch chung của huyện còn làm cơ sở để xây dựng quy hoạch chung của xã, quy hoạch chung thị trấn và đô thị mới dự kiến trở thành thị trấn…

Theo bà Sửu, cần bổ sung vào quy định tại khoản 5: "Quy hoạch chung huyện được phê duyệt là cơ sở để lập quy hoạch chung xã, quy hoạch chung thị trấn và đô thị mới dự kiến trở thành thị trấn, quy hoạch phân khu các khu chức năng trong huyện và lập dự án đầu tư xây dựng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật khung cấp huyện".

Về quy hoạch chung xã, dự thảo Luật đã bổ sung quy định tại khoản 6 Điều 27 về việc không yêu cầu lập riêng quy hoạch chung xã đối với tất cả các xã mà chỉ lập riêng quy hoạch chung xã trong trường hợp xã có đặc thù về quy mô dân số, diện tích, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, điều kiện tự nhiên, cảnh quan; tại thời điểm lập quy hoạch chung huyện, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định các xã cần phải lập quy hoạch chung xã trong nhiệm vụ quy hoạch chung huyện.

Song, theo bà Sửu, cần có thước đo chung về đặc thù (quy mô dân số, diện tích, yêu cầu phát triển kinh tế xã hội) để thực hiện đồng bộ, thống nhất giữa các địa phương, địa bàn trên cả nước và tránh việc lợi dụng, lạm dụng làm cản trở đến sự phát triển chung của đất nước.

Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn: Chồng chéo, trùng lặp quy hoạch, xử lý thế nào?- Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế. (Ảnh: quochoi.vn)

Cần bố trí lại quy trình, thời điểm lấy ý kiến của cư dân

Trước nhiều vấn đề còn bất cập, đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, việc lấy ý kiến dân cư về quy hoạch đô thị và nông thôn là quan trọng và cần thiết, bởi đây là những đối tượng chịu tác động của luật.

Tuy nhiên, dự thảo Luật hiện nay không có quy định cho phép các Hội nghề nghiệp được phản biện, nên không biết áp dụng phản biện thế nào. Trong khi các Hội nghề nghiệp của tỉnh như Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị, Hội Kiến trúc sư, Hội Xây dựng… là những Hội nghề nghiệp có chức năng và chuyên môn phù hợp để phản biện.

Bà Sửu đề nghị quy định rõ hơn quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong phản biện quy hoạch đô thị và nông thôn trước khi phê duyệt. Trong đó, sửa đổi Điều 62 theo hướng giao Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đứng ra mời các Hội nghề nghiệp được tham gia phản biện quy hoạch đô thị và nông thôn nhằm tạo điều kiện để các Hội được phát huy vai trò, chức năng nhiệm vụ.

Đồng tình với vấn đề này, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh kiến nghị nghiên cứu bổ sung quy định để việc lấy ý kiến có ý nghĩa như một kênh thông tin phải xem xét trong hoạt động quy hoạch. Đồng thời, có cơ chế để phản hồi việc tiếp thu hoặc không tiếp thu của cơ quan quy hoạch đối với các ý kiến góp ý của dân cư.

Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn: Chồng chéo, trùng lặp quy hoạch, xử lý thế nào?- Ảnh 3.

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh. (Ảnh: quochoi.vn)

Đại biểu Thúy lý giải, nếu chỉ quy định chung về việc lấy ý kiến như một thủ tục phải làm trong việc quy hoạch thì việc lấy ý kiến dễ trở nên hình thức và không đúng với tinh thần đóng góp ý kiến.

Về thời điểm lấy ý kiến của cộng đồng dân cư, bà Thúy cho biết, dự thảo Luật quy định việc lấy ý kiến của cộng đồng dân cư có liên quan về quy hoạch đô thị và nông thôn được thực hiện trước khi thẩm định quy hoạch đô thị và nông thôn. Nhưng theo quy trình quy hoạch trong dự thảo thì có năm giai đoạn: lập nhiệm vụ quy hoạch; thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch; lựa chọn tổ chức tư vấn quy hoạch đô thị và nông thôn; lập quy hoạch đô thị và nông thôn; thẩm định và phê duyệt quy hoạch đô thị và nông thôn.

Theo đó, việc lấy ý kiến sẽ được thực hiện trước khi thực hiện giai đoạn cuối cùng của quy trình quy hoạch là khá muộn. Việc lấy ý kiến theo đó có thể không hiệu quả hoặc bị hình thức hóa, vì có thể xảy ra tình trạng có nhiều ý kiến không đồng ý với dự thảo quy hoạch đang chờ thẩm định và phê duyệt. Điều này sẽ là một trở ngại trong tiến trình quy hoạch.

Vì vậy, việc bố trí lại quy trình lấy ý kiến, thời điểm lấy ý kiến quy hoạch rất quan trọng, sao cho việc lấy ý kiến phải thực sự có ý nghĩa thực chất, tránh để người dân cho rằng việc lấy ý kiến là hình thức và bản thân họ cũng sẽ thờ ơ với việc góp ý.

Ngoài ra, Mục 6 dự thảo Luật về nội dung lấy ý kiến về quy hoạch đô thị và nông thôn đang sử dụng rất phổ biến cụm từ "cộng đồng dân cư có liên quan". Đại biểu Thúy đặt vấn đề, đối với quy hoạch thành phố trực thuộc Trung ương thì có lấy ý kiến toàn bộ dân cư sống tại thành phố đó không? Nếu lấy ý kiến dân cư của cả thành phố thì cụm từ "cộng đồng dân cư" là chưa phù hợp, bởi cụm từ này thường để chỉ một cụm dân cư có quy mô nhỏ, tập trung tại một khu vực trong lãnh thổ có tính chất quần cư cao.

Do đó, Luật cần quy định cụ thể phạm vi của "cộng đồng dân cư có liên quan", làm rõ nội hàm, giải thích khái niệm, đảm bảo việc lấy ý kiến được thực hiện thống nhất./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top