Aa

Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn: Công trình ngầm không còn vướng mắc, nhưng dự án đầu tư xây dựng vẫn gặp khó?

Thứ Sáu, 16/08/2024 - 11:51

Doanh nghiệp tạm thời yên tâm về quy hoạch không gian ngầm, nhưng vẫn lo ngại dự án đầu tư xây dựng đình trệ vì sự chồng chéo giữa các loại quy hoạch.

Phạm vi quy hoạch không gian ngầm không bao gồm tầng hầm dự án bất động sản

Tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024 của Quốc hội mới đây, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị rà soát kỹ lưỡng quy định về phạm vi quy hoạch không gian ngầm trong dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Đặc biệt, đối với các công trình ngầm thương mại, dịch vụ, cần làm rõ liệu tầng hầm của các công trình bất động sản có được xem là công trình ngầm hay không và các quy định liên quan.

Báo cáo giải trình về dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, khoản 17 Điều 2 dự thảo Luật đã quy định rõ về Quy hoạch không gian ngầm "là việc xác định, tổ chức không gian dưới mặt đất, dưới nước để sử dụng cho mục đích xây dựng công trình ngầm và không gian xây dựng công trình trên mặt đất để sử dụng cho mục đích xây dựng, khai thác, vận hành công trình ngầm".

Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn: Công trình ngầm không còn vướng mắc, nhưng dự án đầu tư xây dựng vẫn gặp khó?- Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. (Ảnh: quochoi.vn)

Theo tìm hiểu, quy định này đồng bộ với thay đổi lớn về nhận diện loại đất xây dựng công trình ngầm trong Luật Đất đai 2024. Trước đó, Luật Đất đai chỉ quy định đất xây dựng công trình ngầm "là phần đất để xây dựng công trình mà công trình này không phải là phần ngầm của công trình xây dựng trên mặt đất". Hiện Luật Đất đai 2024 quy định đất xây dựng công trình ngầm sẽ bao gồm "đất xây dựng công trình trên mặt đất phục vụ cho việc vận hành, khai thác sử dụng công trình ngầm và không gian dưới lòng đất để xây dựng công trình trong lòng đất mà công trình này không phải là phần ngầm của công trình xây dựng trên mặt đất".

Ông Vũ Hồng Thanh cũng nêu rõ, khoản 18 Điều 2 dự thảo Luật chỉ ra công trình ngầm bao gồm: công trình công cộng ngầm, công trình thương mại dịch vụ ngầm, công trình giao thông ngầm, các công trình đầu mối kỹ thuật ngầm, công trình đường dây, cáp, đường ống kỹ thuật ngầm, hào và tuy-nen kỹ thuật.

Với quy định như vậy, việc xây dựng các công trình ngầm của người dân, doanh nghiệp gắn với dự án đầu tư, công trình xây dựng được xác định theo quyết định đầu tư và/hoặc giấy phép xây dựng không thuộc phạm vi lập quy hoạch không gian ngầm quy định tại dự thảo Luật. Cũng có nghĩa, các tầng hầm của các công trình bất động sản do doanh nghiệp đầu tư như trung tâm thương mại, tòa nhà văn phòng… không phải là đối tượng quy hoạch không gian ngầm theo dự thảo Luật này.

Để đảm bảo định hướng này, Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan rà soát câu chữ quy định cho rõ ràng.

Trước đó, doanh nghiệp lo ngại, nếu các công trình ngầm thương mại, dịch vụ thuộc quy hoạch không gian ngầm thì các dự án bất động sản phải "chờ" quy hoạch, ảnh hưởng đến tiến độ, hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Lo chồng chéo quy hoạch, dự án đình trệ

Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng băn khoăn về mối quan hệ giữa quy hoạch tỉnh, quy hoạch thành phố trực thuộc Trung ương với với quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương.

Đơn cử TP. Hà Nội khi trình Quốc hội xem xét điều chỉnh hai loại quy hoạch trên thì đã có nhiều nội dung trùng lặp. Đây cũng là câu chuyện của 4 thành phố trực thuộc Trung ương còn lại. Cần rà soát, làm rõ việc có duy trì 2 quy hoạch độc lập là quy hoạch thành phố trực thuộc Trung ương và quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương, hay chỉ duy trì một quy hoạch là quy hoạch thành phố trực thuộc Trung ương?

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đánh giá, việc hợp nhất hai loại quy hoạch sẽ giúp giảm thiểu sự chồng chéo, tiết kiệm nguồn lực và thời gian. Tuy nhiên, nếu quyết định không hợp nhất, cần phải có cơ sở khoa học và pháp lý rõ ràng. Do đó, đề nghị Thường trực Ủy ban Kinh tế lắng nghe ý kiến của chính các thành phố trực thuộc Trung ương và tiếp tục nghiên cứu sâu hơn vấn đề này.

Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn: Công trình ngầm không còn vướng mắc, nhưng dự án đầu tư xây dựng vẫn gặp khó?- Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. (Ảnh: quochoi.vn)

Ông Vũ Hồng Thanh cho biết, các đại biểu Quốc hội còn có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này và Ủy ban Kinh tế đang tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi.

Trước đó, trong góp ý Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, VCCI cho biết, nhiều doanh nghiệp đang phản ánh tình trạng chồng chéo, xung đột giữa các quy hoạch, khiến cho quá trình lập và triển khai các dự án đầu tư xây dựng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

"Khi có sự mâu thuẫn, xung đột giữa các bản quy hoạch khiến một dự án, hoạt động trên thực tế không được triển khai, doanh nghiệp và người dân phải chờ điều chỉnh các quy hoạch cho đến khi bảo đảm thống nhất thì mới được làm", VCCI nêu.

Ngoài sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy hoạch xây dựng với nhau, doanh nghiệp còn phản ánh tình trạng dự án đình trệ do mâu thuẫn, chồng chéo giữa quy hoạch xây dựng và nhiều quy hoạch khác như quy hoạch ngành quốc gia (như khoáng sản, năng lượng, giao thông, lâm nghiệp…), đặc biệt là quy hoạch, kế hoạch sử đụng đất.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu và bổ sung một số quy tắc trong việc áp dụng quy hoạch. Theo đó, khi có sự mâu thuẫn, chồng chéo nhau giữa các quy hoạch thì ưu tiên áp dụng quy hoạch nào?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top