Aa

Đưa Bắc Giang trở thành đầu mối logistics của vùng

Thứ Tư, 25/09/2024 - 16:17

Đến nay, UBND tỉnh đã chấp thuận cho 4 dự án đầu tư lĩnh vực logistics vào địa bàn tỉnh có phạm vi ranh giới ngoài các khu công nghiệp (KCN), tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4 nghìn tỷ đồng.

Logistics là một ngành dịch vụ có vai trò hỗ trợ, kết nối quá trình từ sản xuất, xuất nhập khẩu, lưu thông phân phối đến tiêu dùng, tạo ra giá trị gia tăng, đóng góp ngày càng lớn cho phát triển KT-XH. Nhận thức rõ tầm quan trọng của ngành này, tỉnh đã quy hoạch và ưu tiên nguồn lực, mục tiêu đưa Bắc Giang trở thành đầu mối logistics quan trọng của vùng.

Bước đầu triển khai một số dự án

Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định, đưa Bắc Giang trở thành cửa ngõ, trung tâm trung chuyển hàng hóa, vận tải, kho bãi, logistics, thương mại của vùng. Trên cơ sở đó, tỉnh đã quy hoạch đẩy mạnh thu hút đầu tư. Các khu vực phát triển logistics tập trung tại TP Bắc Giang, thị xã Việt Yên và các huyện Yên Dũng, Lạng Giang, Hiệp Hòa, đều được ưu tiên bố trí tại những vị trí thuận lợi về giao thông, tiếp giáp các trục đường lớn như tuyến cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên, đường thủy dọc sông Thương, sông Cầu và các tuyến quốc lộ chạy qua địa bàn tỉnh.

Đưa Bắc Giang trở thành đầu mối logistics của vùng- Ảnh 1.

Dự án Trung tâm kho vận Bắc Giang 2 của Công ty TNHH Bắc Giang Logistics Park 2 (Việt Nam) đang được triển khai tại KCN Hoà Phú. Ảnh: Việt Hưng

Để tạo thuận lợi cho phát triển dịch vụ logistics, hạ tầng giao thông từ tuyến cao tốc, đường tỉnh, huyện được cải tạo nâng cấp đồng bộ, mở mới kết nối, thuận lợi cho lưu thông, vận tải hàng hóa. Nhờ vậy, Bắc Giang bước đầu thu hút được một số nhà đầu tư dịch vụ logistics. 

Đến nay, UBND tỉnh đã chấp thuận cho 4 dự án đầu tư lĩnh vực logistics vào địa bàn tỉnh có phạm vi ranh giới ngoài các khu công nghiệp (KCN), tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4 nghìn tỷ đồng. Ban quản lý Các KCN tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 2 dự án vốn đầu tư nước ngoài có ngành nghề cho thuê nhà xưởng, kho bãi, văn phòng và lưu giữ hàng hóa thuộc nhóm ngành dịch vụ logistics với tổng vốn đăng ký 110,913 triệu USD.

Cụ thể, Dự án Trung tâm kho vận Bắc Giang 1 của Công ty TNHH Bắc Giang Logistics Park 1 (Việt Nam) tại KCN Hoà Phú với vốn đầu tư gần 54 triệu USD, diện tích đất sử dụng 16,2 ha. Hiện dự án đã hoàn thành, có một số nhà đầu tư tìm hiểu, khảo sát thuê lại nhà xưởng để hoạt động sản xuất, song chưa có nhà đầu tư nào có nhu cầu khảo sát thuê lại kho bãi để hoạt động về dịch vụ logistics.

Còn Dự án Trung tâm kho vận Bắc Giang 2 của Công ty TNHH Bắc Giang Logistics Park 2 (Việt Nam) với vốn đầu tư đăng ký gần 57 triệu USD, diện tích đất sử dụng 16,2 ha cũng tại KCN Hoà Phú đang được xây dựng. Cùng đó, Bưu Điện tỉnh Bắc Giang đang triển khai dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Khai thác vận chuyển hàng hóa Bưu điện tỉnh Bắc Giang tại thôn Liêm Xuyên, xã Song Khê (TP Bắc Giang). Ngoài ra, UBND tỉnh đã có Quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/500) đối với 2 dự án là Cảng cạn, thương mại dịch vụ logistics hỗn hợp, đô thị cảng Sen Hồ, phường Nếnh, phường Hồng Thái và phường Quảng Minh; Dự án Trung tâm logistics tại phường Ninh Sơn, xã Tiên Sơn (đều ở thị xã Việt Yên).

Cùng với các dự án trên, trước đó, dự án hạ tầng, kho bãi Trung tâm Logistics quốc tế TP Bắc Giang đang được thực hiện. Dự án xây dựng tại xã Song Khê song tiến độ rất chậm, hiện tỉnh đang chỉ đạo doanh nghiệp bố trí nguồn lực sớm hoàn thành, đưa vào khai thác.

Xúc tiến đầu tư, thu hút doanh nghiệp có tiềm lực

Hiện nay, ngành Thống kê không có chỉ tiêu tổng hợp về dịch vụ logistics, do đó chưa có cơ sở đánh giá kết quả đóng góp của dịch vụ logistics vào kinh tế của tỉnh năm 2023 và những tháng đầu năm 2024. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP hiện nay khoảng từ 4% - 5%; mục tiêu đặt ra những năm tới ngày càng tăng. 

Với lợi thế nằm trên hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, có quốc lộ 1 chạy qua và là tỉnh có vị trí "cửa ngõ kép", tỉnh Bắc Giang có điều kiện để phát triển mạnh dịch vụ logistics và nằm trong quy hoạch phát triển dịch vụ logistics của cả nước. Để khai thác lợi thế này cần phải thực hiện thu hút đầu tư, tạo điều kiện để đẩy mạnh phát triển dịch vụ này trong thời gian tới.

Đưa Bắc Giang trở thành đầu mối logistics của vùng- Ảnh 2.

Công ty Crystar - Martin Việt Nam (KCN Quang Châu) sản xuất hàng may mặc xuất khẩu, tạo việc làm cho hơn 7 nghìn lao động. Ảnh: Việt Hưng

Theo Sở Công Thương, một trong những giải pháp trọng tâm phát triển dịch vụ này là cần xây dựng kế hoạch, ưu tiên quỹ đất hợp lý và huy động các nguồn lực đẩy nhanh đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, hạ tầng số phục vụ hoạt động logistics. Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng logistics, kho bãi; quan tâm, chú trọng thu hút các tập đoàn lớn, đa quốc gia tham gia đầu tư các dự án phát triển dịch vụ logistics, ưu tiên những dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại và có khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu; tăng cường kết nối, hợp tác và liên kết các hoạt động logistics giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước, tạo tính lan tỏa, cùng liên kết, hợp tác và phát triển.

Với lợi thế nằm trên hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, có quốc lộ 1 chạy qua và là tỉnh có vị trí "cửa ngõ kép", tỉnh Bắc Giang có điều kiện để phát triển mạnh dịch vụ logistics và nằm trong quy hoạch phát triển dịch vụ logistics của cả nước.

Cùng với giải pháp trên, các ngành phối hợp triển khai các dự án kết cấu hạ tầng giao thông có tính chất liên vùng, các trục giao thông kết nối các trung tâm dịch vụ trong và ngoài tỉnh (cao tốc Nội Bài - Hạ Long đoạn qua tỉnh Bắc Giang, đường vành đai 5 Thủ đô Hà Nội), các khu vực tiềm năng để thúc đẩy phát triển dịch vụ vận tải, logistics. Phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý, tăng cường kết nối để đưa Bắc Giang trở thành đầu mối logistics quan trọng của vùng. Tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án cảng, kho bãi đã được chấp thuận, sớm đưa vào vận hành.

Được biết, Sở Công Thương đề xuất UBND tỉnh kiến nghị Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 163 ngày 30/12/2017 Quy định về kinh doanh dịch vụ logistics cho phù hợp với thực tiễn; tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực logistics.

UBND tỉnh giao Sở Công Thương tham mưu, trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025-2035, tầm nhìn đến 2045 trên địa bàn tỉnh (sau khi Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025-2035, tầm nhìn đến 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt)./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top