Aa

Đưa chợ mini lưu động về khu phong tỏa, nên chăng?

Thứ Ba, 31/08/2021 - 06:00

Thời buổi dịch Covid-19, nói đến họp chợ đã thấy kinh kinh, bởi đấy là nơi tụ họp đông người, lại trao đổi trực tiếp, tay trao tay, miệng đối miệng, hẳn là môi trường lây lan lý tưởng của con “Cô vít”.

Chính vì thế, những phố xóm, ngõ ngách nào xuất hiện F0 là ngay lập tức bị phong tỏa để chống dịch bệnh lây lan. Thậm chí như TP.HCM hiện nay, “đi chợ hộ” đang được triển khai thực hiện bởi nhiều lực lượng, kể cả công an, quân đội… với mong mỏi dập các ổ dịch trong thời gian sớm nhất.

Nhưng rồi nhiều bất cập đã xảy ra. Ngay như hôm mới đây, ông Bùi Huy Hùng, một doanh nhân thành danh một thời đã đăng lên Facebook của mình những băn khoăn về vấn đề này. Bởi lẽ, ông đã thật sự bị “choáng” khi xem được 2 đơn đặt hàng của 2 hộ dân gồm 37 món và 24 món, chưa kể còn cả trăm căn hộ nữa làm 3 - 4 cháu tình nguyện viên đang đau đầu không biết xử lý thế nào.

Ủng hộ phương châm “dùng sức dân, dựa vào dân để chống dịch Covid-19”, ông đã đưa ra 2 góp ý: 

Một là, hãy để dân có điều kiện tự lo cái ăn cho gia đình mình theo quy định về an toàn dịch tễ, mà tập trung các nguồn lực hiện nay lo cho dân đang bị cách ly, dân ở khu vực nghèo khó với gói nhu yếu phẩm ở mức cần thiết nhất .

siêu thị mini
Nhân viên phục vụ trên "siêu thị mini di động" sắp xếp hàng hoá trước giờ mở bán (Ảnh: Báo Người lao động)

Hai là, cho phép vài chục nghìn shipper hoạt động và làm những việc của mình như bấy lâu nay họ đã làm một cách rất chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu cuộc sống của dân thành phố. Chỉ cần kiểm soát di chuyển và tiêm vaccine cho họ. Trong thời đại công nghệ thông tin thì việc kiểm soát không khó khăn gì. Đồng thời, triển khai nhanh các quầy hàng lưu động đến các khu dân cư để bán cho dân. Những việc đó thiết thực và hiệu quả hơn nhiều.

Tôi ủng hộ ý kiến của ông và xin phát triển mạnh bạo hơn, đó là nên tổ chức hình thành các phiên chợ mini lưu động để phục vụ những nhóm khách hàng đặc biệt này.

Khi đó, cùng với việc cho phép vài các shipper hoạt động thì ta hãy tổ chức một phần trong đó là các tiểu thương đã được tiêm vaccine và được trang bị các phương tiện bảo hộ cần thiết để đưa hàng vào khu phong tỏa.

Tôi đề ra ý kiến này bởi quan sát thực tiễn cho thấy, đội ngũ này cực kỳ chuyên nghiệp và chuyên tâm để kiếm sống. Cứ khoảng 2 - 3h sáng, họ chỉ với một chiếc xe máy cũ kỹ đến chợ đầu mối mua hàng. Thôi thì đủ các loại nhu yếu phẩm phục vụ bữa ăn hằng ngày được chất lên một chiếc xe máy, có đến hàng tạ hàng hóa các loại, sau đó vận chuyển vào nội thành, hoặc là giao hàng cho các sạp trong chợ cố định, hoặc tự bày bán tại những “chợ cóc”. Đội ngũ này rất đông, nếu tổ chức tốt, chỉ cần 4 - 5 người là có thể phục vụ nhu yếu phẩm cho cả một khu phố bị phong tỏa.

Đấy là với người bán, còn với người mua thì quản lý dễ hơn. Gia đình nào có F0 cách ly tại nhà thì có chế độ quản lý nghiêm ngặt. Những gia đình F1 hoặc F2 thì lỏng hơn theo quy định phòng dịch. Còn các gia đình khác, xe chở thực phẩm và các nhu yếu phẩm sẽ đến tận cửa, ai muốn mua gì thì tự do hơn, vừa không phải đi xa, vừa tự phục vụ theo mong muốn.

Còn với chính quyền địa phương thì cần xếp lịch hoạt động cho phiên chợ, định ra ngày, giờ hoạt động, thậm chí quy định hẳn tuyến di động cho cái “chợ mini” này. Bên cạnh đó là sự kiểm tra, giám sát và hỗ trợ khi cần thiết. Còn nếu chuyên nghiệp hơn và có điều kiện, hãy tạo cho mỗi một tiểu thương một sạp hàng lưu động có thể bày hàng và đẩy tay, có cái chuông riêng để báo hiệu…

Như vậy, chính quyền đã tạo cho người dân môi trường vừa bảo đảm phòng chống dich, lại vừa để cho người dân có điều kiện tự lo cái ăn cho gia đình mình theo quy định về an toàn dịch tễ, lại có điều kiện tập trung các nguồn lực hiện nay lo cho những người dân đang bị cách ly, người dân ở khu vực nghèo khó…
 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top