Aa

Chuyện thứ hai: Những cuộc định giá trên bàn giấy

Chủ Nhật, 29/08/2021 - 06:00

Trong quá trình chuyển từ nền kinh tế độc quyền sang kinh tế thị trường, quản lý giá cả là một trong những lĩnh vực gian truân, ly kỳ nhất, mà sau mấy chục năm đổi mới, vẫn còn nhiều điều đau đầu cho nhà quản lý.

Trong đợt dịch Covid-19 này, có lãnh đạo Sở Công Thương địa phương lên tivi yêu cầu các cửa hàng siêu thị không được nâng giá hàng hóa. Nghe qua thì thấy không có gì sai, bởi với trách nhiệm quản lý Nhà nước, Sở quan tâm đến tính ổn định của thị trường, bảo đảm an sinh xã hội trong mùa dịch cũng là điều dễ hiểu. Thế nhưng, các siêu thị đâu có “đẻ” ra hàng hóa mà quyết định được giá bán. Hơn nữa, trong mùa dịch, nhiều yếu tố hình thành nên quan hệ cung - cầu bị đảo lộn, có mặt hàng ế chỏng không bán đươc, có mặt hàng khan hiếm do khó khăn khâu sản xuất, vận chuyển… Vậy yêu cầu họ giữ giá thì giữ như thế nào đây!

Thời bao cấp
Hồi còn kinh tế bao cấp, giá cả các loại hàng hóa đều được định ra từ một cơ quan quản lý cao nhất, đó là Ủy ban Vật giá Nhà nước. (Ảnh: Internet)

Trong quá trình chuyển từ nền kinh tế độc quyền sang nền kinh tế thị trường của nước nhà thì việc quản lý giá cả là một trong những lĩnh vực gian truân nhất, ly kỳ nhất, mà sau mấy chục năm thực hiện công cuộc đổi mới, vẫn còn nhiều điều đau đầu cho các nhà quản lý.

Hồi còn kinh tế bao cấp, giá cả các loại hàng hóa đều được định ra từ một cơ quan quản lý cao nhất, đó là Ủy ban Vật giá Nhà nước. Ở đấy có nhiều chuyên gia được học hành bài bản cả trong và ngoài nước, phân tích, đánh giá đầy đủ các yếu tố hình thành nên giá cả mỗi loại hàng hóa và quyết định giá bán thống nhất trong cả nước.

Tuy nhiên, cách thức “định giá trên bàn giấy” tại một cơ quan Trung ương ấy đã không quán xuyến hết những chi phí thực tế, không quan tâm đến quan hệ cung cầu nên thường thấp hơn giá thành sản phẩm, khiến lưu thông hàng hóa ách tắc, đặc biệt là việc thu mua lương thực không đạt kế hoạch, nguy cơ thiếu đói hiển hiện.

Vì vậy, nhiều cuộc tranh cãi về quan điểm định giá thu mua nông sản được đặt ra gay gắt ở cấp cao. Tháng 4/1977, ngay tại diễn đàn trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, GS. Trần Phương khi ấy là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng đã thẳng thắn nhận xét: Cơ chế thu mua nông sản hiện nay là cơ chế “mua như cướp, bán như cho”. Ông cho rằng, cách tính toán của Ủy ban Vật giá Nhà nước là không đúng với thực tế, không phản ánh đầy đủ những khác nhau của từng vùng thị trường, không tính đến những biến động trong nhu cầu của người nông dân từng địa phương và từng HTX… nên các mức giá được quyết định trên bàn giấy không bảo đảm tái sản xuất, khiến nền kinh tế bị đình trệ…

GS Trần Phương
GS. Trần Phương

Hồi ấy, GS. Trần Phương được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Nội thương, còn tôi vừa ra trường, về nhận công tác ở báo Nội Thương được tròn một năm. Tòa soạn giao cho tôi chiếc máy ghi âm to như viên gạch chỉ, chuyên đi theo ông trong những buổi phổ biến nghị quyết Đại hội Đảng, rồi về gỡ băng, đánh máy làm tư liệu cho Tòa soạn.

Vào thời ấy, ngoài GS. Trần Phương, không ai dám công khai đánh giá một chính sách chiến lược của Nhà nước là “mua như cướp, bán như cho”, một chính sách làm thui chột cả một nền sản xuất hàng hóa, khiến không ai muốn tham gia sản xuất ra của cải vật chất nữa. Ông cũng đã từng hóm hỉnh nhận xét thẳng thắn trên diễn đàn rằng, với chính sách “mua như cướp” ấy, Nhà nước cứ thống nhất thu mua mặt hàng nào thì nền sản xuất mặt hàng đó teo lại. Ông cười khà khà rồi nói: “Vì thế, tôi nghĩ ngành Y tế không cần ra lệnh cấm nuôi chó để phòng bệnh chó dại, chỉ cần đề nghị Nhà nước đưa chó vào danh mục mặt hàng Nhà nước thống nhất thu mua là tự nhiên không ai muốn nuôi chó nữa”.

Kinh tế thị trường
Các siêu thị đâu có “đẻ” ra hàng hóa mà quyết định được giá bán. (Ảnh minh họa: Internet)

Đấy, trong nền kinh tế độc quyền thu mua nông sản theo một giá nhất nhất từ một trung tâm chỉ huy, mà sau này các học giả tóm gọn lại là “nền kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp”, đã gây hậu quả không thể tưởng tượng nổi đến như vậy.

Trở lại câu chuyện vị lãnh đạo Sở Công Thương địa phương nọ lên tivi yêu cầu các cửa hàng siêu thị không được nâng giá hàng hóa. Thiết nghĩ đây cũng chỉ là thói quen quản lý thị trường theo mệnh lệnh hành chính mà thôi, vì đó là phương án ít phải suy nghĩ nhất mà vẫn thể hiện được trách nhiệm của mình trước công chúng. Thay vì cùng các ngành liên quan tìm phương cách hỗ trợ sản xuất không đình trệ, quản lý các phương tiện vận chuyển sao cho thông suốt mà vẫn phòng chống được dịch bệnh, tổ chức các điểm bán lẻ linh hoạt và bám sát cuộc sống “bình thường mới” của thời chống dịch… thì nay chỉ cần lên tivi ra một yêu cầu xanh rờn là không được nâng giá tại các cửa hàng siêu thị, như vậy sẽ thật nhẹ lòng sao?

Nếu trách nhiệm quản lý giá của Nhà nước mà dễ dàng như thế thì những bài học mấy chục năm nay như câu chuyện kể trên thiết nghĩ vẫn còn những giá trị cực kỳ quý báu./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top