Aa

Đưa Thanh Hóa tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn và tin cậy cho các nhà đầu tư

Viết Huy
Viết Huy hoanghuy1089@gmail.com
Thứ Sáu, 19/06/2020 - 06:00

Phát huy kết quả đạt được trong việc thu hút đầu tư những năm gần đây, Thanh Hóa tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thực hiện đầu tư kinh doanh trong thời gian tới.

Những năm gần đây, nhiều dự án có quy mô tầm cỡ Quốc gia, quốc tế liên tục lựa chọn Thanh Hóa là điểm đến. Như vậy để thấy rằng Thanh Hóa không chỉ có những điều kiện thuận lợi mà là cả một quá trình thay đổi thể chế, chính sách thu hút đầu tư, tạo lập một môi trường đầu tư kinh doanh ngày một cởi mở, thân thiện và minh bạch.

Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 2016 đến nay, đã có 1.122 dự án đầu tư trực tiếp vào Thanh Hóa, với tổng vốn đăng ký 110.000 tỷ đồng và 3,85 tỷ USD.

Trong đó, đối với lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài, tỉnh Thanh Hóa hiện đang đứng thứ 8 cả nước, với lũy kế 129 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký 14,2 tỷ USD, đứng thứ 8 cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Cùng với thu hút đầu tư từ doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, tỉnh đã chú trọng vận động, thu hút các nguồn vốn ODA, NGO, nguồn lực của nhân dân để phát triển kinh tế - xã hội.

Hàng trăm dự án được đầu tư vào Thanh Hóa trong thời gian gần đây.

Từ năm 2016 đến nay, đã thu hút được 13 dự án ODA, với tổng vốn đầu tư 393,6 triệu USD; 226 chương trình, dự án NGO, với tổng vốn đầu tư 30,3 triệu USD. Ngoài khu kinh tế trọng điểm Nghi Sơn, các vùng kinh tế động lực của tỉnh Thanh cũng đang “chuyển mình” mạnh mẽ, với hàng loạt các dự án đầu tư trên các lĩnh vực liên tiếp được triển khai và đi vào hoạt động hiệu quả.

Nhiều dự án trên địa bàn tỉnh đã đi vào hoạt động ổn định, đóng góp lớn vào ngân sách tỉnh, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động như: Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy Dầu ăn Nghi Sơn, Nhà máy Xi măng Long Sơn giai đoạn 1 và 2, Nhà máy Luyện cán thép Nghi Sơn, Thủy điện Trung Sơn, Thủy điện Cẩm Thủy I, Nhà máy Điện mặt trời Yên Thái, hàng trăm nhà máy may mặc, giày da, Khu Nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn...

Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa đang chú trọng phát triển hạ tầng xã hội tại các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh, chủ trương này được đánh giá có ý nghĩa lớn cho phát triển bền vững chính các khu công nghiệp, khu kinh tế cũng như bảo đảm đời sống người lao động.

Ông Lê Minh Nghĩa, Phó Giám đốc Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Nhiều dự án lớn được chấp thuận chủ trương đầu tư có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, đô thị, hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, du lịch, giáo dục, y tế.

Một số dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, sản xuất, kinh doanh đã hoàn thành và đưa vào vận hành, sử dụng, góp phần tạo bước đột phá trong phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và tạo động lực tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của tỉnh. Kết quả đầu tư các dự án đã góp phần gia tăng năng lực sản xuất cho các ngành, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng thu ngân sách của tỉnh; đồng thời, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.

Để tạo thuận lợi cho công tác triển khai dự án, cùng với công tác cải cách hành chính, thời gian qua, được đánh giá là giai đoạn có những chuyển biến rõ nét về sự tiên phong, đổi mới của lãnh đạo tỉnh. Không chỉ rốt ráo, quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng, từ năm 2017 đến nay, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa luôn sẵn sàng đối thoại trực tiếp trong các khó khăn của từng doanh nghiệp cụ thể".

Thanh Hóa đang ngày một trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế cả nước.

Tại các cuộc đối thoại hàng tháng, nhiều vấn đề vướng mắc trong thủ tục đầu tư, quá trình kinh doanh đã được Chủ tịch UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo các ngành có liên quan, các địa phương sâu sát, tháo gỡ. Tỉnh cũng thường xuyên tiếp nhận phản hồi của doanh nghiệp, thực hiện rà soát để sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp với quy định hiện hành, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thực hiện đầu tư kinh doanh.

Trao đổi với ông Đỗ Đình Hiệu, Giám đốc Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa, cho biết: "Mức độ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Thanh Hóa được thể hiện rõ nét trong việc cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI). Đây là chỉ số phản ánh tổng hòa chất lượng điều hành môi trường kinh doanh của các cấp, các sở, ngành. Trong đó, đáng ghi nhận ở một số chỉ số tăng điểm khá, như: Chi phí không chính thức, chỉ số gia nhập thị trường, tính minh bạch, chi phí thời gian. Các chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động cũng tiếp tục tăng điểm, tạo môi trường kinh doanh với những điều kiện ban đầu thuận lợi cơ bản để doanh nghiệp tham gia thị trường.

Với mục tiêu đưa Thanh Hóa tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn và tin cậy cho các nhà đầu tư, tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục rà soát, hoàn thiện, bổ sung, xây dựng mới các cơ chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh".

Cũng tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hoá năm 2020 diễn ra vào ngày 12/6 vừa qua, đã có 19 dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư 56.758 tỷ đồng đã được các đồng chí lãnh đạo Chính phủ và tỉnh Thanh Hóa đã trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư. Đại diện chủ đầu tư của 15 dự án khác đang xúc tiến đầu tư vào Thanh Hóa cũng ký kết biên bản ghi nhớ đầu tư, dự kiến tổng vốn đầu tư 285.177 tỷ đồng. Tổng số vốn đăng ký đầu tư của 34 dự án nói trên tương đương gần 15 tỷ USD.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top