Cơ hội lớn cho các nhà đầu tư
Năm 2020, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu tiếp tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và phát triển bền vững, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo động lực mới phát triển, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tích cực chuẩn bị các điều kiện để khởi công các dự án lớn, trọng điểm nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt tốc độ cao.
Bằng việc tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, tạo tác động lan tỏa cho ngành công nghiệp như: Sản phẩm sau lọc hóa dầu, công nghiệp điện tử, ô tô, dược phẩm, sản xuất các chế phẩm sinh học, năng lượng sạch, công nghiệp phụ trợ ngành may, giày da, sản xuất chế biến nông, lâm, thủy sản.
Tỉnh Thanh Hóa hiện có 5 khu công nghiệp là Tây Bắc Ga, Lễ Môn, Nghi Sơn, Lam Sơn - Sao Vàng và Bỉm Sơn,… cùng nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang được đầu tư xây dựng dần đi vào hoạt động.
Tiềm năng phát triển của bất động sản công nghiệp tại Thanh Hóa còn rất lớn bởi nhiều nguyên nhân và lợi thế của tỉnh. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, phân khúc này tiếp tục sẽ có bước tăng trưởng vượt bậc cả về chất và lượng trong thời gian tới.
Nhằm đón đầu xu hướng chuyển dịch của các nhà máy từ Trung Quốc đến Việt Nam trong đó có tỉnh Thanh Hóa, thời gian gần đây, thị trường bất động sản tại Thanh Hóa ghi nhận hàng loạt dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp được thành lập như Công ty BNB Hà Nội với các cụm công nghiệp: Cụm công nghiệp nghề cá Hòa Lộc (Hậu Lộc), Cụm công nghiệp Tam Linh (Nga Sơn), cụm công nghiệp Vĩnh Minh (Vĩnh Lộc)… đã chính thức được khởi công xây dựng, hứa hẹn sẽ nhận được sự tin tưởng và đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan,…
Sự phát triển của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp này đã phần nào đáp ứng nhu cầu về nhà xưởng và kho bãi cho các nhà đầu tư không tìm được quỹ đất xây dựng cơ sở hạ tầng, nguồn vốn ít. Bên cạnh đó, sự phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được đánh giá là mang lại hiệu quả về thời gian và chi phí cho các nhà đầu tư, tối đa hóa việc sử dụng tài nguyên phát triển, sự bền vững trong phát triển cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, việc xây dựng, phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại Thanh Hóa còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc do chính sách pháp luật về đất đai.
Cần có những chính sách cởi mở đối với nhà đầu tư
Theo nhận định từ các chuyên gia, thị trường bất động sản khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại Thanh Hóa sẽ phát triển mạnh mẽ trong những năm tới. Nguyên nhân là do quỹ đất lớn, giá cho thuê đất rẻ, nguồn lao động dồi dào, cơ sở hạ tầng giao thông tốt, cảng biển, hàng loạt tuyến đường cao tốc, tuyến đường ven biển đang được đầu tư xây dựng sẽ là mối liên kết với các tỉnh thuộc vùng kinh tế của cả nước.
Với sự phát triển tích cực của tăng trưởng kinh tế nóng của cả nước thời gian gần đây, bất động sản khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại Thanh Hóa tiếp tục được kỳ vọng sẽ duy trì đà tăng trưởng khá trong giai đoạn 2020 - 2030.
Tuy nhiên, ngoài những chính sách ưu ái, thông thoáng của tỉnh Thanh Hóa thì doanh nghiệp muốn xây dựng và phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong chính sách chuyển đổi đất nông nghiệp quy mô lớn của tỉnh.
Một số nhà đầu tư cho biết, nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp kinh doanh bất động sản công nghiệp, cụm công nghiệp tại Thanh Hóa không thể thực hiện dự án là do các quy định pháp luật về đầu tư, đất đai chưa phù hợp đã gây khó khăn nhiều hơn cho doanh nghiệp. Quy trình chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp kéo dài do quy định còn nhiều vướng mắc nên việc đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại Thanh Hóa gặp rất nhiều khó khăn.
Thực tế, không chỉ tại Thanh Hóa mà ở một số địa phương khác, doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa sang đất phi nông nghiệp để thực hiện dự án. Một phần diện tích đất như kênh rạch, đường giao thông, công trình công cộng do nhà nước quản lý nằm xen kẹt trong khu đất lớn mà doanh nghiệp nhận chuyển nhượng để thực hiện dự án.
Thế nhưng, việc tháo gỡ những khó khăn đó cho doanh nghiệp để triển khai dự án lại không hề dễ dàng, do quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công thì phần diện tích đất này phải đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất, cho thuê đất, dẫn đến khó khăn cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai nhiều dự án.
Để tháo gỡ các vướng mắc nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, trong đó quy định, Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất đối với chủ đầu tư trong trường hợp trên.
Trao đổi về vấn đề này, đại diện Phòng Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa cho biết: “Tại Thanh Hóa còn rất nhiều dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp không thể triển khai được do nhiều lý do. Việc thực hiện thủ tục, hồ sơ dự án phải đảm bảo đúng quy trình, chẳng hạn: Sau khi dự án được chấp thuận đầu tư và nằm trong danh mục các dự án thu hồi đất được HĐND tỉnh thông qua, được UBND tỉnh có quyết định phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất hàng năm cho các huyện,… Tiếp đến là các hồ sơ chuyển đổi đất lúa, đất nông nghiệp khác (trên 10ha đất lúa trình Thủ tướng phê duyệt),… Để đồng hành cùng doanh nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa luôn tạo điều kiện, hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ, thủ tục về đất đai sớm nhất để thực hiện dự án. Tuy nhiên, việc hoàn thành thủ tục, hồ sơ dự án còn phụ thuộc khá nhiều ở doanh nghiệp như: Năng lực tài chính, quy mô dự án ở từng giai đoạn,…”.