Aa

Đứa trẻ đùa chơi trong đêm

Thứ Ba, 22/01/2019 - 06:00

Có nhiều người nói: Tình yêu chỉ có ở người mẹ và những đứa con, còn mọi tình cảm khác chỉ giông giống tình yêu mà thôi. Tôi đồng ý với nhận định đó. Trong một số sách nghiên cứu tâm linh của cả Đông và Tây, người ta nói về những nguyên tắc, những biên giới giữa người sống và người chết. Nhưng tình yêu của người mẹ với con mình mạnh hơn mọi nguyên tắc và phá vỡ mọi biên giới.

Người kể cho tôi nghe câu chuyện này là cụ Tộc. Cụ là một người sống rất thọ ở trong làng. Cụ mất năm 95 tuổỉ, chẳng bao giờ ốm đau, cho dù cụ sống gần như cả đời trong đói rét. Cụ chính là người liên quan trực tiếp đến câu chuyện. Cụ ở gần nhà bà ngoại tôi. Mỗi lần về quê, vào thăm các bác bên ngoại, tôi phải đi qua ngõ nhà cụ. Cứ nhìn thấy tôi là cụ mời vào uống nước. Nước vối cụ ủ lúc nào cũng xanh và thơm lừng, đậm đà. Trong một lần ngồi uống nước, cụ hỏi tôi có bao giờ nghe chuyện về đứa con trai của cụ hồi nó mới sinh ra không. Tôi nói với cụ, tôi cũng nghe loáng thoáng nhưng không biết cụ thể. Thế là cụ bảo: “Chuyện nhà tôi, tôi kể cho bác nghe nhé”.

Năm hai mươi ba tuổi, cụ Tộc mới lấy vợ. Ngày đó ở thôn quê, vào tuổi ấy lấy vợ là muộn. Nhưng vì gia đình cụ Tộc nghèo quá nên cụ không dám hỏi ai. Chính xác là cụ đã dạm hỏi một cô thôn nữ trong làng làm vợ, nhưng cô ấy hỏi: “Lấy anh, lá chuối chẳng có mà ăn thì lấy để làm gì?”. Cụ buồn và tủi hổ nghĩ mình có lẽ chẳng thể nào lấy được vợ. Nhưng rồi trong một lần đi làm thuê ở làng bên cạnh, một cô gái thấy cụ khỏe mạnh lại hiền lành đã thương cụ. Cuối năm đó, cụ xin cưới cô thôn nữ. Gia đình nhà cô gái thấy cụ nghèo nhưng thương con gái nên đồng ý gả cô cho cụ. Mấy ngày trước khi làm lễ ăn hỏi, cụ ra sông kiếm cá mang đi bán để mua đúng ba quả cau, mấy lá trầu và một chai rượu trắng làm đồ lễ.

Lấy vợ được gần hai năm thì vợ cụ Tộc sinh một bé trai. Sinh con được ba ngày, vợ cụ mất vì hậu sản. Là người đàn ông khỏe mạnh và cứng rắn, vậy mà cụ Tộc đã khóc vợ suốt mấy ngày liền, không ăn uống gì. Rồi cụ lau nước mắt và bế đứa con còn đỏ hỏn đi khắp nơi xin bú cho con. Việc xin bú cho đứa bé chẳng dễ dàng chút nào.

Đứa bé thiếu sữa mẹ, khóc ặt ẹo suốt ngày suốt đêm. Nhà nghèo quá, cụ chẳng kiếm đâu ra nắm gạo để nấu cháo cho con. Cụ phải nấu củ chuối, rau dại lấy nước cho con uống thay sữa. Đứa bé càng ngày càng xanh xao, chân tay quắt lại, chỉ có đôi mắt lồi ra đầy thương cảm. Nó nằm trên ổ rơm, khóc không thành tiếng mà chỉ kêu như một con mèo hen. Ai nhìn đứa bé cũng hiểu rằng nó khó mà sống nổi. Cụ Tộc thương con đau đớn như cắt từng khúc ruột nhưng bất lực. Đến khi không còn biết cách nào để cứu con nữa, cụ chạy ra cánh đồng, quỳ trước mộ người vợ chưa xanh cỏ, vái lạy và khóc.

Tiếng cụ khóc trong đêm thê lương và đau đớn khôn cùng. Rồi cụ ôm lấy mộ vợ, gào lên: “Mình ơi, mình về với con đi, con nó chết mất, mình ơi là mình, trời cao đất dày ơi, sao con tôi lại phải khổ thế này”. Cụ Tộc cứ thế gào gọi vợ, gọi trời đất cho đến khi kiệt sức. Đêm khuya cụ mới trở về nhà. Mẹ cụ Tộc đang ôm đứa bé, nhìn con trai mình, khóc òa lên và nói: “Con ơi, nó không còn sống với nhà mình được nữa đâu. Con hãy cho nó đi, con ơi”.

Cụ Tộc đón đứa bé từ tay mẹ mình và đặt nó lên chiếc ổ rơm quây trên chiếc trõng tre trong căn buồng chập chờn ánh sáng từ ngọn đèn dầu lạc. Cụ ngồi nhìn con và biết đứa con tội nghiệp của mình khó có thể sống qua đêm. Đến canh ba, mệt quá cụ ngủ thiếp đi. Bỗng cụ nghe tiếng trẻ cười khúc khích như đang chơi đùa với ai đó. Cụ tỉnh giấc...

Tình mẹ bao la!

Tình mẹ bao la!

Cụ Tộc mở to mắt kinh ngạc và nghĩ mình đang mơ. Trên chiếc ổ rơm, đứa trẻ tưởng chỉ chờ chết, đang khua đôi bàn tay bé xíu trong không gian và thi thoảng nó lại cười. Đôi mắt đứa trẻ hướng về một khoảng không. Khi cụ Tộc tin mình không nằm mơ, cụ vội gọi mẹ mình vào xem. Cả hai mẹ con cụ Tộc đứng như trời trồng trước cảnh tượng đứa trẻ. Cười đùa một lúc lâu, đứa trẻ lăn ra ngủ ngon lành. Đôi môi đứa bé còn chúp chíp như vừa bú mẹ. Cụ Tộc cứ ngồi nhìn con cho đến sáng. Buổi sáng, bố mẹ cụ Tộc và cụ Tộc đứng nhìn đứa trẻ đã tỉnh dậy đang khua tay khua chân với đôi mắt trong veo thật đáng yêu. Họ không hiểu chuyện gì đã xẩy ra với đứa trẻ. Bố mẹ cụ Tộc vừa mừng vừa sợ. Nhưng họ tin Thần Phật đã cứu đứa bé. Từ hôm đó, đứa bé hồi sức từng ngày. Nó trở nên bụ bẫm và xinh xắn. Cứ đến chiều là đứa bé lăn ra ngủ một mạch cho tới khuya. Thế rồi, cứ vào độ canh ba thì đứa bé tỉnh giấc và nô đùa với ai đó trong bóng tối ngôi nhà. Thi thoảng nó lại cười như có ai đó cù vào người nó. Những lúc đó, cụ Tộc lại tỉnh giấc.

Cụ đứng nhìn vào khoảng không vô hình nơi đôi mắt đứa bé hướng về. Rồi đến một đêm, cụ vái lạy khoảng hư không và nói: “Mình ơi, có phải mình nghe lời cầu xin của tôi mà về với con không? Xin mình hiện ra một lần cho tôi thấy. Tôi mừng vì con đã tai qua nạn khỏi, nhưng tôi sợ lắm. Tôi xin mình!”. Không có tiếng ai đáp lại, cũng không có bất cứ một bóng dáng nào hiện ra. Nhưng sau này cụ Tộc biết có người đang ở trong căn buồng và chơi với đứa trẻ. Khi ánh mắt của đứa trẻ thay đổi hướng nhìn thì cụ Tộc như thấy có người nào đó đang di chuyển trong căn buồng của bố con cụ. Cụ Tộc nghĩ đó là hồn ma vợ mình đã nghe tiếng cầu xin của mình mà về chăm sóc đứa con tội nghiệp. Thấy con mỗi ngày một lớn và khỏe mạnh, cụ Tộc vui mừng khôn xiết.

Nhưng cũng có một nỗi lo sợ mơ hồ nào đó cứ len lỏi trong lòng cụ. Nhiều lúc cụ nghĩ, liệu ma nuôi người thì người đó sau này ra sao, cho dù hồn ma đó là mẹ đứa bé?

Cho đến một đêm, đứa bé chợt cất tiếng gọi “mẹ” và cười thì cụ Tộc thấy toàn thân mình run lên tưởng như quỵ ngã. Đến lúc đó, cụ hoàn toàn tin hồn ma vợ cụ đã về để nuôi con mình. Nhưng sao chỉ mỗi con cụ nhìn thấy mẹ nó mà những người khác không nhìn thấy được? Con cụ có phải là một đứa bé bình thường như mọi đứa bé không? Bao câu hỏi chất nặng trong lòng cụ. Khi đứa bé bắt đầu biết đi và ăn được cơm thì cụ Tộc không thấy đứa bé cười đùa trong đêm nữa. Những đêm sau đó, đứa bé tỉnh giấc, khóc gọi mẹ. Cụ biết hồn ma vợ mình đã không về nữa. Đứa bé đã lớn...

Khi đứa bé đi học, các thầy cô giáo đều nức nở khen nó thông minh lạ lùng. Thi thoảng, cụ Tộc lại ra mộ vợ thắp hương và nói chuyện với người vợ đã khuất về đứa con. Khi tôi lớn lên, làng tôi vẫn nói chuyện về người con trai của cụ và rất tự hào. Anh là người có bằng tiến sỹ khoa học đầu tiên của làng tôi. Có lần nói chuyện với anh, tôi hỏi anh còn nhớ gì về chuyện xưa không. Anh nói lúc đó anh còn nhỏ quá nên chẳng nhớ được gì nhiều. Nhưng anh vẫn nhớ mẹ anh về cho anh bú và chơi với anh cho đến khi gà gáy sáng.

Đến khi người con trai đã trưởng thành, lấy vợ, sinh con và thành đạt trong sự nghiệp thì nỗi lo sợ trong lòng cụ Tộc mới tan đi.

Không có gì lớn lao bằng tình yêu của người mẹ đối với con mình. Có nhiều người nói: Tình yêu chỉ có ở người mẹ và những đứa con, còn mọi tình cảm khác chỉ giông giống tình yêu mà thôi. Tôi đồng ý với nhận định đó. Trong một số sách nghiên cứu tâm linh của cả Đông và Tây, người ta nói về những nguyên tắc, những biên giới giữa người sống và người chết. Nhưng tình yêu của người mẹ với con mình mạnh hơn mọi nguyên tắc và phá vỡ mọi biên giới.

Câu chuyện về người vợ cụ Tộc là một ví dụ thuyết phục nhất cho điều đó. Tôi thật sự may mắn được trò chuyện với những nhân chứng của câu chuyện kỳ bí này. Chính vì thế mà đôi lúc nhớ mẹ, tôi lại cảm thấy mẹ tôi đang ở đâu đó quanh tôi, nhìn tôi thương yêu và che chở cho tôi. Lúc đó, lòng tôi run lên vì hạnh phúc và nhớ mẹ vô cùng. Và lòng tôi lại cất tiếng gọi: "Mẹ ơi, con yêu mẹ mãi mãi!".

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top