Aa

Đừng biến quy hoạch chung thành quy hoạch... của ông

Thứ Tư, 29/05/2019 - 00:00

Tôi rất kỳ vọng Quốc hội và các Đại biểu Quốc hội sẽ cho những ý kiến xác đáng, để hướng đến sửa đổi các luật chuyên ngành về đất đai, xây dựng, quy hoạch đô thị, nhằm sử dụng đất đảm bảo khoa học.

Mới đây, tại nghị trường quốc hội, Các đại biểu Quốc hội đã trao đổi sôi nổi về thực trạng sử dụng đất và quy hoạch đô thị tại các thành phố lớn, nhất là những thành phố như Hà Nội, TP.HCM. Có thể nói trong những năm qua cùng với sự phát triển của nền kinh tế xã hội cả nước thì diện mạo của các đô thị đã thay đổi, nhưng riêng đối với công tác quy hoạch đô thị thì hầu như không để lại dấu ấn nào đặc sắc.

Tình trạng sử dụng đất không hiệu quả, thất thoát lãng phí một phần là do công tác quy hoạch của chúng ta còn nhiều điều đáng phải bàn. Thực trạng quy hoạch đô thị theo kiểu "quy hoạch 'trên trời' nhưng cuộc đời nằm ở hạ giới" vẫn tồn tại mặc dù Luật Quy hoạch đã chỉ ra rằng, trước khi xây dựng đề án quy hoạch khu dân cư hay một phần nào đó của thành phố, cần lấy ý kiến của người dân vùng quy hoạch.

Đơn cử như tôi là công dân Thủ đô, rất quan tâm đến các vấn đề phát triển đô thị, nhưng chưa bao giờ được bất kỳ ai hỏi ý kiến về quy hoạch, ngay cả khi tôi là công dân vùng quy hoạch. Điều này gây ra hệ quả là nhiều đề án, dự án ra đời không nhận được sự đồng tình của người đân.

Luật sư Trương Anh Tú

Luật sư Trương Anh Tú

Một nội dung nữa là trong quy hoạch đô thị ở các thành phố lớn hiện nay có rất nhiều bất cập. Các ngôi nhà, các dự án bất động sản được xây dựng trên những quỹ đất chật hẹp, hạ tầng yếu kém không đáp ứng nổi những nhu cầu của người dân, gây ra tình trạng ùn tắc giao thông, thiếu những điểm sinh hoạt công cộng, thiếu cơ sở hạ tầng về y tế, giáo dục.

Điển hình như khu đô thị Ciputra, chủ đầu tư đã lấy phần diện tích đất công cộng để xây dựng những khu nhà ở thương mại. Điều này gây ra bức xúc cho bà con cư dân. Người dân đã mất đi môi trường sống, những tiện ích công cộng và chắc chắn nếu cứ để tình trạng này tiếp diễn thì hạ tầng ở khu dân cư đó sẽ quá tải.

Vừa qua, khi tôi đi khảo sát một khu đô thị để tư vấn cho thân chủ của mình thì phát hiện thấy bản thiết kế, quy hoạch nhà nước về việc cho dự án xây dựng là 29 tầng, nhưng chủ đầu tư lại rao bán đến tầng thứ 35. Điều này cho thấy những phần diện tích từ 30 trở lên sẽ không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, sử dụng đất.

Tuy nhiên, không lâu sau đó, chủ đầu tư đã xuất trình giấy phép xây dựng bổ sung đến tầng thứ 35. Đây là một hiện tượng rất phổ biến ở Hà Nội và TP.HCM, Điều này làm nản lòng những nhà quy hoạch đô thị. Còn những người cầm cân này mực, những người có chức trách thì vô tư ký bổ sung...

Những khu vực sử dụng đất nêu trên sẽ góp phần làm tăng sức ép về giao thông cũng như về hạ tầng cơ sở tại khu vực dự án. Chúng ta có thể dễ dàng nhìn nhận thấy hiện tượng này xảy ra ở những đô thị mới ở Bình Thạnh, quận 1,(TP,HCM), hay là khu vực ở Linh Đàm, Chung Hòa - Nhân Chính (Hà Nội).

Một vấn đề nữa nổi lên rất gay gắt trong thời gian gần đây đó là, những khu vực đất nằm cạnh những con sông đắc địa ở TP.HCM,TP. Đà Nẵng đã được cho xây dựng rất nhiều khối nhà cao tầng, lấn chiếm hầu hết hết không gian và không khí của người dân thành phố. Ở đây sông vốn là của công nay lại biến thành "của ông", gây ra bức xúc cho người dân. Việc làm này được cho là rất thiếu trách nhiệm với cộng đồng, đồng thời về lâu về dài sẽ phá nát cảnh quan đô thị ở các thành phố. 

Trong kỳ họp này, tôi rất kỳ vọng Quốc hội và các Đại biểu Quốc hội sẽ cho những ý kiến xác đáng, để chúng ta hướng đến sửa đổi các luật chuyên ngành về đất đai, về xây dựng, về quy hoạch đô thị để việc sử dụng đất đảm bảo tính bền vững, dựa trên cơ sở khoa học, sử dụng đất một cách tiết kiệm, vì cộng đồng và đậm tính nhân văn.

* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top