Aa

"Cần khởi tố để làm rõ trách nhiệm"

Thứ Sáu, 29/03/2019 - 15:57

Đó là ý kiến của ông Bùi Đức Thụ, nguyên Ủy viên thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội khóa XIII khi nhận định về vụ việc ở huyện Hoằng Hoá.

 

Vì sao huyện Hoằng Hóa kiên quyết chống đối thi hành án?

Có ý kiến cho rằng, việc khởi kiện hành chính dường như đã một việc rất khó khăn đối với người dân bởi không ít người có tâm lý e ngại “con kiến kiện củ khoai”. Thế nhưng trên thực tế, có nhiều vụ việc, dù công lý đã thuộc về người dân nhưng để được thi hành án theo phán quyết của tòa án cũng là một vấn đề gian nan mệt mỏi.

Vụ việc gia đình ông Trương Xuân Lễ phát đơn khởi kiện UBND huyện Hoằng Hóa vì đất của gia đình ông bỗng bị “sáp nhập” vào dự án khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến trái quy định của pháp luật có nguy cơ rơi vào bế tắc khi huyện Hoằng Hóa kiên quyết chống lại chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền khi bản án đã có hiệu lực pháp luật (tòa tuyên giao đất cho gia đình ông Lễ) là một trường hợp như thế.

Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp thi hành án hành chính bị bế tắc một khi cơ quan quản lý nhà nước thua kiện nhưng có dấu hiệu không tôn trọng phán quyết của tòa án. Vụ việc đúng, sai đã được các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, làm rõ. Vấn đề còn lại là công tác thi hành án phải làm sao để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự liên quan trên thì chưa được thực thi theo quy định của pháp luật.

Ông Bùi Đức Thụ. Ảnh tư liệu.

Ông Bùi Đức Thụ. Ảnh tư liệu.

Bình luận về sự việc này, ông Bùi Đức Thụ, nguyên Ủy viên thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội khóa XIII cho rằng, trường hợp cấp có thẩm quyền chỉ đạo thi hành bản án đã hiệu lực, đủ điều kiện thi hành án nhưng cấp có thẩm quyền không chấp hành, thì điều đó là hành vi vi phạm pháp luật.

“Ở Việt Nam, Tòa án là cơ quan xét xử độc lập, tuân thủ theo quy định của pháp luật. Trường hợp tòa án đã có phán quyết (bản án có hiệu lực - PV) thì các tổ chức, cá nhân có liên quan phải tuân thủ thực hiện theo bản án của tòa án. Trường hợp cá nhân, tổ chức không đồng ý với phán quyết của tòa thì có quyền khởi kiện theo quy định của pháp luật.

Trong vụ việc nói trên, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước là phải thực hiện theo bản án đã tuyên của tòa. Nếu không thực hiện phải nêu rõ nguyên nhân. Trường hợp cấp có thẩm quyền chỉ đạo, bản án có hiệu lực, đủ điều kiện thi hành án nhưng đương sự không chấp hành thì đó là hành vi vi phạm pháp luật. Các cơ quan thi hành án phải có trách nhiệm vào cuộc để thi hành án.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương phải coi việc thi hành án là nhiệm vụ quản lý nhà nước, từ đó phải phối hợp, chỉ đạo các cơ quan hữu quan để hiện thực hóa bản án của tòa đã tuyên. Như vậy mới giữ vững kỷ cương phép nước”, ông Bùi Đức Thụ nói.

Khi bản án có giá trị về mặt pháp lý tức là có hiệu lực về mặt pháp lý mà anh không chấp hành chính là anh vi phạm các quy định của pháp luật bất kể đó là tổ chức, cá nhân thuộc cơ quan nhà nước, cơ quan tư pháp. Tôi đề nghị trường hợp này tùy theo mức độ nặng nhẹ phải xem xét trách nhiệm cá nhân, tổ chức có liên quan. Nhẹ thì xử lý kỷ luật hành chính, còn nếu chống đối thì có thể khởi tố để làm rõ trách nhiệm.

Ông Bùi Đức Thụ - nguyên Ủy viên thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội khóa XIII

Ông Thụ cũng cho rằng, cần xử lý trách nhiệm cá nhân, cơ quan, tổ chức chống lại việc thi hành bản án khi nó đã có hiệu lực, bởi nguyên tắc quản lý hành chính đã phân công, phân cấp rõ ràng chức năng nhiệm vụ của từng tổ chức cá nhân. Không thể nào có tình trạng cấp trên lãnh đạo, chỉ đạo theo đúng thẩm quyền, đúng quy định mà cấp dưới lại không chấp hành khi không có lý do chính đáng.

“Quyết định của cấp trên, của trung ương buộc cấp dưới, địa phương phải thực hiện nhiệm thi hành. Nếu nguyên nhân việc thi hành án trậm trễ do chủ quan thì phải cá thể hóa trách nhiệm trong việc thực thi bản án. Cái này hệ thống pháp luật của nhà nước đã có quy định rõ.

Tuy nhiên, trong quản lý nhà nước, không phải chỉ là việc cơ quan có thẩm quyền ban hành một quyết định, một chỉ thị để đôn đốc thực hiện là xong. Tôi cho rằng, khi bản án pháp luật có hiệu lực thì trách nhiệm trực tiếp trong việc xử lý là cơ quan thi hành án. Bên cạnh đó lãnh đạo địa phương (cấp trên) cần chỉ đạo, phối hợp để thực hiện bản án một cách nghiêm túc.

Trong vụ việc tại huyện Hoằng Hóa, tôi cho rằng cấp có thẩm quyền tại địa phương (cấp tỉnh) phải đeo bám, đôn đốc, theo sát và phải có hình thức xử lý nghiêm theo quy định trường hợp không chấp hành án. Không thể có trường hợp trên bảo dưới không nghe được.

Như vậy, khi bản án có giá trị về mặt pháp lý tức là có hiệu lực về mặt pháp lý mà anh không chấp hành chính là anh vi phạm các quy định của pháp luật bất kể đó là tổ chức, cá nhân thuộc cơ quan nhà nước, cơ quan tư pháp.

Tôi đề nghị trường hợp này tùy theo mức độ nặng nhẹ phải xem xét trách nhiệm cá nhân, tổ chức có liên quan. Nhẹ thì xử lý kỷ luật hành chính, còn nếu chống đối thì có thể khởi tố để làm rõ trách nhiệm”, ông Thụ nói.

Ông Thụ này nói thêm: “Trường hợp quy định về việc thi hành án chưa phù hợp thì hệ thống pháp luật cần sửa đổi để hoàn thiện để đủ mạnh để thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, đảm bảo trật tự kỷ cương phép nước".

Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa nói gì?

Rõ ràng, trong vụ việc này, trách nhiệm trước hết là Cục Thi hành án tỉnh Thanh Hóa cần chủ động, quyết liệt đề ra những biện pháp cụ thể để giải quyết dứt điểm vụ việc. Vụ việc không chỉ là nỗi bức xúc của riêng gia đình ông Trương Xuân Lễ mà còn là nỗi băn khoăn của xã hội đối với cơ quan thực thi pháp luật (huyện Hoằng Hóa).

Xin được nhắc lại, để “đối phó” với bản án, quyết định của Tòa án, chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa và khiếu nại của người dân, ngày 16/01/2019 UBND huyện Hoằng Hóa đã tiến hành họp thống nhất nội dung thi hành án. Tuy nhiên, tại buổi họp này UBND huyện Hoằng Hóa lại đưa ra quan điểm được cho là hết sức vô lý ở chỗ, huyện Hoằng Hóa chỉ cho phép gia đình ông được quyền quản lý mà không có quyền sử dụng và định đoạt trong khi gia đình ông Lễ là chủ sở hữu “tài sản”, có quyền sử dụng diện tích 1.570m2 đất. Tức là đối với diện tích đất này, gia đình ông Lễ có các quyền gồm quyền quản lý, quyền sử dụng và quyền định đoạt.

Mặt khác, việc “giao” đất cho gia đình ông Lễ “quản lý” cũng chỉ là chủ trương được UBND huyện Hoằng Hóa đưa ra trong buổi làm việc, trong khi trên thực tế UBND huyện Hoằng Hóa không lập biên bản giao đất, không giao đất trên thực địa, không ban hành quyết định giao đất.

Huyện Hoằng Hóa vẫn chưa tiến hành bàn giao đất cho gia đình ông Trương Xuân Lễ.

Huyện Hoằng Hóa vẫn chưa tiến hành bàn giao đất cho gia đình ông Trương Xuân Lễ.

Về việc này, Luật sư Trịnh Ngọc Ninh cho rằng, việc UBND huyện Hoằng Hóa chỉ cho gia đình ông Lễ được quyền quản lý mà không được quyền sử dụng, định đoạt (đương nhiên quản lý, sử dụng và định đoạt phải tuân theo đúng quy định của pháp luật) là điều hết sức vô lý:

“Việc giao đất cho gia đình ông Lễ quản lý mà không cho sử dụng, định đoạt là đang xâm phạm đến quyền của chủ sở hữu tài sản, cụ thể là chủ sở hữu quyền tài sản - quyền sử dụng đất”.

Luật sư Ninh cho biết thêm: “Có thể thấy thực tế và pháp lý đến thời điểm hiện tại UBND huyện Hoằng Hóa – là bên có nghĩa vụ thi hành Bản án hành chính sơ thẩm số 55/2017/HC-ST ngày 17, 24/10/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa thực hiện được các nội dung phải thi hành, cụ thể:

UBND huyện Hoằng Hóa chưa thực hiện giao đất trên thực địa cho gia đình ông Trương Xuân Lễ quản lý, sử dụng gồm 1.570m2 đất tại các thửa đất gồm: Thửa 228: 1.070m2, thửa 230: 350m2, thửa 231: 150m2, bản đồ địa chính xã Hoằng Tiến (theo biên bản xác định ranh giới, diện tích đất do Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa lập ngày 05/01/2019).

UBND huyện Hoằng Hóa chưa thực hiện các thủ tục giao đất như lập biên bản bàn giao đất; ban hành Quyết định giao đất... cho gia đình ông Trương Xuân Lễ.

UBND huyện Hoằng Hóa chưa thực hiện việc kiểm kê, thu hồi, bồi thường về đất, tài sản trên đất đối với phần đất mà Quyết định số 3827/QĐ – CT ngày 17/11/2003 của UBND tỉnh Thanh Hóa thu hồi làm quảng trường, làm đường khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến (phần đất nằm ngoài diện tích đất 1.570m2 giao cho gia đình ông Lễ).

Như vậy, phần lớn Bản án hành chính sơ thẩm số 55/2017/HC-ST, Quyết định buộc thi hành án hành chính số 01/2018/QĐ-THA của TAND tỉnh Thanh Hóa chưa được UBND huyện Hoằng Hóa thi hành, quyền lợi hợp pháp của gia đình ông Trương Xuân Lễ chưa được bảo vệ theo quy định pháp luật”, luật sư Ninh cho biết.

Mới đây, ông Trương Xuân Lễ tiếp tục có đơn khiếu nại gửi cấp có thẩm quyền, đề nghị xử lý trách nhiệm lãnh đạo huyện Hoằng Hóa trong việc chậm trễ thi hành bản án theo quy định của pháp luật.

“Căn cứ Điều 314 – Luật tố tụng hành chính, xử lý trách nhiệm đối với UBND huyện Hoằng Hóa và các cá nhân liên quan về việc không chấp hành bản án, quyết định của Tòa án theo đề nghị tại Văn bản số 3673/TCTHADS – NV3 ngày 02/10/2018 của Tổng cục thi hành án dân sự - Bộ tư pháp.

Chúng tôi mong và tin tưởng Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa quan tâm, xem xét giải quyết, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, tránh trường hợp phát sinh khiếu nại, khiếu kiện kéo dài ảnh hưởng đến trật tự quản lý hành chính tại địa phương”, ông Lễ cho biết.

Cũng liên quan tới vụ việc huyện Hoằng Hóa chống lệnh giao đất cho dân, hôm 28/3, trao đổi nhanh với phóng viên Reatimes qua điện thoại, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, tỉnh đã nắm được vụ việc nên trên và đang chỉ đạo xử lý.

“Hôm nọ tôi đã có chỉ đạo việc này rồi. Bây giờ tỉnh đang yêu cầu Sở tài nguyên và Môi trường xuống xác định diện tích hơn 1.500m2 đó có bao nhiêu đất vườn, bao nhiêu đất ở để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người ta (ông Trương Xuân Lễ)”, ông Quyền thông tin.

Bà Lê Thị Thìn, Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa cũng đồng ý quan điểm rằng, ông Trương Xuân Lễ có quản lý, sử dụng và định đoạt (phải tuân theo đúng quy định của pháp luật) chứ không thể có chuyện chỉ giao đất cho gia đình ông quản lý...

(Còn nữa)

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top