Aa

Đừng dễ dãi với những công trình biểu tượng!

Thứ Tư, 17/05/2017 - 06:32

Khi sự ồn ào về công trình “cổng chào” của Quảng Ninh còn chưa ngơi, thì cách đó không xa, Thái Bình cũng gây sốc cho người dân cả nước khi đưa ra bản vẽ công trình đang hoàn tất thủ tục phê duyệt mang tên “Tháp Thái Bình”, với mức đầu tư 300 tỷ.

Cuối tháng 4 vừa qua, tỉnh Quảng Ninh gây ngạc nhiên cho dư luận khi tổ chức lễ khánh thành công trình Cổng chào tỉnh được xây dựng trên quy mô 120 ha với số tiền đầu tư gần 200 tỉ đồng. Đây là một công trình nằm trong tổng thể dự án  có quy mô tổng diện tích trên 139.000 m2 với tổng mức đầu tư 368 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách tỉnh chi cho giải phóng mặt bằng khoảng 10 tỷ đồng. Toàn bộ kinh phí còn lại sử dụng từ nguồn xã hội hóa.

HÌnh ảnh gây tranh cãi của cổng trào Quảng Ninh.

HÌnh ảnh gây tranh cãi của cổng chào Quảng Ninh.

Qua lời giới thiệu, được biết, hệ thống cổng chào được thiết kế bằng khung thép với 08 cột chính có độ cao từ 38-43m. Theo dẫn giải của cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh, công trình là sự kết hợp giữa hai yếu tố di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và Trung tâm phật giáo Yên Tử. Và những người đại diện của tỉnh Quảng Ninh còn cho biết thêm, công trình khi dựng lên đã đảm bảo được các tiêu chí như “uy nghi, vững chãi, ấn tượng, đặc biệt, hiện đại và phản ánh được truyền thống văn hóa lịch sử của vùng đất Quảng Ninh, tâm linh thiêng liêng Yên Tử, kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long”; thể hiện khẩu hiệu lời chào “Quảng Ninh hội tụ và lan tỏa” để truyền tải thông điệp và ý nghĩa trên cho người dân và du khách đến với Quảng Ninh.

Lời giới thiệu nghe đầy hấp dẫn, cuốn hút. Song, trên thực tế, ngay từ khi xây dựng, nhiều người dân của tỉnh và những du khách đi qua địa bàn đã lắc đầu về công trình “lạ lùng” này. Khi trực tiếp ngắm công trình cổng chào ở các góc chụp khác nhau, sau đó đối chiếu với lời giới thiệu của tỉnh Quảng Ninh, tôi cảm thấy như đây là hai công trình hoàn toàn khác, không hề có mối liên hệ. Nhìn khối sắt được uốn cong theo hình tam giác, khi đi qua, tôi cảm thấy mình đang chui vào một cái khung, hay một mô hình bài tập nhào lộn nào đó của chiến binh, hoàn toàn không tưởng tượng ra nổi mình đang đi qua nơi được coi là “sự kết hợp giữa yếu tố di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long với Trung tâm Phật giáo Yên Tử”. Tôi không nghĩ trí tưởng tượng của mình quá hạn hẹp, để không nhận ra ý nghĩa của công trình ấy. Mà cho rằng, có lẽ con mắt nghệ thuật của người làm kiến trúc, xây dựng quá cao siêu, nên khiến người xem không đọc ra được ý tưởng của mình!?!

Không chỉ tôi, mà rất nhiều người dân khi ngắm công trình ấy cũng không hiểu được ý nghĩa của nó, dù số tiền đầu tư gần 200 tỉ đồng. Một công trình nghệ thuật đặc trưng, đại diện cho hình ảnh của tỉnh để giới thiệu với mọi người mà nhiều người nhìn vào đó không hiểu, có lẽ cũng nên xem lại ý tưởng của người thực hiện. Không nên đưa thứ nghệ thuật quá cao siêu vào cái “cổng chào”, để rồi người ta đến và không nhận ra ý nghĩa của nó. Nếu làm chỉ để cho cổng “chào” một số ít người, có lẽ nên đổi tên hoặc đặt nó ra vị trí khác.

Về hiệu quả kinh tế, tôi cho rằng đây là một công trình lãng phí, dù đã được giải thích là công trình sử dụng nguồn vốn “xã hội hóa”. “Xã hội hóa” thì vẫn là tiền của người dân địa phương, của các doanh nghiệp trên địa bàn. Họ không phải những người làm “từ thiện”. Làm cái cổng chào 200 tỉ, với mục đích chỉ để tạo điểm nhấn, buộc khách phải dừng chân, nghỉ ngơi, mua sắm, có lẽ, đó chẳng khác việc "lấy dao giết hổ để đi mổ gà". Quảng Ninh có thể dễ dàng huy động nguồn tài trợ, nhưng tôi nghĩ, tỉnh còn nhiều công trình cần làm, mang ý nghĩa thiết thực, được nhân dân đồng tình hơn là cái cổng chào này.

Khi sự ồn ào về công trình “cổng chào” của Quảng Ninh còn chưa ngơi, thì cách đó không xa, Thái Bình cũng gây sốc cho người dân cả nước khi đưa ra bản vẽ công trình đang hoàn tất thủ tục phê duyệt mang tên “Tháp Thái Bình”, với mức đầu tư 300 tỷ. Cũng giống như Quảng Ninh, để dư luận bớt lo lắng, tỉnh Thái Bình công bố toàn bộ số tiền xây dựng tháp được huy động từ nguồn “xã hội hóa”. Ngoài ý nghĩa là công trình kiến trúc, văn hóa, biểu trưng thuần túy, tháp Thái Bình được lý giải còn có công năng là một công trình du lịch, thương mại, triển lãm. Trong tòa tháp, sẽ có các tầng dùng để tổ chức các hoạt động thương mại.

Tháp biểu tượng 300 tỷ đồng của Thái Bình sẽ cao 25 tầng.

Tháp biểu tượng 300 tỷ đồng của Thái Bình cao 25 tầng.

Khi chiêm ngưỡng bản mô phỏng, tôi khá ngạc nhiên khi nhận ra, tòa tháp ấy chẳng có bóng dáng, đường nét gì để gọi là biểu tượng của Thái Bình? Nhắc đến Thái Bình, người ta hình dung ra ngay đây là quê lúa, là đất của “chị Hai Năm tấn”, là những bãi biển... Không hiểu, tòa tháp 25 tầng kia biểu trưng cho “chất” gì của quê hương Thái Bình? Hay cứ tòa tháp cao là được coi “biểu tượng” của tỉnh? Tôi cho rằng, đây đơn giản là một tòa tháp, vẫn thường gặp trong các vùng đất Phật hoặc trên phim ảnh, nơi có những cảnh liên quan đến chùa chiền, Phật giáo. Nó có thể đặt ở bất cứ địa phương nào, nhưng nếu nói đó là biểu trưng của tỉnh, chắc chắn, người dân nơi đâu cũng phải đắn đo, cân nhắc!?!

Từ cổng chào của tỉnh Quảng Ninh đến tháp biểu tượng của tỉnh Thái Bình đều được các cơ quan chức năng tỉnh này khẳng định đây là “công trình biểu trưng” của tỉnh. Không được theo dõi nên chưa hiểu quy trình triển khai các dự án của 2 tỉnh thế nào, song, có thể cảm nhận, các dự án này đều trở nên lạ lẫm, bất ngờ với đông đảo nhân dân. Họ chỉ biết khi đã có bản thiết kế mô phỏng, thậm chí khi đã tổ chức khánh thành. Như vậy, có thể hiểu, những công trình mang danh “biểu trưng”, thực tế lại được lựa chọn, quyết định bởi số ít người, dù lẽ ra phải được lấy ý kiến của đông đảo dư luận, để trở nên gần gũi, thiêng liêng với người dân.

Việc xây dựng các công trình biểu trưng, biểu tượng là điều cần thiết. Nhất là khi nó kết hợp với việc phát triển du lịch, kinh tế, càng đáng hoan nghênh. Song, làm thời điểm nào, ở đâu, quy mô ra sao và triển khai như thế nào là điều lãnh đạo các địa phương hết sức thận trọng khi cân nhắc. Chúng ta không thể nhân danh đó là công trình biểu trưng của tỉnh, khi mà đông đảo người dân bản địa thấy công trình ấy xa lạ với họ. Người dân chắc chắn không vui, khi họ ngắm công trình ấy với bộn bề suy nghĩ, khi trong họ đang có những ước mơ về cây cầu, con đường, ngôi trường khang trang, kiên cố, nguồn vốn nhỏ hơn nhiều những biểu trưng kia mà chẳng biết phải đợi đến bao giờ!?!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top