Nhận thấy sức hút từ bộ phim, ngay khi bộ phim bắt đầu khởi chiếu, Bộ VHTTDL đã có công văn gửi UBND Thành phố Hà Nội đề nghị phê duyệt dự án đưa một số phối cảnh 3D của bộ phim dựng lại tại khu vực phố đi bộ Hồ Gươm. Trong công văn của mình, Bộ VHTTDL cho rằng, việc xây dựng dự án này nhằm tận dụng sức ảnh hưởng dự án phim có mức đầu tư cao và được công chúng toàn cầu chờ đợi. Bộ muốn phối hợp với Công ty phát hành tổ chức một loạt các hoạt động nhằm thúc đấy quảng bá du lịch Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng nhân dịp bộ phim chiếu ra mắt. Địa điểm được đề xuất là khu vực Tượng đài Cảm tử cho Tố quốc quyết sinh (phố Đinh Tiên Hoàng, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm).
Mặc dù thừa nhận rằng tư duy của những người đưa ra ý tưởng này khá nhạy bén, song, không hiểu sao, tôi lại phân vân vì cảm nhận rằng, dự án này có điều gì đó mang màu sắc thực dụng, kinh doanh kiểu “chộp giật”. Vẫn biết đây là điều bình thường trong kinh doanh, thương trường, nhưng, đặt dự án này ngay cạnh Hồ Gươm, lại không hoàn toàn đơn giản, chỉ đơn thuần là những tính toán cộng trừ lợi nhuận. Theo tôi được biết, vừa qua, khu vực Hồ Hoàn Kiếm đã được Bộ VHTTDL công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, đã có khoanh vùng bảo vệ trong hồ sơ.
Như vậy, có thể nói, Hồ Hoàn Kiếm không còn là của riêng Quận Hoàn Kiếm, thậm chí không phải của riêng Hà Nội nữa, mà đã là "hồn cốt" của cả nước, mang tầm quốc gia đặc biệt. Muốn "động chạm" đến khu vực đó, muốn đưa bất cứ công trình gì vào đó cũng cần phải cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng, xin ý kiến rộng rãi của cơ quan chức năng, các chuyên gia và cả người dân nữa. Về kiến trúc, xây dựng, chỉ cần ngồi nhẩm tính, có thể thấy, hiện nay, quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm đã có nhiều khu du tích đặc biệt, điểm thăm quan và giải trí cho du khách trong cũng như ngoài nước. Trong khi đó, diện tích Hồ Gươm và các tuyến phố lân cận không hề lớn. Chỉ cần mang trên mình những công trình như hiện tại, người ta đã thấy nhiều lúc Hồ Gươm phải "oằn mình" rồi.
Hiện tượng chen lấn, đông đúc, ồn ào đã khiến Hồ Gươm và khu vực quanh đó nhiều lúc thực sự quá tải. Chính vì sự quá tải ấy đã phát sinh nhiều điều bất cập về dịch vụ công cộng như khu đỗ xe, điểm bán hàng, khu vệ sinh công cộng… Trong khi chính quyền thành phố Hà Nội còn đau đầu tìm phương án tháo gỡ cho sự quá tải ấy, theo tôi nghĩ, nếu đưa thêm một dự án chỉ để kinh doanh, quảng bá thuần túy, mang đậm màu sắc hiện đại ấy có lẽ là không cần thiết.
Nếu chỉ đề muốn quảng bá cho du lịch Hà Nội và quốc gia, tôi nghĩ, chúng ta có nhiều cách, đâu nhất thiết phải dựa vào mỗi cái cảnh phục dựng hậu kỳ của một bộ phim như vậy, dù có là phim bom tấn chăng nữa. Chúng ta có thể đưa dự án này về Long Biên, sang Đông Anh, hoặc xuống các khu vực có nhiều diện tích, không gian hơn như: Mỹ Đình, Hoài Đức…. Nhất là ở bên Đông Anh, khi chúng ta đang có cả vườn điện ảnh, nếu nay đưa thêm dự án mô phỏng hậu kỳ của bộ phim bom tấn này qua đó chẳng phải hợp lý hơn sao?
Tại sao chúng ta lại cứ phải khiên cưỡng với duy "gộp" trong du lịch, theo kiểu đến thăm Hồ Gươm thì tiện thể đi xem rối nước, sau đó tiện đường đi mua sắm, rồi quay ra chụp ảnh lưu niệm? Chỉ thuần túy như vậy, làm sao ta có thể giữ chân được du khách lưu trú dài ngày, để di chuyển và khám phá, khi chỉ cần vài tiếng, họ đã có thể vui chơi, giải trí được hết những điểm đặc sắc của Hà Thành?
Điểm mà tôi thấy bất hợp lý nhất của đề xuất này, đó là vấn đề quy hoạch và văn hóa. Chỉ cần nghe cái tên Hồ Gươm, Hồ Hoàn Kiếm, người ta đã nhận thấy đây là một công trình mang giá trị lịch sử không chỉ của Hà Nội mà của cả dân tộc. Khi gọi tên, ta đã cảm nhận được ở đó sự cổ kính, thâm nghiêm. Gắn với Hồ Gươm, là những công trình kiến trúc, văn hóa, di tích lịch sử có tính truyền thống, lâu đời. Vì vậy, nếu đưa một mô hình giải trí hiện đại vào, sẽ tạo ra một sự lôm côm, khập khiễng khó lòng chấp nhận.
Nhất là nếu nó lại được đặt tại khu vực tượng đài Cảm tử cho Tổ quốc Quyết sinh, theo tôi lại càng kệch cỡm. Ai cũng hiểu, tượng đài là một dạng công trình đặc biệt, cần phải có không gian, sự tĩnh lặng để người xem chiêm ngưỡng, suy ngẫm, cảm thụ. Bỗng dưng tự nhiên ở đó, lại mọc lên một dịch vụ giải trí hiện đại, ồn ào, sôi động, thử hỏi, có khác nào ta đang phá vỡ ý nghĩa của khu di tích vốn mang biểu tượng tinh thần quật khởi của người dân Thủ đô từ bao lâu nay?
Giờ là phim “Đảo Đầu lâu” đang "hot", nên người ta vội vàng đưa dự án đến đấy để "ăn theo", mục đích chính là thu lợi nhuận và quảng bá du lịch. Giả sử một thời gian sau, lại có những bộ phim hoặc các giá trị giải trí khác "hot" hơn, chúng ta có phá cái công trình này đi để thay thế bằng cái đang nóng ấy không? Lúc đó, khu vực Hồ Gươm liệu có khác gì nơi người ta tổ chức hội chợ, nay cho ki-ôt này thuê, mai đến lượt gian hàng khác?
Quảng bá du lịch, lồng ghép các hoạt động giải trí để tạo nguồn thu là ý tưởng hay, nhanh nhạy, rất cần được ủng hộ. Nhưng, không nên chỉ nhìn thấy những giá trị lợi ích kinh tế thuần túy, mà quên đi những giá trị khác. Ứng xử với những công trình văn hóa tầm vóc đặc biệt của quốc gia, cần phải có sự bàn bạc, trao đổi, nghiên cứu kỹ lưỡng, với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành. Cùng với du lịch, kinh tế, cần phải xét đến kiến trúc, môi trường, văn hóa. Không nên chỉ dùng mỗi cách đơn giản là xòe ngón tay ra để bấm đốt, tính toán những lợi nhuận?!?