Aa

Được nhà nước hỗ trợ vẫn lỗ liên tục hơn 2.000 tỷ, nhà máy Đạm Ninh Bình "kêu cứu"

Thứ Sáu, 16/09/2016 - 23:28

Hơn 3 năm từ khi bắt đầu hoạt động, nhà máy Đạm Ninh Bình lỗ lũy kế 2.692 tỷ đồng, 400 trong tổng số 1.000 cán bộ công nhân phải tạm nghỉ.

Nhà máy Đạm Ninh Bình do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam Vinachem làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 667 triệu USD, vốn tự có của Vinachem cho dự án là 100 triệu USD và vay vốn từ Trung Quốc 250 triệu USD.

Dự án khởi công xây dựng từ năm 2008 tại khu công nghiệp Khánh Phú, Ninh Bình và hoàn thiện đi vào hoạt động năm 2012 với quy mô công suất 560.000 tấn/năm.

Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình

Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình

Tuy nhiên, sau khi bắt đầu hoạt động không bao lâu, nhà máy này đã bị bắt quả tang dùng 5 vòi bơm nước thải ra sông Đáy, công suất mỗi vòi 1.000m3/giờ. Xét nghiệm mẫu nước cạnh nhà máy Đạm Ninh Bình và xung quanh KCN Phú Khánh cũng cho thấy có nhiều chất độc hại vượt giới hạn cho phép nhiều lần. Không chỉ thế, xung quanh nhà máy đạm Ninh Bình còn đầy bùn than nhơ nhớp, ngập nước...

Giải thích về vấn đề này ông Vũ Văn Nhẫn - Tổng Giám đốc nhà máy Đạm Ninh Bình cho rằng là do KCN bị trũng khi hạ xuống 1,8m nên bị nước mưa tràn vào.

"Sự cố này từ ngày xưa của nhà thầu, lúc đó chúng tôi không phụ trách, khi chạy máy mới xảy ra hiện tượng này. Hiện toàn bộ nước của nhà máy đạm được bơm sang nhà máy xử lý nước Thành Nam để xử lý. Có tháng chúng tôi phải trả 1,8 tỷ đồng. Khi kiểm tra tốt hệ thống nước thải rồi chúng tôi chỉ phải trả 600-700 triệu đồng/tháng”, ông Nhẫn trả lời trên báo Tiền Phong.

Bên cạnh đó, thông tin trên Vietnamnet, trong hơn 3 năm hoạt động nhà máy Đạm Ninh Bình liên tục lỗ. Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình - đơn vị vận hành nhà máy, năm 2013 công ty thua lỗ 906 tỷ đồng, năm 2014 lỗ 738 tỷ đồng, năm 2015 số lỗ là 592 tỷ đồng. Đến năm 2016, nhà máy này cũng không khá khẩm hơn khi nửa đầu năm đã lỗ tới 456 tỷ đồng. Tính đến nay, Đạm Ninh Bình đã lỗ lũy kế 2.692 tỷ đồng.

Trong 7 tháng đầu năm 2016, Đạm Ninh Bình đã phải thu hẹp sản xuất, chỉ chạy máy được 76 ngày, chiếm 36% tổng quỹ thời gian và duy trì ở phụ tải thấp, tồn kho cao và tiêu thụ khó khăn.

Cho rằng hoạt động thua lỗ là do hàng loạt những nguyên nhân khách quan như giá dầu thế giới giảm kéo theo giá phân bón giảm mạnh, trong khi chi phí sản xuất lại cao, máy móc thiết bị, dây chuyền thường xuyên xảy ra sự cố, việc mua vật tư thiết bị dự phòng cũng phải phụ thuộc vào nhà thầu Trung Quốc... nên Đạm Ninh Bình và Vinachem vẫn tiếp tục "cầu cứu" Chính phủ.

Cụ thể, Vinachem vừa có một loạt đề nghị lên Bộ Công thương để trình lên Chính phủ nhằm có giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của Đạm Ninh Bình.

Trong đó có đề nghị chuyển nợ vay tại Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) cho dự án nhà máy đạm Ninh Bình thành vốn đầu tư của Nhà nước tại tập đoàn, với số tiền là 2.708 tỷ đồng, dù trên thực tế Nhà nước đang có kế hoạch thoái vốn khỏi những lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ như Đạm Ninh Bình.

Nếu trong trường hợp không thể chuyển nợ thành vốn góp, Vinachem đề nghị cho phép không trả khoản nợ gốc tại VDB và không tính lãi phát sinh trong 5 năm để Đạm Ninh Bình ổn định lại sản xuất, giảm dần lỗ và tiến tới có lãi. Đồng thời giảm lãi suất đối với toàn bộ dư nợ gốc vay tại VDB cho Đạm Ninh Bình (371,74 tỷ đồng).

Trên thực tế, trong quá trình hoạt động hơn 3 năm, Đạm Ninh Bình đã được Chính phủ và các bộ, ngành có một số cơ chế, chính sách hỗ trợ như cho giãn khấu hao, điều chỉnh một phần lãi suất vay vốn đầu tư, giảm giá than… 

Trước câu hỏi Đạm Ninh Bình kêu cứu thì có cứu không, ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) trả lời trên Vietnamnet: "Nếu xảy ra thua lỗ phải tự tái cơ cấu lại, Nhà nước không cần bù lỗ, hỗ trợ nữa".

Theo ông Tiến, cổ đông nhà nước ở các doanh nghiệp mà quản lý không tốt thì phải chịu trách nhiệm, chia sẻ rủi ro. Nếu dự án không hiệu quả thì phải chấp nhận thoái vốn, bán cho người khác.
"Giờ Nhà nước không thể bỏ tiền cứu được", ông Tiến nhấn mạnh. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top