Trên tờ lịch ghi tiết lập xuân, mới ngày nào, mẹ nói cho con về quê để bà ngoại xem mặt. Quê ngoại, đầu đường làng, có cái điếm và quán nuớc bà Cong ngồi bán trà xanh và kẹo bột. Xế trưa bà con đi vơ cỏ ruộng tát nước gầu dai cho lúa, họ ào ào vào điếm nghỉ chân, trốn nắng.
Những đôi chân mà móng đỏ quạch không có thứ thuốc móng chân hiện đại nào địch nổi màu của đồng chiêm trũng quanh năm. Một con nghé con nghếch mặt bú mẹ, hai mẹ con con nghé nằm chềnh ềnh giữa đường làng, sợ ngã chị Năm vác xe đạp qua con trâu mẹ đang ngủ.Mẹ tôi hỏi sao chị không bảo nó đứng lên cho rộng lối. Chị Năm cười, thôi trâu mệt cũng như người mệt. Đêm qua nó kéo mía đến gần sáng, chưa ngủ thì con nó rít sữa có tha cho mẹ nó đâu.
Con trâu nhà chị Năm có hôm đi chở cả cây cảnh, toàn loại cây quý bên thôn Trên. Tôi bảo nàng trâu đi cẩn thận nhé, là nó đi cẩn thận, không thể tin được là con trâu hiểu biết như người. Hôm chở cô em dâu lên bệnh xá vì cao huyết áp, con trâu này biết tránh cả ổ gà đấy.
Còn cây rơm nhà chú Tổ chất ở chỗ gần rặng ruối, bà bảo con trâu chớ có vào ăn, nhà chú ấy nghèo lắm, nó biết không ăn rơm nhà chú Tổ. Riêng chuyện con Vện nhà ba Sớt thì như một bạn hiền nhà ấy. Bà Sớt thương con vện hơn thân mình. Chiều nào chả đi mót khoai, nó ngồi chầu ở đầu làng rồi thủng thẳng theo bà về nhà. Bà đi bóc lá chuối vườn dành dụm bán cho nhà làm bánh gai, kiếm được vài đồng bạc lẻ, cun cút tối về đếm đi đếm lại rồi sáng ra đi mua cho con Vện hai đồng bạc phổi lợn, rim với nuớc mắm cho Vện ăn cơm. Bà Sớt ăn cơm dưa. Con Vện ăn cơm cho khỏe, còn trông nhà cho bà chứ nhỉ.Bà Sớt một thân một mình, lấy tới hai đời chồng mà vẫn thui thủi một mình. Bà cao số nên không có con cái, bà nuôi con Vện, quý con gà con vịt. Thi thoảng bà Sớt đi chợ bán nắm rau khoai lang nhặt nhạnh ở vườn bán đi lấy vài chục bạc, ky cóp mừng đám cưới cho mấy đứa trẻ trong làng.
Người trong thôn thương bà nhận xong quà mừng lại dúi tay biếu bà thêm kẹo bánh gọi là chút thảo thơm của gia đình. Đường làng còn chứng kiến cảnh hoa xoan tim tím như chiếc khăn buông nhẹ xuống đường. Đám cưới nhà cô Hẹn với chú Thành gọi là cỗ ăn hai ngày chưa hết khách, ảnh cô dâu chụp đẹp như tiên sa, bà Sớt chưa hề thấy trong đời. Đúng là cả cuộc đời bà Sớt chưa ra khỏi làng.
Bà sinh ra mà không biết mặt mẹ cha, bà ở với dì, trồng lúa và mò cua bắt ốc nuôi ngan nuôi vịt bán cho chị hàng xáo ở chợ huyện. Rồi người hai lần đò chấp nhận cả việc nuôi con chồng cũng không xong. Rốt cuộc bà sống lủi thủi sáu mươi mùa xuân hiu hắt. Mới đây hội phụ nữ giúp đỡ, bà quy ở chùa Phúc Lâm rồi chăm lo quét chùa hương khói cho đại đức Giác Tại. Đường làng là đường đất đang trải đá và bê tông nền, có hôm bà vào bếp thổi cơm cho thợ xây. Bếp chùa Phúc Lâm cũng làm cơm từ thiện cho thợ khi đến đoạn đường dài phải đổ hàng trăm mét khối bê tông. Thế là bà Sớt bận bịu không buồn. Mấy đứa cháu trong thôn, có đứa có con sớm nhờ bà bế ẵm để băm bèo thổi cơm, bà Sớt lại trông cho như con cháu nhà mình vậy. Cả con đường làng này bà Sớt thuộc làu làu chỗ điếm canh, cây đa đầu làng đến từng nhà có cây rơm lùn, nhà cậu Lậy thì chất cây rơm cao, nhà nào cũng thích chất cây rơm theo cách nhà đó. Đến cây rơm bà Sớt còn thuộc tên nhà, thì nói gì đường làng chỗ mới dựng cây cột điện sáng hơn sao, nhưng ở xã ít bật đèn lắm. Trăng sao là bạn nhà nông. Bà mơ tưởng đến ông Tình yêu bà, hôn bà ở chỗ cây duối gai và giậu mùng tơi mọc ven nhà bà.
Ông Tình dắt tay bà vào đêm khuya khoắt, nói với bà những lời có cánh như “Sớt của anh, anh đi làm kính có nhớ anh không”. Ông Tình yêu bà lắm mà ông chết vì nghề lắp kính cũng vào dịp áp tết năm 2 ngàn lẻ 1.
Bà Sớt thấy mình được ông Tình yêu thế cũng là mãn nguyện. Con đường làng chứng kiến bao lần ông khoác vai bà dưới trăng, hẹn sẽ đưa bà lên Hà Nội một lần, đưa bà đến cầu Thê Húc, cho bà xem nhà gương để bà cười thỏa thích. Ông còn hứa sẽ đưa bà đi ăn ở một nhà hàng trong phố Tống Duy Tân, ăn gà hầm thuốc bắc, hay ăn vịt quay bắc kinh. Thế mà bà mừng hụt. Ông hẹn cái tết đó cho bà đi Hà Nội, Có đường làng chứng kiến với đêm trăng cuối tháng như treo trên đầu một cái liềm trăng. Thế mà ông ấy bỏ đi vì ngã từ trên tầng 2 một công trình thi công trên phố huyện. Phải mất 5 cái tết u sầu, bi thương, bà mới gắng dậy đi làm cỏ đồng. Bà tham gia vào phong trào phụ nữ xã, vận động kế hoạch hóa gia đình.
Một thế hệ trẻ ở làng cứ bỏ làng lên thành phố làm nhôm kính. Làng quê đồng chiêm trũng quanh năm lại không có nghề phụ, thêu ren đan lát, nên những ngày nông nhàn, trai trẻ đi làm phụ hồ với đội quân Thái Bình. Phụ nữ và người già lại càng quấn quýt bên đường làng đường ngõ. Nhà Hiền Triết mới sắm cả cái ti vi màn hình to như cái màn hình xinê ở xã năm ngoái, thế là cả xóm ra đường làng ngóng xem, cả xóm xem khai trương ti vi trên màn hình rộng. Bọn trẻ tràn ra đường làng kể chuyện phim Hàn Quốc trai gái hôn nhau rất là hay khóc. Đàn ông khóc nhiều mà vẫn làm được ối việc lớn, lạ nhỉ. Kể cũng lạ, đàn ông hay khóc thì có làm chủ được gia đình như ở nước ta không? Những câu hỏi trải trên đường làng như là nơi hội trường, mà hội trường thì hay xảy ra những cuộc họp, nào vấn đề trồng lúa ngắn ngày, trồng khoai trái vụ, giồng khoai lang Nhật Bản rất tím rất ngọt nhưng khi ăn vị ngọt không đậm không bùi như khoai lang nổi tiếng ở chân núi chùa Đồ Sơn, Hải Phòng. Khoai ở làng ta cũng ngọt bùi như khoai núi chùa Đồ Sơn. Lại nói đến hạt lúa thì cơm Việt cũng nổi tiếng lắm.
Cái món cơm Nhật bản cứ tiếp thị như cồn, nhưng anh thợ xây Văn Long bảo cơm Nhật ăn cũng ngon nhưng không hợp khẩu vị, vì ta ăn quen bằng cơm gạo mới của ta, dù cơm Nhật trình bầy rất đẹp mắt. Nhưng ăn đúng với cái vị quen thuộc của người dân xóm chùa Phúc Lâm thì hạt lúa phơi trong sân hay phơi ở đường làng cũng là ngon nhất.
Không gì bằng gạo quê nhà, con ngan, con gà trái cau buồng chuối, cây mít, cây vải, theo bà Sớt dân làng chùa Phúc Lâm yêu quê và yêu cái đường làng hàng trăm năm nay trên đất phèn chua quanh năm nước lợ. Mãi đến nay đường làng mới đang rải bê tông cho khách du lịch về thăm chùa cổ. Đường làng là gương mặt của thôn chùa Phúc Lâm.Về quê ngoại, thôn nghèo Ô Lữ, đường làng xã Đồng Du sạch như công viên. Đứng trên sự nghèo khó là những mảnh vườn đầy cây cảnh và ao bèo xanh biếc. Một vùng quê chưa bị bê tông hóa, vẫn còn cây rơm đống rạ, vẫn còn đây đường làng và tiếng gọi gà chích chích bập bập trong xóm. Chiều muộn, lục tục đàn trâu về ngõ và lùa ngan vịt dưới ao lên chuồng.
Đường làng từ đầu chùa Phúc Lâm vào thôn Ô Lữ, đi xe máy bạn vẫn phải đuổi trâu lùa nghé mới có lối đi, cây rơm xiêu vẹo và hoa xoan mùa xuân chào bạn, còn hoa bèo dưới ao nở tím, nở chậm dưới chân. Quê nhà, mỗi khi nhớ lại nhớ cái ngọn khói cây rơm, đường thôn hoa tím, chẳng có hu gờ, mà chỉ có một bảo tàng trong lòng ta một nỗi nhớ thập thững, khi chân trần vừa chạm nền đường đất cũ, lòng diệu vợi hạnh phúc, ta là người nhà quê.