Có thể nói với người dân Việt, lễ hội Đền Hùng, còn gọi là Giỗ Tổ Hùng Vương, là lễ hội lớn nhằm tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao lập nước của các vua Hùng - những vị vua đầu tiên của dân tộc:
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba
Khắp nơi truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”.
Câu ca dao đậm đà đã đi vào lòng người dân Việt Nam từ thế hệ này qua thế hệ khác. Hàng ngàn năm nay, Đền Hùng - nơi cội nguồn của dân tộc, của đất nước luôn là biểu tượng tôn kính, linh nghiêm quy tụ và gắn bó với dân tộc Việt Nam. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong trường ca “Mặt đường khát vọng” chương “Đất nước” đã viết:
“Hàng năm đi đâu, làm đâu
Cũng biết cúi đầu nhớ ngày Giỗ Tổ”.
Mạch thơ hướng vọng về tổ tiên luôn được các nhà thơ mở ra nhiều chiều liên tưởng, từ trầm tích lịch sử quá khứ luôn là bệ phóng cho tương lai. Nhà thơ Hữu Thỉnh thật có lý khi ông viết lời tựa cho tập “Thơ Đền Hùng” bằng những lời cô đọng và xúc động: “Về Đền Hùng là hành hương cùng lịch sử và hành hương cùng với thơ ấy dù hàm súc, đường bệ hay nồng nàn phóng khoáng thì nền tảng vẫn là cảm hứng lịch sử, hồn cốt của tôn vinh quá khứ - Thăng hoa là ở đó và đồng điệu cũng chính là từ đó”.
Trong tâm thức người Việt, hai tiếng “đồng bào” cùng chung bọc trứng của mẹ Âu Cơ như là cội nguồn dân tộc mà trong khi đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945, Bác Hồ đã dừng lại và hỏi thật thân thiết: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”.
Cây có gốc, nước có nguồn, chim có tổ, người tìm tông. Đền Hùng chính là biểu tượng linh nghiêm quy tụ và gắn bó dân tộc Việt Nam. Hình ảnh chiếc bánh chưng và câu chuyện về chàng Lang Liêu đã in đậm trong ký ức dân tộc. Đền Hùng được đặt trên núi Nghĩa Lĩnh hay còn gọi là núi Hùng, núi Hy Cương. Nơi đây tương truyền các vua Hùng cùng các Lạc Hầu, Lạc Tướng tiến hành các nghi lễ tôn giáo tín ngưỡng phồn thực nông nghiệp của người Việt cổ, hình thành sơ khai nền nông nghiệp lúa nước, cầu cho mưa nắng thuận hòa, muôn dân ấm no hạnh phúc.
Hình ảnh nhà vua cùng đi cày, dạy dân cày ruộng là một tập quán cử chỉ đẹp. Một sự hòa đồng thân thiết xóa đi bao khoảng cách thứ bậc. Và cây lúa, sản phẩm chính nông nghiệp, nguyên liệu chính để làm nên cái bánh chưng tượng trưng cho trời tròn đất vuông được tôn vinh, được thờ phụng. Đó cũng chính là bản sắc Việt: Sống theo lẽ tự nhiên, hợp với tự nhiên, hòa đồng với tự nhiên. Đến Đền Hùng, ta được tắm trong màu xanh của cây cối cổ sơ.
Tôi đã gặp ở đây cây vạn tuế có tuổi đời hơn 800 năm. Dáng cây mọc nghiêng và cong hình chữ S tượng trưng cho bản đồ Việt Nam, 3 nhánh của cây tượng trưng cho 3 miền Bắc, Trung, Nam của đất nước có chung một gốc cội nguồn là Đất tổ vua Hùng. Có những tán cổ thụ cao vút, những cây chò, cây vạn tuế hàng trăm tuổi. “Nước thời gian rửa mặt trống đồng” - đã có nhà thơ từng thốt lên khi chiêm nghiệm những nét hoa văn trên mặt trống.
Hình ảnh những đoàn thuyền vượt sóng giữa đại dương, những trai làng đóng khố ngực căng cuồn cuộn. Và cả những sinh hoạt dân gian thật hồn nhiên mà đắm đuối, thật giản dị mà sâu xa, thật đơn sơ mà bao ước vọng, được chạm, được khắc bằng bàn tay nghệ nhân tài hoa và trí tưởng tượng phong phú thiên về cảm tính. Ở đây ta còn gặp cả đình Giếng thờ vành giếng tròn đầy đặn như vầng trăng rằm gắn với sự tích của hai nàng công chúa. Lại còn có cả dấu tích giếng mắt rồng nơi mẹ Âu Cơ ấp trứng phía sau đền. Nước giếng trong vắt - trong vắt chảy ra từ nguồn cội cho người đời soi thấy mình trong quá khứ, soi gặp mình trong hiện tại và soi được mình trong tương lai…
Hành hương về Đền Hùng là về với những địa danh, địa chỉ tin cậy và ấm áp. Đó là một xóm núi “Thậm thình” với sự tích vua tôi cùng cày ruộng, giã gạo trong bài thơ “Qua Thậm thình” của nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi:
“Trăm cô gái tựa tiên sa
Múa chày đôi với chày ba rập rình
Đêm đêm tiếng thậm, tiếng thình
Cối gạo đầy cả nghĩa tình nước non”.
Một sức sống phồn thực dân dã, tràn đầy biết bao khi những cặp lục bát tương ứng nhịp nhảy mở ra đồng điệu và cộng hưởng rộn ràng náo nức. Trong âm vang của tiếng chày giã gạo, ta như được sống lại, được vun đầy bao vẻ đẹp thôn quê Việt của nền văn minh lúa nước. Đây cũng chính là một trong những mạch nguồn sức sống tiềm tàng của cộng đồng dân tộc mà truyền thuyết bánh chưng, bánh giày, trời tròn, đất vuông là một ẩn số của vũ trụ thắm đượm bao hồn thiêng tụ khí dành tặng cho đất Việt thân yêu và Đền Hùng là cột mốc tâm linh biểu trưng cho vẻ đẹp ngàn đời bất diệt này.
Cách đây 68 năm, trên đường về Thủ đô Hà Nội, khi dừng chân ở Đền Hùng, Bác Hồ - vị lãnh tụ kính yêu đã căn dặn Đại đoàn Quân Tiên Phong: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Hình ảnh Bác thật giản dị như một người lính ngồi trên bậc cửa Đền Hùng giữa những người lính áo trấn thủ, mũ nan, khoác chéo những bao gạo, tì tay lên mũi súng. Hình ảnh đó thật tuyệt đẹp mang một biểu tượng ấm áp, tin cậy, có một điểm tựa chắc chắn đó là sức mạnh cội nguồn, là truyền thống của mấy nghìn năm lịch sử. Lời dặn dò của Bác Hồ gần 70 năm về trước đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Dựng nước đã khó, giữ trọn vẹn đất nước lại càng khó hơn nhiều. Giữ nước không chỉ chống giặc ngoại xâm, giặc thiên tai mà còn phải giữ được cả bản sắc văn hóa nòi giống dân tộc.
Hằng năm, đến ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, con cháu muôn phương về đây leo từng bậc thang dâng lên nén hương thơm, những phẩm vật địa phương hòa mình trong dòng người, trong không gian linh thiêng núi sông tụ khí ở vùng đất Tổ. Hình ảnh tàu lá cọ của miền đất trung du gợi cho ta ngọn lửa màu xanh bất diệt. Bao người con đi xa ra ngoài biên giới vẫn giữ nguyên phong tục đẹp của người Việt, vẫn nhận ra nhau qua tiếng chào mời, vẫn vuông tròn đầy đặn tấm bánh chưng xanh muôn thuở.
Và tôi đã viết:
“Con thuyền Tổ quốc tôi băng mình qua bão tố
Từ hoa văn cuộn sóng trống đồng”.
Tiếng trống lịch sử vẫn còn ngân vọng thiết tha trong mỗi huyết mạch chúng ta. Tiếng trống là thanh âm kỳ diệu nhất trong những thanh âm dân ca dân tộc bởi được hội tụ linh khí và khát vọng bắt đầu từ một dòng chảy tiềm ẩn năng lượng, khởi thủy từ cội nguồn đất Tổ Hùng Vương…/.