Đang nằm buồn thiu, ngáp vặt đợi đến giờ cơm chiều, một khuôn mặt choắt cheo, gày gò đen nhẻm ngó qua ô cửa ngoắc ngoắc: “Ê mậy, tối nay có kèo hay đó. Đi không mậy?”.
Tôi uể oải, còn gì hay ở cái thời thổ tả này chứ!
“Dậy đi, ăn cỗ đó”.
Nghe đến ăn cỗ, các giác quan của thằng sinh viên thất nghiệp tuổi trâu bỗng đồng loạt trỗi dậy. Cỗ nào? Ở đâu?
“Thì cứ đi đã”.
Lúc này tôi mới nhìn toàn cảnh cái thân hình cò hương của Ngọ. Ối giời, cái áo trắng cổ cồn cháo lòng sơ-vin trong cái quần bò cứng quèo không rõ màu gì như càng tôn lên thân hình ốm đói trơ xương của người mặc.
Tôi đủng đỉnh thay đồ rồi leo lên con Wave tàu của Ngọ.
Nhưng mà, gì đây, Ngọ phanh két trước một nhà hàng sáng choang, lộng lẫy, dập dìu bóng tài tử giai nhân áo quần là lượt nói cười đi lại.
“Đám cưới?”.
“Phải, tao rủ mày đi ăn cỗ cưới”.
Tôi nhìn lại bộ dạng hai thằng sinh viên ốm đói, ê ẩm quá. Chặc lưỡi, ai biết mình là ai chứ.
Vào bàn, sốt ruột chờ cho xong mấy cái thủ tục rườm rà mà tôi cho là hết sức vô bổ, thậm chí, tôi còn không thèm đọc tên cô dâu, chú rể trên background, chăm chăm đợi đến lúc được tấn công mấy cái đĩa thơm phưng phức trước mặt.
Rồi thì cũng đến lúc nâng ly. Ly cốc chén bát leng keng lanh canh vui tai quá. Đang "chém gió", bỗng cô dâu chú rể di chuyển tới bàn tôi chúc rượu. Tôi hể hả đứng lên định ba hoa vài câu chúc mừng. Trời! Tôi há hốc mồm, sững sờ, miếng ăn vừa nuốt nghẹn ngay cuống họng. Cô dâu… cô dâu...?!? Tôi lắp bắp: “Chúc... chúc… chúc mừng!”. Mặt tôi chắc là tái ngắt hay sao đó. Ngọ quan tâm: “Mày sao vậy? Uống tý đã ngất rồi à?”. Ôi, nhưng không! Quả đất tròn quá và... bé quá.
Ngày đó, vừa tốt nghiệp phổ thông, trên chuyến xe từ quê ra Hà Nội, ngồi cạnh tôi là một cô bé cũng tầm tuổi tôi, người nhỏ thó đen nhẻm, mái tóc xơ xác đỏ quạch, ôm cái túi vải nhìn qua đã ra cái vẻ quê kệch ngơ ngác. Ngoài ô cửa xe, bà mẹ cũng bé nhỏ gày gò dướn người lên, dặn con thế này thế kia, kẻo mất, kẻo rơi…
Chiếc xe lắc lư, êm ái. Hành khách lúc đầu còn râm ran, xong im ắng dần rồi bắt đầu gà gật. Tôi, không hiểu sao, không thể ngủ nổi, tâm trạng vô cùng chộn rộn, lo âu cho chặng đường sắp tới. Bỗng tôi nhìn thấy một bàn tay đen nhẻm, gân guốc thò vào gầm ghế nơi hai chúng tôi ngồi. Nhìn theo chiều với của bàn tay, tôi thấy một cuộn tiền toàn đồng lẻ trên sàn xe. Chớp mắt, tôi hiểu sự tình, nhoài người túm lấy bàn tay dưới gầm ghế. Cử động nhanh và hơi đường đột của tôi khiến cô bé ngồi cạnh choàng tỉnh. Cô hốt hoảng, nắn nắn túi chiếc áo chần bông cũ kỹ, mặt liền tái mét. Bàn tay đen giật mạnh ra khỏi tay tôi, còn tôi nhặt cuộn tiền đưa cho cô. Cô bàng hoàng chuyển từ hoảng hốt cực độ sang mừng vui khôn tả. Nhìn tôi, ánh mắt cô tràn trề biết ơn, giây phút đó, tôi ngỡ nó như ánh mắt của con chiên đang nhìn đức Chúa.
Thế rồi, chúng tôi lại lên cùng chuyến bus đi về khu trường học. Hóa ra trường đại học của tôi và trường trung cấp điều dưỡng của cô ngay gần nhau, cùng ở ven đô, nơi tập trung rất nhiều trường đại học, dạy nghề.
Sự tình cờ của ngày đầu tiên rời quê hương ra Thủ đô học tập khiến chúng tôi nhanh chóng hình thành tình bạn. Nhờ có cô, tôi cũng đỡ cảm thấy bơ vơ, lạc lõng trong những ngày đầu nhập trường. Chúng tôi chia sẻ với nhau những kinh nghiệm ít ỏi, những khó khăn, bỡ ngỡ…
Là con gái, lại tiết kiệm căn cơ, cô nhiều lần đỡ đần tôi những lúc thiếu trước hụt sau. Thỉnh thoảng, hết tiền ăn tôi lại ghé qua cô ăn trực. Việc đó xảy ra càng ngày càng thường xuyên hơn.
Cô thì khỏi nói, ngay từ ngày đầu, đã luôn nhìn tôi bằng ánh mắt ngưỡng mộ. Thấy tôi học giỏi, thi được vào trường top, cô càng nể hơn. Việc thỉnh thoảng cho tôi ăn trực, vay tiền, cô coi như là một vinh hạnh chứ không thấy phiền hà gì.
Cuối năm nhất, tôi bị sốt xuất huyết, sợ bố mẹ lo lắng, tôi giấu không báo. Tôi được Hạ chăm sóc và nằm bẹp ở căn phòng trọ của cô hai tuần. Sau lần đó thì chúng tôi đã thành một cặp. Khỏi nói Hạ vui như nào, ríu rít như con chim sẻ. Cô thổ lộ đã yêu tôi ngay từ những ngày đầu.
Công bằng mà nói, chúng tôi đã có những tháng ngày vui vẻ hạnh phúc. Gần Hạ, tôi thấy cô đặc biệt thích chăm sóc người khác. Tôi thầm nghĩ, cô chọn nghề điều dưỡng hay nghề chọn cô?
Năm thứ hai, Hạ đi thực tập nhiều hơn. Nhiều lần cô rủ tôi cùng đến Trung tâm Bảo trợ xã hội, nơi cô thực tập.
Nằm cách Hà Nội chừng 40km, Trung tâm Bảo trợ xã hội nằm trong một khuôn viên rộng rãi và biệt lập, xung quanh là những vạt rừng cây cối ngát xanh. Qua cánh cổng lớn và khoảng sân rộng là nhiều dãy nhà một tầng được chia thành từng khu, khu cho người già và khu cho trẻ em. Ở khu dành cho người già, thường có 4 cụ ở trong một phòng. Nhiều cụ đã già lắm, lẫn cẫn, không tự chăm sóc được bản thân thì các điều dưỡng viên sẽ hỗ trợ, mang cơm đến tận giường, giúp các cụ vệ sinh, tắm rửa. Còn lại đa phần các cụ cũng tự làm được những việc cá nhân. Hàng tuần, bác sỹ của trung tâm sẽ thăm khám sức khoẻ cho các cụ. Trong khu có nhà sinh hoạt văn hoá, nơi các cụ có thể xem ti vi, sinh hoạt tập thể cộng đồng.
Ở khu trẻ em, các em nhỏ mồ côi thường sống trong từng nhà do 2 - 3 mẹ (là các cô nuôi trẻ) chăm nuôi. Ngoài giờ ăn ngủ, các em lớn hơn cũng có những giờ học văn hóa do giáo viên trong trung tâm hoặc mời ở các trường ngoài đến dạy. Các em tuổi sơ sinh hoặc khuyết tật thì ở những phòng riêng, có cô nuôi túc trực để chăm sóc.
Trung tâm thường xuyên có những đoàn từ thiện, đoàn khách tham quan tới. Có đoàn qua tận phòng thăm, chia bánh kẹo, quần áo, hoa quả, thuốc men cho từng người, có đoàn trao quà cho trung tâm để trung tâm phân phối.
Những lần đi trung tâm cùng Hạ, tôi thường ngạc nhiên và xúc động vì sự quan tâm ân cần, tỉ mỉ của Hạ dành cho các cụ già và em nhỏ. Tuy nhiên, chứng kiến cuộc sống buồn tẻ, tĩnh lặng trong trung tâm, cùng nỗi vất vả mà các cô phải đối mặt, tôi thầm suy tính liệu đây có nên là nơi Hạ sẽ cống hiến cả đời mình hay không?
Năm thứ hai trôi qua, Hạ ra trường, đúng như dự định cô xin về làm việc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội, nơi cô thường lui tới. Tôi trong lòng không muốn, nhưng cảm thấy khó để diễn tả suy nghĩ mà tôi thấy có phần ích kỷ của mình. Rồi tôi cũng nghĩ ra cách để ngăn cản Hạ, rằng là chúng tôi nên về quê, rồi công việc không phù hợp sức khỏe của Hạ. Vân vân và mây mây… Nói tóm lại là tôi không đồng tình. Tuy buồn và lo tôi giận nhưng Hạ vẫn nhất quyết làm theo ý mình.
Ở khu trẻ em, các em nhỏ mồ côi thường sống trong từng nhà do 2 - 3 mẹ (là các cô nuôi trẻ) chăm nuôi. (Ảnh minh họa: Internet)
Từ đây là những chuỗi ngày vất vả đi sớm về muộn của Hạ. Cô gầy đi trông thấy, nhưng ở cô toát ra một vẻ gì rất đặc biệt, có vẻ như cô đã tìm đúng nơi thuộc về mình. Nhưng, Hạ càng miệt mài vì công việc, tôi càng cảm thấy khoảng cách giữa chúng tôi lớn dần.
Đúng lúc này Tú Vi xuất hiện. Tú Vi cùng lớp với tôi, con nhà khá giả, cô sành sỏi, biết trang điểm, ăn diện. Do mải làm người mẫu lookbook cho mấy tiệm thời trang, nên cô học hành chểnh mảng. Sắp đến giai đoạn làm luận văn tốt nghiệp mà cô nợ môn đầm đìa. Vi lân la mượn tài liệu rồi nhờ tôi kèm cặp bài vở. Tôi vốn cũng thuộc loại anh hùng nghĩa hiệp, cứu giúp mỹ nhân. Được sự hỗ trợ của tôi, Vi cũng thi qua và chúng tôi bước vào làm luận văn. Tôi không cưỡng lại được sự quyến rũ của Vi. Chúng tôi đã mấy lần đi chơi, xem phim, ăn uống. Tôi đương nhiên giấu Hạ. Cô không hề tỏ ra nghi ngờ hay chất vấn sự vắng mặt thường xuyên của tôi. Cho đến một hôm, trong lúc giặt đồ cho tôi, Hạ thấy rơi ra hai chiếc cuống vé xem phim. Vẻ buồn bã của cô làm tôi có chút ân hận, nhưng cuộc dan díu của tôi và Vi đang hồi mặn nồng. Tôi thầm nghĩ Tú Vi mới phù hợp với mình, cô thức thời, hiện đại và có tương lai.
Không nói gì, Hạ lặng lẽ ở lại Trung tâm một tuần. Trong thời gian này, tôi dọn ra khỏi nhà trọ, tìm chỗ ở khác. Tôi thậm chí còn không nhắn tin cho Hạ. Cô cũng không có bất cứ một lời trách móc, vặn vẹo nào.
Thấy Hạ như vậy, tôi được thể cứ để cho mọi việc trôi đi và tập trung cho việc chuẩn bị kỳ tốt nghiệp.
Mối tình của tôi và Vi cũng mau chóng kết thúc. Là do tôi phát hiện cô ỡm ờ với thầy giáo hướng dẫn đồ án tốt nghiệp. Bắt gặp họ đi chơi với nhau, tôi liền chấm dứt mối quan hệ này.
Xấu hổ, tôi không dám liên lạc, nhắn tin hay tìm hiểu gì về Hạ. Tôi nghĩ chắc cô hận tôi lắm. Tốt nghiệp xong bố mẹ gọi về xin việc ở quê nhưng tôi không chịu, tá túc chỗ mấy anh lớp trên để tìm việc làm ở Hà Nội.
Và hôm nay tôi đã gặp lại em trong bộ váy cô dâu với gương mặt vô cùng dịu dàng, hạnh phúc.
Thì ra, sau khi bị tôi phụ bạc, Hạ đau khổ, vùi đầu vào công việc để quên đi nỗi buồn. Chính trong những ngày đó, cô gặp Remy, vị hôn phu của cô. Remy là người Đức, sang Việt Nam làm thiện nguyện đồng thời nghiên cứu về các bệnh nhiệt đới, anh ở hẳn trung tâm để có điều kiện thực hiện mong ước giúp đỡ những em nhỏ mồ côi. Remy kinh ngạc về sức làm việc, sự tận tâm, lòng nhân hậu của Hạ. Tình bạn, rồi tình yêu nảy nở giữa họ. Đám cưới như một cái kết có hậu cho chuyện tình cổ tích của cô bé lọ lem.
Trở về trên con đường phố khuya, nơi góc đường Thợ Nhuộm, cây bằng lăng năm xưa, em vẫn gọi tên cây lá đỏ của mình, đang trổ lộc. Tôi chợt nhận ra tháng Tư đã về, và tôi cũng đã nhận ra con đường mình sẽ đi, để không hổ thẹn với lòng mình, và với em, cô bé lọ lem…/.