Aa

Dứt khoát bãi bỏ điều kiện kinh doanh không có trong văn bản, rà soát dự án vướng mắc thể chế

Thứ Hai, 04/11/2024 - 15:31

Những khó khăn của doanh nghiệp liên quan đến vướng mắc về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh hay dự án đầu tư gặp khó khăn đã được các ĐBQH đề cập đến tại Phiên thảo luận của Quốc hội về Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, ngày 4/11.

Doanh nghiệp khổ vì điều kiện kinh doanh quá khắt khe, đề nghị dứt khoát bãi bỏ

Tại phiên thảo luận, đại biểu Phạm Hùng Thắng (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam) cho biết, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, thời gian qua tỷ lệ giải ngân đầu tư công còn chậm; tăng trưởng tín dụng hỗ trợ giảm lãi suất cho vay chưa đạt mục tiêu đề ra; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn lớn. Đồng thời, tuy tốc độ tăng trưởng, năng suất lao động đã đạt, vượt kế hoạch đề ra, nhưng vẫn còn ở mức thấp.

Dứt khoát bãi bỏ điều kiện kinh doanh không có trong văn bản, rà soát dự án vướng mắc thể chế- Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Hùng Thắng đề nghị cho phép địa phương được điều chuyển nguồn vốn của dự án chậm, kém hiệu quả sang các dự án trọng điểm khác. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Trong bối cảnh những tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025 là thời gian tập trung hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong doanh nghiệp. Nhất là thủ tục hành chính, lãi suất cho vay, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phục hồi, phát triển.

Cùng với đó, là tăng cường công tác quản lý, tập trung thực hiện các giải pháp để xử lý khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, ưu tiên bố trí nguồn lực cho đầu tư hạ tầng kết nối, các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Đối với dự án chậm, kém hiệu quả, đề xuất nghiên cứu cơ chế cho phép địa phương được điều chuyển nguồn vốn sang các dự án trọng điểm khác, để phát huy nguồn lực đầu tư.

Ông Phạm Hùng Thắng cũng đề nghị Chính phủ sớm ban hành đề án hỗ trợ cải tạo nhà ở đối với người có công với cách mạng; đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, người có thu nhập thấp theo đúng ý nghĩa, mục tiêu đề ra.

"Người dân đang rất kỳ vọng, mong chờ hiệu quả, thay đổi từ những dự án luật, chính sách mới mà Quốc hội, Chính phủ đã và đang sửa đổi", ông Thắng nói.

Đại biểu Lã Thanh Tân (Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng) cũng đề cập đến việc nhiều doanh nghiệp, doanh nhân vẫn phản ánh về những rủi ro, khó khăn khi bắt đầu khởi nghiệp do các điều kiện kinh doanh quá khắt khe, không phù hợp. Cũng như nhiều sản phẩm, dịch vụ được áp dụng điều kiện kinh doanh "có thể là biện pháp quản lý quá mức cần thiết".

Vì vậy, ông Lã Thanh Tân gợi ý, Nhà nước nên sử dụng các biện pháp khác như ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp hoặc quy định các yêu cầu đối với sản phẩm, hàng hóa trước khi lưu thông vào thị trường; thay vì đặt ra các điều kiện kinh doanh.

Đồng thời, Chính phủ cần tiếp tục rà soát, phân loại và có biện pháp xử lý, tháo gỡ các rào cản về điều kiện kinh doanh. Đặc biệt, cần dứt khoát bãi bỏ những điều kiện kinh doanh không được ban hành trong các văn bản luật, nghị quyết của Quốc hội. Qua đó, tạo động lực khích lệ doanh nghiệp, doanh nhân lao động, sáng tạo hay khởi nghiệp.

Dứt khoát bãi bỏ điều kiện kinh doanh không có trong văn bản, rà soát dự án vướng mắc thể chế- Ảnh 2.

Đại biểu Lã Thanh Tân: Cần dứt khoát bãi bỏ những điều kiện kinh doanh không được ban hành trong các văn bản luật, nghị quyết của Quốc hội. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Đề xuất ban hành các cơ chế đặc thù, thí điểm đối với một số dự án, địa phương cụ thể

Phát biểu thảo luận, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định) đồng tình với báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kinh tế - xã hội năm 2024 và dự kiến năm 2025. Qua đó, cho thấy công tác chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã bám sát thực tiễn, điều hành quyết liệt, linh hoạt, có định hướng giải quyết rõ ràng. Việc chỉ rõ trách nhiệm từng cơ quan, tổ chức, cá nhân đã giúp cho công tác điều hành phát huy hiệu quả. Nổi bật là việc phát triển kết cấu hạ tầng có đột phá rõ rệt.

Dứt khoát bãi bỏ điều kiện kinh doanh không có trong văn bản, rà soát dự án vướng mắc thể chế- Ảnh 3.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa đề cập đến vấn đề lãng phí nguồn lực. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Đơn cử, tổng chiều dài đường bộ cao tốc của cả nước đến nay đã đạt hơn 2.000km. Cảng hàng không quốc tế Long Thành rút ngắn thời gian hoàn thành. Chính phủ cũng sắp trình Quốc hội chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Công tác chuyển đổi số, nổi bật là Đề án 06 đã giúp giảm các thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp, hạn chế tiêu cực, nhũng nhiễu...

Tuy nhiên, bà Mai Thị Phương Hoa cũng đề cập đến thực trạng làm dự án theo tư duy nhiệm kỳ, chạy theo thành tích của một số cán bộ địa phương. Với mong muốn thực hiện những dự án trong nhiệm kỳ để chứng tỏ năng lực, sự năng động nhưng do tính toán chủ quan, sự không tuân thủ đầy đủ các quy trình phụ thuộc nên một số dự án mới đem lại hiệu quả không mong muốn.

Đại biểu nhấn mạnh, bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí đã đánh giá đúng thực trạng, chỉ ra nguyên nhân và đưa ra nhiều giải pháp. Đây là một thông điệp mạnh mẽ, sâu sắc, khuyến khích mọi người dân, đặc biệt là cán bộ trong bộ máy công quyền cần xem xét lại cách thức sử dụng và quản lý các nguồn lực trong xã hội. Bài viết đã đánh giá, lãng phí còn diễn ra khá phổ biến dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển. Dự án kém hiệu quả, chậm tiến độ, hay dự án "treo" là một trong những minh chứng.

Trong khi đó, dù đã có chế tài xử lý lãng phí, nhưng tính răn đe chưa cao nên chưa có hiệu quả. Một bộ phận cán bộ có tâm lý coi nhẹ việc chống lãng phí ngay trong hoạt động quản lý. Lâu nay họ chỉ coi lãng phí là hành vi cần khắc phục nhưng chưa đến mức nghiêm trọng, chưa coi lãng phí là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Có một số cán bộ còn quan niệm lãng phí chỉ là việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước không hiệu quả nhưng trên thực tế có lãng phí về cơ hội và thời gian.

Đề cập cụ thể đến thực trạng công trình, dự án chậm đưa vào sử dụng, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận) cho hay, hiện còn nhiều dự án điện gió, điện mặt trời đã đầu tư xây dựng nhưng chưa đưa vào vận hành. Cũng như nhiều dự án nhà ở bỏ dở, công trình xây dựng kéo dài nhiều năm nhưng chưa hoàn thành, rất lãng phí nguồn lực. Đây là thách thức lớn cần được Quốc hội, Chính phủ quan tâm và có giải pháp xử lý hiệu quả.

Dứt khoát bãi bỏ điều kiện kinh doanh không có trong văn bản, rà soát dự án vướng mắc thể chế- Ảnh 4.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị rà soát, đánh giá những dự án, công trình có vướng mắc về mặt thể chế. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Theo ông Nguyễn Hữu Thông, ngay trong Kỳ họp lần này, Chính phủ trình rất nhiều nội dung, nhiều dự án Luật thể hiện tinh thần kiến tạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập, chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật. Chính phủ cũng xem xét cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về chính sách đặc thù tháo gỡ vướng mắc các dự án đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra ở TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa…

Thời gian tới, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương rà soát, đánh giá những dự án, công trình có vướng mắc về mặt thể chế hiện nay. Ví dụ như các dự án qua thanh tra, kiểm tra, điều tra, bản án, các dự án chậm triển khai do các văn bản quy phạm pháp luật chưa đồng bộ… để đề xuất tháo gỡ.

Qua đó, có thể ban hành các cơ chế đặc thù, thí điểm đối với một số dự án cụ thể hay ở một số địa phương cụ thể, để triển khai đánh giá và nhân rộng, nhằm phát huy nguồn lực xã hội phát triển đất nước. Như bài viết mới đây của Tổng Bí thư Tô Lâm có nêu: "Để nắm bắt cơ hội, đẩy lùi thách thức, gia tăng mạnh mẽ nguồn lực chăm lo cho nhân dân, làm giàu cho đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, xây dựng tương lai tốt đẹp, công tác phòng, chống lãng phí cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, văn hóa ứng xử trong thời đại mới"./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top