Aa

EVNNPT nâng cao hiệu quả vận hành Hệ thống truyền tải điện quốc gia

Thứ Bảy, 21/11/2020 - 11:32

Hệ thống lưới điện quốc gia chủ yếu đi qua các địa bàn đồi núi cao, đèo dốc hiểm trở. Vì vậy, TCT Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đặc biệt chú trọng vào công tác đầu tư thiết bị hiện đại, tăng cường ứng dụng công nghệ.

Điều này nhằm giảm sức lao động trực tiếp, nâng cao hiệu quả công tác quản lý vận hành hệ thống truyền tải điện quốc gia.

Qua thực tế hàng chục cơn bão và áp thấp nhiệt đới trong mùa mưa bão năm nay đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Ông Lưu Việt Tiến - Phó TGĐ Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã có cuộc trao đổi cụ thể hơn với PV về thực tế ảnh hưởng của mùa mưa bão năm nay tới hệ thống truyền tải điện Quốc gia, cũng như kế hoạch đầu tư công nghệ nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý, vận hành lưới điện trong điều kiện mưa bão, biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, bất thường.

PV: Thưa ông, mùa mưa bão năm 2020 này nước ta đã trải qua hơn 10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, những tác động của nó tới hệ thống truyền tải điện quốc gia như thế nào?

Ông Lưu Việt Tiến: Tính đến nay với 10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới cũng như hoàn lưu sau bão đã gây ra những ảnh hưởng hết sức lớn đến nhiều tỉnh, đặc biệt là các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi gây ngập lụt, sạt lở đất ở nhiều nơi. Đối với hệ thống truyền tải điện, riêng trong tháng 10/2020 EVNNPT đã chịu 20 sự cố có nguyên nhân từ các cơn bão số 5, số 6 và đặc biệt là cơn bão số 9. 

Đồng thời, EVNNPT có hơn 40 vị trí cột điện 500kV và 220kV bị sạt lở, ảnh hưởng do các cơn bão, áp thấp nhiệt đới. Hiện nay EVNNPT đã cho các lực lượng cán bộ, nhân viên vận hành thực hiện việc tạm như khơi thông dòng chảy, phủ bạt các chân móng, néo tạm các cột điện 500 - 220kV và đặt các rọ đá để đảm bảo an toàn tạm thời trong thời gian mưa lũ. Bên cạnh đó, EVNNPT đang thuê các đơn vị tư vấn khảo sát để có các phương án xử lý ngay sau khi mùa mưa bão kết thúc để đảm bảo vận hành an toàn lâu dài cho hệ thống truyền tải điện.

PV: Cùng với những ảnh hưởng trong công tác quản lý vận hành, EVNNPT cũng đang đầu tư nhiều công trình truyền tải điện quốc gia đi qua những địa bàn miền Trung, Tây Nguyên đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi các cơn bão, lũ. Xin ông cho biết, điều này ảnh hưởng như thế nào đến tiến độ các dự án EVNNPT đang triển khai ?

Ông Lưu Việt Tiến: Hiện nay, EVNNPT đang triển khai rát nhiều các dự án truyền tải điện 500 - 220kV trong khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi, trong đó đặc biệt có thể kể đến đường dây 500kV mạch 3, đường dây 220kV Đông Hà - Lao Bảo... Qua đợt mưa lũ trên diện rộng vừa rồi thì có rất nhiều vị trí móng cột đang triển khai xây dựng cũng như các đường tạm để vào tiếp cận các vị trí xây dựng bị sạt lở, ngập, thậm chí có những vị trí đường tạm bị xóa sau các đợt mưa lũ. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ công trình. 

Ông Lưu Việt Tiến - Phó TGĐ Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) 

Hiện nay EVNNPT đang chỉ đạo các đơn vị QLDA đi khảo sát, kiểm đếm cụ thể các thiệt hại của các đợt mưa bão gây ra tại các vị trí sạt lở ở các vị trí xây dựng để có các giải pháp khôi phục ngay công tác đầu tư xây dựng sau các đợt mưa lũ. Hai là phối hợp với các đơn vị bảo hiểm để thực hiện các trách nhiệm về bảo hiểm xây dựng.

Với tình hình mưa lũ kéo dài như hiện nay. Sau cơn bão số 10 lại tiếp tục có cơn bão số 11 thì dự kiến các đường dây như 500kV mạch 3 của EVNNPT đang triển khai xây dựng sẽ tiếp tục có những ảnh hưởng đến tiến độ. Ngoài các vị trí bị ảnh hưởng lâu dài như là ngập, sạt các vị trí móng, đường tạm…thì việc công nhân trên công trường thường xuyên phải di chuyển để tránh các cơn bão và khôi phục công tác đầu tư xây dựng trở lại cũng làm cho tiến độ kéo dài.

PV: Vâng, cụ thể với đường dây 500kV mạch 3 thì công tác GPMB cũng đang gặp khó khăn. Vậy mưa bão đã ảnh hưởng như thế nào đến công tác GPMB ở đây, thưa ông ?

Ông Lưu Việt Tiến: Hiện nay thì tất cả các địa phương từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi đang tập trung hết nguồn lực cho việc khắc phục hậu quả của các đợt mưa bão, cứu trợ đồng bào ở các khu vực bị sạt lở , ngập lụt và khôi phục trở lại các hoạt động bình thường tại các khu đô thị. Do đó, lực lượng của các địa phương từ lãnh đạo tỉnh cho đến các sở ngành đều tập trung hết nguồn lực cho việc khắc phục hậu quả mưa bão. 

Chính vì vậy những công tác liên quan đến hỗ trợ EVNNPT trong việc bồi thường GPMB cũng bị ảnh hưởng, và phải sau khi kết thúc các đợt mưa bão này, khi các địa phương quay trở lại làm việc ổn định,bình thường thì EVNNPT mới tiếp tục được các công việc liên quan đến bồi thường GPMB cho các công trình đầu tư xây dựng trong đó có đường dây 500kV mạch 3.

PV: Thưa ông, hệ thống TTĐ quốc gia đi qua các địa bàn đồi núi hiểm trở, nhiều nơi người công nhân rất khó khăn, không thể tiếp cận khi gặp sự cố ảnh hưởng bởi mưa bão. Vậy EVNNPT đã có đầu tư ứng công nghệ thiết bị hiện đại như thế nào để phục vụ công tác quản lý, vận hành hệ thống?

Ông Lưu Việt Tiến: Trong nhiều năm qua,với kinh nghiệm trong công tác quản lý, vận hành hệ thống đường dây 500 - 220kV chủ yếu nằm trong các khu vực rừng núi cao đặc biệt khó tiếp cận khi có các đợt mưa lũ, nhất là những đợt mưa lũ như vừa rồi thì EVNNPT đã triển khai nhiều giải pháp để ứng phó. 

Thứ nhất, EVNNPT lắp đặt các camera cố định trên các đỉnh cột tại các vị trí xung yếu để theo dõi tình hình mưa bão, quan trắc các cột điện so với các địa hình, địa chất xung quanh xem có bị ảnh hưởng, có bị sạt lở, nghiêng hay không. 

Thứ hai là EVNNPT đầu tư, cho công nhân vận hành sử dụng các thiết bị bay không người lái đến các vị trí an toàn có thể tiếp cận được, từ đấy dùng các thiết bị bay để quan sát các vị trí không thể tiếp cận được. 

Qua việc thu thập hình ảnh từ camera cố định cũng như từ các thiết bị bay không người lái thì EVNNPT sẽ có chỉ đạo điều hành để nhằm khắc phục tạm thời hậu quả của mưa lũ như xử lý tạm các vị trí móng cột bị sạt lở, néo tạm cột cũng như phủ bạt chân móng, và việc quan trắc bằng các camera cũng như thiết bị bay cũng tạo điều kiện cho các đơn vị thiết kế có các phương án để xử lý lâu dài.

PV: Qua thực tế ảnh hưởng mưa bão trong thời gian vừa rồi thì EVNNPT sẽ tính đến phương án đầu tư các thiết bị công nghệ như thế nào để đảm bảo công tác quản lý vận hành hệ thống TTĐ quốc gia trước diến biến thời tiết ngày càng cực đoan, thưa ông ?

Ông Lưu Việt Tiến: Với công nghệ 4G như hiện nay và công nghệ 5G trong tương lai sắp tới thì việc truyền tin, truyền dữ liệu tương đối thuận lợi,việc ứng dụng các camera gắn cố định trên các đỉnh cột điện là một giải pháp hết sức hữu ích. 

EVNNPT sẽ tiếp tục trang bị thêm nhiều camera ở các vị trí xung yếu để vừa quan trắc sự biến đổi của địa chất, đồng thời giám sát hành lang tuyến trước sự thay đổi của các thảm thực vật hoặc sự tác động của con người, máy móc hay các công trình xây dựng lân cận. 

Ngoài ra, việc ứng dụng các thiết bị bay không người lái là một xu hướng tất yếu để đảm bảo quản lý, vận hành đường dây, đồng thời tăng năng suất, giảm sức lực cũng như giữ an toàn cho người lao động không phải tiếp cận những khu vực nguy hiểm như trước kia.

Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top