Aa

Eximbank bất ngờ hoãn đại hội vì... thiếu cổ đông

Thứ Bảy, 27/04/2019 - 06:41

Đại hội đồng cổ đông thường niên lần 35 năm 2019 của Eximbank lại tạm hoãn vì không đủ tỷ lệ cổ đông sở hữu cổ phần tham gia theo quy định.

Lãnh đạo Ngân hàng Eximbank. Ảnh: SOHA

Hai lãnh đạo Ngân hàng Eximbank. Ảnh: SOHA

Đã đến lúc “ung nhọt” phát tác?

Sáng ngày 26/4, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam Eximbank tiến hành Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 tại TP.HCM. Đại hội dự kiến bắt đầu vào lúc 8h30, nhưng đến 9h30 mới chỉ có 199 cổ đông, đại diện cho 57,66% số cổ phần ngân hàng đăng ký tham dự.

Căn cứ các quy định của pháp luật và điều lệ của ngân hàng Eximbank, điều kiện tiến hành ĐHĐCĐ, ông Trần Ngọc Dũng, Trưởng Ban Kiểm soát Eximbank cho biết, tổng số cổ đông dự họp đại diện thấp hơn 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là không đủ điều kiện tiến hành ĐHĐCĐ Eximbank. Như vậy đại hội không thể tiến hành.

Theo quy định tại điều lệ, đại hội sẽ tiến hành trong vòng 30 ngày. Thời gian và địa điểm sẽ thông báo sau, ông Dũng cho hay.

ĐHĐCĐ 2019 của Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Eximbank rất được giới tài chính ngân hàng chờ đón bởi nhiều vấn đề nóng, đặc biệt liên quan đến vị trí Chủ tịch HĐQT. Tuy nhiên, số lượng cổ đông không đủ điều kiện tiến hành ĐHĐCĐ đã cho thấy nội bộ ngân hàng này đang có nhiều vấn đề, mà đầu tiên thể hiện ở cuộc họp bầu bà Lương Thị Cẩm Tú vào ghế Hội đồng Quản trị Eximbank trước thềm Đại hội cổ đông chưa đầy 1 tháng.

Theo đó, ngày 22/3, HĐQT Eximbank đã ban hành Nghị quyết 112 bổ nhiệm bà Lương Thị Cẩm Tú, thành viên HĐQT (nguyên TGĐ Nam A Bank, được bầu làm Thành viên HĐQT Eximbank tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2018) giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VI (2015 – 2020) thay cho ông Lê Minh Quốc, thành viên HĐQT độc lập.

Tuy nhiên, sau đó ông Lê Minh Quốc đã có đơn gửi TAND TP.HCM yêu cầu huỷ Nghị quyết số 112 của HĐQT Eximbank. TAND TP.HCM đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, buộc HĐQT Eximbank phải dừng thực hiện Nghị quyết số 112 về việc thay đổi Chủ tịch HĐQT cho đến khi giải quyết xong vụ việc.

Cuộc tranh đua ngôi vị đứng đầu dường như đang góp lửa “thiêu rụi” thành tựu cũng như uy tín của Eximbank thì tiếp đó, trong tài liệu công bố họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 lại nổi lên vấn đề bất ổn hơn nữa là khuyết vị trí Tổng giám đốc - người đại diện pháp luật duy nhất cho ngân hàng này.

Cụ thể, trong tờ trình Báo cáo của Ban điều hành về hoạt động kinh doanh năm 2018 và kế hoạch năm 2019 của Eximbank không có chữ ký của Tổng giám đốc ngân hàng.

Các tờ trình còn lại như Báo cáo của Ban kiểm soát, Kinh phí hoạt động và thù lao của Ban kiểm soát do ông Trần Ngọc Dũng, Trưởng Ban kiểm soát ký. Trong khi đó, các tờ trình thù lao và ngân sách hoạt động HĐQT, phân phối lợi nhuận 2018 của Eximbank, dự thảo Nghị quyết ĐHĐCĐ đề tên Chủ tịch là ông Lê Minh Quốc.

Trong khi tại báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018, thành phần Ban tổng giám đốc Eximbank có ông Lê Văn Quyết và 8 phó tổng giám đốc. Lúc này ông Lê Văn Quyết giữ vai trò là Tổng giám đốc và người đại diện theo pháp luật duy nhất của Ngân hàng Eximbank.

Tiếp đó, trong báo cáo thường niên 2018 của HĐQT, ban điều hành, ban kiểm soát, ban lãnh đạo Eximbank trình đại hội đồng cổ đông phương án đầu tư trụ sở mới tại số 7 Lê Thị Hồng Gấm, điều chỉnh điều lệ ngân hàng liên quan điều kiện tổ chức đại hội cổ đông, đại diện theo pháp luật... Cụ thể, Eximbank đề xuất thay đổi điều lệ hiện hành từ người đại diện là tổng giám đốc thành tổng giám đốc hoặc chủ tịch HĐQT trong thời gian chức danh này bị khuyết. Điều kiện tổ chức đại hội cổ đông cũng được đề xuất giảm từ 65% cổ phần có quyền biểu quyết xuống còn 51%.

Kết quả kinh doanh 2018 của Eximbank gây thất vọng

Dường như, chính từ những “ung nhọt” trong cuộc tranh chấp nhân sự đứng đầu đã góp phần khiến cho lợi nhuận năm 2018 không như kỳ vọng.

Tính đến thời điểm 31/12/2018, tổng tài sản của Eximbank đạt 152.652 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2017, chỉ thực hiện được 86% kế hoạch năm. Vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 118.694 tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2017, thực hiện được 80% kế hoạch.

Tổng dư nợ tín dụng đạt 104.118 tỷ đồng (không bao gồm trái phiếu VAMC), tăng 3% so với năm 2017, cũng chỉ thực hiện được 92%. Dù dư nợ tín dụng không tăng nhiều nhưng chất lượng tín dụng đã cải thiện.

Lợi nhuận trước thuế của riêng ngân hàng đạt 801 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế năm 2018 hợp nhất đạt 827 tỷ đồng, chỉ hoàn thành 52% kế hoạch. Tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2018 còn 1,84% tổng dư nợ.

Năm 2018 tiếp tục là một năm Eximbank gặp khó khăn về tăng trưởng cho vay khách hàng. Tốc độ tăng trưởng bình quân cho vay khách hàng của nhà băng này từ năm 2011 đến nay chỉ đạt 4,2%/năm. Điều này khiến thị phần cho vay của Eximbank ngày một bị thu hẹp, từ vị trí top 10 nay ngân hàng đã rơi xuống top 15.

Đáng chú ý, Eximbank bị lỗ tới 309 tỷ đồng trong quý IV/2018 mặc dù thu nhập từ hoạt động cốt lõi – thu nhập lãi thuần vẫn tăng khá cao 29,7% so với cùng kỳ đạt 900 tỷ đồng.

Do khoản lỗ tương đối lớn trong quý cuối năm, cả năm 2018, Eximbank báo lãi trước thuế chỉ đạt 827 tỷ đồng, giảm 19% so với năm 2017. Hai mảng có kết quả tăng trưởng cao nhất của ngân hàng là thu nhập lãi thuần tăng 20,2% đạt 3.207 tỷ đồng; thu nhập góp vốn mua cổ phần tăng gần 5 lần đạt 519 tỷ đồng, chủ yếu nhờ thoái vốn khỏi Sacombank.

Trong khi đó, hoạt động mua bán chứng khoán bị lỗ tới 116 tỷ đồng; lãi từ hoạt động khác giảm 48% chỉ còn đạt 226 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động dịch vụ chỉ tăng nhẹ 4,7% đạt 347 tỷ đồng, lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 18,1% đạt 269 tỷ đồng.

Cùng với đó là chi phí hoạt động tăng mạnh 31,5% lên 2.900 tỷ đồng và Eximbank đã phải trích lập 390 tỷ đồng dự phòng, đưa vào chi phí hoạt động. Vụ việc các cá nhân lừa đảo chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng Chu Thị Bình với số tiền 245 tỷ đồng cũng khiến ngân hàng ảnh hưởng trong năm 2018.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top