Aa

FED đã ba lần hạ lãi suất, còn Việt Nam?

Thứ Năm, 14/11/2019 - 06:15

Để hạ được mặt bằng lãi suất huy động hiện nay thì buộc NHNN phải hạ trần lãi suất huy động hoặc tiếp tục hạ thấp hơn nữa lãi suất giao dịch trên thị trường mở và sẵn sàng bơm thêm vốn ra nền kinh tế.

Ngày 31/10/2019, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã hạ lãi suất định hướng (Fed fund target rate) lần thứ ba trong vòng bốn tháng trở lại đây. Động thái này của Fed được xem là cơ sở để ngân hàng trung ương nhiều nước trên thế giới cân nhắc chính sách nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế. Vấn đề nhiều doanh nghiệp đang quan tâm là liệu Việt Nam có nằm trong số này hay không?

Làn sóng nới lỏng tiền tệ chưa có dấu hiệu dừng lại

Philippines, Indonesia đã có ba lần cắt lãi suất điều hành (policy rates) từ đầu năm 2019 đến nay, trong khi đó con số này của Ấn Độ là năm lần. Ngày 2/10 vừa qua, Hàn Quốc cũng đã có lần thứ hai hạ các mức lãi suất điều hành, trong khi đó nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc cũng đã lần đầu tiên hạ lãi suất để đối phó với tình trạng suy giảm tăng trưởng liên tiếp trong các quý gần đây.

Hiện nay chỉ còn Anh và Nhật Bản là hai nền kinh tế lớn của thế giới chưa phải sử dụng đến công cụ lãi suất. Các tranh luận về thời điểm xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế thế giới tiếp theo vẫn còn nóng trên nhiều diễn đàn.

Nguyên nhân chính mà các chuyên gia kinh tế đưa ra là do chính sách bảo hộ thương mại đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu đã kìm hãm đà tăng trưởng về xuất nhập khẩu hàng hóa giữa các quốc gia. Chính vì vậy, để hỗ trợ xuất khẩu, có khả năng các nước sẽ vẫn thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ thông qua việc hạ lãi suất.

Chúng ta đã có đủ cả điều kiện cần và đủ để hạ lãi suất trong thời gian tới. Ảnh: Thành Hoa

Điều gì đã cản trở Việt Nam hạ lãi suất?

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từng giải thích rằng việc Việt Nam không thay đổi chính sách lãi suất quyết liệt trong thời gian qua là do trong năm 2018, khi nhiều nước tăng lãi suất thì Việt Nam đã giữ nguyên. Vì vậy, hiện nay, khi các nước đảo ngược chính sách lãi suất thì Việt Nam cũng chưa cần thiết phải điều chỉnh.

Mặc dù vậy, NHNN cũng đã quyết định giảm 0,25 điểm phần trăm đối với lãi suất tái cấp vốn (refinancing rate), lãi suất tái chiết khấu (rediscount rate) và lãi suất giao dịch trên thị trường mở (OMO rate) kể từ ngày 13/9 vừa qua.

Tuy nhiên, quyết định trên dường như chỉ mang tính định hướng chứ gần như không có bất kỳ tác động nào đến mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng thương mại (NHTM). Nguyên nhân là do hiện nay gần như không có bất kỳ một giao dịch nào được thực hiện thông qua các kênh giao dịch trên.

Để hạ được mặt bằng lãi suất huy động hiện nay thì buộc NHNN phải hạ trần lãi suất huy động hoặc tiếp tục hạ thấp hơn nữa lãi suất giao dịch trên thị trường mở và sẵn sàng bơm thêm vốn ra nền kinh tế. Tuy nhiên, NHNN đã giữ nguyên trần lãi suất huy động ở mức 5,5%/năm đối với các khoản tiền gửi có kỳ hạn dưới sáu tháng kể tháng 10/2014 đến nay.

Điều gì khiến cơ quan quản lý tiền tệ của Việt Nam gần không dám sử dụng công cụ này trong một thời gian dài vừa qua? Nguyên nhân đầu tiên có lẽ chính là thanh khoản của các NHTM rất không đồng đều. Quyết định tăng, giảm hay thậm chí là gỡ bỏ trần lãi suất huy động có thể khiến cho tiền gửi của người dân dịch chuyển giữa các ngân hàng. Sẽ nguy hiểm nếu nó chuyển từ các ngân hàng nhỏ sang các ngân hàng lớn và gây ra tình trạng thiếu thanh khoản cục bộ tại một số ngân hàng.

Thứ hai, đó là việc các NHTM đang trong giai đoạn tái cơ cấu và xử lý nợ xấu. Nợ xấu chưa được giải quyết thì buộc các ngân hàng vẫn phải đẩy mạnh huy động để có nguồn chi trả cho người gửi tiền.

Thứ ba, các ngân hàng chuẩn bị thực hiện lộ trình áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn hoạt động theo quy định của Basel 2 kể từ năm 2020. Do đó, nhiều ngân hàng đã phải đẩy mạnh huy động nguồn vốn tự có cấp 2 (Tier 2) như trong thời gian vừa qua. Động thái này khiến cho nhiều ngân hàng mặc dù dư thừa thanh khoản nhưng cũng không dám hạ lãi suất do lo ngại việc mất thị phần vào các ngân hàng khác.

Cơ hội nào cho Việt Nam trong thời gian tới

Việc các nước liên tiếp có động thái hạ lãi suất, trong khi Việt Nam thì không, sẽ ảnh hưởng đến khả năng xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trong nước. Bởi lẽ, hạ lãi suất sẽ giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí vốn vay, từ đó có thể hạ thấp giá thành sản xuất sản phẩm. Liệu có cơ hội để Việt Nam theo đuổi chính sách nới lỏng tiền tệ trong thời gian tới hay không?

Câu trả lời có lẽ của nhiều chuyên gia kinh tế cũng như các nhà làm chính sách sẽ là 50:50, tức là có hoặc không cũng đều là phương án hợp lý ở nhiều khía cạnh khác nhau. Tuy nhiên, với cá nhân tác giả bài viết thì chúng ta đã có đủ cả điều kiện cần và đủ để hạ lãi suất trong thời gian tới.

Điều kiện cần chính là lạm phát của Việt Nam đang ở mức rất thấp mặc dù chúng ta đang trong lộ trình thị trường hóa các dịch vụ công. Đây là rào cản lớn nhất đối với bất kỳ quyết định nào liên quan đến chính sách lãi suất. Theo đó, lạm phát bình quân năm tính đến hết tháng 10/2019 chỉ ở mức 2,48% và dự báo cả năm 2019 sẽ vào khoảng 3,3 - 3,5%.

Đây được xem là mức đủ thấp để cơ quan quản lý có thể điều chỉnh giảm mặt bằng lãi suất huy động. Bởi lẽ, trần lãi suất huy động hiện được neo ở mức 5,5%/năm, do đó chênh lệch hay còn được ngầm hiểu là mức lãi suất thực dương hiện khoảng 2% (sau khi trừ đi lạm phát). Mức chênh lệch này (hay còn được gọi là vùng đệm) được xem là khá an toàn cho NHNN.

Điều kiện đủ hiện nay chính là toàn hệ thống đang dư thừa thanh khoản. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng hiện chỉ dao dịch quanh mức 2 - 3%/năm đối với các kỳ hạn dưới một tháng. Nguyên nhân là do NHNN đã mua được khoảng 13 tỷ đô la Mỹ từ đầu năm đến nay. Diễn biến này đồng nghĩa với việc NHNN sẽ bơm ra khoảng 300.000 tỷ đồng tương ứng vào hệ thống ngân hàng. Kết quả này khiến cho tăng trưởng huy động đã cao hơn so với tăng trưởng tín dụng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top