Aa

Festival Nghề truyền thống Huế: Tôn vinh người thợ thủ công truyền thống

Chủ Nhật, 07/05/2023 - 08:39

Diễn ra 2 năm một lần, Festival Nghề truyền thống Huế là sự kiện văn hóa - kinh tế - xã hội lớn, quan trọng do TP. Huế chủ trì. Lễ hội tôn vinh các giá trị văn hóa và làm giàu cho bàn tay người thợ, cơ sở làm nghề.

Sau 8 ngày đêm diễn ra sôi động (28/4 - 5/5), Festival Nghề truyền thống Huế vừa khép lại bằng một chương trình bế mạc cùng với lễ tôn vinh các nghệ nhân, bàn tay vàng, những người thợ lành nghề theo đuổi miệt mài nghề thủ công truyền thống.

Bảo tồn và phát triển sản phẩm truyền thống

Với chủ đề "Tinh hoa Nghề Việt", Festival Nghề truyền thống Huế năm nay tiếp tục theo đuổi mục tiêu tôn vinh các giá trị nhân văn, những tinh hoa của nghề thủ công truyền thống qua đôi bàn tay người thợ lành nghề, của các bậc thầy, bàn tay vàng, những nghệ nhân tiền bối như mục tiêu tối thượng từ kỳ Festival Nghề truyền thống Huế lần thứ nhất tổ chức năm 2005 với chủ đề "Không gian tôn vinh nghệ nhân và làng nghề".

festival huế
Lễ rước tôn vinh nghệ nhân, nghề truyền thống và quảng diễn lễ hội đường phố trong Festival Nghề truyền thống Huế chiều 5/5. (Ảnh: Đình Toàn)

Sau 9 lần tổ chức, đến nay sự kiện này có ý nghĩa lớn về văn hóa, kinh tế, xã hội không chỉ với Huế mà với nhiều làng nghề trong nước. Không chỉ vậy, từ quy mô nhỏ, không gian giới hạn, sự kiện này đến nay mở ra biên độ rộng hơn với nhiều hoạt động hưởng ứng của cộng động một số huyện, địa phương trong tỉnh, đặc biệt là mang yếu tố quốc tế khi thu hút được một số nghệ nhân, làng nghề đến từ các nước trong châu lục như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Đặc biệt, các hoạt động, sự kiện, không gian, chương trình nghệ thuật từ khi khai mạc đến khi bế mạc đều mang cảm hứng chủ đạo tôn vinh nghề thủ công truyền thống, tôn vinh người thợ lành nghề, những bàn tay vàng đã góp phần gìn giữ, quảng bá những tinh hoa văn hóa dân tộc qua từng sản phẩm, qua từng "đường kim mũi chỉ".

festival huế
Nghi thức rước ngọn lửa nghề truyền thống từ thế hệ tiền bối cho thế hệ trẻ tiếp tục bảo tồn, phát huy các giá trị tinh hoa nghề Việt. (Ảnh: Đình Toàn)

Trong hành trình 8 ngày, đêm diễn ra Festival nghề truyền thống Huế 2023 tại khu vực đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, Bà Huyện Thanh Quan, công viên Tứ Tượng và công viên Phan Bội Châu. Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm tôn vinh nghệ nhân nghề và làng nghề; không gian ẩm thực là cuộc gặp gỡ, giao lưu, đầy thú vị; là nơi quy tụ 21 nhóm nghề và 350 nghệ nhân, bàn tay vàng, thợ thủ công lành nghề đến từ 69 cơ sở nghề và làng nghề truyền thống trong cả nước, trong đó có 58 cơ sở nghề, làng nghề trong tỉnh và 11 ở ngoài tỉnh (tăng 15% cơ sở nghề so với Festival nghề truyền thống Huế 2019).

Đây chính là không gian trưng bày giới thiệu sản phẩm, tôn vinh nghệ nhân, là dịp để các cơ sở nghề và làng nghề truyền thống trên toàn quốc gặp gỡ trao đổi, giao lưu và tiếp tục chia sẻ những kinh nghiệm trong khôi phục, bảo tồn và phát triển các sản phẩm thủ công truyền thống theo hướng công nghiệp và sáng tạo.

festival huế
Ba vị nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú xứ Huế đại diện làm lễ tế Tổ Bách nghệ. (Ảnh: Đình Toàn)
festival huế
Nghệ nhân thao diễn dệt lụa tơ tằm trong Festival Nghề truyền thống Huế 2023. (Ảnh: Đình Toàn)
festival huế
Niềm vui trong bán hàng hàng, giới thiệu sản phẩm cho khách của người thợ dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp, tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Đình Toàn)

"Festival nghề truyền thống Huế 2023 là nơi tôn vinh nét đẹp và trình diễn nghề thủ công truyền thống, nơi hội tụ của những bàn tay nghệ thuật tài hoa, nghiên cứu phương thức đổi mới sáng tạo đương đại… được tổ chức trong không gian cảnh quan, văn hóa - nghệ thuật đặc trưng của thành phố Huế. Festival lần này cũng là cuộc hội tụ để các thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu, các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế tham gia giữ gìn, phát huy giá trị nghề truyền thống; cùng với chuỗi sự kiện, chương trình văn hóa - nghệ thuật đặc sắc, không khí lễ hội sôi động, đa sắc màu… sẽ góp phần đẩy mạnh hoạt động thương mại, dịch vụ - du lịch, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội trên địa bàn; tiếp tục khẳng định thương hiệu Huế - thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam", Chủ tịch UBND TP. Huế, Trưởng Ban Tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế Võ Lê Nhật, bày tỏ.

festival huế
Thao diễn, trưng bày sẩn phẩm thủ công nghề đan lát, chẳm nón lá xứ Huế. (Ảnh: Đình Toàn)

Giao lưu quốc tế, kết nối đầu tư

Bà Mai Thị Hợp, nghệ nhân dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Tà Ôi, huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên - Huế kể rằng bà đã tham gia Festival Nghề truyền thống Huế ngay từ những kỳ đầu tiên. Lúc ấy sản phẩm làng nghề dệt thổ cẩm của đồng bào A Lưới nhiều người chưa biết đến, nay thì mặt hàng này đã xuất khẩu. Nó không chỉ phục vụ cho những nông dân miền núi trong các lễ hội hay phục trang ngày thường, mà là sản phẩm đóng góp cho ngành thời trang trong nước, hiện diện trong những cửa hàng thời trang hay các bộ sưu tập thời trang của một số nhà thiết kế tên tuổi. "Lần này tham gia Festival Nghề, mình cũng bán được nhiều hàng lắm. Tuy không bằng mấy lần tham gia lễ hội gần đây, nhưng lần này bán được mình thấy rất vui", bà Hợp chia sẻ.

fesstival huế 2023
Không gian trưng bày, thao diễn hàng chục ngành nghề thủ công truyền thống trong nước trong Festival Nghề truyền thống Huế. (Ảnh: Đình Toàn)

Theo thông tin của Ban tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế năm 2023 tổng hợp chiều 6/5, trong 8 ngày diễn ra Festival nghề truyền thống Huế 2023, kết hợp các dịp lễ (28/4 đến 5/5) đã có khoảng 120.000 lượt khách đến Huế (tăng 26% so với dự ước ban đầu là 95.000 lượt). Khách lưu trú 65.300 lượt (trong đó có khoảng 25.500 khách quốc tế) tăng 17,6% so với dự ước; doanh thu từ du lịch đạt 194 tỷ đồng, tăng 25% so với dự ước ban đầu. Ước tính có khoảng 300.000 lượt du khách và người địa phương đến tham quan và trải nghiệm các hoạt động lễ hội Festival nghề truyền thống Huế trong dịp này. Đáng chú ý, doanh thu bán hàng của hầu hết các cơ sở tham gia Festival đều đạt kết quả cao, trong đó tổng doanh thu và tổng đơn hàng của các cơ sở nghề trong dịp Festival nghề truyền thống Huế đạt hơn 15 tỷ đồng (riêng tổng doanh thu tăng 35% so với Festival nghề truyền thống Huế 2019), trong đó nhiều cơ sở có doanh số bán hàng cao, một số đơn vị có doanh thu cao như Công ty TNHH MTV Huế Xuân - Lê Gia đạt 4,8 tỷ, cơ sở điêu khắc mộc mỹ nghệ Thái Vinh đạt 400 triệu đồng, Hộ Kinh doanh Trương Đình Phương đạt 200 triệu đồng,... Ngoài ra, các các cơ sở đơn vị tham gia Festival nghề truyền thống Huế 2023 đã được thỏa thuận ký kết hàng trăm đơn đặt hàng như Cơ sở tre mỹ nghệ truyền thống Tre Việt, Công ty TNHH MTV Huế Xuân - Lê Gia…

festival huế, festival 2023
Phó Thị trưởng thành phố Namgiangju, Hàn Quốc, ông Lee Sheokbeom (áo vest xanh) thăm gian hàng trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ của nghệ nhân thành phố Namgiangju tại Festival Nghề truyền thống Huế 2023 tại TP. Huế. (Ảnh: Đình Toàn)

Bên cạnh các làng nghề nổi tiếng đã tham gia trong nhiều kỳ Festival (làng gốm Bát Tràng, làng dệt Phùng Xá, làng nghề mộc Mỹ Xuyên…; tại Festival nghề truyền thống năm nay còn có thêm nhiều cơ sở nghề và làng nghề lần đầu tham gia với các sản phẩm nghề tinh xảo, độc đáo như sơn mài, khắc, các ngành nghề đặc sản Huế... Cùng với đó là sự góp mặt của nhiều sản phẩm thủ công truyền thống độc đáo của một số thành phố Nhật Bản, Hàn Quốc; sự tham gia 37 nghệ nhân đến từ các thành phố Gongju, thành phố Namyangju (Hàn Quốc), các thành phố Saijo, Shizuoka, Takayama, Sasayama (Nhật Bản), Viện nghiên cứu văn hóa truyền thống Hàn Quốc và Viện xúc tiến nghiên cứu văn hóa Hàn Quốc… đều là dịp để thành phố và tỉnh Thừa Thừa - Huế tiếp tục tăng cường giao lưu, thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Huế với các thành phố trên thế giới.

Đây cũng là điều kiện tốt để các tổ chức, cơ sở nghề, doanh nghiệp giao lưu, đoàn kết và phát triển các thương hiệu sản xuất hàng thủ công truyền thống của Việt Nam và các đối tác quốc tế. Các nhà nghiên cứu, các nhà thiết kế, các nghệ nhân đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc đã mang đến Huế những sản phẩm tinh hoa, đặc sắc để làm nên một không gian trưng bày đa sắc màu văn hóa tại TP. Huế trong dịp Festival nghề truyền thống Huế 2023. Cùng với đó, Ban Tổ chức cũng đã mở ra những sân chơi cộn đồng náo nhiệt với sự tham gia lớn của cộng đồng như diễu hành cà kheo của các nghệ sĩ đến từ Vương Quốc Bỉ; Chương trình nghệ thuật "Tri ân dòng Hương" lần đầu được tổ chức; Lễ hội ẩm thực với hàng chục gian hàng ở nhiều miền Tổ quốc; Chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật các thành phố trong nước và quốc tế… Tất cả tạo nên một lễ hội mở, sôi động, gần gũi, thiết thực và nhân văn./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top