Miễn visa không phải tiêu chí khách nước ngoài chọn Việt Nam?
Tại Hội thảo chuyên đề Du lịch, nhiều chuyên gia cho rằng, một trong giải pháp để giải bài toán vì sao lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng nhanh nhưng số lượng khách quay lại thấp cũng như chi tiêu cho du lịch còn khiêm tốn, đó là cần miễn visa cho khách du lịch.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Phương Lan, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, chính sách miễn visa không phải yếu tố quyết định tác động tới ngành du lịch Việt Nam. Theo báo cáo từ Tổng Cục Du lịch, tỷ lệ tăng trưởng khách từ các quốc gia không miễn visa đơn phương như Mỹ hay Canada còn cao hơn những nước được miễn visa.
Bà Phương Lan cho rằng: “Miễn visa đơn phương để tạo điều kiện thuận lợi cho khách cần đi đôi với cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp trong nước”.
Liên quan tới ý kiến cho rằng xếp hạng visa Việt Nam ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh du lịch, bà Phương Lan lý giải, visa chỉ là một trong các tiêu chí để đánh giá độ mở với quốc tế, không hoàn toàn quyết định năng lực cạnh tranh về du lịch của một nước. Ví dụ như những quốc gia như Tây Ban Nha, Nhật Bản hay Mỹ có năng lực cạnh tranh về du lịch xếp hạng cao dù chính sách miễn visa không quá cởi mở.
Đồng quan điểm đó, Đại tá Nguyễn Văn Thống, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công An cũng khẳng định, miễn visa không phải tiêu chí để người nước ngoài chọn du lịch Việt Nam. Ông lấy ví dụ khách Trung Quốc chiếm khoảng 30% lượng khách nhập cảnh Việt Nam, dù công dân nước này không được miễn visa. Do đó, miễn visa không phải yếu tố quyết định để thu hút khách quốc tế.
Ông Thống cũng cho rằng: "Quá cảnh của người nước ngoài tại Việt Nam, chính sách visa hoàn toàn đơn giản. Người nước ngoài đánh giá thủ tục visa thông thoáng, thời hạn xét duyệt từ 1 đến 3 ngày, không cần chứng minh tài chính hay lấy vân tay như nhiều quốc gia khác. Người nước ngoài có thể nhận visa tại Đại sứ quán, cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài hay tại cửa khẩu hoặc lấy visa điện tử".
Miễn visa: Điều kiện tiên quyết để thu hút khách du lịch
Cùng bàn về vấn đề này, ông Lương Hoài Nam, Phó TGĐ Công ty hàng không Ngôi Sao Việt không đồng tình với ý kiến cho rằng việc miễn visa không ảnh hưởng đến du lịch. Ông Nam cho rằng, số người Việt Nam sang Thái Lan năm ngoái là một triệu người và visa là yếu tố quan trọng với du lịch. “Câu hỏi thường trực của khách là tại sao Việt Nam không miễn visa cho chúng tôi trong khi nhiều nước miễn. Đây là vấn đề nhận được quan tâm hàng đầu trong chính sách phát triển du lịch của các nước” – ông Nam nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Kenneth Atkinson - Chủ tịch Grant Thornton Việt Nam đặt vấn đề rằng: “Để đạt được số lượng khách du lịch từ rất ít đến hàng chục triệu trong thời gian ngắn như Việt Nam, Thái Lan phải mất đến 15 năm. Từ giờ đến 2030 Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được 30 triệu khách. Song một nghịch lý xảy ra đó là, khách du lịch quay lại Thái Lan rất đáng kể nhưng Việt Nam chưa làm được điều này. Các bạn có thể thấy khách tới Việt Nam một lần và rất ít quay lại lần thứ hai. Cần có các nhóm khách khác nhau để tạo ra một thị trường chung. Mức phí visa đối với du khách cần dễ chịu hơn. Nếu miễn visa cho các thị trường mà ta hướng tới có thể đem về hàng trăm triệu đô la. Mức chi trả 1.100 USD vào năm 2020 đòi hỏi chúng ta cải thiện chất lượng các cơ sở du lịch”.
Ông Kenneth Atkinson khẳng định: “Cần khuyến khích khách du lịch ở Việt Nam lâu hơn. Bên cạnh việc tập trung gia tăng miễn visa nhiều nước hơn nữa. Chúng tôi kỳ vọng áp dụng cho các nước Australia, New Zealand, Hà Lan... vì chúng ta không thể bỏ qua những nước phát triển như vậy. Chúng tôi muốn mở rộng visa với một số nước như trên, kéo dài từ 15 thành 30 ngày để khách ở lâu hơn, chi trả nhiều hơn”.
Tại Hội thảo, đại diện nhiều doanh nghiệp du lịch cũng cho rằng, miễn visa là giải pháp nhằm thu hút lượng khách du lịch tới Việt Nam.
Theo đó, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng giám đốc Vietravel cho biết, nhiều đơn vị đã đề xuất bỏ visa cho một số nước, vùng lãnh thổ từ năm 2016 song vẫn chưa được. “Do đó, chúng tôi đề xuất áp dụng chính sách visa linh hoạt. Ví dụ, Đài Loan áp dụng visa Quan Hồng cho người Việt Nam, Mỹ đặt giới hạn về visa. Nếu muốn phát triển du lịch, chúng ta cần có chính sách mở hơn về visa. Visa linh hoạt có thể cấp theo thị trường khách đông - vắng theo mùa, theo sự kiện lớn của Việt Nam như giải đua xe F1, Seagames, Festival Huế, Vesak tháng 5/2019...”
Đồng quan điểm đó, ông Ngô Minh Đức, Tổng giám đốc AG Travel cũng cho rằng, visa là hình thức tiên quyết để phát triển.
Trong khi đó, ông Trương Tấn Sơn, đại diện Saigontourist khẳng định, thủ tục cấp visa của Việt Nam khiến những người xin visa cảm thấy không được chào đón. Do đó, ông Sơn đề xuất miễn visa cho nhiều quốc gia, miễn 5 đến 10 năm với người có thu nhập cao, những người đi du lịch, công tác thường xuyên.
Đại diện Vietrantour, bà Nguyễn Thị Huyền nhấn mạnh: “Visa là một vấn đề rất quan trọng trong đón khách quốc tế đến Việt Nam. So sánh với các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam đang xếp sau Malaysia và Thái Lan về số quốc gia được miễn visa”.
Bà Huyền đồng ý thủ tục cấp visa cho khách quốc tế đến Việt Nam đã mở cửa, song chưa đáp ứng những nhu cầu sát sườn. Về hình thức cấp visa tại cửa khẩu, thực chất khách đến Việt Nam nhận visa tại cửa khẩu nhưng trước đó họ vẫn phải làm thủ tục trước và cầm công văn đến cửa khẩu. Trong khi đó, Thái Lan đang cấp visa tại cửa khẩu với công dân 20 nước. Chỉ cần chuẩn bị ảnh, hộ chiếu, vé máy bay và xác nhận nơi cư trú, khách quốc tế có thể được cấp visa ngay tại cửa khẩu Thái Lan mà không cần thực hiện bất kỳ thủ tục nào trước đó.
Ngoài ra, mong muốn thu hút khách du lịch từ các thị trường có khả năng chi trả cao, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đồng tình rằng cần sự thông thoáng mạnh mẽ hơn, thay vì cấp visa 15 ngày thì tăng lên 30 ngày, và cần visa nhập cảnh nhiều lần, cũng như đơn giản hoá thủ tục.