Aa

“Không loại trừ khả năng “gắn mác“ khu công nghiệp sạch để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường“

Thứ Hai, 19/07/2021 - 06:00

Theo luật sư Lê Văn Hồi, hiện chưa có bất cứ một văn bản, quy định pháp lý nào về KCN sạch, việc "gắn mác" KCN sạch hay cố tình đánh tráo khái niệm với KCN sinh thái sẽ gây ra rất nhiều hệ luỵ.

Lời tòa soạn:

Tính đến hiện tại, cả nước có 370 KCN được thành lập (bao gồm 328 KCN nằm ngoài các KKT, 34 KCN nằm trong các KKT ven biển, 8 KCN nằm trong các KKT cửa khẩu) với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 115,2 nghìn hecta. 

Điều này đóng góp tích cực vào tăng trưởng và phát triển của Việt Nam, thông qua việc thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; khơi dậy và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong nước, bổ sung nguồn vốn quan trọng trong tổng vốn đầu tư xã hội; gia tăng kim ngạch xuất khẩu, góp phần mở rộng thị trường quốc tế, thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu; gia tăng nguồn thu ngân sách và tạo việc làm...

Tuy nhiên, KCN của Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức về môi trường, đòi hỏi phải có sự điều chỉnh và xây dựng mô hình phát triển bền vững hơn. Theo đó, việc phát triển KCN sạch, KCN sinh thái là hướng đi tất yếu.

Theo Nghị định 82, một KCN được coi là KCN sinh thái phải đạt các tiêu chí như: Có ít nhất 25% diện tích là cây xanh; giao thông, hạ tầng dịch vụ được dùng chung và tối thiểu 90% doanh nghiệp trong KCN có nhận thức về các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP); tối thiểu 20% doanh nghiệp trong KCN áp dụng các giải pháp RECP; ít nhất 10% doanh nghiệp trong KCN có kế hoạch tham gia các liên kết cộng sinh công nghiệp... Tuy nhiên, Nghị định 82 lại không có định nghĩa và tiêu chí đánh giá về KCN sạch.

Trong khi đó, xu hướng đầu tư KCN sạch đang xuất hiện ồ ạt tại nhiều tỉnh, thành phố. Để khuyến khích mô hình này phát triển đúng hướng, thiết nghĩ cần có định nghĩa và một khung pháp lý hoàn chỉnh. 

Với mong muốn đưa ra nhiều góc nhìn nghiên cứu, Reatimes khởi đăng tuyến bài Có hay không khái niệm "Khu công nghiệp sạch"?

Trân trọng giới thiệu với độc giả!

Tại Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành ngày 22/3/2018, Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước vào năm 2030.

Để đạt được mục tiêu đó, việc hình thành, phát triển các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất, khu kinh tế được coi là một trong những động lực chính thúc đẩy.

Tính đến hết năm 2018, toàn quốc đã có 326 KCN được thành lập, thu hút hơn 15.000 dự án đầu tư với số vốn đăng ký đạt 970 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước và hơn 145 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Đây là những đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội cũng như thúc đẩy ngoại giao với các nước trên thế giới. 

Tuy nhiên, thực trạng hệ thống các KCN hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, ảnh hưởng tới tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững. Cụ thể về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, số nhà máy xử lý nước thải trong KCN mới đạt 88%, thấp hơn so với chỉ tiêu đặt ra năm 2020 là 100%. Tại nhiều địa phương, các quy định về môi trường, công nghệ còn lỏng lẻo, tiêu chí “lấp đầy” được đặt lên hàng đầu để giải quyết lao động thất nghiệp. Hệ thống công viên tập trung, cây xanh cách ly, chủng loại cây bố trí trong KCN, nhà máy chưa hợp lý, hạn chế tác dụng điều hòa không khí và cảnh quan. Ngoài ra, việc xây dựng mô hình KCN sinh thái hướng tới KCN bền vững còn rất ít.

KCN Ô nhiễm
Hệ thống các KCN hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, ảnh hưởng tới tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững. (Ảnh minh hoạ: Internet)

Trước thực trạng đó, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc đổi mới, tái cấu trúc và hoàn thiện mô hình các KCN nhằm bắt kịp với xu thế toàn cầu là vô cùng cần thiết. Phát triển các KCN phải đảm bảo hài hòa lợi ích, lâu dài, lấy hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững làm mục tiêu cao nhất.

Như nhiều chuyên gia nhận định, đây chính là mục đích hướng tới của nước ta trong hiện tại và tương lai, là mục tiêu đầy gian nan nhưng cần phải thực hiện và thực hiện có hiệu quả.

Nắm bắt định hướng và nhu cầu thực tiễn, nhiều nhà đầu tư đã bám vào một khái niệm thậm chí còn chưa ra đời mang tên khu công nghiệp sạch để "hiên ngang" hưởng lợi. Còn thực tế, sạch hay không sạch, sạch như thế nào thì chưa có bất cứ một quy chuẩn nào để đối chiếu, kiểm chứng.

Để có cái nhìn khách quan về vấn đề này, Reatimes đã có cuộc trò chuyện với luật sư Lê Văn Hồi, Giám đốc điều hành Công ty Luật My Way.

Đánh tráo khái niệm, khu công nghiệp sạch tự do ra đời

PV: Hiện nay trong luật đã có quy định nào về khái niệm KCN sạch hay chưa, thưa luật sư?

Luật sư Lê Văn Hồi: Theo định nghĩa về KCN tại Nghị định 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 (Nghị định 82) quy định về quản lý KCN và Khu kinh tế, KCN là khu vực có ranh giới địa lý xác định, chuyên sản xuất hàng công nghiệp và thực hiện dịch vụ cho sản xuất công nghiệp, được thành lập theo điều kiện, trình tự và thủ tục quy định tại Nghị định này.  

Căn cứ vào đặc điểm, mục đích hình thành và phát triển hiện nay mà các KCN được chia thành nhiều loại khác nhau như KCN chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, KCN sinh thái…

Tuy nhiên, để nói về thuật ngữ khu công nghiệp sạch thì hiện nay, tại các văn bản quy phạm pháp luật chưa có bất cứ một quy định cụ thể nào. 

Luật sư Lê Văn Hồi
Luật sư Lê Văn Hồi, Giám đốc điều hành Công ty Luật My Way

PV: Vậy trong khi pháp luật chưa có quy định rõ ràng về KCN sạch, trường hợp một số dự án loại này được cấp phép sẽ triển khai dựa trên hệ quy chiếu gì?

Luật sư Lê Văn Hồi: Hiện nay, KCN sạch vẫn là một khái niệm mới, chưa có trong luật hay các văn bản hướng dẫn liên quan. Khi chưa có một sự rõ ràng trong pháp luật mà đã cấp phép triển khai là sai so với quy định.

Chưa có một khái niệm hay định nghĩa nào về KCN sạch thì càng không có một hệ quy chiếu cụ thể nào để khẳng định sạch hay không sạch và sạch như thế nào.

Có thể đó là tình trạng các cá nhân, tổ chức đang "đánh đồng" rằng quy định về KCN sinh thái chính là quy định về KCN sạch. Và bởi vậy, dẫn đến việc sử dụng các tiêu chí của KCN sinh thái để đánh giá các KCN sạch.

Cụ thể, tại Nghị định 82 có quy định, KCN sinh thái là khu công nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp trong khu công nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên, có sự liên kết, hợp tác trong sản xuất để thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường, xã hội của các doanh nghiệp.

Ngoài ra, cũng theo Nghị định 82, một KCN được coi là KCN sinh thái phải đạt các tiêu chí như: Tối thiểu 90% doanh nghiệp trong KCN có nhận thức về sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn; Có tối thiểu 20% doanh nghiệp trong KCN áp dụng các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, đổi mới, cải tiến phương pháp quản lý và công nghệ sản xuất để giảm chất thải, chất gây ô nhiễm, tái sử dụng chất thải và phế liệu; Dành tối thiểu 25% diện tích đất KCN cho các công trình cây xanh, giao thông, các hạ tầng dịch vụ dùng chung theo quy chuẩn xây dựng của Bộ Xây dựng; Thực hiện ít nhất 01 liên kết cộng sinh công nghiệp và ít nhất 10% tổng số doanh nghiệp trong KCN có kế hoạch tham gia các liên kết cộng sinh công nghiệp…

Như vậy, trong quy định về KCN sinh thái cũng đã nhắc nhiều đến các yếu tố sạch, sạch hơn. Do đó, có thể nhiều cá nhân, tổ chức đã lợi dụng, dựa vào những quy định về KCN sinh thái để tạo nên một khái niệm mới mang tên KCN sạch. Tuy nhiên, chất lượng như thế nào, có đảm bảo đúng các yêu cầu về một KCN sinh thái hay chưa thì điều đó lại khó có thể đảm bảo.

KCN sinh thái
Xây dựng mô hình KCN sinh thái hướng tới KCN bền vững ở Việt Nam còn rất hạn chế. (Ảnh minh hoạ: Internet)

PV: Liệu đây có được xem là đánh tráo khái niệm giữa KCN sinh thái thành KCN sạch hay không, thưa Luật sư?

Luật sư Lê Văn Hồi: Đúng vậy, việc sử dụng thuật ngữ KCN sạch thay cho KCN sinh thái là một sự đánh tráo khái niệm. 

Theo quy định tại Nghị định 82, mục tiêu phát triển KCN sinh thái là: 

(i) Nâng cao hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp trong khu công nghiệp thông qua việc áp dụng các biện pháp sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên và xây dựng mối liên kết cộng sinh công nghiệp;

(ii) Nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường trong và xung quanh khu công nghiệp thông qua việc giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm và chất thải, khuyến khích sử dụng công nghệ sạch, các phương pháp sản xuất sạch hơn, thân thiện với môi trường; 

(iii) Hình thành cộng đồng doanh nghiệp trong khu công nghiệp có sức cạnh tranh trên thị trường, bảo vệ và phát triển môi trường sống cho cộng đồng xung quanh khu công nghiệp, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Đi từ khái niệm ở trên và mục tiêu phát triển của KCN sinh thái, dường như các quy định về KCN sinh thái đã giải quyết được tiêu chí xanh và sạch, hướng đến tạo nên một hệ sinh thái bền vững nên có rất nhiều người nhầm lẫn khái niệm này với khái niệm về một KCN sạch. Từ đó dẫn đến hiện tượng đánh tráo khái niệm. 

Tuy vậy, sinh thái vẫn là sinh thái và sạch vẫn là sạch. Đặc biệt, pháp luật chỉ quy định về KCN sinh thái nên chúng ta không được phép sử dụng bất cứ một thuật ngữ nào khác thay thế cho thuật ngữ này.

Thị trường nhốn nháo, đánh giá giữa các KCN thiếu công bằng

PV: Xây dựng KCN sạch là một xu hướng không thể đảo ngược, tuy nhiên, khi pháp luật chưa quy định rõ ràng mà ồ ạt triển khai các KCN sạch, hệ lụy gì có thể xảy ra?

Luật sư Lê Văn Hồi: Xu hướng phát triển công nghiệp những năm gần đây, bên cạnh việc nâng cao hiệu quả kinh tế còn tập trung vào 2 mục tiêu chính là hạn chế phát thải khí CO2, hóa chất độc hại từ các KCN, khu chế xuất ra ngoài môi trường và nghiên cứu phát triển các nguồn năng lượng mới, máy móc kỹ thuật mới thân thiện với môi trường. Do đó, mô hình KCN sạch sẽ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững nói chung của ngành công nghiệp trong tương lai.

Như vậy có thể thấy, các KCN sạch là đích đến mà Nhà nước và người dân mong đợi. Tuy nhiên, không có nghĩa là lợi dụng sự mong muốn của dân chúng để “đi tắt đón đầu” nhằm hưởng những ưu đãi đầu tư. Bởi vì, khi chưa có một quy định nào về KCN sạch hay nói cách khác, thuật ngữ khu công nghiệp sạch chưa được ra đời thì việc lợi dụng và sử dụng nó sẽ dễ gây ra nhiều hệ luỵ. 

Hệ luỵ đầu tiên chúng ta có thể dễ dàng hình dung đó là sự phát triển ồ ạt của các KCN có gắn mác là sạch. Thực tế hiện nay cũng đã có nhiều KCN lớn hình thành có gắn mác là KCN sạch. Đơn cử, gần đây nhất có KCN sạch Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội) được thành lập theo Quyết định số 2216/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội ngày 18/5/2021. Gắn mác sạch nhưng có thực sự sạch hay không và sạch theo quy chuẩn nào thì lại chưa rõ ràng.

Thứ hai, khi chưa có khung pháp lý để làm rõ khái niệm, mục tiêu và phương thức đánh giá về KCN thế nào là sạch mà đã cấp phép triển khai xây dựng sẽ gây ra chuỗi nhầm lẫn trong các cách hiểu dẫn đến hiểu sai, hiểu chưa đúng giữa sạch và sinh thái, đánh đồng các khái niệm giống nhau.

Đặc biệt, nó sẽ tạo ra sự không công bằng khi đánh giá giữa các KCN. Bởi một KCN sạch sẽ khác một KCN đơn thuần và một KCN ô nhiễm. Khi mang tên là KCN sạch chắc chắn sẽ được hưởng nhiều ưu đãi về vốn đầu tư, thuế suất, các chính sách ưu tiên… 

Chúng ta có thể hình dung, khi gắn mác là KCN sạch, hiển nhiên sẽ dễ dàng có những vị trí thuận tiện, có thể là gần trung tâm thành phố phục vụ tốt cho quá trình vận chuyển hàng hoá hay gần các khu dân cư để thu hút được lượng lớn người lao động… Chung quy, các nhà đầu tư, doanh nghiệp chính là những người hưởng lợi.

Cuối cùng, không loại trừ khả năng, các cá nhân, tổ chức lợi dụng câu chuyện KCN sạch để tăng, thổi giá, gây nhiễu loạn thị trường hay nâng giá trị sản phẩm. Khi anh sạch, anh sẽ trở nên có quyền và có giá, những thứ anh sản xuất ra cũng sẽ chiếm được lòng tin của người dân, bán ra dễ dàng.

Trước những hệ luỵ trên, cần phải nhanh chóng có những chính sách cụ thể và bắt buộc các KCN đang và sẽ được xem là KCN sạch phải sử dụng công nghệ cao và đảm bảo yếu tố xanh, sạch, bảo vệ môi trường. Đồng thời cần thống nhất về khái niệm và tạo ra một mô hình KCN hoàn chỉnh, phù hợp và có khung pháp lý điều chỉnh. Nếu Nhà nước muốn tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức xây dựng nên những KCN sạch thì trước hết cần có quy định rõ ràng và hệ quy chiếu cụ thể. Có như vậy, các KCN mới “sạch” đúng nghĩa.

PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của luật sư!

Pháp luật chúng ta đã quy định rất rõ về KCN tại Nghị định 82 hay Luật Đầu tư. Tuy nhiên, trong các quy định đó, chưa có một quy định cũng như định nghĩa nào về KCN sạch, có chăng cũng chỉ là các khái niệm về công nghiệp sạch, công trình xanh…

Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đều nói rất “hay” về kế hoạch xây dựng một KCN sạch, nhưng thực tế, phần lớn những KCN ấy đều triển khai sai so với quy hoạch ban đầu. Hầu hết, chỉ sạch "đầu miệng" chứ bên trong đều vượt quá các chỉ số ô nhiễm, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống các khu dân cư xung quanh.

Ngoài ra, trong đợt thanh tra vừa rồi tại TP.HCM đã cho kết quả rằng, hiện nay tình trạng lãng phí đất đai đang diễn ra vô cùng lớn trong các KCN mang tên sạch. Bởi những phần đất được cấp phép để triển khai trồng cây xanh, xử lý rác thải, xử lý nước thải đều không được sử dụng. Đơn cử như KCN Bình Phước, KCN Tân Bình.

Khi chưa có một quy định pháp luật cụ thể về KCN sạch mà đã ồ ạt cấp phép triển khai sẽ phá vỡ đi tầm nhìn của nhà đầu tư, doanh nghiệp, phá vỡ đi sự công bằng của thị trường. Từ sự thiếu công bằng, các nhà đầu tư sẽ “học đòi” theo nhau. Anh “sạch” thì tôi cũng “sạch” dẫn đến thị trường nhốn nháo.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top