Aa

Thiếu quy chuẩn rõ ràng về khu công nghiệp sạch: Lợi bất cập hại, thị trường nhiễu loạn

Nguyên Hà - Thương Thương
Nguyên Hà - Thương Thương lienlien.media@gmail.com
Thứ Sáu, 16/07/2021 - 10:27

Theo chuyên gia, khái niệm khu công nghiệp sạch đang thiếu tiêu chuẩn rõ ràng và quy định cụ thể trong văn bản pháp luật, dẫn đến lợi bất cập hại, nhà đầu tư có thể "đục nước béo cò", công tác quản lý khó khăn.

Lời tòa soạn:

Tính đến hiện tại, cả nước có 370 KCN được thành lập (bao gồm 328 KCN nằm ngoài các KKT, 34 KCN nằm trong các KKT ven biển, 8 KCN nằm trong các KKT cửa khẩu) với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 115,2 nghìn hecta. 

Điều này đóng góp tích cực vào tăng trưởng và phát triển của Việt Nam, thông qua việc thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; khơi dậy và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong nước, bổ sung nguồn vốn quan trọng trong tổng vốn đầu tư xã hội; gia tăng kim ngạch xuất khẩu, góp phần mở rộng thị trường quốc tế, thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu; gia tăng nguồn thu ngân sách và tạo việc làm...

Tuy nhiên, KCN của Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức về môi trường, đòi hỏi phải có sự điều chỉnh và xây dựng mô hình phát triển bền vững hơn. Theo đó, việc phát triển KCN sạch, KCN sinh thái là hướng đi tất yếu.

Theo Nghị định 82, một KCN được coi là KCN sinh thái phải đạt các tiêu chí như: Có ít nhất 25% diện tích là cây xanh; giao thông, hạ tầng dịch vụ được dùng chung và tối thiểu 90% doanh nghiệp trong KCN có nhận thức về các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP); tối thiểu 20% doanh nghiệp trong KCN áp dụng các giải pháp RECP; ít nhất 10% doanh nghiệp trong KCN có kế hoạch tham gia các liên kết cộng sinh công nghiệp... Tuy nhiên, Nghị định 82 lại không có định nghĩa và tiêu chí đánh giá về KCN sạch.

Trong khi đó, xu hướng đầu tư KCN sạch đang xuất hiện ồ ạt tại nhiều tỉnh, thành phố. Để khuyến khích mô hình này phát triển đúng hướng, thiết nghĩ cần có định nghĩa và một khung pháp lý hoàn chỉnh. 

Với mong muốn đưa ra nhiều góc nhìn nghiên cứu, Reatimes khởi đăng tuyến bài Có hay không khái niệm "Khu công nghiệp sạch"?

Trân trọng giới thiệu với độc giả!

Từ "sản xuất sạch hơn" đến "khu công nghiệp sạch"

Trong suốt một thời gian dài thực hiện công nghiệp hóa, sự ra đời và hoạt động của hàng trăm khu công nghiệp trên cả nước dù đem đến hiệu quả lớn về kinh tế - xã hội nhưng lại trở thành “khắc tinh” của môi trường. Do vậy, dù về lý thuyết, công nghiệp hóa phải gắn liền với đô thị hóa, nhưng thực tế không một người dân nào muốn ở cạnh các khu công nghiệp. Bởi nhắc đến khu công nghiệp là nhắc đến ô nhiễm, khói bụi, bệnh tật… Nhiều khu công nghiệp buộc phải tách biệt ra khỏi khu dân cư, dù vậy, cũng không giảm thiểu được tác động xấu đến môi trường.

Báo cáo giám sát của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho thấy, tỷ lệ các khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung ở một số địa phương rất thấp, có nơi chỉ đạt 15 - 20%. Một số khu công nghiệp có xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng hầu như không vận hành vì để giảm chi phí. Bình quân mỗi ngày các khu, cụm, điểm công nghiệp thải ra hàng chục nghìn tấn chất thải rắn, lỏng, khí và chất thải độc hại khác.

Ô nhiễm không khí cũng là một vấn nạn đáng lo ngại. Ở các khu công nghiệp, chủ yếu tập trung tại các khu công nghiệp cũ sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu hoặc chưa được đầu tư hệ thống xử lý khí thải trước khi thải ra môi trường. Tại các khu công nghiệp này, ô nhiễm chủ yếu là bụi, một số khu công nghiệp có biểu hiện ô nhiễm CO2, SO2…

Các chuyên gia môi trường cảnh báo, nhiều loại khí khác có ảnh hưởng tới sức khỏe con người mà không ngửi thấy bằng khứu giác đang tồn tại phổ biến ở các khu công nghiệp hiện nay. 

Bên cạnh đó, hiệu quả sử dụng năng lượng của các khu công nghiệp còn thấp. So với các quốc gia trong khu vực như Philipines, Thái Lan và Malaysia, Việt Nam tiêu tốn năng lượng nhiều hơn gấp đôi các nước khác để sản sinh ra cùng một đơn vị giá trị gia tăng.

khu công nghiệp gây ô nhiễm
Các khu công nghiệp truyền thống đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. (Ảnh minh họa)

Từ những năm 2000, Việt Nam đã ký Tuyên ngôn quốc tế về sản xuất sạch hơn, qua đó khẳng định lại sự cam kết của Việt Nam về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Chương trình Sản xuất sạch hơn do Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) khởi xướng được một số doanh nghiệp ở Việt Nam áp dụng đã mang lại nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp và môi trường.

Theo UNEP, sản xuất sạch hơn là việc áp dụng liên tục chiến lược phòng ngừa tổng hợp về môi trường vào các quá trình sản xuất, sản phẩm, dịch vụ nhằm nâng cao hiệu suất sinh thái và giảm thiểu rủi ro cho con người cũng như môi trường. Mục tiêu của sản xuất sạch hơn là tránh ô nhiễm bằng cách sử dụng tài nguyên, nguyên vật liệu và năng lượng một cách có hiệu quả nhất. Khác với xử lý cuối đường ống là làm giảm tải lượng ô nhiễm nhưng không tái sử dụng được phần nguyên vật liệu đã mất đi, sản xuất sạch hơn tái sử dụng được phần nguyên liệu đã mất đi vào thành phẩm. Vì thế sản xuất sạch hơn vừa giảm thiểu chất thải và phòng ngừa ô nhiễm, mang lại các lợi ích kinh tế song song với giảm tải lượng ô nhiễm.

Tuy nhiên, vấn đề sản xuất sạch hơn ở nước ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà khiến tình trạng ô nhiễm tại các khu công nghiệp vẫn gia tăng.

Sau gần 2 thập kỷ triển khai chương trình “sản xuất sạch hơn” chưa hiệu quả, gần đây, trên thị trường đã xuất hiện loại hình dự án xây dựng hạ tầng khu công nghiệp gắn liền với tên gọi “khu công nghiệp sạch”. Khái niệm “khu công nghiệp sạch” như một lời khẳng định khu công nghiệp không còn “bẩn”, loại bỏ được các tác động xấu tới môi trường. Từ “sản xuất sạch hơn” đến “khu công nghiệp sạch”, tất cả đều hướng đến một mục đích duy nhất là phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, rửa vết nhơ ô nhiễm cho các khu công nghiệp trong hàng chục năm qua. Như vậy, dù sớm hay muộn, “khu công nghiệp sạch” sẽ là hướng phát triển tất yếu, thậm chí hướng tới 100% các khu công nghiệp đều cần phải “sạch”.

Nói để thấy, các khu công nghiệp sạch có lẽ sẽ rất được người dân mong chờ. Và để thu hút đầu tư vào khu công nghiệp sạch cũng cần có những giải pháp căn cơ, không loại trừ phải có ưu tiên, ưu đãi. Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại, khu công nghiệp sạch vẫn là “đứa con” chưa được khai sinh, chưa có trong các quy định pháp luật. Vậy dựa vào đâu để biết được khu công nghiệp nào thực sự “sạch”, khu công nghiệp nào không sạch hay chỉ dựa vào tên gọi? Và một “khu công nghiệp sạch” sẽ phải sạch từ đâu, sạch như thế nào? Tất cả vẫn còn đang rất mơ hồ.

Thiếu "áo choàng" pháp lý, lợi ích nhóm dễ hoành hành

“Hiện nay, chúng ta có khái niệm như thế nào là "sạch" nhưng chưa có khái niệm về "khu công nghiệp sạch" và cụ thể trong pháp luật cũng chưa có quy định về khái niệm này. Tôi nghĩ đó chỉ là cách diễn đạt thường ngày tương tự như du lịch không khói, công nghiệp không khói, công nghiệp xanh hay tín dụng xanh…”, Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc công ty Luật ANVI khẳng định.

Theo vị chuyên gia, khi chưa có một khái niệm về khu công nghiệp sạch mà đã có những cấp phép triển khai xây dựng các dự án mang tên khu công nghiệp sạch có thể là dựa trên các mặt hàng, lĩnh vực sản xuất của khu công nghiệp đó và mức độ ảnh hưởng của khu công nghiệp đến môi trường, như ít ô nhiễm, cảnh quan khu công nghiệp có các yếu tố xanh…

Tuy nhiên, khi cấp phép bất cứ một dự án nào cũng cần có những quy định về luật pháp cụ thể, các tiêu chí rõ ràng. Hiện khu công nghiệp sạch chưa có quy định pháp lý cụ thể để điều chỉnh, nếu cho triển khai các dự án có tên như vậy sẽ dẫn đến rất nhiều bất cập. Đơn cử như, doanh nghiệp có thể xin cấp phép đầu tư dự án chỉ để nhằm mục đích hưởng các ưu đãi về thuế, đất đai. Còn thực tế có triển khai khu công nghiệp sạch hay không thì rất khó kiểm soát, vì không có quy định ràng buộc nào, và cũng không biết dựa vào đâu để đánh giá khu công nghiệp đó sạch hay không sạch.

Luật sư Trương Thanh Đức
Luật sư Trương Thanh Đức

“Để là một khu công nghiệp “sạch” thì cần phải sạch trong các tiêu chí xác định và được xét trong tổng thể. Có thể là sạch ngay từ trong vị trí xây dựng khu công nghiệp. Đơn cử như nó phải đảm bảo xa trung tâm thành phố, không gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân, có các chỉ số về chất thải ra môi trường đảm bảo, không vượt quá mức ô nhiễm…

Cụ thể như một nhà máy chăn nuôi không thể xây dựng bên cạnh một con sông để lấy nước cho Thủ đô Hà Nội như một số trường hợp vừa xảy ra. Mặc dù, nhà máy này xét với các nhà máy khác là sạch hơn nhiều nhưng lại ở vị trí lấy nguồn nước ăn cho người dân thì sẽ trở thành bẩn.

Bên cạnh đó, gọi là dự án xây dựng hạ tầng khu công nghiệp sạch nhưng xây xong chủ đầu tư cho doanh nghiệp nào thuê, doanh nghiệp đó có đảm bảo được quy trình sản xuất sạch không, ai kiểm tra việc đó, hay chủ đầu tư làm xong rồi, giá đất, giá thuê đẩy cao nên muốn cho doanh nghiệp nào thuê cũng được và sản xuất gì cũng được? Khi không có quy định cụ thể, quy trình triển khai và các ràng buộc rõ ràng thì tất cả sẽ rất mơ hồ. Cuối cùng, khi khu công nghiệp đó được lấp đầy thì cũng chẳng biết là sạch hay không sạch”, Luật sư Trương Thanh Đức nêu vấn đề.

Cũng theo vị luật sư, hiện trong các quy định của pháp luật chỉ có khái niệm khu công nghiệp sinh thái, và một trong các yếu tố để cấu thành một khu công nghiệp sinh thái là “sạch”. Vậy tại sao không sử dụng khái niệm khu công nghiệp sinh thái để cấp phép dự án mà lại sử dụng “khu công nghiệp sạch” - một khái niệm chưa có bất kỳ hệ quy chiếu nào. Liệu có sự nhập nhèm ở đây hay không?

“Theo luật quy định, khu công nghiệp sinh thái là các khu công nghiệp trong đó có các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên, có sự liên kết hợp tác sản xuất để thực hiện hoạt động cộng sinh nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế môi trường, xã hội của các doanh nghiệp.

Như vậy, khu công nghiệp sinh thái ở đây vừa phải đảm bảo yếu tố sạch hơn vừa cần đảm bảo yếu tố liên kết giống như một hệ sinh thái. Vì vậy không thể thay thế hay nói cách khác là đánh tráo khái niệm khu công nghiệp sạch thành khu công nghiệp sinh thái được”, vị chuyên gia khẳng định.

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, đánh giá bất kỳ một khu công nghiệp nào cũng cần dựa trên cở sở pháp lý, cần có sự định lượng rõ ràng chứ không thể dựa trên sự định tính một cách chủ quan.

Theo đó, khi chưa có một quy định cụ thể nào về khu công nghiệp sạch mà ồ ạt triển khai xây dựng sẽ gây ra sự nhầm lẫn, tốt xấu lẫn lộn. Thứ hai là dễ dàng giúp các nhóm lợi ích hưởng các chế độ thuế hay những lợi ích khác về đất đai. Trước những ám ảnh của người dân về ô nhiễm do khu công nghiệp gây ra, một khu công nghiệp được gắn chữ “sạch” vào tên gọi cũng sẽ được quan tâm hơn rất nhiều. Có thể nhờ đó mà giá bất động sản khu vực tăng lên, giá thuê đất, nhà xưởng của khu công nghiệp cũng tăng lên.

“Việc nhập nhèm khái niệm có thể nhằm đánh lừa thị trường, đánh lừa người tiêu dùng để nâng giá trị sản phẩm. Hiện nay, cả thế giới đang hướng đến sản xuất sạch, lao động sạch, môi trường sạch vì vậy khu công nghiệp được gắn mác sạch sẽ thuận lợi rất nhiều trong việc thu hút đầu tư, sản xuất và lưu thông hàng hoá. Do đó, nếu không có những quy chuẩn, tiêu chuẩn rõ ràng và quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật thì sẽ dẫn đến lợi bất cập hại. Không ít nhà đầu tư sẽ "đục nước béo cò". Công tác quản lý vì thế cũng sẽ rất khó khăn”, luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh.

Khu công nghiệp sinh thái
Cần thiết kế mô hình khu công nghiệp phù hợp, đảm bảo yếu tố sạch và sinh thái. (Ảnh minh họa)

Các chuyên gia đánh giá, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước không thể thiếu mục tiêu “công nghiệp hóa sạch” trong chiến lược phát triển bền vững.

Do đó, cần xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và cơ chế chính sách để thúc đẩy quá trình thay thế công nghệ sản xuất lạc hậu, tốn nhiều năng lượng, nguyên liệu bằng những công nghệ tiên tiến, hiện đại và thân thiện với môi trường. Đồng thời, xây dựng các tiêu chuẩn và nguyên tắc đối với sản xuất sạch phù hợp với trình độ phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, ban hành một số chế tài buộc các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh quy mô lớn và vừa phải thiết lập các hệ thống tự quan trắc, giám sát về môi trường để cung cấp thông tin về chất thải và mức độ ô nhiễm tại các khu công nghiệp do các hoạt động sản xuất của doanh nghiệp gây nên.

Việt Nam đang có nhiều lợi thế trên hành trình “dọn tổ đón đại bàng” FDI. Để thực sự đón được dòng FDI chất lượng, việc làm sạch “chiếc tổ” cũng là điều quan trọng. Khi thế giới đang hướng đến sản xuất sạch và sinh thái, tất yếu Việt Nam cũng không thể nằm ngoài vòng xoáy đó. Nhưng để không bỏ lỡ cơ hội, cần sớm hoàn thiện các quy định pháp lý liên quan, để đảm bảo 100% các khu công nghiệp đều sạch và sinh thái, loại bỏ các khu công nghiệp gây ô nhiễm và kém chất lượng, hạ tầng không đồng bộ./.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng Khu công nghiệp sinh thái, doanh nghiệp sinh thái.

Theo đó, dự thảo nêu rõ về tiêu chí xác định Khu công nghiệp sinh thái gồm: Xác nhận doanh nghiệp có nhận thức và áp dụng các giải pháp về sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn.

Giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn trong Khu công nghiệp quy định tại Khoản 3, Điều 42 Nghị định số 82/2018/NĐ-CP gồm: Các giải pháp giảm chất thải tại nguồn: Quản lý nội vi và kiểm soát quy trình sản xuất của doanh nghiệp nhằm tối ưu hóa việc sử dụng nguyên liệu và giảm thiểu chất thải trong sản xuất; thay đổi nguyên liệu nhằm đạt được hiệu quả kinh tế và môi trường; cải tiến, thay thế thiết bị, dây chuyền, công nghệ để giảm tổn thất và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Các giải pháp tuần hoàn: Thu gom và tái sử dụng chất thải, phế liệu trong nội bộ doanh nghiệp; thu gom và xử lý các chất thải, phế liệu để tạo ra sản phẩm mới trong nội bộ doanh nghiệp hoặc trao đổi, kinh doanh với các cơ sở sản xuất khác.

Các giải pháp thay đổi sản phẩm: Cải thiện chất lượng sản phẩm để giảm tác động đến môi trường thông qua đổi mới sản phẩm, cải tiến bao bì, thiết kế của sản phẩm.

Theo các chuyên gia, việc sửa đổi Nghị định 82 tới đây, cần hoàn thiện thêm các quy định về khu công nghiệp sạch và các tiêu chí liên quan. Mặt khác, cần thống nhất xây dựng và phát triển một mô hình khu công nghiệp, cụm công nghiệp để tránh nhập nhèm và dễ dàng hơn trong việc giám sát, quản lý, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top