Aa

Gặp lại Cà Hoa

Thứ Năm, 22/04/2021 - 07:00

Thế rồi thốt nhiên, tôi gặp lại Cà Hoa trên ti vi. Giữa cái phóng sự, có một đoạn phỏng vấn một nữ lãnh đạo tỉnh. Tôi nhìn thấy mặt người đã có nét quen quen rồi, nghe tiếng nói, lại càng thấy quen hơn...

Năm 1992, trên đường đi kiếm sống, tôi đến Thị xã Cao Bằng.

Kể từ năm 1989, tôi vào học Trường Viết văn Nguyễn Du (khóa IV) cùng với nhiều danh tài văn chương như Tạ Duy Anh, Vũ Hữu Sự, Nguyễn Lương Ngọc, Dương Thuấn, Nguyễn Bình Phương, Y Ban, Bích Ngân, Võ Thị Xuân Hà, Thùy Dương, Dư Thị Hoàn, Vũ Hữu Trường Điền, Lê Mạnh Tuấn… Tôi được phân chân Lớp phó, có uy tín, thành ra hơi... lạm dụng, khi nào về học thì chu đáo với lớp, hết lòng vì công việc chung, còn hở ra, có điều kiện là lao đi kiếm sống.

Một trong các kế sinh nhai hồi đó là thuê các bản phim nhựa mang đi các tỉnh, hợp đồng với các công ty chiếu bóng, bán vé, chiếu phim, rồi chia tiền lãi. Cũng chả đáng là bao nhiêu, mỗi cuộc chiếu phim có khoảng độ một, hai trăm người xem, trong rạp hay ngoài bãi, vé bán rẻ như mời, chi phí tiền tàu xe, ăn ngủ này khác, nếu không trục trặc, một buổi chiếu được độ vài chục bạc. Cái chuyện đi chiếu phim này hay, nhiều chuyện cười ra nước mắt, thế nào tôi cũng có dịp kể lại.

Lần ấy lên Cao Bằng thì gặp mưa liên tiếp. Cả thị xã có một rạp chiếu phim, chiếu một buổi là hết khách, đang tính ra gỡ gạc chiếu thêm ngoài bãi hay về huyện. Nhưng mưa, đành ngồi ôm phim. Ôm phim thì phải trả tiền thuê theo ngày, không chiếu được thì lỗ, bay mất vốn, quay về thì tiếc công đi xa, nhiêu khê cách trở. Rồi không chịu nổi, định sáng hôm sau về.

Đêm ấy, ti vi đưa hình ảnh phóng sự về cơn lũ quét lịch sử xảy ra ở Thị xã Sơn La. Suối Nậm La dềnh lên đỏ khé, cuồn cuộn. Nước lũ mênh mông, thoắt một cái, đã phủ ngập cả một dãy các cánh đồng tuổi thơ tôi ở vùng Phiêng Ngùa, bản Tông, Nà Mường, bản Hụm, bản Sẳng, Phiêng Hay… Nhà cửa, cây cối, vườn tược tan hoang, trâu bò gà lợn trôi theo lũ dữ. Có cả người chết...

Thế rồi thốt nhiên, tôi gặp lại Cà Hoa trên ti vi. Giữa cái phóng sự, có một đoạn phỏng vấn một nữ lãnh đạo tỉnh. Tôi nhìn thấy mặt người đã có nét quen quen rồi, nghe tiếng nói, lại càng thấy quen hơn... Một lát sau, hiện lên bảng chữ ghi "Đồng chí Cà Hoa" kèm theo chức vụ. Ôi chao, đã lên "đồng chí" rồi cơ đấy. Lại nhớ đã từng nghe gọi, em Cà Hoa, bạn Cà Hoa, chị Cà Hoa, giờ là đồng chí Cà Hoa.

 

Tôi vốn hay dị ứng với từ "đồng chí". Nhưng lúc ấy lại không. Trước đấy, đã từng có ý lạnh lùng, trách giận Cà Hoa, người bạn gái tuổi hoa niên gắn bó nơi bản nhỏ, giờ không trách giận nữa mà lại trách giận mình. Nghĩ tới mọi người ở miền đất cũ mình đã từng sống bao nhiêu năm, giờ đang phải vật lộn với thiên tai, mà thương quá, nên càng trách giận mình, sao bỏ miền đất cũ ấy mà đi. Rồi còn lang thang kiếm sống, bòn từng đồng bạc lẻ, chả ra sao cả. Giá như mình vẫn đang ở miền rừng núi ấy, thì hẳn là đã khác. 

Sau đó thì nằm mãi mà không ngủ được trong tiếng mưa rơi rả rích, triền miên. Trong ký ức cứ hiện lên những hình ảnh miền Tây Bắc: Ngôi nhà nơi góc rừng bản nhỏ, triền lau trắng phơ phất trước màu xanh thẳm của đại ngàn, hoa đào đỏ rực vạt rừng xuân, tiếng con dế già ngân vang trên bờ ruộng cũ, con dao rừng bị bỏ quên không tìm lại được... Và tôi ngồi dậy, viết một mạch xong bài thơ, đặt tên là “Nhớ Tây Bắc”.

Sáng hôm sau, chia tay Cao Bằng, chỉ đủ tiền gom mua vé xe về xuôi. Nhà văn Cao Duy Sơn, bạn đồng môn Trường Viết văn Nguyễn Du với tôi, người Tày Cao Bằng, khi ấy cũng vừa hồi hương, chuẩn bị nhận chân Chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh do nhà thơ Y Phương để lại khi xuống núi. Cao Duy Sơn cám cảnh, đãi tôi bữa ăn sáng, chia tay. Ngồi trong quán ăn tồi tàn, giữa âm u mưa dài, tôi đọc cho Cao Duy Sơn nghe bài thơ vừa mới viết trong đêm. Mặt Sơn bừng sáng lên...

Bài thơ sau đó đã in lần đầu tiên trên báo Nhân Dân và in nhiều lần nữa, ở nhiều nơi. Trong các cuộc giao lưu, tôi hay đọc bài thơ này, bạn bè cũng nhắc nhiều khi nói về thơ tôi.

Giờ tôi viết lại nó ở đây, chị Cà Hoa có đọc được, thì như là xin gửi tới chị lời cảm ơn. Chị là một tác nhân quan trọng cho tôi viết bài thơ này đấy:

NHỚ TÂY BẮC

Hiu hắt nhớ những triền rừng Tây Bắc

Những lau già bạc trắng thuở ta trai

Những chiều bản mờ sương không trở lại

Em vẫn cầm lời hẹn chờ ta…

Nhà cũ của ta nơi góc rừng bản nhỏ

Hoa đào xuân thắm đỏ đợi ta về

Lụt đã trôi đồng Nà Mường, bản Sẳng

Con dế già ngày ấy vẫn kêu ran.

Đêm nay gọi ta nhớ về Tây Bắc

Suối Nậm La kỳ ảo ngực em đầy

Con dao rừng ta quên nơi hốc núi

Ánh thép xanh còn mát lạnh tay này!

Thế mà ta đã xa rừng lâu lắm

Hơn mười năm gió cuốn thung dài

Ta sống bạc với rừng như kẻ dại

Để đêm này gió lộng óc ta đau.                  

Ta ăn gạo thị thành như là ăn phải bả

Để trở thành một kẻ chẳng ra sao

Nếu bây giờ trở lại miền Tây Bắc

Em chẳng còn nhận mặt ta đâu?

                              (1992)

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top