Thị trường bất động sản vừa trải qua giai đoạn gần như “đứng hình” do ảnh hưởng bởi chính sách cách ly khi dịch Covid-19 xuất hiện.
Đó là thời điểm thị trường chứng kiến tỷ lệ rao bán, cắt lỗ căn hộ của nhiều nhà đầu tư. Động thái của không ít các nhà đầu tư là chờ giá giảm sẽ xuống tiền để chớp lấy cơ hội “săn” hàng rẻ.
Tuy nhiên, theo các báo cáo từ tổ chức nghiên cứu thị trường bất động sản, mức giá từ các dự án chưa có chiều hướng giảm, nhất là khi nguồn cung đang khan hiếm.
Số liệu thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, giá bán bất động sản đã có chiều hướng gia tăng, dù số lượng bán ra trong mùa dịch sụt giảm do giãn cách xã hội. Tính đến hết quý I/2020, giá căn hộ chung cư tại TP.HCM tăng khoảng 3,5%, trong đó căn hộ cao cấp giá tăng giá 2,75%, căn hộ trung cấp tăng giá 3,72%, căn hộ bình dân tăng giá 3,78% so với cùng kỳ năm trước.
Còn theo thống kê mới nhất của Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam, trong quý I/2020 lượng căn hộ mở bán chính thức tại Hà Nội chỉ đạt 4.600 căn, đến từ 12 dự án, giảm 65% so với quý IV/2019. Bất động sản đứng trước tình trạng khan hàng.
Báo cáo của DKRA cũng ghi nhận, thị trường bất động sản TP.HCM đang chứng kiến tình trạng sụt giảm nghiêm trọng về nguồn cung. Khi nguồn cung khan hiếm, mức giá giảm trên thị trường là điều khó xảy ra.
Ông Nguyễn Hoàng, đại diện DKRA cho hay: “Kể từ cuối năm 2018 - 2019, dù thị trường có suy giảm so với trước đó, nhưng thực tế mức giá không hề giảm mà còn tăng lên một mặt bằng mới do áp lực từ nguồn cung bị giới hạn. Bước sang quý I/2020, do tình hình dịch bệnh, chưa có nhiều dự án mở bán để ghi nhận giao dịch nên mức giá chủ yếu vẫn duy trì như ở quý IV/2019, chưa thể xác định là giảm nên chúng tôi không thể nhận định giá đã xuống đáy hay chưa”.
Ở góc độ khác, TS. Đinh Thế Hiển phân tích: “Mặc dù dịch Covid- 19 làm thu nhập mọi người bị hao hụt, khó khăn nhưng tin thần săn đất vẫn không nguội lạnh. Vấn đề là những người thực sự muốn mua và sẵn tiền thì chưa vội xuống tiền, vì còn nghe ngóng đất xuống. Chính tâm lý này làm người có đất muốn bán nhanh sẽ bị kẹt, dù đưa ra giá cũng mềm. Tình trạng này kéo dài 2, 3 tháng thì một số người sẽ phải giảm 10 - 30% giá tùy loại để bán được hang”.
Ông Hiển cũng cho rằng, đối với những khu vực có xung lực như hạ tầng chuẩn bị xây dựng, dân cư đông, giàu triển vọng mà nhà đầu tư muốn mua thì vẫn chưa thấy xuống như kỳ vọng. Với những khu vực đất như vậy, mức giá sẽ khó rớt quá 10%, thậm chí vẫn đi ngang trước khi tăng giá tiếp.
Nhận định chung về mức giá đầu tư trên thị trường bất động sản 2020, TS. Đinh Thế Hiển chia sẻ: “Thị trường sẽ khó giảm sâu ở diện rộng, mọi phân khúc, mọi ví trí ở mức 20% - 50% như năm 2012. Những vị trí triển vọng mà nhà đầu tư muốn mua thì giá giảm 5% - 10% so với trước Tết là hợp lý. Từ tháng 6 đến tháng 10 là thời điểm sẽ mua được giá tốt, vị trí tốt. Sau khoảng thời gian này, nhà đầu tư có thể khó kiếm hàng tốt.
"Trong mỗi giai đoạn suy thoái, mọi người luôn thấy giá đất cao. Thời điểm hiện nay cũng vậy. Cơ hội không bao giờ là rõ ràng. Mọi người chỉ đổ xô mua khi giá đất đã tăng, cũng như tâm lý chơi chứng khoán”- ông Hiển nhấn mạnh.