PV: Nếu so sánh về giá nhà của Hà Nội và TP.HCM với các thành phố trong khu vực thì bà thấy mức giá có chênh lệch nhiều không?
Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh: So với các nước trong khu vực, giá bất động sản hạng sang tại trung tâm TP.HCM và Hà Nội vẫn tương đối cạnh tranh.
Mức giá trung bình phân khúc hạng sang hiện nay tại TP.HCM là 6.300 USD/m2 và Hà Nội là khoảng 3.500 USD/m2 đều thấp hơn từ 2 - 4 lần so với thị trường Singapore và thấp hơn 40% - 140% so với thị trường Bangkok (Thái Lan).
PV: Mức giá này có tác động gì đến khách mua, nhất là khối ngoại?
Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh: Mức giá bán cạnh tranh này giúp thu hút lượng lớn người mua nước ngoài sau khi luật cho phép người nước ngoài mua nhà từ tháng 7/2015.
Xét về mức tăng giá trị bất động sản, mức tăng phổ biến trong 3 năm qua là 30 - 35%, mức tăng này cao hơn thị trường Bangkok và tương đương với thị trường Singapore.
PV: Theo bà, chúng ta có thể học hỏi gì từ các thị trường khu vực?
Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh: Thị trường Việt Nam được đánh giá là vẫn trong giai đoạn phát triển.
Ngoài yếu tố giá bán và tốc độ tăng giá, xét về sản phẩm, thị trường bất động sản Việt Nam có thể học được nhiều từ thị trường Bangkok và Singapore trong việc phát triển, thiết kế, tiếp thị và quản lý.
PV: Ở thời điểm hiện tại, bà có nhận thấy rào cản nào trên thị trường không?
Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh: Thị trường vẫn còn tồn tại những khó khăn nhất định như việc tình trạng pháp lý dự án còn có nhiều vấn đề khiến cho quy trình phê duyệt và cấp phép kéo dài, chưa có các khung pháp lý rõ ràng cho các sản phẩm đặc biệt.
Việc tăng trường nhanh chóng trong thời gian qua cũng cần được nghiên cứu kỹ để tránh tình trạng thị trường phát triển quá nóng nhằm duy trì khả năng phát triển bền vững cho thị trường.
Dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt tại Việt Nam nhưng khả năng cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường trong thời gian ngắn là khó xảy ra do tình hình dịch bệnh ở các nước khác vẫn còn phức tạp.
PV: Bối cảnh chung toàn cầu liệu sẽ tác động thế nào đến thị trường bất động sản Việt Nam?
Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh: Theo báo cáo gần đây của The Economist, giá bất động sản toàn cầu tiếp tục tăng bất chấp đại dịch. Trong đó ba yếu tố “Chính sách tiền tệ”, “Các biện pháp tài khóa” và “Mong muốn có một nơi ở tốt hơn” đã giúp giá nhà không chỉ đứng vững mà còn tăng.
Thị trường bất động sản Việt Nam cũng nằm trong xu hướng này.
PV: Bà kỳ vọng gì ở thị trường những tháng cuối năm?
Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh: Chính phủ Việt Nam đang điều chỉnh các chính sách điều hành nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn khống chế được dịch bệnh. Mục tiêu chính được quan tâm là thúc đẩy đầu tư công vào hạ tầng để tạo động lực phát triển cho các vùng kinh tế trọng điểm. Với định hướng này, chúng tôi kỳ vọng bất động sản sẽ hưởng lợi và là kênh thu hút dòng tiền và sự quan tâm nhiều của nhà đầu tư.
Ngoài ra, trong những tháng cuối năm, giá bất động sản tại Việt Nam vẫn tiếp tục xu hướng tăng vì nhiều lý do: Khan hiếm nguồn cung, quỹ đất phát triển thu hẹp, giá đất phát triển dự án tăng ảnh hưởng đến tổng chi phí đầu tư của các dự án mới, môi trường kinh tế vĩ mô mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Mặc dù giá tăng nhưng vẫn được thị trường đón nhận tốt vì lịch thanh toán được kéo giãn, lên đến vài chục năm, có thể nhận nhà khi chỉ thanh toán từ 15 - 30% tổng giá trị căn nhà.
Xin cảm ơn bà!