Tuy nhiên, trong 2 năm gần đây, bảng giá đất của UBND TP. Đà Nẵng hoàn toàn không tăng, mà chỉ có giảm. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tiền thuê đất tăng?
Doanh nghiệp kiến nghị xung quanh bảng giá đất
Theo thông tin phản ánh của một số doanh nghiệp, hiện nay trước những ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, giá thuê đất trên địa bàn TP. Đà Nẵng vẫn còn cao, gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc khôi phục kinh tế. Nhiều doanh nghiệp mong muốn được miễn giảm thuế, gỡ vướng mắc các thủ tục liên quan đến đất đai, đặc biệt là giảm tiền thuê đất trong giai đoạn này và không tăng giá thuê đất đối với các hợp đồng hết hạn điều chỉnh…
Trao đổi về vấn đề này, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng cho hay, thời gian qua rất nhiều doanh nghiệp có kiến nghị xung quanh việc thành phố điều chỉnh bảng giá đất. Tuy nhiên, ông Tô Văn Hùng khẳng định, trong 2 năm gần đây, TP. Đà Nẵng không tăng giá đất mà còn giảm. Cụ thể, “Quyết định năm 2019, giá đất thương mại dịch vụ bằng 90% giá đất ở, đất sản xuất kinh doanh bằng 70%. Đến năm 2020, thành phố tiếp tục ban hành quyết định mới thì giá đất thương mại dịch vụ bằng 80% giá đất ở.
“Tiếp tục năm 2021, TP. Đà Nẵng có quyết định thay thế quyết định năm 2019 thì giá đất thương mại dịch vụ bằng 70% giá đất ở, đất sản xuất kinh doanh bằng 50%. Điều này có nghĩa rằng trong 2 năm liên tiếp thành phố đã giảm 20% giá 2 loại đất trên, trong khi đó bảng giá đất ở hoàn toàn không thay đổi mà chỉ bổ sung một số tuyến đường chưa có bảng giá”, ông Tô Văn Hùng nói.
Hơn hết, theo khoản 1, Điều 14, Nghị định 44 của Chính phủ quy định điều kiện điều chỉnh bảng giá đất khi giá đất phổ biến trên thị trường tăng 20% trở lên so với giá đất tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá đất tối thiểu trong bảng giá thì lúc đó sẽ thực hiện việc điều chỉnh giá đất. “Hiện nay, UBND TP. Đà Nẵng đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng tham mưu việc này. Chúng tôi đang tiến hành những bước khảo sát, dự kiến báo cáo nếu có điều chỉnh trong cuối năm 2021. Nhưng, qua kết quả khảo sát đến thời điểm này thì giá đất tại một số khu vực trên địa bàn thành phố chỉ bằng 30 - 80% giá phổ biến trên thị trường”, ông Tô Văn Hùng, giải thích thêm.
Giá đất giảm, vì sao tiền thuê đất vẫn tăng?
Đối chiếu với thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng về việc giá đất giảm, nhưng hiện nay theo một số doanh nghiệp trên địa bàn tiền thuê đất vẫn tăng. Trao đổi về vấn đề này, ông Tô Văn Hùng nhận định có thể là do chu kỳ thuê đất mới của các doanh nghiệp này. Cụ thể, chu kỳ thuê đất trước đây theo bảng giá năm 2017 là rất thấp. Sau khi điều chỉnh Quyết định 06/2019 của UBND TP. Đà Nẵng thì giá bình quân tăng lên gần 4 lần. Hiện tại thành phố vẫn đang hỗ trợ tiền thuê đất hàng năm đối với các doanh nghiệp trên địa bàn. Cho đến nay, Đà Nẵng chưa có quyết định liên quan đến việc tăng giá đất thời gian trước đó cũng như trong thời gian tới.
Ngoài ra, ông Hùng viện dẫn, theo khoản 6, Điều 3, Nghị định 123 (năm 2017) của Chính phủ quy định đối với các trường hợp được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm và đang trong chu kỳ ổn định đơn giá thuê đất nếu UBND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh giảm mức tỷ lệ phần trăm (%) tính đơn giá thuê đất, hệ số điều chỉnh giá đất để hỗ trợ, giải quyết khó khăn doanh nghiệp thì được áp dụng mức tỷ lệ phần trăm (%), hệ số điều chỉnh giá đất sau khi điều chỉnh, kể từ ngày Quyết định của UBND cấp tỉnh có hiệu lực thi hành và cho thời gian còn lại của chu kỳ ổn định đơn giá thuê đất...
"Có nghĩa rằng, theo Quyết định 07/2021 của UBND TP. Đà Nẵng (có hiệu lực từ 27/3/2021), doanh nghiệp có thể tiếp cận quy định trên, kiến nghị áp dụng hệ số này để hỗ trợ giá cho thuê đất hàng năm", ông Tô Văn Hùng nói.
Giải thích về giá đất, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, từ năm 2020, TP. Đà Nẵng đã tính đến phương án giảm tất cả các hệ số và Đà Nẵng là địa phương duy nhất trên cả nước làm việc này và chu kỳ thuê đất thời hạn 5 năm đến thời hạn sẽ có điều chỉnh.
“Các doanh nghiệp có thể vận dụng các chính sách ưu tiên để kiến nghị, ngành thuế xem xét hướng dẫn điều chỉnh để giảm cho doanh nghiệp trên cơ sở quyết định của Ủy ban nếu như có căn cứ. Còn tôi khẳng định lại là không có việc tăng giá đất, vừa rồi chúng tôi đã có bàn đến việc điều chỉnh hệ số tại các tuyến đường chưa đặt tên sắp tới sẽ công bố, nên các doanh nghiệp an tâm lãnh đạo thành phố không lấy tiền thuế thu từ đất mà phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng khẳng định.
Kiến nghị giảm 50% tiền thuê đất cho doanh nghiệp
Mới đây, ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đã đề nghị Bộ Tài chính xem xét, đề xuất Chính phủ gia hạn và giảm thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 của Chính phủ.
Cụ thể, Đà Nẵng đề xuất giảm 50% tiền thuê đất phải nộp của các doanh nghiệp trong năm 2021; miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV/2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, địa bàn, các hình thức, phương pháp khai thuế, nộp thuế.
Đà Nẵng cũng đề nghị Bộ Tài chính xem xét, đề xuất Chính phủ giảm thuế giá trị gia tăng kể từ ngày 1/9/2021 đến hết ngày 31/12/2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực, bao gồm: Vận tải (vận tải đường sắt, vận tải đường thủy, vận tải hàng không, vận tải đường bộ khác); dịch vụ lưu trú; dịch vụ ăn uống; hoạt động xuất bản; hoạt động điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch; hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí; hoạt động của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; hoạt động thể thao, vui chơi và giải trí. Doanh nghiệp, tổ chức có hoạt động kinh doanh quy định tại khoản này thực hiện nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ phần trăm (%) trên doanh thu được giảm 30% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng.
UBND TP. Đà Nẵng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các chính sách tín dụng trong thời gian tới; điều chỉnh Thông tư 14/2021/TT-NHNN ngày 7/9/2021 quy định cơ cấu nợ tối đa 12 tháng, đề nghị kéo dài thành 24 tháng kể từ ngày thực hiện cơ cấu lại để doanh nghiệp có đủ thời gian khôi phục./.