Nền tảng của nhân cách
Ngày Gia đình Việt Nam, hơn 90 triệu dân Việt Nam từ thành thị đến nông thôn, từ miền núi đến miền xuôi, từ đất liền đến biên giới hải đảo sum họp bên những người thân yêu nhất của mình trong tình yêu thương ấm áp. Ngày 28/6 đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống, là dịp để ông, bà, con, cháu, dâu rể gặp mặt, quây quần bên bữa cơm gia đình với tất cả sự trân trọng, nhân ái đong đầy.
Nhìn ở khía cạnh sự liên kết chặt chẽ giữa gia đình và xã hội ta thấy, thời đại nào cũng vậy, xã hội nào cũng thế, dù là người châu Á, châu Âu, châu Phi, hay châu Mỹ, dù là người giàu có nhất đến những người nghèo khổ cơ hàn đều được sinh ra, lớn lên từ một gia đình. Đó chính là cái nôi đầu tiên để nuôi dưỡng về thể chất, ươm mầm về trí tuệ, hình thành về nhân cách để rồi khi trưởng thành là một công dân tốt cho gia đình và xã hội.
Mối liên hệ biện chứng giữa gia đình và xã hội là mối liên hệ phổ biến mang cốt cách của sự ràng buộc tác động lẫn nhau. Một người lớn lên từ gia đình, được nuôi dưỡng tốt về thể chất, được giáo dục tốt về đạo lý và tình nhân ái, chắc chắn người ấy trưởng thành và có ích cho gia đình và xã hội. Ngược lại một người sinh ra trong một gia đình không có nề nếp gia phong, thiếu sự dạy bảo, gương mẫu của cha mẹ, không được giáo dục về tình thương yêu, chắc hẳn người đó khiếm khuyết nhiều về phẩm chất, nhất là phẩm chất về lòng nhân ái và tình yêu thương con người.
Trong xã hội hiện đại ngày nay, các thành viên trong gia đình không phải lo nhiều đến việc cơm áo gạo tiền, cuộc sống của người thành thị phồn hoa ăn ngon mặc đẹp, nền công nghệ hiện đại làm cho nhiều người có quan niệm sai lệch về gia đình. Có người nghĩ thiển cận chỉ cần có tiền nhiều là có tất cả, cứ có tiền là gia đình sẽ hạnh phúc.
Quan niệm ấy không chỉ sai lầm căn bản về cách nhìn nhận những tiêu chí cần đạt được để có một gia đình hạnh phúc, mà còn rơi vào chủ nghĩa tôn sùng đồng tiền, coi đồng tiền là vạn năng, trong khi đó hạnh phúc gia đình vốn lấy tình yêu thương và lòng nhân ái làm điểm tựa căn bản.
Đành rằng cuộc sống đầy đủ vật chất là điều kiện để mỗi thành viên trong gia đình ấy phát triển, nhưng thiếu đi lòng nhân ái và tình yêu thương con người, thì dù tiền nhiều đến bao nhiêu chăng nữa cũng chẳng mang lại điều nhân bản cho xã hội và gia đình, thậm chí còn có hại và nguy cơ của xã hội, bởi ở gia đình ấy, mối quan hệ của các thành viên dựa trên cơ sở đồng tiền, họ sẵn sàng thù oán, giận dữ, thậm chí chém giết nhau vì tiền.
Và dù thời đại có đổi thay, sự phân hóa dầu nghèo càng nhiều, sự phân tầng xã hội càng lớn thì gia đình vẫn là hai tiếng thiêng liêng, là cái nôi bền vững nhất để chở che những lỗi lầm, xoa dịu những niềm đau, sẻ chia những mất mát. Sự sẻ chia ấy không ai khác mà chính là những người thân yêu nhất, là bố, mẹ, anh, chị em của mỗi chúng ta.
Nếu xã hội là môi trường giúp mỗi người hoàn thiện về nhân cách thì gia đình là nơi đầu tiên ươm mầm xây dựng nhân cách ấy. Không có một nhân cách hoàn hảo nếu không được ươm mầm từ gia đình. Những vĩ nhân của mọi thời đại như Lê Nin, Hồ Chí Minh, Mác…họ đều được ươm mầm tri thức từ gia đình, mà cái gốc là lòng nhân ái và tình yêu thương con người.
Ông bà, cha mẹ là “gương sáng”
Một gia đình nề nếp thuận hòa và chứa chan tình thương yêu, bao giờ ông bà, bố mẹ cũng là tấm gương sáng về nhân cách để cho con cháu noi theo và học tập. “Tấm gương” ấy không chỉ bằng lời nói “suông” hoặc “giáo điều” mà phải bằng hành động thực tiễn và những việc làm cụ thể có ích. Chính việc làm có ích ấy là ngọn đèn thắp sáng ngọn lửa về tình thương yêu cho các con trong gia đình.
Một gia đình nề nếp, ông bà mẫu mực, bố mẹ thuận hòa, anh em thương yêu nhau chắc hẳn thành viên trong gia đình đó hạnh phúc, mọi người tôn trọng nhau, kính trên nhường dưới, bố mẹ nói con cái nghe, ông bà dạy cháu chắt vâng lời; ngược lại một gia đình thiếu nề nếp, ông bà không gương mẫu, bố mẹ không thuận hòa, thiếu sự trân trọng giữa các thành viên, chắc chắn những đứa con trong gia đình đó thiếu rất nhiều về tình thương và trách nhiệm.
Nhìn ở góc độ triết học biện chứng nhân quả, ông bà sống đức độ, bố mẹ sống gương mẫu chính là gieo nhân cho con cháu hái quả ngọt. Bởi sự đức độ của ông bà, bố mẹ chính là “gương” để con cháu học tập noi theo. Không ai tự nhiên biết sự trân trọng và tình yêu thương khi mới lọt lòng, mà nó phải được giáo dục từ lời nói và hành động của chính ông bà, cha mẹ. Mỗi lời nói hay, việc làm tốt của ông bà, cha mẹ là hình ảnh đẹp ngấm dần vào tiềm thức của con cái. Ý thức hệ của con cái cũng bắt đầu từ “gương sáng” của ông bà, cha mẹ.
Thời đại ngày nay nền kinh tế thay đổi, đạo đức xã hội cũng phần nào có sự khác biệt với trước kia, song ông bà, cha mẹ là “tấm gương” của con cái thì không hề đổi thay. Và dù xã hội có đổi thay thế nào đi nữa, Gia đình Việt Nam vẫn là nơi nuôi dưỡng đầu tiên của tâm hồn Việt. Nói cách khác, nó là “tế bào” căn bản nhất của một xã hội hiện đại.