LTS: Năm 2016, Tỉnh ủy Quảng Nam quyết định thoái vốn tại Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Quảng Nam. Sau đó, nhận thấy việc thoái vốn tại một doanh nghiệp giữ vai trò quan trọng đối với sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương là không phù hợp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam đã xem xét và thống nhất phương án khôi phục lại số cổ phần đã thoái vốn tại Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Quảng Nam.
Trong khi đó, Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu tổng quát là bảo đảm số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh trong mọi tình huống; đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các ngành kinh tế quan trọng, thiết yếu; mọi người dân, mọi đối tượng được tiếp cận, sử dụng nước công bằng, hợp lý,… Vì vậy, việc cấp thiết hiện nay là khôi phục vốn Nhà nước sở hữu tại Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Quảng Nam.
Thực tế, trong thời gian qua, việc Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Quảng Nam với vai trò chủ đầu tư của một số dự án phát triển đô thị như dự án Khu đô thị số 9, Khu đô thị số 9 mở rộng (đều thuộc Đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc) đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế, dẫn đến khiếu nại, khiến kiện kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự trên địa bàn,…
Vừa đánh trống vừa la làng?
Riêng với dự án Khu đô thị số 9 được triển khai đã gần 2 thập kỷ nhưng chưa hoàn thành, chủ đầu tư có vẻ “không được lòng” người dân vùng dự án. Bởi lẽ hiện nay đã xuất hiện một số trường hợp tái lấn chiếm; một số trường hợp không đồng ý với phương án bồi thường để bàn giao mặt bằng; một số hộ tái định cư đã giao đất, chấp nhận đến nơi ở mới nhưng qua nhiều năm vẫn không có sổ đỏ để đáp ứng nhu cầu ổn định đời sống hay một số người dân tỏ ra bất bình khi chủ đầu tư có cách làm bất nhất, người đi sau lại được phần lợi hơn so với người đi trước,…
Với khách hàng, chủ đầu tư lại có cách hành xử “mới lạ”. Nhiều trường hợp khách hàng ký với Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Quảng Nam các hợp đồng huy động góp vốn để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ những năm 2011 – 2012, thời gian cam kết giao đất sau khoảng 12 tháng tính từ thời điểm ký kết. Chủ đầu tư không thể giao đất theo đúng hạn cam kết chẳng đành, nhưng đến khi đất đã có trên thực tế, đã được cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất thì chủ đầu tư lại “lật mặt”, khởi kiện khách hàng ra Toà với yêu cầu vô hiệu hoá hợp đồng.
Đơn cử, ngày 2/11/2022, Toà án Nhân dân TX. Điện Bàn thụ lý và giải quyết vụ án dân sự số 200/2022/TLST-DS về “Tranh chấp hợp đồng dân sự” giữa nguyên đơn là Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Quảng Nam và bị đơn là bà N.T.T.H. (sinh năm 1975, trú tại TP. Đà Nẵng). Cụ thể, Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Quảng Nam khởi kiện, yêu cầu Toà án vô hiệu hoá hợp đồng huy động góp vốn để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã ký với khách hàng.
Qua thông tin xác minh, lô đất ký hiệu E9 – 52 tại Khu đô thị số 9 mà khách hàng N.T.T.H. đã góp vốn mua, thực tế đã được UBND tỉnh Quảng Nam cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất số CH 683002 ngày 16/6/2017. Tuy được cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất từ năm 2017 nhưng chủ đầu tư lại không bàn giao đất cho khách hàng theo cam kết, và đến cuối năm 2022 thì khởi kiện khách hàng ra Toà nhằm chối bỏ trách nhiệm. Bà N.T.T.H. cho rằng chủ đầu tư đang cố ý “cướp đất” của khách hàng, mặc cho sự chờ đợi, thông cảm của khách hàng trong suốt thời gian mà chủ đầu tư không thể triển khai dự án đúng dự kiến, không thể giao đất cho khách theo thời gian cam kết trong hợp đồng đã ký.
Đáng chú ý, dù đang trong thời gian Toà án thụ lý giải quyết vụ án, chưa có kết luận cuối cùng nhưng chủ đầu tư đã dùng lô đất bán cho khách hàng cầm cố tại ngân hàng. Theo Văn phòng Đăng ký đất đai Quảng Nam, ngày 29/3/2023, đơn vị này xác nhận nội dung đăng ký thế chấp bằng quyền sử dụng đất đối với lô đất E9 – 52, Khu đô thị số 9 của Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Quảng Nam tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín – Chi nhánh Quảng Nam.
Được biết, sự việc của bà N.T.T.H. là một trong rất nhiều trường hợp đất đã được cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất nhưng chủ đầu tư không giao cho khách hàng mà khởi kiện ra Toà yêu cầu vô hiệu hoá hợp đồng huy động góp vốn. Không biết, những quyền sử dụng đất đấy đang được chủ đầu tư quản lý hay cũng đang nằm thế chấp ở ngân hàng? Tuy nhiên, với sự việc như trên, có thể thấy chủ đầu tư đang bộc lộ rõ quan điểm kinh doanh theo kiểu “qua cầu rút ván”!
Kỳ vọng gì từ việc Nhà nước khôi phục nắm quyền chi phối?
Quay trở lại chủ trương phục hồi cổ phần vốn Nhà nước đã thoái vốn trước đây tại Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Quảng Nam, với việc nắm lại quyền chi phối doanh nghiệp, chính quyền Quảng Nam sẽ kiểm soát được hoạt động kinh doanh liên quan đến cung cấp nước sạch đối với đời sống người dân và sự phát triển kinh tế trên địa bàn, quan trọng hơn là đảm bảo được an ninh nguồn nước và sự ổn định của xã hội.
Không dừng lại ở đấy, nắm quyền chi phối tại Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Quảng Nam cũng đồng nghĩa Nhà nước sẽ kiểm soát được những hoạt động kinh doanh khác của doanh nghiệp này, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản. Hiện doanh nghiệp đang là chủ đầu tư của 2 dự án phát triển đô thị tại Đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc và những dự án này cũng đang vướng phải những khó khăn lớn, nhiều năm không thể tháo gỡ.
Dự án Khu đô thị số 9, được triển khai từ năm 2004, quy mô dự án là 54,31ha, đến nay đã chi trả đền bù, giải phóng mặt bằng được 44,7ha. Dự án Khu đô thị số 9 mở rộng, được UBND tỉnh Quảng Nam chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 5/2020, quy mô dự án là 10,24ha, đến nay đã chi trả đền bù, giải phóng mặt bằng được 2,76ha. Tại 2 dự án này, diện tích còn lại hiện đang gặp vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, chủ yếu là người dân không chấp nhận với phương án bồi thường được đưa ra, bên cạnh đó là bị ảnh hưởng bởi một số vị trí mất hiện trạng một phần hoặc một số vị trí bị mất hiện trạng hoàn toàn do chủ đầu tư đã tự ý thi công khi chưa đủ điều kiện, làm chậm công tác thẩm định của cơ quan chức năng. Ngoài ra, cũng đang xuất hiện một số tồn tại như quyền lợi của người dân tái định chưa được đảm bảo, tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện từ khách hàng mua đất dự án ngày càng nhiều,…
Thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã có nhiều chỉ đạo liên quan đến tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Nếu nắm quyền chi phối doanh nghiệp này, chính quyền cũng sẽ kiểm soát được vấn đề triển khai đầu tư 2 dự án bất động sản nêu trên, các biện pháp tháo gỡ khó khăn mà chính quyền đưa ra sẽ được áp dụng trong thời gian sớm nhất. Đặc biệt, đối với dự án Khu đô thị số 9 đã triển khai trong gần 20 năm nhưng chưa hoàn thành, nếu những biện pháp được áp dụng và triển khai nghiêm túc từ chủ đầu tư và mang lại hiệu quả, đưa dự án về đích dù đã lỡ hẹn nhiều lần thì cũng sẽ tạo thành một điểm sáng cho Đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc, một đô thị mới mà ở đó hầu như dự án nào cũng gặp khó khăn, bế tắc.
Quan trọng hơn, khi Nhà nước nắm quyền chi phối, những tồn tại xuất phát từ nguyên nhân chủ quan ở 2 dự án kể trên cũng sẽ từng bước được tháo gỡ như quyền lợi của người dân tái định cư, quyền lợi của khách hàng mua đất, đảm bảo chất lượng cơ sở hạ tầng… Cùng với đó là đảm bảo được uy tín của Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Quảng Nam – một doanh nghiệp lớn của địa phương, để không như bây giờ, có vẻ đang dần bị đánh mất bởi quan điểm kinh doanh của lãnh đạo hiện tại.
Được biết, trong cơ cấu giá nước được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt và Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Quảng Nam thực hiện thu có tính chi phí khấu hao tài sản để tạo nguồn cho công ty hoàn trả nợ ngân sách Nhà nước đối ứng của các dự án nước sạch. Tuy nhiên, Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Quảng Nam vừa cho biết các nguồn thu của công ty không đủ đề bù đắp các chi phí nên không tích luỹ được để trả nợ ngân sách Nhà nước theo cam kết.