Giá cả tăng đều
Theo nghiên cứu của CBRE, so với năm ngoái, thị trường BĐS Hà Nội năm nay ghi nhận sự tăng giá ở một số phân khúc. Cụ thể, ở thời điểm hiện tại, đất nền ở Hà Nội đã tăng khoảng 1,3%. Đặc biệt ở những khu vực ven đô như Vĩnh Ngọc, Đông Trù (Đông Anh – HN) giá đất nền còn tăng cao hơn (tăng 10 – 15%) do hạ tầng tại đây đang trong quá trình triển khai và hoàn thiện.
Tại khu vực An Khánh – An Thượng (huyện Hoài Đức), mức tăng của phân khúc đất nền cũng dao động từ 10-15%.
CBRE cho hay, giá nhà tại Hà Nội tăng bắt đầu từ quý II/2016 với mức tăng từ 4-6% so với năm trước. Hiện tại, giá tăng chủ yếu ở phân khúc cao cấp và trung cấp.
Tại TP.HCM, phân khúc nhà lẻ, nhà phố cũng có sự tăng giá. Điển hình tại các quận khu vực trung tâm (quận 3, quận 8, Phú Nhuận…), giá nhà đã tăng khoảng 200 – 500 triệu so với thời điểm giữa năm. Ở khu vực vùng ven thành phố (Thủ Đức, Bình Tân), mức tăng giá cũng dao động từ 25 – 30%.
Trong số nhiều phân khúc tăng giá trên thị trường BĐS TP.HCM điển hình nhất phải kể đến phân khúc căn hộ tầm trung và cao cấp. Theo đó, nhiều dự án chung cư bình dân sắp bàn giao có mức tăng giá thấp nhất là 100 triệu đồng và cao nhất là 300 triệu đồng. Đơn cử như căn hộ La Astoria, căn hộ Sơn Kỳ 1 (tăng giá 15-20%), CitiHome Cát Lái (10%), The Art (5-7%)…
Theo CBRE, ở phân khúc cao cấp, diễn biến tăng giá được ghi nhận tại các dự án quy mô lớn của chủ đầu tư có uy tín, dự án cung cấp đầy đủ các tiện ích, hạng mục phụ trợ trong khu đô thị. Còn tại phân khúc trung cấp, các dự án có mức giá tốt, ở vị trí thuận tiện tạo cơ hội tăng giá khi bán lại cho khách hàng gần như là kênh đầu tư được nhiều người lựa chọn. Dự kiến giá bán ở phân khúc này đã tăng từ 3 - 6% – mức tăng mạnh so với các phân khúc khác.
Nguyên nhân tăng giá được CBRE nhận định do nguồn cung đang có dấu hiệu giảm dần vì tín dụng vào BĐS đang bị siết chặt. Các dự án mới của doanh nghiệp bị dừng cấp phép triển khai do khó tiếp cận với nguồn vốn. Bên cạnh đó, Thông tư 06/TT-NHNN ban hành hồi tháng 6/2016 dù được đánh giá là cải thiện so với Thông tư 36 trước đó nhưng lượng vốn vào BĐS vẫn có xu hướng hạn chế. Nhiều doanh nghiệp do đó không còn được tiếp cận vốn rẻ như trước. Vốn giảm, số lượng dự án theo đó cũng giảm đi dẫn đến việc tăng giá căn hộ là điều tất yếu.
CBRE dự báo, giá nhà tại Hà Nội đang tăng và sẽ tiếp tục tăng từ cuối năm nay đến năm 2017, sau đó sẽ chậm lại từ năm 2018.
Thanh khoản vẫn “cực nóng”
Báo cáo thị trường BĐS TP.HCM quý III/2016 của CBRE Việt Nam cho biết, thị trường căn hộ bán ra tiếp tục tăng trưởng tích cực, thúc đẩy số lượng căn hộ mới mở bán và lượng giao dịch. Theo đó, có khoảng 10.114 căn hộ được chào bán mới ra thị trường từ 26 dự án, tăng hơn gấp ba lần quý III/2014.
Nếu xét theo khu vực thì nguồn cung mới ở phía Nam (bao gồm quận 4, 7, 8 và huyện Nhà Bè) chiếm 36% trong tổng số nguồn cung mới, trong khi khu phía Đông gần đây đang sôi động cũng chỉ chiếm 29% tổng nguồn cung trên thị trường trong quý này.
Đáng chú ý, số lượng căn hộ bán ra tăng đến 32% so với quý trước đó, đạt 7.811 căn. Để có được kết quả khả quan này, các doanh nghiệp khi bước vào cuộc đua doanh số cuối năm phải “đau đầu” tìm kiếm hướng đi khác biệt, lựa chọn phương thức cạnh tranh cũng như chiến lược bán hàng hiệu quả với các chính sách ưu đãi hấp dẫn để thu hút khách hàng.
Trong tháng đầu tiên của quý IV/2016, thị trường BĐS TP.HCM ghi nhận lượng giao dịch tăng lên từ phân khúc căn hộ. Đặc biệt, khu vực trung tâm thành phố tiếp tục là minh chứng điển hình cho sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư, đơn cử như Dự án HaDo Centrosa Garden của Tập đoàn Hà Đô.
Được biết, với quỹ đất rộng và sở hữu vị trí “vàng” ngay trung tâm quận 10, chỉ sau 2 tháng mở bán, 100% số căn biệt thự của dự án này đã được khách hàng đặt mua. Riêng 2 block căn hộ là Orchid 1 và Orchid 2, có 80% số căn đã bán ra thành công kể từ thời điểm công bố mở bán.
Thanh khoản khả quan ở phân khúc căn hộ tầm trung cũng được ghi nhận tại một dự án nằm ngay trung tâm quận 7 – Dự án Saigon South Residences của chủ đầu tư Phú Mỹ Hưng. Theo đó, chỉ riêng ngày mở bán đầu tiên, đã có hơn 90% trong tổng số 521 căn hộ chào bán của dự án này đã được đặt mua, vượt dự kiến 200 căn.
Thanh khoản tích cực trong tháng còn phải kể đến The GoldView (quận 4, TP.HCM) của CĐT TNR Holdings Việt Nam. Được biết, sau khi tung ra chính sách bán ưu đãi với giá trị quà tặng hơn 1,7 tỷ đồng, lượng giao dịch thành công của dự án đã tăng thêm đáng kể. Ước tính ban đầu mức tăng tầm 20 - 30% so với thời điểm mở bán trước.
Nhiều ý kiến trong giới kinh doanh BĐS cho rằng, xét về tổng thể, phân khúc có giao dịch tốt nhất trong tháng đầu tiên của quý IV vẫn là căn hộ tầm trung (giá từ 20 - 32 triệu/m2).
Giới này lý giải, mặc dù giá bán biến động theo chiều hướng tăng lên song giao dịch của nhiều phân khúc trên thị trường vẫn ghi nhận dấu hiệu tích cực một phần là do thời điểm cuối năm, các doanh nghiệp tung ra nhiều chương trình bán hàng hấp dẫn. Theo đó, khách mua nhà quan tâm nhiều đến mức giá, lãi suất ưu đãi, chiết khấu và phương thức thanh toán.
Song song với chương trình bán hàng hấp dẫn, các yếu tố đóng vai trò quan trọng không kém trong việc gia tăng lượng giao dịch cuối năm còn phải kể đến tiến độ xây dựng, chính sách thanh toán và vấn đề quy hoạch hạ tầng. Những dự án được đánh giá có thanh khoản tốt về cơ bản đều đáp ứng được những yêu cầu này, ít nhất trong mắt người mua nhà.
Theo nhận định của JLL, những tháng cuối năm là thời điểm đỉnh cao của tính thanh khoản trên thị trường. Trong thời gian tới, giao dịch nhà đất được nhận định sẽ tiếp tục sôi động với nhiều dự án mới tung ra, tập trung chủ yếu ở phân khúc trung – cao cấp với mức giá bán từ 20 - 35 triệu đồng/m2.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, thời điểm trước Tết Âm lịch là giai đoạn thị trường BĐS phát triển mạnh nhất, sức mua luôn dồi dào, đặc biệt là khi các ngân hàng thương mại đang có động thái giảm lãi suất cho vay. Vấn đề còn lại của doanh nghiệp là mang đến cho khách hàng một sản phẩm tốt với mức giá hợp lý kèm theo các chính sách hỗ trợ khoa học. Nếu kết hợp tốt các yếu tố trên, giao dịch thị trường thời điểm cuối năm sẽ bùng nổ mạnh mẽ.