Từ đầu năm đến nay, chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội đã có hàng chục vụ tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư ở các dự án bất động sản. Trong đó, đa phần tập trung ở những dự án đã bàn giao và đưa vào sử dụng như dự án Home City (Cầu Giấy), CT1 Trung Văn (Nam Từ Liêm), Gamuda Gardens (Hoàng Mai), Hồ Gươm Plaza (Hà Đông), Golden West (Thanh Xuân), Tòa C – Golden Silk (Hoàng Mai)….
Tranh chấp tại các dự án chủ yếu về chất lượng nhà ở, chưa đảm bảo phòng cháy chữa cháy, diện tích chung riêng, phí bảo trì, lối đi… và việc giải quyết các tranh chấp này là điều không dễ dàng.
Vậy, người dân cần phải làm gì trong các trường hợp xảy ra tranh chấp với chủ đầu tư?
Ông Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty luật Basico cho rằng, nếu chủ đầu tư làm ăn lâu dài, uy tín thì không có lý do gì làm khó cư dân. Hiện nay chủ đầu tư tại Việt Nam vẫn chưa chuyên nghiệp, thiếu uy tín nên có thể giá rất rẻ, đã xây dựng xong nhưng vẫn không bán được hàng.
“Không có gì ràng buộc khi xảy ra tranh chấp, người dân thường chỉ gây sức ép bằng báo chí, căng băng rôn khẩu hiệu làm chủ đầu tư sốt ruột, đẩy nhanh tiến độ. Có cư dân còn dọa kiện chủ đầu tư đi tù, cầm tiền mà xây chưa đâu vào đâu nhưng cơ quan công an không khởi tố. Trường hợp này tốt nhất nên đề nghị thanh lý, tự bán cắt lỗ được đồng nào hay đồng ấy”, ông Đức cho hay.
Ông Đức cũng chia sẻ, vấn đề bán nhà được cả chủ đầu tư và cư dân đều quan tâm, có thể bên này là lợi thế, bên kia là yếu thế. Vì thế, nếu chủ đầu tư chưa bán hết căn hộ, cư dân hoàn toàn có thể cân nhắc đặt thẳng vấn đề với chủ đầu tư, mặc cả với nhau, ai mất nhiều, ai mất ít, chẳng hạn bỏ ra vài tỷ bảo trì để bán ra có lợi hơn.
Còn trong trường hợp bất lợi cho cư dân khi dự án bán hết rồi hoặc chỉ còn vài căn, cư dân cần đấu tranh hết sức cân nhắc. Càng mâu thuẫn lớn, giá có thể xuống, môi trường ảnh hưởng. Không thể nói dừng hay tiếp tục mà tùy từng trường hợp.
“Khi đã có mâu thuẫn thì sẽ có chuyện thiệt hại và chấp nhận thua thiệt. Do vậy đã đến lúc Luật Nhà ở cần xem xét, bảo vệ người dân từ quá trình mua đến lúc ở” - ông Đức nhấn mạnh.
Còn ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Quản lý và bảo trì tòa nhà (VBMA) cho rằng, các vụ tranh chấp ngày càng gay gắt trên thị trường cũng là điều dễ hiểu bởi hiện nay có hàng trăm tòa chung cư bàn giao ồ ạt, trong khi đó luật của chúng ta hiện nay còn nhiều thiếu sót, chưa thực sự chi tiết và bám sát các vấn đề tồn tại. Chính vì vậy gây ra tình trạng tranh cãi của cư dân và chủ đầu tư.
“Hiện nay, các vụ tranh chấp cư dân xảy ra hầu hết cư dân chỉ để ý đến quyền lợi mà chưa để xem xét hết những trách nhiệm của mình. Chủ đầu tư cũng cần xem xét trách nhiệm của mình đối với cư dân và cần thực hiện cam kết một cách chặt chẽ” – ông Hiệp nói.
Không phủ nhận sự ảnh hưởng của những vấn đề tranh chấp chung cư đến giá trị căn hộ sau khi bàn giao, ông Hiệp cho rằng, người mua nhà cũng ngần ngại mua những dự án đang có tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư. Tuy nhiên, theo ông sự ảnh hưởng này cũng là ít, không phải cứ có tranh chấp là dự án giảm giá, bởi giá trị căn hộ còn phụ thuộc vào vị trí, chất lượng xây dựng nhà ở.
“Thực tế cho thấy, hiện nay hầu hết ở các tòa chung cư, cư dân vẫn rất quyết liệt trong việc đấu tranh đòi quyền lợi, cũng không vì sợ dự án giảm giá mà giảm đi phần đấu tranh đòi quyền lợi. Các vụ tranh chấp gay gắt thường bởi chủ đầu tư và cư dân không thể thương lượng được và không thể tìm được tiếng nói chung. Trong những trường hợp này, cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng” – ông Hiệp cho hay.