Lúc 9 giờ, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 56,5 - 58,12 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). So với chốt phiên hôm qua, mức giá này tăng 1,05 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 1,2 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.
Tại Tập đoàn Vàng bạc Phú Quý, giá vàng SJC cũng được điều chỉnh tăng 700.000 đồng/lượng ở chiều mua và 1,2 triệu đồng/lượng ở chiều bán so với giá đóng cửa phiên hôm qua, niêm yết ở mức 56,2 - 58 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Còn tại Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 56,35 - 58 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). So với cuối giá chốt phiên hôm qua, mức giá này tăng 1,1 triệu đồng/lượng ở chiều mua và 1,3 triệu đồng/lượng ở chiều bán.
Giá vàng thế giới đã thiết lập kỷ lục mới trong phiên 27/7, giữa lúc giới đầu tư tìm kiếm nơi “ẩn náu” trước một nền kinh tế toàn cầu bị tàn phá bởi đại dịch COVID-19 và sự leo thang căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc.
Theo đó, giá vàng giao ngay đã tăng 1,8% lên 1.934,62 USD vào lúc 0 giờ 38 phút (sáng ngày 28/7 theo giờ Việt Nam). Trước đó trong cùng phiên, giá kim loại quý này đã có lúc đạt mức cao kỷ lục 1.945,16 USD/ounce. Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng tiến 1,8% lên 1.931 USD/ounce.
Ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cao cấp của công ty môi giới đầu tư OANDA cho biết, đồng USD đang mất đi sức hấp dẫn như một kênh trú ẩn an toàn. Nhiều khả năng đà tăng giá của vàng sẽ tiếp tục khi đồng bạc xanh “chìm xuống".
Phiên này, chỉ số đồng USD - được coi là thước đo "sức khỏe" của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác - giảm 0,82% xuống mức thấp nhất trong hai năm là 93,6738.
Chuyên gia Moya nhận định các nhà đầu tư đang đổ xô vào vàng, đồng thời cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) rất có khả năng sẽ đẩy mạnh nỗ lực “sửa chữa” nền kinh tế, và diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 có nghĩa là các biện pháp kích thích sẽ vẫn được duy trì.
Đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ dự kiến sẽ sớm công bố gói viện trợ kinh tế trị giá 1.000 tỷ USD cho nền kinh tế đang chịu nhiều ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19. Các nhà đầu tư cũng sẽ để mắt đến cuộc họp của Fed bắt đầu vào ngày 28/7 (theo giờ địa phương), nơi các quan chức có thể đưa ra sự thay đổi trong chính sách hỗ trợ.
Theo giới quan sát, chỉ số đồng USD rơi xuống mức thấp của hai năm là do căng thẳng Mỹ-Trung tăng nhiệt. Ngoài ra, những lo ngại về nền kinh tế Mỹ khi đà lây lan dịch COVID-19 ở nước này chưa có dấu hiệu chậm lại cũng góp phần đẩy đồng USD đi xuống.
Giá vàng đã tăng 28% từ đầu năm đến nay, đánh dấu sự thay đổi so với xu hướng trước đại dịch COVID-19. Khi đó, vàng thỏi phải cạnh tranh với các kênh “trú ẩn an toàn” khác như đồng USD, đặc biệt là khi căng thẳng Mỹ - Trung hạn chế dòng chảy vào vàng./.